Được thiên nhiên ban tặng, ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, hòa quyện những lễ hội đặc trưng, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, đây là điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa phát huy tiềm năng, thế mạnh trong việc phát triển du lịch sinh thái gắn các di tích lịch sử văn hóa. Từ đó thúc đẩy giảm nghèo tại một số huyện miền núi.
Tiềm năng du lịch cần được khai phá
Thanh Hóa nổi danh là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi giao thoa, hội tụ giữa các nền văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào Thái, Thổ, Mường, Kinh… Trong đó, nhắc đến xứ Thanh, không thể không nhắc đến những di sản Thành nhà Hồ, khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, cầu Hàm Rồng lịch sử… Bên cạnh đó, với lợi thế non nước hùng vĩ, hữu tình tạo nên các điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, cuốn hút khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng… hi vọng sẽ là bàn đạp thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững.
Là một huyện miền núi của tỉnh, Quan Hóa được biết đến là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa đặc biệt, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, phong phú với sông núi trùng điệp, nhiều hang động đẹp ( hang Phi, hang Co Phường, hang Co Luồng, hang Na…) cùng hệ thống hồ tự nhiên Pha Đay, Quang Vinh, các công trình thủy điện …tạo nên một sức hút khó cưỡng của du khách mỗi khi về đây.
Không những vậy, trên địa bàn huyện hiện còn lưu giữ, phát huy và giữ gìn đa dạng các giá trị văn hóa, lịch sử, gắn liền dòng sông Mã anh hùng và đường 15 gắn đoàn quân Tây Tiến oai hùng, di tích đền thờ Thượng tướng quân Lò Khằm Ban, di tích núi Pù Cọ, di tích phà U Hòa, hang Co Phường, chùa Ông, chùa Bà… Đặc biệt, đây còn la nơi giao thoa các nền văn hóa đồng bào Thái, Mường, Kinh, Hoa, Mông, là điểm liên kết văn hóa Tây Bắc.
Xác định tiềm năng, thế mạnh to lớn về phát triển ngành công nghiệp “ không khói” này, huyện Quan Hóa đã xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái – văn hóa, đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng trên 22 điểm lưu trú; du lịch cộng đồng tại bản Hang ( Phú Lệ), bản Quang Vinh ( Phú Nghiêm) bản En ( Phú Thanh)… với 10 hộ tham gia, mỗi năm thu hút trên 1.000 lượt khách, chủ yếu là khách quốc tế. Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch tham quan, khám phá, nhắm đến các đối tượng khách trẻ, dân phượt, mỗi năm thu hút trên 1.200 lượt khách đến du lịch…
Thời gian qua, việc phát triển du lịch sinh thái gắn với di tích lịch sử, văn hóa được huyện Thường Xuân thực hiện tốt, phát huy hiệu quả tích cực. Hiện, toàn huyện có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, sinh thái phong phú; 4 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh; tiềm năng du lịch sinh thái cộng đồng làng Mạ ( Xuân Cẩm); làng Vịn, làng Đục ( Bát Mọt); khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên…
Nhằm thúc đẩy mô hình liên kết du lịch sinh thái gắn di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, huyện đã triển khai phát triển cụm du lịch cộng đồng làng Mạ – lòng hồ Cửa Đạt; du lịch bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên… tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tham quan, khám phá tự nhiên, tâm linh. Ngoài ra, huyện vẫn còn giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Thái, Mường, Kinh… thông qua các lễ hội, lễ cúng bản người Thái xã Xuân Lẹ; lễ cơm mới của người Thái Mường Trịnh Vạn…
Về thăm xứ Thanh, thăm vùng Mường Lang Chánh, du khách có dịp chiêm ngưỡng những lễ hội đăc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây, ghé thăm chùa Mèo – ngôi chùa có lịch sử lâu đời, cùng nhau chiêm ngưỡng chiếc chuông quý thời Lê, cùng lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo, hay xa hơn, khách du lịch có thể đắm mình vào dòng nước trong mát, thưởng thức các món ăn đặc sản dân tộc, say đắm chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, mà không kém phần thơ mộng trên tuyến du lịch cộng đồng bản Năng Cát, thác Ma Hao thuộc địa phận xã Trí Nang…
Đòn bẩy giảm nghèo
Có thể nói, ngành công nghiệp “ không khói” thực sự đã và đang mang lại nhiều giá trị kinh tế cho từng vùng miền trên địa bàn tỉnh Thanh, góp phần nâng cao, kiện toàn hệ thống điện, đường, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của bà con đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo tìm hiểu, tổng số lao động trong ngành du lịch của huyện Quan Hóa trong năm 2015 là 680 người, lượng khách hàng năm đến với huyện, bình quân tăng 5 – 10%, doanh thu từ phát triển du lịch ước đạt 2, 54 tỷ đồng.
Là một trong những bản khó khăn của xã Phú Lệ ( Quan Hóa), thông qua việc phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng, tỉ lệ hộ nghèo tại bản Hang hiện chỉ còn 17/60 hộ, trong đó có 6 hộ làm du lịch cộng đồng. Trong 6 tháng đầu năm, lượng du khách đến cụm du lịch sinh thái bản Hang ước đạt trên 1.500 lượt khách, doanh thu đạt trên 250 triệu đồng. Đến với bản Hang, du khách có thể hòa mình vào bầu không khí mát mẻ, trong lành, tham quan hệ thống hang động, sông, suối hoang sơ, thơ mộng, thưởng thức các món ăn đậm đà bản sắc dân tộc, thỏa sức ngắm nhìn những nếp nhà sàn truyền thống…
Chỉ tính riêng trong năm qua, huyện Thường Xuân đã đầu tư, xây dựng 7 cơ sở kinh doanh lưu trú, thu hút trên 72.000 lượt khách, doanh thu từ phát triển du lịch đạt trên 1 tỷ đồng ( tập trung vào du lịch tâm linh tại di tích lịch sử văn hóa đền Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng ngàn; du lịch lòng hồ Cửa Đạt).
Thời gian qua, cùng với xu thế hội nhập và phát triển, những luồng văn hóa ngoại lai đang xâm nhập vào đời sống xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gây ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Do vậy, bên cạnh việc phát huy tiềm năng du lịch sinh thái gắn lịch sử, văn hóa tâm linh, việc bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết, cần phải thực hiện thường xuyên và lâu dài.
Theo TBDN