Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Thái Nguyên xác nhận nhà thầu căng tin tại Trung tâm GDQP&AN, Đại học Thái Nguyên chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP). Đáng nói, mặc dù chưa đủ điều kiện ATTP nhưng Công ty Năm Sánh vẫn đi vào hoạt động từ nhiều tháng nay khiến dư luận bức xúc!
Trước đó, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Đại học Thái Nguyên (xã Quyết Thắng, Tp Thái Nguyên) đã từng bị báo chí phản ánh về việc thực phẩm không rõ nguồn gốc (nhà ăn và nhà căng tin) bằng cách nào đó đã được “tuồn”, đưa vào trường để chế biến, kinh doanh cho nhiều học viên. Bình luận về việc này, ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng chi cục ATTP Thái Nguyên cho biết: “Liệu có việc trà trộn thực phẩm không an toàn vào hòng kiếm lời?”
Sự việc đã được khép lại, phía Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Đại học Thái Nguyên đã đưa nhà thầu mới thay thế cho 02 nhà thầu cũ. Tuy nhiên, nhà thầu mới lại chưa đủ điều kiện khi không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong nhiều tháng hoạt động tại Trung tâm. Và dư luận đặt dấu hỏi về cách thức cũng như “Ai đưa nhà thầu chưa đủ điều kiện an toàn thực phẩm vào Trung tâm GDQP&AN, Đại học Thái Nguyên!?
Hoạt động “chui”!?
Hiện nay, mọi cơ sở ngành nghề kinh doanh liên quan đến thực phẩm đều phải tuân thủ quy định hoạt động có giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thủ tục cấp giấy an toàn vệ sinh thực phẩm cần đảm bảo phải có giấy chứng nhận về sức khỏe và kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm, người trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh ngành nghề có liên quan đến thực phẩm phải có đủ sức khỏe đảm bảo hoạt động của cơ sở. Bên cạnh đó phải tham gia tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, chủ cơ sở phải trải qua bài kiểm tra liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên bằng cách nào đó, Công ty Năm Sánh Hà Nội dù không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm đã “lọt” vào Trung tâm để kinh doanh liên quan đến thực phẩm một thời gian dài nhưng không bị phát hiện, kiểm tra, xử lý? Dư luận đặt ra câu hỏi: Có hay không sự bao che, lợi ích nhóm của cán bộ Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Đại học Thái Nguyên?
Trách nhiệm thuộc về Trung tâm!
Bình luận về sự việc nhà thầu căng tin Trung tâm GDQP&AN, Đại học Thái Nguyên chưa có giấy an toàn vệ sinh thực phẩm dù đã đưa vào hoạt động trong thời gian dài, ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Thái Nguyên cho biết: “Khi nhà thầu đủ điều kiện và làm đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, sau đó Chi cục sẽ có trách nhiệm kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên đối với nhà thầu tại Trung tâm GDQP&AN ( – PV) bên Trung tâm đưa vào thì khi xảy ra sự việc, trách nhiệm thuộc về Trung tâm GDQP&AN, Đại học Thái Nguyên”.
Theo Điều 12, Nghị định số 15/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định, ngoại trừ 10 cơ sở thuộc diện không cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì những cơ sở ngành nghề kinh doanh khác liên quan đến thực phẩm đều phải tuân thủ quy định hoạt động có giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, việc cơ sở nhà thầu Công ty Năm Sánh Hà Nội không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm – điều kiện cần thì ai đảm bảo chắc chắn rằng quy trình chế biến thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm là an toàn? Và khi xảy ra sự việc thì trách nhiệm của Trung tâm GDQP&AN, Đại học Thái Nguyên là như thế nào?
Được biết, Trung tâm GDQP&AN, Đại học Thái Nguyên đang triển khai thực hiện chương trình “Chúng em học làm chiến sỹ” cho các em học sinh từ 10 đến 17 tuổi với khóa học 10 ngày thử thách “Chúng em học làm chiến sỹ”. Kinh phí mỗi học sinh là 2.600.000 đồng/01 em. Và việc sử dụng nhà thầu đang có dấu hiệu hoạt động “chui” trong việc kinh doanh ngành nghề thực phẩm khiến nhiều phụ huynh cảm thấy lo ngại về nguy cơ mất an toàn về sức khỏe, thậm chí là tính mạng cho con em họ. Bên cạnh đó là quyền lợi được đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm của cán bộ, học viên tại Trung tâm GDQP&AN, Đại học Thái Nguyên.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.
Xử phạt đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm quy định về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trừ trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trừ trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo lộ trình quy định của pháp luật.
>> Kỳ 2: Đại học Thái Nguyên: Công ty TNHH Năm Sánh Hà Nội ‘đánh bùn sang ao’?
Nhóm PV