Ồn ào xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Quy định cứng nhắc, cảm tính đang làm khó nghệ sĩ

11:55 | 11/05/2018

Không phải ngẫu nhiên mùa xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND nào cũng ồn ào, với việc so sánh giữa người được và người không. Việc vinh danh nghệ sĩ bằng danh hiệu sẽ là động lực để nghệ sĩ nỗ lực cống hiến nhưng tiếc là sự tôn vinh đó mất đi phần nào ý nghĩa, bởi đang bị ràng buộc bằng những quy định, thủ tục cứng nhắc, gây phiền hà cho giới nghệ sĩ và sự lúng túng cho nhà quản lý.

 

NSƯT Xuân Bắc gây bất ngờ khi quyết định xin rút hồ sơ xét duyệt hồ sơ NSND. Ảnh: T. L

Tranh cãi vì tấm huy chương

Mùa xét tặng năm nay, 2 cái tên gây nhiều ồn ào nhất khi được đề nghị xét danh hiệu NSND đó là NSƯT Xuân Bắc và NSƯT Công Lý. Không phải họ không xứng đáng mà vì đặt cạnh những tên tuổi như nghệ sĩ Chí Trung, Xuân Hinh thì họ vẫn còn trẻ về tuổi đời và tuổi nghề, trong khi đó các nghệ sĩ gạo cội đã nhiều lần “lỡ hẹn” với danh hiệu này.

Những nghệ sĩ trên đều có đóng góp, chỗ đứng riêng trong lòng khán giả, nhưng họ hơn nhau ở tấm huy chương, một tiêu chuẩn cứng để đảm bảo hồ sơ của các nghệ sĩ “qua cửa” của hội đồng xét duyệt. Thế nhưng cũng chính tấm huy chương đã khiến việc tôn vinh chưa trọn vẹn, làm nhiều nghệ sĩ tài năng thực sự chưa được tôn vinh xứng đáng vì không “chịu” đi thi thố để lấy giải thưởng hay huy chương.

Hết năm này qua năm khác nghệ sĩ đã kiến nghị sửa đổi bất cập này. Cuối năm 2017, trong một hội thảo lấy ý kiến về việc sửa đổi Nghị định 89/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, vấn đề này tiếp tục được nêu ra, trở thành tâm điểm tranh cãi.

Như với trường hợp Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, gần 20 năm nay không có cuộc thi, liên hoan cấp quốc gia nào được tổ chức về nhạc giao hưởng, bởi vậy các nghệ sĩ của dàn nhạc không được xét danh hiệu, điều này khá bất công, gây thiệt thòi. Hay ở các kỳ liên hoan sân khấu toàn quốc hiện nay, những nghệ sĩ tài năng như: Chí Trung, Thành Lộc, Ái Như, Thành Hội… chọn cách đứng ngoài cuộc chơi, hoặc chỉ đơn giản họ nghĩ rằng, chỗ của mình là chiếc ghế đào tạo, chấm điểm chứ không phải thi thố nọ kia.

Nhưng khổ nỗi, nếu không thi thì không có huy chương, không có huy chương thì không đủ điều kiện để được xét tặng danh hiệu. Và rồi chắc chắn đến một ngày nào đó, các nghệ sĩ “lớp dưới” về cả tài năng lẫn tuổi nghề sẽ lần lượt được vinh danh bằng danh hiệu, vì đủ huy chương để xét tặng còn họ thì không.

Đương nhiên với những nghệ sĩ này, danh hiệu có hay không đã không còn quan trọng. Nhưng từ việc này cho thấy những con số khô khốc, với cách đếm huy chương, giải thưởng, coi đây là một trong những tiêu chí để xét tặng danh hiệu, vẫn đang là rào cản trong việc tôn vinh nghệ sĩ.

Ca sĩ Ánh Tuyết thẳng thắn bày tỏ, một người nghệ sĩ cống hiến thế nào mới là quan trọng chứ không quan trọng ở thời gian phục vụ công chúng 20 năm. Có những người nghệ sĩ đủ 20 năm nhưng không cống hiến nhiều, mà có những người chỉ trong 1 – 2 năm làm việc cật lực, có quá nhiều thành tích và làm được nhiều điều, Hội đồng xét duyệt cần xem lại điều đó, còn nếu cứ căn cứ đủ thời gian, đủ huy chương thì không hợp lý và cũng chẳng hợp tình.

Nghệ sĩ Ánh Tuyết cũng nhìn nhận: “Bản thân tôi có đủ thời gian và nhiều huy chương vàng nhưng không muốn tự nhiên phải đi xin chỗ này, xác minh chỗ nọ. Nếu phong tặng thì những thành quả của bất kỳ nghệ sĩ nào, Bộ VHTTDL cũng đã nắm, tại sao bắt nghệ sĩ phải viết đơn xét duyệt, rồi ký xác nhận lại huy chương, thành tích?

Việc xét duyệt danh hiệu NSƯT, NSND nếu làm đúng thì là một sự động viên rất thích đáng đối với nghệ sĩ, đối với những cống hiến của họ. Đó cũng là phần thưởng về tinh thần, thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước với nghệ sĩ. Nhưng nếu làm không đúng, thì việc này trở thành sự nhũng nhiễu mang tính tiêu cực trong đó”.

Nghệ sĩ “trượt oan” vì vòng bỏ phiếu

Theo Nghị định 89/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, sau khi vất vả làm được bộ hồ sơ đúng chuẩn để xin được xét tặng danh hiệu, muốn được tôn vinh, nghệ sĩ còn phải chờ hồ sơ đi qua nhiều cửa ải khác nhau. Đầu tiên là Hội đồng cấp cơ sở tại đơn vị nghệ thuật cơ sở do người đứng đầu đơn vị thành lập; sau đó là Hội đồng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng cấp Bộ và cuối cùng là Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước.

Ở tất cả các cấp hội đồng này, các nghệ sĩ đều chịu sự soi xét về các tiêu chuẩn huy chương, phẩm chất chính trị, đạo đức, mức độ ảnh hưởng với công chúng, số năm cống hiến. Và cam go nhất là vòng bỏ phiếu tán thành. Nếu tất cả các điều kiện trên đều đủ, nhưng không đủ 90% số phiếu tán thành của các thành viên hội đồng thì nghệ sĩ vẫn “trượt” như thường.

Mà trong hội đồng xét duyệt cũng có rất nhiều vấn đề, trong giới vẫn râm ran những câu chuyện bỏ phiếu của hội đồng. Như trường hợp của nghệ sĩ Tuyết Minh, vẫn “trượt” NSƯT vì không đủ số phiếu tán thành. Một số thành viên nào đó đã không bỏ phiếu cho nghệ sĩ Tuyết Minh vì xét yếu tố… đạo đức. Nghệ sĩ Tuyết Minh đã đi “kêu oan” khắp nơi, đề nghị những bên liên quan phải có trách nhiệm làm rõ sai phạm về mặt đạo đức của cô là gì mà không được bỏ phiếu. Bởi nhắc đến đạo đức là liên quan đến nhân phẩm, danh dự và cả tương lai của một con người. Tuy nhiên, đợi mãi cô cũng không có câu trả lời rõ ràng về điều này.

Một nghệ sĩ khác cũng từng bị trượt danh hiệu không phải vì không đủ tiêu chí, mà vì hội đồng không bỏ phiếu tán thành. Đi dò hỏi khắp nơi, nghệ sĩ được một thành viên trong hội đồng tiết lộ là khi đưa hồ sơ ra bàn thảo, không ai có ý kiến gì, đều giơ tay biểu quyết đồng ý. Đến lúc thể hiện bằng lá phiếu, sau khi kiểm tra thì chỉ có 1 phiếu không đồng ý và đương nhiên là không ai ghi lý do vì sao không đồng ý.

Chính vòng bỏ phiếu đầy may rủi và có phần cảm tính này đã khiến nhiều nghệ sĩ bị “trượt oan”. Câu chuyện này cũng khiến dư luận râm ran về những tiêu cực, lợi dụng kẽ hở của tiêu chí để đánh trượt nghệ sĩ, hoặc “chạy phiếu NSND”. Nó cũng giống như câu chuyện lùm xùm về việc xét công nhận đạt chuẩn GS, PGS gây tranh cãi trong dư luận thời gian qua. Người xứng đáng thì không được công nhận, người không ai nhớ mặt đặt tên thì được chuẩn GS.

Vì điều này, thời gian qua đã có nhiều nghệ sĩ kiến nghị phải giảm tiêu chuẩn đạt 90% số phiếu tán thành của các thành viên hội đồng xuống. Nhất là khi càng lên hội đồng cấp cao hơn, có trường hợp đại diện của nhiều chuyên ngành cùng ngồi vào một hội đồng để xét tặng cho một nghệ sĩ thuộc chuyên ngành khác. Không phải ai cũng am hiểu tường tận các loại hình nghệ thuật, chỉ cần một người đánh giá không chính xác, không công tâm, sẽ là thiệt thòi lớn cho các nghệ sĩ.

Chính những bất cập này đã khiến cho công tác xét tặng danh hiệu mùa nào cũng có những ồn ào không đáng có trên truyền thông. Nó khiến người buồn vì không được, người được cũng chưa có trọn được niềm vui.

 

Theo Laodong

Video hay

Cùng chuyên mục

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

SÔI NỔI GIẢI TENNIS “AMS VÀ DROPPII”

SÔI NỔI GIẢI TENNIS “AMS VÀ DROPPII”