Viêm gan B là căn bệnh phổ biến toàn cầu. Có khoảng 90% người nhiễm viêm gan B cấp tính sẽ tự khỏi. Tuy nhiên để viêm gan B cấp tính không tiến triển thành mạn tính thì cần có phác đồ điều trị phù hợp.
Viêm gan B cấp tính là gì?
Viêm gan B cấp tính là bệnh nhiễm trùng gan xảy ra trong vòng 6 tháng đầu tiên sau khi nhiễm vi rút viêm gan B (HBV). Nếu HBV tồn tại trong cơ thể hơn 6 tháng được coi là nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính.
HBV thuộc họ Hepadnaviridae, có cấu trúc DNA. Dựa vào trình tự các nucleotide, HBV được chia thành 10 kiểu gen khác nhau ký hiệu từ A đến J. HBV có 3 loại kháng nguyên HbsAg – kháng nguyên bề mặt, HbeAg – kháng nguyên hòa tan và HbcAg – kháng nguyên lõi, tương ứng với 3 loại kháng nguyên trên là 3 loại kháng thể anti-HBs, anti-HBc và anti-HBe.
Sự hiện diện của các kháng nguyên, kháng thể này rất quan trọng trong việc xác định bệnh, thể bệnh cũng như diễn biến bệnh.
Người bệnh khi bị viêm gan B cấp tính có thể tiến triển thành một trong các mức độ sau đây:
Khỏi hoàn toàn và có đáp ứng miễn dịch với HBV;
Tiến triển thành viêm gan tối cấp – một tình trạng trong đó các tế bào gan bị tổn thương nghiêm trọng;
Tiến triển thành viêm gan B mạn tính: vi rút viêm gan B tồn tại trong cơ thể suốt đời.
Viêm gan B cấp tính có lây không?
Viêm gan B cấp tính lây lan khi máu, tinh dịch hoặc chất dịch cơ thể của người bị nhiễm vi rút viêm gan B xâm nhập vào cơ thể của người không bị nhiễm.
Một người có thể bị nhiễm vi rút từ:
Lây từ mẹ bị nhiễm bệnh sang con trong khi sinh;
Quan hệ tình dục với người bị viêm gan B;
Dùng chung kim tiêm, ống tiêm hoặc dụng cụ pha chế ma túy có dính vi rút;
Dùng chung các vật dụng như bàn chải đánh răng, dao cạo râu hoặc thiết bị y tế (như máy đo đường huyết) với người bị bệnh;
Tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc vết loét hở của người bị bệnh qua kim tiêm hoặc các dụng cụ sắc nhọn khác.
Cần lưu ý, viêm gan B cấp tính không lây lan qua thức ăn hoặc nước uống, dùng chung dụng cụ ăn uống, cho con bú, ôm, hôn, nắm tay, ho hoặc hắt hơi.
Triệu chứng của bệnh viêm gan B cấp tính
Triệu chứng của viêm gan B cấp tính nghiêm trọng hơn viêm gan A. Khi bị viêm gan B kèm viêm gan D, các triệu chứng sẽ xuất hiện nặng hơn.
Tuy nhiên, hầu hết người bệnh viêm gan B có thể không xuất hiện tất cả các triệu chứng. Các triệu chứng thường xuất hiện từ 60-150 ngày sau khi nhiễm vi rút, trung bình là 90 ngày hoặc 3 tháng.
Các triệu chứng của viêm gan B cấp tính có thể bao gồm:
Chán ăn;
Đau khớp và cơ;
Sốt nhẹ;
Có thể đau dạ dày.
Một số người có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn như:
Buồn nôn, nôn mửa;
Vàng da và vàng mắt;
Chướng bụng.
Một tình trạng hiếm gặp, đe dọa tính mạng được gọi là “viêm gan tối cấp” có thể xảy ra với một đợt nhiễm trùng cấp tính mới và cần được nhập viện khẩn cấp, vì có thể gây suy gan đột ngột. Các triệu chứng tiến triển rất nhanh.
Các chất độc hại không được gan loại bỏ sẽ tích tụ trong máu và đến não, gây ra bệnh não gan. Người bệnh có thể hôn mê trong vài ngày đến vài tuần, có thể gây tử vong nếu không được điều trị tích cực.
Chẩn đoán viêm gan B cấp tính như thế nào?
Việc chẩn đoán viêm gan B cấp tính hay mạn tính dựa trên xét nghiệm anti HBc IgM. Đây là kháng thể kháng lõi của HBV typ IgM, xuất hiện trọng những tuần đầu khi có triệu chứng, tồn tại tới 32 tuần. Một bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm cấp sẽ có kết quả Anti HBc IgM dương tính, HbsAg có thể dương tính hoặc âm tính.
Viêm gan B cấp tính có chữa được không?
Điều trị viêm gan B cấp tính chủ yếu là điều trị hỗ trợ. Bệnh nhân cần nghỉ ngơi tuyệt đối trong giai đoạn xuất hiện các triệu chứng.
Hạn chế ăn chất béo, kiêng rượu bia, tránh sử dụng các thuốc chuyển hóa qua gan. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ xem xét nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.
Riêng đối với thể viêm gan tối cấp thì cần điều trị hồi sức nội khoa tích cực. Có thể cân nhắc sử dụng thuốc kháng vi rút đường uống.
Có thể sử dụng các thuốc bổ trợ gan trong điều trị viêm gan B cấp tính và mạn tính.
T/h