Cho tới bây giờ, mỗi khi ngồi trên máy bay vào Thành phố Hồ Chí Minh, nghe giọng nói dịu dàng của nữ tiếp viên: “Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam xin kính chào quý khách. Chuyến bay của quý khách từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh là một giờ và bốn mươi lăm phút bay…”. Câu nói ấy vang lên luôn làm tôi bâng khuâng, xúc động nhớ lại những ký ức của những ngày đã xa
Mùa Xuân năm 1971, lớp bồi dưỡng Khóa bốn Hội nhà văn chúng tôi từ biệt Thủ đô Hà nội lên đường ra trận. Chỉ tính đoạn đường từ thôn Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình hành quân vào tới Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, ngày ấy còn đóng trên đất bạn Cămpuchia, chứ chưa phải đã ở trên đất miền Nam của Tổ quốc. Với chặng đường bây giờ chỉ với một giờ và bốn lăm phút bay, nhưng ngày ấy tôi đã phải đi bộ ròng rã gần sáu tháng trời. Bạn bè của tôi, kẻ đến trước, người đến sau, tất cả đều đi qua chặng đường ấy. Đấy là chuyến đi như mọi người thường nói, “đi trong gió trong mưa, đi trong bom trong đạn”, chứ không phải là một chuyến đi du lịch hay đi công tác bằng xe, bằng tàu như sau này.
Những tháng năm sau đó, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành quân cùng với cả nước, phải đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 mới được ca khúc khải hoàn, được có mặt ở Thành phố Sài Gòn.
Sau giải phóng chừng bốn năm tháng, tôi đã làm đơn xin chuyển công tác ra Hà Nội. Và rồi từ đó, tôi và bạn bè cùng đi B ngày ấy bị công việc cuốn đi, ít có dịp gặp nhau.
Với tôi, những kỷ niệm với Đỗ Nam Cao luôn là những ký ức còn mãi.
Tôi và Đỗ Nam Cao biết nhau từ khi bước chân vào học khóa 4 Hội Nhà văn Việt nam. Lớp bồi dưỡng cấp tốc viết văn, viết báo để cung cấp, bổ sung cho chiến trường. Hai từ “cung cấp”, “bổ sung” là những từ thường được dùng ngày ấy, giống như “cung cấp, bổ sung” súng đạn, thuốc men, lương thực cho Miền Nam.
Trong chúng tôi, người vừa tốt nghiệp Đại học, người còn chưa tốt nghiệp, nhưng khi biết được lựa chọn ra chiến trường, hết thảy mọi người đều háo hức viết đơn tình nguyện. Tuổi trẻ ai nấy đều hăm hở, như những người lính hăm hở nạp đạn vào súng chờ giặc tới.
Sau chừng năm tháng học lớp bồi dưỡng viết văn, chúng tôi được đưa lên vùng núi huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Nơi ấy được gọi bằng tên mật danh: “Trường 105”. Cho tới bây giờ tôi cũng không hiểu tên gọi ấy mang theo ý nghĩa gì. Tại đấy chúng tôi đã trải qua một khóa huấn luyện, như huấn luyện cho những chiến binh thực thụ: bắn súng, ném lựu đạn, lăn lê, bò toài, mang ba lô gạch hành quân vào các buổi đêm như tập đi trong rừng… Tiếp đến là những ngày vượt Trương Sơn.
Vào chiến trường, tôi và Đỗ Nam Cao được phân công về B2- Tiểu ban Văn nghệ R. Sau đó lại có những dịp đi miền Đông Nam Bộ đúng lúc mùa hè đỏ lửa 1972. Rồi về Tây Ninh. Đỗ Nam Cao được phân công đi Trảng Bàng, còn tôi về xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, sống ba cùng với dân, với du kích, tham gia diệt bốt phá đồn tại các xã vùng ven cho đến ngày Thành phố Sài gòn được giải phóng.
Nhắc lại đôi ba kỷ niệm, chỉ mấy dòng thôi, nhưng đó là những tháng năm tột cùng gian nan, vất vả và cũng tột cùng đẹp đẽ của tuổi thanh xuân. Đó là những tháng năm, thời gian và chiến tranh đã đào luyện, rèn giũa chúng tôi. Với Đỗ Nam Cao đó còn là những tháng năm anh ấp ủ, gom góp được rất nhiều chất liệu quý báu của cuộc sống để sau đó anh viết nên những vần thơ đẹp như những viên ngọc quý.
Tôi và Đỗ Nam Cao còn có chuyến đi rất đáng nhớ. Về thị trấn Lộc Ninh vừa được giải phóng để đưa tin, viết bài về việc hai bên trao trả tù binh cho nhau. Ngày trao trả tù dân sự đầu tiên, 28/4/1973, được tôi ghi lại khá kỹ trong nhật ký của mình:
“Sân bay Lộc Ninh đã được sửa sang, thu dọn lại. Những lá cờ Mặt trận tung bay. Màu cờ tươi và đẹp. Những nếp nhà lá, nhà mái tôn mới dựng cạnh rừng cao su. Bãi đáp trực thăng đã được sửa sang nhưng vẫn còn rất nhiều vết đạn. Những mảnh đạn nằm ở kẽ những tấm ghi sắt… Xung quanh những nếp nhà, là những chiến hào. Rất nhiều xương người vương vãi trên mặt đất, dọc các chiến hào còn chưa kịp dọn, (Hay cố tình không dọn để uy hiếp tinh thần đối phương?) ”. ( Trích từ nhật ký)
Tại nơi ấy, Đỗ Nam Cao đã gặp Trần Thu Hồng, một nữ tù binh gan dạ, trẻ trung, xinh đẹp. Một “nữ cán binh Việt cộng” – Biệt động Thành Đà Nẵng bị địch bắt khi mới mười bốn tuổi. Ngay từ lần gặp đầu tiên, Đỗ Nam Cao, nhà thơ yêu quý của chúng ta đã bị “ say nắng Lộc ninh”, đã thầm yêu trộm nhớ người con gái với dáng mảnh mai, xinh đẹp mới được ra tù.
Đỗ Nam Cao ngày ấy là một thanh niên tươi trẻ, đẹp trai, hồn nhiên và tuyệt vời trong sáng. Một anh lính giải phóng có mái tóc bồng bềnh và nụ cười rất duyên. Cho tới bây giờ, nhiều lúc tôi cứ mê mải ngắm nhìn những tấm ảnh chân dung của bạn. Một làn tóc xoăn tự nhiên buông lơi trước trán. Chả hiểu bạn cố tình không vuốt lên cho gọn hay là biếng chải? Hay chủ ý làm duyên? Nhìn Đỗ Nam Cao, có nét gì đó hao hao giống nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Puskin… Đặc biệt là đôi mắt, lúc nào cũng như đang say đắm.
Anh là người khá ít nói, nhưng chăm làm thơ, nghĩ về thơ. Từ ngày ấy, anh đã thường đọc thơ giao lưu với bạn bè. Nhưng thật tiếc, dù đã đi công tác với anh một số lần, Cùng uống rượu với nhau thì có, nhưng chưa một lần tôi được bạn mình “chiêu đãi thơ”. Có lẽ do tôi đã quá e dè, chưa bao giờ thổ lộ sự yêu thơ với bạn.
Tôi đã từng tự bạch, viết trong sách hẳn hoi, rằng: “Nếu đem so với tất cả những công việc tôi đã làm trong chiến tranh: hành quân, đào hầm, bắn súng, lấy củi, chằm lá trung quân, làm lán trại, nấu ăn trong rừng, v.v… thì cái việc vụng về nhất của tôi, là làm thơ”.
Đôi khi tôi cũng có thơ ghi trong nhật ký, nhưng tự mình đọc cho người khác nghe, tự mình chép ra gửi cho bạn bè, thì tôi chưa bao giờ có can cảm để làm điều đó.
Bây giờ, qua những tập thơ của Đỗ Nam Cao đã xuất bản, qua những bài viết giới thiệu của những người bạn thơ, bạn chiến trường một thuở: Thanh Thảo, Nguyễn Thế Khoa, Lê Quang Trang, Nguyễn Thụy Kha và nhiều người khác, tôi càng thêm quý, thêm yêu bạn của mình.
Đỗ Nam Cao, rất thơ và rất thật khi viết ra những dòng tự sự: “Ta quên mình đã có một thời / Đã đốt hết một thời lên thành lửa”. “Thơ tôi đã từng hứng khởi / Đã từng hát khúc hùng ca…. Thơ tôi nặng đè ngọn bút / Nặng đè ngực buốt nhức tim…”. Thơ Đỗ Nam Cao, như anh đã viết: “Chuyện đời như lửa, chuyện mình như sương”. Có những lúc anh đã cùng thơ bay lên thật cao để rồi lại mong được rơi xuống đất:
“Có không trong cõi vĩnh hằng
Có cô cắt cỏ với trăng lưỡi liềm
Có không trong cõi thần tiên
Rượu ngon lại uống bạn hiền lại chơi
Chỉ còn sờ sợ chút thôi
Có thơ không để tôi rơi xuống trần”.
Một khổ thơ hay và lạ. Tôi rất thích hai câu thơ cuối.
“Chỉ còn sờ sợ chút thôi/
Có thơ không để tôi rơi xuống trần”.
Đó là lời thơ, là tâm trạng rất Đỗ Nam Cao:
Như nhận xét của nhà thơ Thanh Thảo, thơ Đỗ Nam Cao“là thơ của một thi sĩ đích thực, với giọng điệu và thi pháp riêng rất độc đáo, nằm trong số những tập thơ đáng đọc nhất của thơ Việt Nam sau năm 1975”.
Và như nhận xét của Nguyễn Thế Khoa, người bạn tri âm tri kỷ, người đã hết sức nhiệt tình đề xướng cuộc tọa đàm này: “ Đây là thơ của một tâm hồn tuyệt vời trong trẻo, nhân hậu, vô cùng nhạy cảm với những cái đẹp của thiên nhiên, con người, cuộc đời…”.
Đọc thơ của Đỗ Nam Cao, rồi đọc những bài viết của bạn bè về tác giả, có lúc tôi liên tưởng với những ánh sao băng. Vào những đêm trăng sáng, từ trên bầu trời cao xanh lồng lộng, với muôn nghìn vì sao lấp lánh, bỗng có một vì sao, không rõ từ nơi nào trong vũ trụ bao la phát ra một luồng ánh sáng thật xanh, trật trong, thật đẹp, bừng sáng trên bầu trời.
Với tôi, Đỗ Nam Cao và thơ của anh như một ngôi sao băng trên bầu trời thi ca của đất nước. Một vẻ đẹp lúc ẩn mình, lúc thì bừng sáng. Cuộc tọa đàm hôm nay, với tiêu đề “ Nhà thơ Đỗ Nam Cao – Ký ức còn mãi”, không chỉ là một sự ghi nhận của công chúng, của những người yêu thơ về tác giả và tác phẩm, mà còn là sự tưởng nhớ, quý trọng và biết ơn những gì Đỗ Nam Cao đã dâng hiến cho đời.
PHẠM QUANG NGHỊ
Hà nội – Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10, năm 2023