Những bộ phim hay về đề tài chiến tranh tàn khốc và đau thương

13:57 | 02/03/2022

Chiến tranh luôn mang lại nỗi đau dù nó đã, đang hay chưa xảy ra. Bằng tài năng của mình, những nhà làm phim đã khắc họa được nỗi đau ấy, đem các cuộc chiến vào tác phẩm của mình, mang tới những góc nhìn khác lạ về chiến trường chỉ có máu và đạn bom.


Chiến tranh thế giới thứ hai đã lùi xa và những cuộc chiến bảo vệ tổ quốc cũng đang dần trôi vào dĩ vãng, dẫu ở đâu đó vẫn có những cuộc xung đột chết người. Hầu hết những đứa trẻ thệ hệ Z (từ 1997-2012) đều không được chứng kiến những cuộc chiến tranh vệ quốc thực sự, khi chỉ được cảm nhận sự khốc liệt qua các tranh sách lịch sử khái quát và gắn gọn, hay trên các phương tiện truyền thông.

Những bộ phim về đề tài chiến tranh đầy đau thương, nhưng ấm áp niềm tin và tình người – Ảnh: internet

Thông qua những thước phim, những nhà làm phim cũng góp phần làm sống động lịch sử, mang lại cho người xem những rung cảm chân thực từ trái tim. Chiến tranh trong những bộ phim là những câu chuyện đầy xúc động, đan xen giữa ám ảnh chết chóc, sợ hãi và tuyệt vọng, là tình người, niềm tin, lòng tự hào và nụ cười chiến thắng.

Schindler’s List (1993)

Bộ phim kể về thế chiến thứ hai đã lấy đi nước mắt của bao nhiêu khán giả, dành 7 giải thưởng Oscar và luôn có mặt trong Top 10 danh sách bình chọn những phim hay nhất mọi thời đại ở bất cứ quốc gia nào.

‘Schindler’s List (1993)’ kể về doanh nhân với mục đích sống là kiếm tiền, kiếm được thật nhiều tiền, định nghĩa thành công và thất bại và thành công của ông đơn giản là giàu và nghèo. Người làm kinh doanh lõi đời và khôn khéo ấy quyết định mở một nhà máy tại trại Do Thái để giàu nhanh hơn vì nhân công ở đây là những kẻ bị giam cầm. Nhà kinh doanh tôn vinh tiền bạc như một vị thần bị lung lay bởi người công nhân cụt tay đã cảm ơn ông ta bằng cả tấm lòng, bởi cô gái cầu xin ông hãy nhận cha mẹ cô vào làm vì biết nhân công tại nhà máy sẽ được cưu mang khỏi cuộc thanh trừng lịch sử,…

Những sự kiện ấy làm Schindler tức giận, một điều gì đó mâu thuẫn đang dấy lên trong ông. Ông ta hét lên. Đối với một nhà kinh doanh, lợi nhuận là tất cả, nhưng giờ đây, ông nhận ra, có một điều gì đó dần quan trọng hơn cái chân lý suốt đời mà ông ta theo đuổi.

Schindler đã suy nghĩ rất lâu, lập bản danh sách những người Do Thái họ có thể cứu và bán hết gia tài của mình để có thể mua lại người, nhà máy không còn hoạt động, nó chỉ dùng để làm nơi trú chân cho những người ông cứu về.

Cuộc chiến tranh kết thúc, Schindler rời khỏi nhà máy như một kẻ chạy trốn, những người Do Thái cảm ơn ông bằng cách đúc một cái nhẫn vàng, ông đột nhiên khụy xuống khóc: “Tôi đã có thể cứu thêm một mạng người nữa nếu có chiếc nhẫn này”. Schindler ra đi với hai bàn tay trắng, nhưng ông lại thành công, bởi chân lý cuộc sống của ông đã thực sự thay đổi, ông đã sống một cuộc đời nhìn lại không hối tiếc.

Phim có nhiều cảnh rất khủng khiếp, như cảnh người công nhân cụt tay bị bắn chết, cảnh những người phụ nữ trong lò thiêu, ôm nhau cầu nguyện trước khi chết… Màu phim đen trắng để giảm bớt sự sợ hãi và đau đớn của khán giả, nhưng dường như người ta vẫn nhìn thấy màu. Màu của lòng người, của tình thương, của sự đấu tranh cái thiện và ác trong con người, của những ngọn lửa hi vọng lóe lên trong đêm đen mịt mù.

Tất cả rồi sẽ hóa tro bụi, thân thể này rồi cũng sẽ mất đi, nhưng tình yêu thương sẽ vẫn mãi trường tồn. Đây là một bộ phim đáng để xem và cảm nhận.

Hacksaw Ridge (2016)

‘Hacksaw Ridge’ bộ phim kể về người lính ra chiến trường nhưng không mang theo vũ khí, chỉ mang theo trái tim – Ảnh: Internet

Chân dung về người hùng phản chiến. Người ta khi nghĩ về chiến tranh, về lực lượng quân địch, sẽ nghĩ tới những kẻ đáng để tiêu diệt, máu, đạn bom và cái chết. Còn Desmond Doss lại nghĩ tới đó là nơi anh có thể cứu mọi người, đó là người lính duy nhất không mang theo bất kì một vũ khí nào.

Desmond Doss là người hiểu sâu sắc về ý nghĩa của sự sống, anh luôn mong muốn được giúp đỡ mọi người. Chiến tranh nổ ra, Doss trở thành một bác sĩ mặt trận. Anh đã có mặt trên chiến tuyến đẫm máu tại Okinawa trong thế chiến thứ II. Anh có mặt tại chiến trường để cứu người, chiến tranh chính nghĩa trong anh là không đổ máu, không ai phải nằm lại.

Thước phim hoành tráng với những cảnh quay xuất sắc, chiến trường hiện lên dữ dội và đau thương. Giữa cảnh đạn bom mịt mù, có chàng lính tay không vũ khí, dáo dác chạy đi tìm người bị thương, luôn miệng cầu khấn: “Xin chúa cho con cứu thêm một người nữa”. Anh là màu sắc khác biệt của nơi đây, là người mang hy vọng đến cho trận chiến đau thương này.

‘Hacksaw Ridge’ là bộ phim chính kịch chiến tranh tiểu sử được phát hành tại Mỹ vào ngày 4 tháng 11 năm 2016, thu về 175,3 triệu USD trên toàn thế giới và nhận được nhiều nhận xét tích cực từ giới chuyên gia. ‘Hacksaw Ridge’ đã được Viện phim Mỹ lựa chọn là một trong 10 bộ phim hay nhất của năm và đã nhận được nhiều giải thưởng và đề cử. Màu sắc, cảnh quay và nội dung phim có thể làm đổ gục bất kỳ khán giả khó tính nào.

The Pianist (2002)

Nỗi đau về chiến tranh, tình yêu, niềm tin và những bản nhạc da diết là những gì ‘The Pianist’ muốn truyền tải – Ảnh: internet

Bộ phim mang âm nhạc vào chiến tranh, đau thương, nuối tiếc, sợ hãi trộn lẫn trong chất thơ và âm nhạc. The Pianist được công chiếu năm 2002 và ngay lập tức tạo được tiếng vang lớn và đạt nhiều thành tựu nổi bật. Bộ phim về đề tài chiến tranh thế giới II này đã giành được 3 giải Oscar và hàng loạt giải thưởng danh giá khác.

The Pianist dựa trên cuốn hồi ký cùng tên của nghệ sĩ dương cầm Do Thái mang hai quốc tịch Ba Lan – Pháp, Władysław Szpilman. Nội dung kể về về hành trình sống sót qua Thế chiến thứ hai đầy đau thương mất mát của Szpilman. Bộ phim đi theo cốt truyện đơn tuyến dưới góc nhìn của nhân vật chính – nghệ sỹ dương cầm Władysław Szpilman.

Không hào hứng ý chí quyết đấu, không lòng dũng cảm và sự hi sinh, The Pianist chỉ là một cuộc chạy trốn. Chạy trốn giữa hoang tàn và đổ nát, âm nhạc tưởng như đã chết lại trỗi dậy mạnh mẽ và da diết, khúc hát về những nỗi đau của chiến tranh, về nỗi nhớ quê hương Ba Lan, về nỗi sợ, tình yêu, sự sống và cái chết.

Âm nhạc trong bộ phim mang thông điệp phản chiến mạnh mẽ nhất, chiến tranh và chết chóc lạnh lùng hiện hữu trong mỗi cảnh phim, âm nhạc như sợi chỉ duy nhất mang lối thoát cho tâm hồn con người.

Trong phim, chiến tranh và âm nhạc xen lẫn, tạo ra sự mới lạ, độc đáo trong các bộ phim làm cùng đề tài này.

Life is beautiful (1997)

Banner của phim “Life is beautyful” hay “Cuộc sống tươi đẹp” – một bộ phim đầy giá trị nhân văn – Ảnh: internet

Bộ phim lấy bối cảnh nước Ý trước và trong thế chiến thứ 2, Guido Orefice là một chàng trai Do Thái trẻ tuổi, hài hước, chân thành nên duyên cùng “nàng công chúa” anh yêu từ cái nhìn đầu tiên Dora. Cô gái bỏ sự quyền quý sẵn sàng đi theo anh chàng làm trái tim cô rung động và họ có với nhau một cậu con trai Joshua.

Gia đình hạnh phúc chẳng được bao lâu thì chiến tranh ập tới, cả gia đình bị bắt vào trại tập trung – nơi nối liền với cánh cửa của cái chết. Trong chốn ngục tù ấy, bên cạnh những khuôn mặt uể oải, những giọt nước mặt sợ hãi, những ánh mắt khốn cùng bỗng bừng sáng bởi tiếng cười của hai cha con, sự lạc quan, vui vẻ của họ.

Người cha Guido với tình thương vô hạn và sự thông minh hóm hỉnh đã nói với con trai rằng đây chỉ là trò chơi và người chiến thắng sẽ được phần thưởng là chiếc xe tăng. Để làm người chiến thắng cả 2 bố con phải tích lũy 1.000 điểm thưởng và luật chơi là không được khóc lóc, đòi ăn bánh, đòi mẹ hay phàn nàn, vì những việc đó sẽ khiến người chơi bị trừ điểm.

Cuộc chơi ở một nơi nhếch nhác, biến những người đàn ông từ trai tráng thành những con người vô hồn bởi sự khó nhọc và bóc lột đến nỗi đa số phải “bỏ cuộc”, phần ít ỏi còn lại từ từ chỉ còn những bộ xương còm cõi và thống khổ. Còn phụ nữ, đặc biệt trẻ em và người già những người không làm được việc sẽ được gọi “đi tắm”, nơi trở về của họ là những đống xương và sọ người cao ngút.

Người cha ấy đã “bọc” tâm hồn cho con trai bằng những lời nói, bảo vệ con khỏi sự tuyệt vọng, nỗi sợ hãi và éo le. Để rồi gửi lại cho con trai suy nghĩ tươi đẹp nhất về cuộc sống này.

Bộ phim ‘Life is beautiful’ lạ ở chỗ, là bộ phim đề tài chiến tranh, bối cảnh bức bối, bẩn thỉu và đổ nát nhưng lại thổi vào tâm hồn người xem sự ấm áp, niềm tin và niềm khát khao thiết tha với cuộc đời.

Lời nhắn nhủ

Ngoài những bộ phim nêu trên, còn rất nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển nói về đề tài chiến tranh. Cái hay và đẹp trong những bộ phim này nằm ở chỗ, nói về chiến tranh nhưng không bị lấp đầy bởi tiếng ầm ĩ của tiếng bom, la hết, sự khủng khiếp và tuyệt vọng. Trong những nỗi đau len lỏi, lại len lỏi tình thương, trong cái mất mát lại có tinh thần vượt lên nghịch cảnh và trong nỗi sợ hãi lại có niềm tin và chiến thắng. Đó là tính nhân văn của những tác phẩm phim ảnh thời chiến.

Trong những cảnh phim ấy, dù ý nghĩa có khác nhau nhưng chiến tranh hiện lên lại cùng chung một góc độ: giữa cái chết và nỗi đau luôn tồn lại tình yêu và hy vọng.

Xem lại những thước phim, những nhà làm phim muốn nhắn nhủ chúng ta về sự tàn nhẫn và khủng khiếp của chiến tranh, của bom đạn, đồng thời nhắc nhở tất cả cùng nhau trân trọng và gìn giữ hòa bình, cầu mong cho một thế giới yên vui, hạnh phúc.

Theo Công luận

Cùng chuyên mục

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

Tấm gương sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam

Tấm gương sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam

NSƯT Tố Nga: Đúng như tên bài hát “Điệu Ví Giặm là em”

NSƯT Tố Nga: Đúng như tên bài hát “Điệu Ví Giặm là em”