Trong chuỗi các sự kiện “Lễ hội Vì Hoà bình 2024”, sáng nay 8/7, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp cùng một số đơn vị đã tiến hành tổ chức khai mạc triển lãm tranh “Hồi sinh”...
Triển lãm “Hồi sinh” như một sự nối dài của quá khứ và hiện tại. Những bức tranh ghi lại Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An… của một thời bom đạn, những con người đã từng có mặt trong thời khắc quyết liệt đó, nay tất cả cùng xuất hiện trở lại.
Lễ cắt băng khai trương triển lãm tranh “Hồi sinh”
Tại triển lãm đã trưng bày 130 bức tranh của cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm và họa sĩ Đinh Quang Hải với các chủ đề như: hầm – trời; con người; sinh hoạt; giao thông; nghỉ ngơi; phong cảnh.
Trong những năm 1960, khi việc ghi hình bằng nhiếp ảnh vẫn còn tốn kém, ký hoạ là phương thức phổ biến để ghi lại những hình ảnh thời sự tại chiến trường. Do đó từ Bắc đến Nam, nhiều người trẻ đã tham gia vào khoá “Mỹ thuật kháng chiến” và trang bị cho bản thân những kỹ năng như một người lính để có thể tác nghiệp ở những mặt trận ác liệt nhất.
Không gian triển lãm, nơi trưng bày 130 bức tranh của cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm và họa sĩ Đinh Quang Hải
Tranh của cố hoạ sĩ Phạm Thanh Tâm được ra đời trong hoàn cảnh ấy, khi một bên là tiếng gầm rú của máy bay, một bên là tiếng nổ của đạn bom. Từ năm 1954 đến những năm 1960 – 1970, cố hoạ sĩ đã miệt mài ký họa ngay trên trận địa, trong các hầm hào để ghi lại cảnh sinh hoạt, chiến đấu của các chiến sĩ Điện Biên Phủ và của những bà con các vùng đất lửa Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Hơn nửa thế kỷ sau, họa sĩ Đinh Quang Hải cũng bắt đầu dự án Vẽ – Đi – Tre của mình tại những nơi mà cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã đi qua nhằm ghi lại những cảm nhận về phong cảnh và nếp sinh hoạt của người dân các vùng miền qua con mắt đương thời.
Tham quan các tác phẩm tại triển lãnh tranh “Hồi sinh”
Anh vẫn chọn cách “ghi hình chậm”, dùng giấy và màu nước, dẫu nhiếp ảnh đã là một phương tiện phổ biến và tức thời. Trong khuôn khổ Chương trình Lễ hội Vì Hoà bình năm 2024, Bộ tranh “Hồi sinh” như một bản song tấu kể lại câu chuyện chuyển mình của vùng đất đã từng là đất lửa ghi lại Quảng Trị của một thời bom đạn, những con người đã từng có mặt trong thời khắc quyết liệt đó, nay tất cả tái hiện qua các tác phẩm. Triển lãm không nhằm đánh thức những ký ức đau thương về một thời bom đạn, mà để nhìn lại một cách trung thực những điều đã xảy ra trong quá khứ, để thấy rằng nơi đã từng là “vùng đất lửa” đã hồi sinh ra sao sau chừng ấy năm.
Những bức tranh ghi lại Quảng Trị của một thời bom đạn, những con người đã từng có mặt trong thời khắc quyết liệt đó, nay tất cả tái hiện qua các tác phẩm tại triển lãm
Bà Xuân Phượng có thể được coi là một trong những nhân chứng sống của cuộc đấu tranh quyết liệt của người dân Vĩnh Linh và pháo binh Mỹ. Trong thời gian quay phim “Vĩ tuyến 17 – Chiến tranh nhân dân” bà sống cùng dân Vĩnh Linh trong các địa đạo, bà cứu chữa cho những người bị thương, bà đỡ đẻ cho một thai phụ đang nguy kịch trong lòng đất, bà chứng kiến cuộc sống của những đứa trẻ sơ sinh được nuôi dưỡng trong các hầm hào, bà cùng các đồng đội bất chấp hiểm nguy để có được những thước phim chân thật nhất về sức hủy diệt của đạn bom, bà nhìn thấy quang cảnh của vùng đất này ngày càng trở nên trơ trọi và hoang tàn,… Và những hình ảnh đó sẽ được tái hiện qua các tác phẩm tại triển lãm ‘Hồi sinh’ dưới sự giám tuyển của nhân chứng sống Xuân Phượng.
Bà Xuân Phượng là một trong những nhân chứng sống của cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại và cũng là người giám tuyển của bộ sưu tập tranh này.
Đây cũng là dịp để các thế hệ trẻ được hiểu hơn về cuộc sống của người dân thời chiến, để có cái nhìn thấu cảm và biết ơn sự hy sinh vô cùng to lớn của các thế hệ cha ông đã nằm xuống vì một Quảng Trị hòa bình của hiện tại. Cũng là nơi để giới thiệu cho du khách hiểu rõ hơn về lịch sử cũng như sự kiên cường, quyết tâm của người dân Quảng Trị nói riêng và người dân Việt Nam nói chung và từ đó hiểu được ý nghĩa của sự nỗ lực gìn giữ hòa bình, tình hữu nghị giữa các quốc gia.
Triển lãm không nhằm đánh thức những ký ức đau thương về một thời bom đạn, mà để nhìn lại một cách trung thực những điều đã xảy ra trong quá khứ, để thấy rằng nơi đã từng là “vùng đất lửa” đã hồi sinh. Đây cũng là dịp để các thế hệ trẻ được hiểu hơn về cuộc sống của người dân thời chiến, để có cái nhìn thấu cảm và biết ơn sự hy sinh vô cùng to lớn của các thế hệ cha ông đã nằm xuống vì hòa bình của hiện tại. Triển lãm được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Quảng Trị từ ngày 8/7/2024 đến hết ngày 11/07/2024./.
Ngọc Trâm – Minh Tâm