Những vết rách cũ – Truyện ngắn Hoàng Khánh Duy

10:02 | 04/03/2020

Nhân lúc ba ra ngoài sông cắm câu, tôi lén lấy mấy cái áo cũ kỹ vá chằng vá đụp của ba ra sân ngồi đốt. Trong vài giây, mấy cái áo cháy chỉ còn lại nắm tro tàn, gió cuốn một phát là bay đi xao xác.


Không biết ba có giận tôi hay không? Hoặc giận quá thì ba vung tay đánh tôi mấy cái đau điếng. Nhưng tôi cứ đốt. Ngọn lửa cháy bùng bùng làm tôi muốn đốt sạch tất cả những gì xưa cũ mà thời gian đã hằn lên nó những vết rách xót xa, những ký ức nhuốm màu đau thương.

Nhưng tôi chỉ chọn mấy cái áo cũ của ba mà đốt, trước khi đốt còn đắn đo. Bởi ngó đi ngó lại trong nhà chẳng có gì, ngoài mớ đồ câu của ba, áo quần của ba con tôi, cái sóng chén, mấy cái lò mà ông đội nồi đã đen kìn kịt. Giả sử cái nhà này có bị thiêu rụi trong lửa đỏ chắc ba tôi cũng không xót tiếc. Chẳng phải nó cũng đã phát cháy một lần rồi sao? Tối năm ấy, trong lúc say rượu, ba tôi vô ý hất văng cây đèn dầu vào vách. Nhà phát cháy trong đêm. May mà ba tôi còn đủ tỉnh táo để cõng tôi chạy.

Nhưng ngọn lửa cũng chẳng đủ ghê rợn để ám ảnh tâm can tôi.

Tôi đứng dậy, phủi phủi quần rồi đi vào nhà, mặc tro tàn theo gió bay tứ tung ngoài sân. Đồng chiều bảng lảng khói.

* * *

Đêm tôi thường nằm mơ thấy mình được đi học, má nắm tay dẫn tôi đi trên bờ đê đến trường. Dưới chân cỏ xanh mượt như nhung nâng đôi chân tôi bước. Đôi chỗ má khuỵu xuống, cõng tôi qua con mương bèo lục bình vây kín mặt nước, qua cây cầu tre lắt lẻo gập ghềnh. Để rồi khi tỉnh giấc, áo trắng vụt tan, má vụt tan. Chỉ còn lại tôi với ba trong căn chòi lạnh lẽo này, ngoài đồng ếch nhái kêu oải oạp buồn thê lương như những đêm mưa về gần sáng. Tôi dáo dác tìm theo quán tính… Nhưng bóng má mất hút đâu đó phía chân trời. Nước mắt tôi lã chã rơi.

Cô giáo ái ngại trước quyết định nhận tôi vào học bởi tôi không thể nói ra những suy nghĩ của mình. Nhưng với tấm lòng bao dung, cô vẫn xếp tôi ngồi một mình vào bàn trống. Theo tiếng cô gõ thước lên bàn, đám học trò nhỏ đọc bài tập đọc nhịp nhàng, khi trầm, khi bổng. Chỉ có tôi vẫn ngồi thừ ra đó, tôi muốn đọc, muốn hòa giọng với chúng bạn, nhưng không thể cất thành lời, chỉ có nước mắt ứa ra. Ròng rã hơn tháng trời mà không có kết quả, cuối cùng ba cho tôi nghỉ học. Ba đi câu, đi cấy, đi gặt lúa, tôi ở nhà một mình lủi thủi.

Tôi đã quen dần với cách gọi “con nhỏ câm” thay vì Diệp – tên ba má đặt cho tôi. Hôm ba tôi đi câu, tôi ra bờ sông vớt bông lục bình, mất đà ngã xuống nước, nhưng chẳng thể hét toáng lên kêu cứu. Cũng may có người đàn bà bơi xuồng đi ngang qua, nhảy xuống vớt tôi lên bờ. Tôi thoát chết và nhận ra mình không thể câm nín mãi như vậy được. Nhưng dù cố thế nào, tôi không thể nói nên lời.

* * *

Ba tôi ít khi nhắc về má, nhưng tôi biết rằng ba vẫn còn thương má nhiều lắm. Nhất là những lúc hoàng hôn buông, ngồi bên bờ sông, ba tôi cứ mãi ngóng về một hướng sông, rồi ba nói với tôi chắc má đi về hướng đó.

Hướng đó về nhà bà ngoại. Tôi biết vậy vì hồi nhỏ mấy lúc ngồi cùng má bên bờ sông, má hay chỉ về hướng đó mà than nhớ ngoại đứt ruột tan gan.

Nhớ vậy chứ má không thể bơi xuồng về thăm ngoại được. Má con tôi ở xứ này, bà ngoại cũng đâu có hay. Má nói cách nhau có một quãng sông à, đi một lúc là tới, mà lạc nhau mấy năm trời, má cũng không biết có ai đổ đường đi tìm má hay không, hay quên má rồi. Tôi hỏi má, sao bà ngoại không đi tìm má, hay bà ngoại không thương má con tôi? Má cười mà nước mắt má ầng ậng:

– Tại bà ngoại không chấp nhận ba con. Bà ngoại chê ba con nghèo, sợ má khổ. Mà má bạc phước thiệt…

Nghe má nói, tôi thương ba nhiều lắm.

Ừ thì má tôi “bạc phước” mới lấy ba tôi, người đàn ông không một cục đất chọi chim, phải đi làm thuê, đêm bơi xuồng ra sông câu cá. Má “bạc phước” mới từ bỏ mấy đám dạm hỏi mà đi theo ba, sống trong căn nhà – đúng hơn là cái chòi – rỗng tuếch. Má cũng có phải nghèo khổ gì đâu? Ngoại cưng má dữ lắm, sợ má khổ mới kiếm cho má người đàn ông “có của ăn của để”.

Má tôi ngồi trên chiếc xuồng con đậu cặp mé sông buồn bã nói má thương ba dữ lắm, thương đến mức má có thể từ bỏ gia đình, bỏ bà ngoại, để cuốn gói theo ba trong một đêm mưa giông. Đêm năm ấy tối lắm, con đường tối mà dòng sông cũng tối. Má cứ chạy, chân má giẫm lên mảnh chai bể, đứt một đường, máu chảy ra ấm nóng mà má không cảm nhận được cơn đau. Má chỉ biết mình phải chạy thật nhanh để đến được với ba. Trong khoảnh khắc đó, đích đến của má là ngọn đèn trong mui chiếc ghe tam bản cập mũi vào bờ sông, có lúc đèn chập chờn như sắp tắt…

Rõ ràng tình yêu trong má như sông, như biển…

* * *

Nhớ má, ba ngồi một mình lẩm bẩm mấy bài hát hồi xưa ba hát cho má nghe. Rượu vào, ba nói phải chi hồi đó ba giữ má lại, ba đến tận nhà ngoại kêu má về để ngoại đừng gả má cho người đàn ông khác thì bây giờ ba đâu có mất má tôi vĩnh viễn. Má sinh tôi rồi nhưng vẫn còn đẹp lắm, nên khi má không chịu khổ nổi cùng ba con tôi nữa, về nhà ngoại, thì vẫn có người đến hỏi cưới má…

Đó là những lúc ba say rượu, ba sống thật với cảm xúc của mình. Còn lúc tỉnh rượu, ba tôi lầm lì, đôi khi quát tháo, đôi lúc tự xỉ vả mình là thằng đàn ông nhu nhược, nghèo nàn, tệ dữ lắm. Tệ đến nỗi có vợ cũng giữ không xong, để bây giờ vợ mình thành vợ người khác.

Thỉnh thoảng tôi cũng giật mình hốt hoảng. Lâu rồi tôi không gặp má. Mà chắc má cũng không nhớ đến tôi da diết như lúc má còn ở bên tôi. Thời gian vốn làm tình cảm người ta phai lợt dần. Tôi nhớ má lắm, nhất là những lúc chiều buông, nhìn đàn vịt con nằm ngoan dưới bụng mẹ. Giá mà tôi được như con vịt nhỏ ấy cũng đỡ.

Tôi dần quen với việc hai ba con sống mà không có má. Ký ức về má chỉ còn là những mảng màu xô lệch nhau, không rõ màu nào cả, nhưng nó cứ quyện vào nhau thành từng cục, xoáy vào tim tôi…

“Dù sao má vẫn là má của con”, tôi trả lời câu hỏi của ba lúc hai cha con ngồi trong mù sương một chiều buồn hiu hắt: “Diệp, con đã quên má con chưa?”. Sau bao nhiêu năm, cuối cùng tôi đã có thể diễn đạt mọi ý nghĩ bằng lời. Ba tôi rơm rớm nước mắt. Sương chiều giăng khắp lối, che khuất cả sợi nhợ câu thòng xuống chìm khuất vào trong nước. Con cá cắn câu rịt cần câu trôi theo dòng sông từ hồi nào, ba con tôi không hay. Ba không nói vế sau, nhưng tôi biết chắc rằng ba sẽ nói: “Còn ba thì không bao giờ quên má con được”. Vì má là người phụ nữ ba yêu suốt một đời.

Má không về. Nhưng tôi vẫn mong một ngày nào đó sẽ được gặp lại má, tôi sẽ ôm chầm lấy má, nói với má mấy lời thay ba. Rằng dù ra sao thì tôi không buồn hận má. Ba cũng không giận má. Chúng tôi không ai có lỗi cả. Cuộc đời có bao lâu đâu, trái tim là dành để yêu thương, chở che, gồng gánh và tha thứ…

Truyện ngắn: Hoàng Khánh Duy

 

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình