Tesco – một chuỗi siêu thị lớn ở Anh – đã tạm ngưng đặt hàng thiệp Giáng sinh tại một nhà máy ở Trung Quốc sau khi có cáo buộc tù nhân bị cưỡng bức làm việc để đóng gói bưu thiếp Giáng sinh ở nhà máy này, theo BBC.
Tấm thiệp có các dòng thông điệp được phát hiện bởi cô bé Florence Widdicombe, ghi là của các tù nhân ở Thượng Hải và họ đã “bị ép buộc phải lao động trái ý nguyện”.
“Xin hãy giúp chúng tôi và thông báo cho các tổ chức nhân quyền”, thông điệp viết.
Tesco cho biết họ đã rất “sốc” trước báo cáo trên, sau đó bình luận rằng: “Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép tồn tại các sản phẩm được làm bởi các tù nhân trong chuỗi cung ứng của chúng tôi”.
Siêu thị cho biết họ sẽ loại bỏ nhà cung ứng thiệp Giáng Sinh, Công ty In ấn Chiết Giang Vân Quang, nếu công ty này được xác nhận là đã sử dụng lao động trong tù.
Cô bé Florence đang viết thiệp cho bạn bè ở trường thì tình cờ phát hiện một trong số chúng – vẽ hình một con mèo con đội mũ ông già Noel – có các dòng ghi chú bên trên.
Bên trong tấm thiệp có dòng chữ ghi:
“Chúng tôi là tù nhân nước ngoài ở nhà tù Thanh Phố, Thượng Hải tại Trung Quốc. Chúng tôi bị cưỡng bức lao động trái ý nguyện. Xin hãy giúp chúng tôi và thông báo cho tổ chức nhân quyền”.
Tấm thiệp nhờ người đọc liên lạc với Peter Humphrey, một nhà báo người Anh từng bị giam cầm ở đó bốn năm trước.
Cha của Florence, anh Ben Widdicombe, cho biết lúc đầu ông cảm thấy “hoài nghi” khi nhìn thấy dòng tin nhắn và nghĩ đây có thể chỉ là “trò đùa của ai đó”.
“Nhưng suy xét kỹ lại, chúng tôi cho rằng việc này có thể khá nghiêm trọng”, ông nói. “Tôi cảm thấy rất sốc nhưng thấy có trách nhiệm cần phải truyền nó cho Peter Humphrey theo yêu cầu của chủ nhân tấm thiệp”.
Một phát ngôn viên của Tesco cho biết:
“Chúng tôi cũng đã bị sốc bởi những cáo buộc này và ngay lập tức tạm dừng sản xuất tại nhà máy và cho mở một cuộc điều tra”.
Chuỗi siêu thị này cho biết họ có một “hệ thống kiểm toán toàn diện” để đảm bảo các nhà cung cấp không khai thác nguồn nhân công lao động cưỡng bức. Nhà máy trong vụ việc đã được kiểm tra vào tháng trước và chưa có dấu hiệu cho thấy nó đã vi phạm lệnh cấm sử dụng lao động nhà tù.
“Cuộc sống khắc nghiệt trong tù”
Thông điệp trong tấm thiệp yêu cầu người đọc những dòng chữ này liên lạc với Peter Humphrey, người trước đây từng bị giam tại nhà tù Thanh Phố vì một tội danh được ông Humphrey mô tả là “những cáo buộc vớ vẩn chưa từng qua xét xử trước tòa”.
Sau khi gia đình Widdicombe gửi cho ông Peter một tin nhắn, ông Humphrey trả lời ngay sau đó rằng ông đã liên lạc với các tù nhân cũ và nhận được xác nhận rằng đúng là các tù nhân đã bị buộc phải làm việc.
Sau đó, ông đã viết một bài báo phơi bày việc này trên tờ Sunday Times.
Trao đổi với BBC, ông Humphrey nói:
“Tôi đã trải qua hai năm bị giam cầm tại Thượng Hải từ năm 2013 đến 2015, và chín tháng cuối cùng tôi đã bị giam trong chính nhà tù này và chính nhà giam này là nơi khởi nguồn thông điệp trên.
“Thông điệp này được viết bởi một trong số những người bạn tù của tôi từ thời đó, và hiện họ vẫn còn đang thi hành án tù.
“Rõ ràng một người đã viết tay chữ in hoa này và tôi nghĩ rằng tôi biết đó là ai, nhưng tôi sẽ không bao giờ tiết lộ tên của người đó”.
Ông cho biết, phòng giam của các tù nhân nước ngoài có khoảng 250 người, họ đang sống một “cuộc sống hàng ngày rất khắc nghiệt” với 12 tù nhân mỗi phòng giam.
“Họ ngủ trong những chiếc giường sắt rỉ sét với một tấm nệm dày không quá 1 cm”, ông nói.
“Vào mùa đông, trời rất lạnh nhưng không có lò sưởi. Vào mùa hè, trời rất nóng vì không có điều hòa.
“Họ thức dậy lúc 5:30 – 6:00 mỗi ngày và họ phải đi ngủ vào khoảng 9h30 tối”.
Khi ông còn ở đó, công việc sản xuất lao động là tự nguyện “để kiếm tiền mua xà phòng hoặc kem đánh răng trong tù”, nhưng giờ đây việc này đã trở thành bắt buộc.
“Tất cả những người tôi biết vào hồi đó đều vào tù vì những lý do rất đáng ngờ”, ông nói. “Tôi đã gặp rất nhiều người mà tôi cho là nạn nhân của việc bỏ tù oan hoặc ít nhất là những bản án tùy tiện cho những tội danh chẳng đâu vào đâu”.
Ông Humphrey cho biết ông tin rằng những người đã viết ghi chú “biết rất rõ những hậu quả mà họ phải đối mặt nếu bị bắt quả tang nhưng họ vẫn sẵn sàng chấp nhận rủi ro đó”.
“Họ biết rất rõ rằng nếu họ bị bắt, họ sẽ bị trừng phạt. Ví dụ, họ có thể bị trừng phạt bằng cách cắt xén khẩu phần ăn”.
“Họ có thể bị trừng phạt bằng cách chuyển đến những nơi biệt giam trong một tháng. Những nơi đó có điều kiện sống khá khắc nghiệt”.
Ông Humphrey cũng cho biết tình trạng kiểm duyệt trong nhà tù đã gia tăng, rất khó để liên lạc bằng các phương thức thông thường với những người tù mà ông đã gặp trước khi được thả ra vào năm 2015.
“Họ đã phải truyền thông tin ra ngoài bằng cách viết thông điệp lên chai, hoặc viết lên thiệp Giáng sinh của Tesco”, ông cho hay.
Đây cũng không phải là các trường hợp đầu tiên các tù nhân Trung Quốc gửi thông điệp qua các sản phẩm họ bị ép buộc phải làm cho các thị trường phương Tây.
Năm 2012, cô Julie Keith từ Portland, bang Oregon (Mỹ) đã phát hiện ra câu chuyện của một học Pháp Luân Công bị tra tấn và bức hại tại nhà giam Mã Tam Gia khét tiếng. Nạn nhân trong thư cho biết mình đã bị buộc phải sản xuất các món đồ trang trí Halloween mà cô Keith đang cầm trên tay. Câu chuyện này đã được dựng thành một bộ phim nổi tiếng mang tên “Lá thư từ Mã Tam Gia: Máu và Nước mắt đằng sau các sản phẩm Made In China”.
Năm 2014, cô Karen Wisinska từ Co Fermanagh ở Bắc Ireland, đã tìm thấy một ghi chú bên trong một chiếc quần Primark với nội dung: “Công việc của chúng tôi trong nhà tù là sản xuất quần áo thời trang để xuất khẩu. Chúng tôi phải làm việc 15 giờ mỗi ngày và thức ăn của chúng tôi tệ đến nỗi thậm chí còn không đáng cho chó hoặc lợn”.
Theo hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về nhân quyền trong các nhà tù, các tù nhân “không nên bị ép buộc lao động để kiếm lợi nhuận cho nhà tù hoặc cho một nhà thầu tư nhân”.
Tổng hợp, (Ảnh: BBC)