Những kỷ niệm với hai giọng hát ‘vang bóng một thời’

14:16 | 05/09/2021

Chị Thu Phương- Người nổi tiếng với các bài hát: “Em ơi mùa xuân đến rồi đó”, “Ánh điện vùng cao”, “Làng tôi”, “Địu con đi nhà trẻ”… Và chị Tuyết Thanh (“Nổi trống lên rừng núi ơi”, “Bài ca Hà nội”, “Tiếng hò trên đất Nghệ An”, “Bến cảng quê hương tôi”…) vốn là những giọng hát tên tuổi của Đài TNVN, đồng thời cũng là một đôi bạn rất thân thiết ngoài đời.


Thu Phương.

Hôm qua sau bài viết của tôi trên FB về một nữ ca sỹ cao nguyên, giật mình khi thấy chị Tuyết Thanh bình luận: “Cô đã xúc động rơi nước mắt Việt ạ”. Sáng nay gọi điện kể cho chị Thu Phương, không hiểu chị Tuyết  Thanh làm sao mà lại bỗng xưng cô với em. Chị Phương bảo Tuyết Thanh nó xưng cô với em là đúng chứ, ngày xưa nó cũng chơi thân với chị Tân Nhân mà..”Vâng. Hồi nhỏ thôi,  sau này lớn lên, em hay cùng Kiều Minh đến Đường Thành rủ chị Tuyết Thanh đi ”pắc”, chi em xưng hô là chị em mà.. “Cái thằng này” chị Phương mắng át tôi đi: “Chị Tuyết Thanh còn minh mẫn lắm, dù các chị đều là U80 cả rồi”

“Thế em trong ấy thế nào?” Chị Thu Phương hỏi. Tôi kể về cuộc sống của tôi, của những người bạn thân thiết của chị, đều cũng là những nghệ sỹ  “vang bóng một thời”: ”Này,  Anh Hữu Xuân hay nhắc về chị lắm đấy. Cứ nói đến tên Thu Phương lại  tủm tỉm cười, ra ý bảo ngày xưa cũng đã từng” đầu mày cuối mắt” với nhau.  Anh Ngọc Tước (ca sỹ Ngọc Ánh), anh Phan Long bây giờ ra ở Vũng Tàu cùng anh Trần Tiến rồi, ngày ngày các bố ấy rủ nhau ra giỡn sóng biển hăng lắm chị ạ (Ngày xưa thì giỡn…các em/Nay giỡn sóng biển cho quên tháng ngày).”’. Thế còn Kiều Minh, chị nhớ những lần đi diễn cùng em và Kiều Minh khi thì ở Bắc giang, khi thì  ở Phú Thọ quá…”” Vâng.  Chị nhắc làm em càng nhớ Kiều Minh, Khôi cóc (anh ấy bây giờ ỡ Mỹ rồi), Vân Khánh (Định cư ở Thụy Sỹ), Thúy Hà,  Huyền Châu cũng  ở Mỹ, và  Ngọc Tân buồn thay  đã đi về nơi xa lắm….

Tâm sự với chị Thu Phương, càng làm tôi nhớ những ngày đi ” Pắc” năm xưa …

Tuyết Thanh.

*

Khi còn là Đoàn trưởng Đòan ca múa quân đội, hay khi đã chuyển ra biệt phái Bộ Văn hoá làm giám đốc Vinaconcert, ông Khắc Tuế đều rất yêu chiều thằng Kiều Minh. Không chỉ là nghệ sỹ đàn phong cầm, mà ông Khắc Tuế còn luôn cử nó làm Chỉ đạo nghệ thuật các Đoàn của Vianaconcert đi biểu diễn ở các địa phương.

Bởi là bạn thân Kiều Minh, nên tôi cũng được ông Khắc Tuế yêu quý và vị nể, nhiều khi được cử cùng anh Lục Chí Ngự làm phụ trách Đoàn Anh Ngự là cán bộ của Ban và là con rể cụ Nguyễn Xuân Khoát, Còn tôi là một người lính văn nghệ từ mặt trận về từng kinh qua lửa đạn….

Ngày ấy chúng tôi có một hợp đồng đi diễn ở Phú Thọ. Thường mỗi lần đi diễn như thế, gọi 6 ca sỹ, một ban nhạc nhẹ, một đôi múa Vasilo, một kịch câm…. Nếu như trong diễn viên hát, có Ngọc Tân, Thanh Hoa thì coi như mỹ mãn, người xem đảm bảo kéo đến đông nghìn nghịt và vỗ tay đến rát bỏng!

Thế nhưng không hiểu sao chiều ấy, ca sỹ chỉ có Ngọc Tân và Thúy Hà . Đã mời mà không thấy Lê Dung, Thanh Hoa, Thu Phương, Quang Huy…Tóa hỏa tam linh. Nói với Kiểu Minh: “Mỏng quá ông ạ.Làm sao đủ một chương trình?” Kiều Minh cũng hoảng. Vậy là “cậy thân” với Phan Lạc Hoa, chồng Thanh Hoa, Kiều Minh bảo đánh xe đến tận nhà Thanh Hoa, bắt cóc cho được Thanh Hoa. Nhưng không may Hoa lại đi vắng. Đến đón Lê Dung, Dung cũng đi diễn cho một chương trình khác. May còn chị Thu Phương, vội qua nhà đón chị, nằn nì mãi chị cũng “chiều”, mang trang phục lên xe…

Kiều Minh bảo: ”Thôi, thế cũng ổn ông ạ”.. Mở màn là chị Thu Phương hát: ”Em ơi mùa xuân đến rồi đó”, bài này ai cũng thích, với lại mùa xuân cũng đã sắp về . Tiếp đến anh Khôi cóc (Trọng Khôi- Anh nguyên là nghệ sỹ hát, nhưng sau chuyển sang thổi saxophone. Hiện đã định cư tại Mỹ, vẫn đêm đêm thổi kèn trong các Bar), sẽ hát “Bài ca xây dựng” và “Tình ca du mục”, rồi Ngọc Tân với “Chiều trên bến cảng” và song ca với Thúy Hà “Gửi em ở cuối sông Hồng”, nếu biss thì hát tiếp “Người đi xây hồ kẻ gỗ” rồi đến Thúy Hà sẽ hát “Cánh chim báo tin vui” và “Thắm hoa núi rừng”…

Nghe cũng có vẻ tinh tươm, nhưng tôi vẫn ái ngại: ”Vẫn còn mỏng ông ạ”. Minh bảo: ”Thì còn kịch câm Hoàng Phúc Dỹ và tôi sẽ ôm đàn hát “Manh la đơ manh”.

Kiều Minh vừa đàn vừa hát thì tôi rất tin tưởng, đã từng ôm đàn và hát cùng nghệ sỹ Tường Vi ở Berlin. Nhưng bài hát Minh định hát thì nghe còn lạ quá, thú thật là tôi chưa thấy ai biểu diễn trên sân khấu bao giờ.

Biết tôi băn khoăn, Minh bảo nghe đây, rồi anh hát ngay trên ô tô:

“Khi ta bên em giây phút ân tình ngọt ngào

Cho nhau con tim, vui nắng trong mộng mơ

Đây tay trong tay, ta dắt nhau trong cuộc đời

Trong tim ta rung ôi những lời tình nồng…”

Không biết vì bài hát hay, hay giọng Kiều Minh hay , mà bài hát đã lôi cuốn mọi người, xe cứ chạy và mọi người cứ hát theo, càng hát càng hứng, từ Ngọc Tân, Trọng Khôi, Thúy Hà đến anh em trong ban nhạc :

Em đem đến với ta, bao mơ ước đắm say

Đôi tay nắm đôi tay, sống vui bên nhau

Ta vui bước đó đây, tuy nhân thế đổi thay

Đôi ta vẫn có nhau, vẫn tay trong tay…

Nghe Kiều Minh hát, lại không khí anh em hào hứng như thế, tôi thấy “cực kỳ” rồi, chỉ đề nghị với Kiếu Minh bài hát sẽ là tiết mục cuối, để out chương trình. Tất nhiên Minh và anh em ok ngay, chỉ duy một điều tôi hỏi Kiều Minh tên bài hát là gì để giới thiệu chương trình, thì Minh ngớ người ra: ”Tôi chỉ biết hát theo băng nhạc, nhưng chắc chắn bài này là của Pháp, gọi là ”Main Dans La Main”.

Nói thật tôi vốn là lính ở mặt trận, chẳng được học mấy nên kém ngoại ngữ, chưa hiểu Main Dans La Main nghĩa là gì nên gặng hỏi: ”Dịch ra là gì chứ”, thì bỗng một cậu đánh trống ngồi sau xe vọng lên:”Thế ngày nhỏ các ông không đá bóng bao giờ à?”.”Sao lại có chuyện bóng bánh ở đây nhỉ?”. Tôi thầm nghĩ. Kiều Minh bỗng cười khằng khặc:”Thôi đúng rồi. Ngày nhỏ đá bóng, cứ mỗi lần bóng chạm tay là mọi người hét lên: Manh, manh! Chắc manh đây là Tay các ông ạ?” Cậu nhạc công mới phá lên cười: ”Chính xác là như vây chứ còn gì nữa. Manh là tay. Main Dans La Main là Tay trong Tay, hay Tay cầm Tay. Các anh cứ giới thiệu tên bài hát như thế…”

Và đêm ấy, sau những Thu Phương, Ngọc Tân, Trọng Khôi Thúy Hà…thì “Main Dans La Main” tức tay trong tay của Kiều Minh vang lên:

Khi ta bên em giây phút ân tình ngọt ngào

Cho nhau con tim, vui nắng trong mộng mơ

Đây tay trong tay, ta dắt nhau trong cuộc đời

Trong tim ta rung ôi những lời tình nồng…

Bài hát cứ vang lên trong tiếng hát tuyệt vời của các nghệ sỹ, trong tiếng hát, tiếng vỗ tay hòa theo của khán giả, cứ ngân dài mãi như không thể dứt. Cả ban nhạc, cả Kiều Minh, cả Ngọc Tân, Thu Phương, Thúy Hà…và rất nhiều bạn trẻ ào lên sân khấu, tay trong tay và hát mãi bài ca khiến cánh màn nhung không thể khép lại dù đã 11 giờ đêm…

*

Chị Thu Phương  hỏi về Kiều Minh, tôi vâng, thưa chị, nó vẫn là thằng bạn ân tình nhất của em,  giờ đây cũng  đã vào tuổi 70 rồi, là Thượng tá – NSUT và đã về hưu.Và vẫn là ông chủ một cửa hàng thực phẩm chế biến ở 6 Ngõ gạch Hà nội, ngày ngày vẫn đếm tiền mệt nghỉ, cuối tuần vẫn phóng xe về quê làng cổ Đường Lâm chơi với cô con gái xinh xắn mới tuổi lên mười…

Thế cũng là mỹ mãn cuộc đời. Em chỉ mong sao sau này con gái nó  sẽ lại kế tục con đường nghệ thuật đầy nhiệt huyết và trải đầy hoa hồng vinh quang của bố.

Ngẫm ra “đời thế mà vui” chị nhỉ…

Tôi còn có một kỷ niệm nhỏ với chị Thu Phương: Năm 1972, tôi đến với  một trung đội nữ TNXP chốt ở đèo Đ., một trọng điểm hết sức ác liệt trên tuyến đường miền Tây. Trung đội trưởng trung đội này tên là Ngoan , thuộc diện “ gái môt con trông mòn con mắt”, chẳng một ai gặp cô mà không một chút xốn xang, mong ước….

Đấy đúng lại vào một đêm trăng, khi máy bay Mỹ còn lảng vảng ở xa, tôi thấy các cô gái này vẫn điềm tĩnh ngồi bên nhau trên sườn núi và hát. Bài hát rằng:”Con thương ơi, con quý ơi, địu con đi nhà trẻ con chơi…” Tiếng hát xiết bao trìu mến và cảm xúc.” Các em còn trẻ, đã có người yêu chưa mà thích hát bài này?”Tôi hỏi. Các cô trả lời rằng :” Đấy là mong ước của chúng em khi hết giặc anh ạ”

Được biết tới đây tôi sẽ ra Hà nội công tác, trung đội trưởng Ngoan đưa tôi một dò phong lan rất đẹp, nói rằng:” Nhờ anh chuyển tới ca sỹ Thu Phương nhé. Chị ấy đã hát bài này rất hay ở trên đài mà chúng em được nghe để hát theo , và nhập tâm từ bao giờ không biết . Ấy là bài hát mà chúng em ở đây yêu thích nhất, và chị ấy cũng là giọng hát mà chị em chúng em yêu thích nhất “

Tôi đã mang dò phong lan nở những bông hoa tím rất đẹp ấy ra Hà nội. Và rồi tìm đến chị Thu Phương, khi ấy nhà ở 5 Nguyễn Thượng Hiền để  chuyển lời của Ngoan và  dò phong lan của những cô gái nơi mặt trận miền Tây tặng chị  …

Chỉ có một sự thật này mà khi trao tặng hoa cho chị, tôi đã không dám nói: Chỉ ít ngày sau đó , trung đội trưởng Ngoan  – cô gái đã gửi lại đứa con gái duy  nhất cho bà nơi hậu phương để xung phong ra trận, cô gái đêm đêm trong  lửa đạn luôn nhớ về con và thầm thì hát : “Con thương ơi, con quý ơi “, cô gái mỗi bận nghe đài có bài hát ”con  thương ơi, con  quý ơi” thường lặng lẽ giấu những dòng nước mắt  vào lòng khỏi tác động đến chị em, cô gái yêu quý vô cùng tiếng hát  của chị Thu Phương, đã hy sinh trong một lần B52 đánh xuống cung đường….

*

Thật ra tôi biết chị Thu Phương từ sớm hơn, từ năm tôi ấu thơ  và ở  với mẹ tôi (nghệ sỹ Tân Nhân) ở khu văn công Cầu Giấy, trong Đoàn ca múa TW. Chị là một thiếu nữ Hà nội có gương mặt rất xinh, giọng nữ cao tuy hơi mảnh nhưng nhẹ nhàng, tinh tế, và tính chị cũng rất dịu dàng khiến ai cũng yêu quý ”. Chỉ mỗi “tội”- (ngày ấy gọi là cái tội)- chị cao quá, gần 1m70, ( ca sỹ Lệ Quyên ( Hứa Lê Quyên) sau này cao vun vút cũng chỉ 1,65).

Tôi cứ nghĩ nếu chị Thu Phương sau này mới sinh, chắc chắn với chiều cao ấy,  chị sẽ là một siêu mẫu hay chí ít cũng tầm Thu Phương hay Hồ Ngọc Hà thời nay! Nhưng khi ấy trong một tốp nữ ai cũng nhỏ nhắn, xinh xắn và duyên dáng, thì chị lại như một con sào chòi ra, thế là dù giọng hát hay mấy nhưng đứng trên sân khấu lại cứ thấy ngượng nghịu, không được  thoải mái tự nhiên cho lắm, như sinh bất cập thời. Nhưng chị lại có một giọng hát thánh thiện, duyên dáng, tuyệt vời.

Bởi vậy chị đã xin chuyển về Đoàn ca nhạc Đài, thoạt đầu là Đài  giải phóng với tên gọi mới là Phương Ngọc (tên chị ghép với tên chồng, để đảm bảo bí mật). Sau giải phóng đoàn ca nhạc Đài giải phóng nhập lại với đoàn ca nhạc Đài TNVN, chị thành solit ở đây, chị lại trở về với tên mình là Thu Phương và nhanh chóng chiếm được rất nhiều tình cảm của khán thính giả. Như của các cô gái TNXP ở trọng điểm đèo Đ của BT chúng tôi những năm chiến tranh. Các bạn trẻ miền Nam khi sau giải phóng, được nghe qua làn sóng đài ”Ơi Nha Trang mùa thu lại về” mà chị là người được nhạc sỹ Văn Ký tin cậy gửi gắm hát đầu tiên. Và hàng loạt bài hát khác có âm hưởng vùng cao , như “Đường lên Tây bắc”, ”Ánh điện vùng cao”, ”Địu con đi nhà trẻ”, “Nhớ về Pắc bó” và đặc biệt là “Em ơi mùa xuân đến rồi đó” của nhạc sỹ Trần Chung, mà  hàng nhiều năm, cứ mỗi độ xuân về là tiếng hát chị  lại vang lên khắp nơi, như để báo hiệu, như để chào đón xuân về…

*

Nói đến chị Thu Phương, lại không thể không nhắc đến một người bạn ca sỹ rất thân với chị là chị Tuyết Thanh, một giọng hát cao vút, đầy “lửa” từng làm rung động hàng triệu trái tim khán thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc cũng như hàng vạn chiến sĩ trên mặt trận. ”Ngày mai em vừa tròn 20 tuổi/Cô gái vùng cao xinh đẹp vô cùng”. Tiếng hát của chị là tiếng hát của một nghệ sĩ cả đời đắm đuối với âm nhạc, với những ca khúc nổi tiếng như “Nổi trống lên, rừng núi ơi” (Hoàng Vân), “Bài ca Hà Nội” (Vũ Thanh), “Tiếng hò trên đất Nghệ An”, “Bến cảng quê hương tôi” (Hồ Bắc), “Miền Nam nhớ mãi ơn Người” (Lưu Cầu- Trần Nhật Lam)..”

Chị Thu Phương và chị Tuyết Thanh thân nhau lắm. Hai chị cùng là giọng hát chính của Đoàn ca nhạc ĐTNVN, lại cùng là thanh nữ Hà nội:” chẳng thơm cũng thể hoa nhài”, lại cùng rất xinh và duyên ( Chị Thu Phương duyên bởi chiếc răng khểnh, chị Tuyết Thanh duyên bởi mà lúm đồng tiền).

Chẳng hiểu vì sao xinh như thế, duyên như thế, hát hay như thế, tính tình dịu dàng tinh tế như thế, mà cả hai chị nhiều năm tháng lại đều phải lận đận đường tình duyên, đều phải qua những cuộc chia tay ”Tan nát lòng người”. Chị Thu Phương chia tay với người chồng  vốn là một giọng hát của Đoàn ca múa TW, sau  đi học Liên Xô về là chỉ huy của Nhà hát Nhạc vũ Kịch. Chị Tuyết Thanh chồng là ca sỹ Doãn Thịnh, cũng khá nổi tiếng của Đoàn ca nhạc Đài TNVN.

Bởi “Đồng cảnh nên đồng tình”, hai chị thân nhau lắm, không có gì không chia sẻ với nhau. Rồi sau này, chị Thu Phương xây dựng lại gia đình với một cán bộ chính trị sau đi làm ngoại giao, hết sức nâng niu yêu quý chị,  còn chị Tuyết Thanh bao mùa thu qua vẫn lẻ loi đơn chiếc, với niềm an ủi  là cô con gái theo học ngành thanh nhạc,  giờ đã trưởng thành nhưng lại làm việc tại Pháp, và công việc một giáo viên thanh nhạc  Gần 30 năm qua, chỉ mình chị   tự chăm sóc mình, tự an ủi mình. Và thi thoảng có  niềm vui nỗi buồn gì, lại bấm điện thoại gọi Thu Phương ơi, Thu Phương hỡi…

 

Châu La Việt 

Video hay


Cùng chuyên mục

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu