Cần nâng cao chất lượng văn học trong các tác phẩm điện ảnh

13:36 | 08/07/2024

Hội thảo “Điên ảnh Kết nối và lan tỏa  gia trị văn hóa” này do Cục Điện ảnh VN  tổ chức, theo tôi là rất kịp thời, cần thiết, và mang tính lịch sử; bởi muốn “kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa” ra thế giới bằng Điện ảnh thì chỉ có phương cách hữu hiệu nhất là nâng cao chất lượng Văn hóa ­ Văn học của chúng. Thế nhưng, lĩnh vực Điện ảnh và Truyền hình, tức là một lĩnh vực nghệ thuật hiện đại và Nghe ­ Nhìn thời Kỹ thuật số, cái thời hơn bao giờ hết chúng cần phải gắn bó với văn học thì cũng chưa bao giờ chúng xa cách đối với văn học và trống rỗng về văn học đến thế, ở nước ta!

Văn học ở đây là muốn nói chung về nền kiến thức văn hóa ­ trong đó, văn học nhiều khi giữ vai trò chủ chốt, mang tính quyết định đối với giá trị và thành công của tác phẩm điện ảnh, đặc biệt với các thành phần sáng tạo cao nhất trong phim như biên kịch, đạo diễn. Người biên kịch, lao động của họ tuy tạo ra sản phẩm scénario chỉ là hạng thứ so với tác phẩm văn học như tiểu thuyết, kịch, trường ca, song lại có vai trò quyết định sống còn đối với bộ phim tương lai ­ không chỉ vì “rốt cục, có nhiều sự kiện và chi tiết trong tác phẩm nghệ thuật (ở đây là kịch bản điện ảnh) còn thật hơn những cuốn sách lịch sử” (Charlie Chaplin), mà vì nó còn là “bản thiết kế tổng thể ban đầu” dành cho kịch bản kỹ thuật phân cảnh (Découpage technique) sau đó sẽ chứa toàn bộ nội dung ­ hình thức bộ phim cùng các phương thức và kỹ thuật thực hiện cho tất cả các thành phần đoàn làm phim. Các Festival Film quốc tế bao giờ cũng coi kịch bản văn học là thành phần cần được tôn vinh đầu tiên. Trong một tiểu luận viết về việc chuyển thể Truyện Kiều lên màn ảnh, người viết bài này có nhấn mạnh: mức độ thành công của tác phẩm điện ảnh nhiều hay ít ­ tùy thuộc phần lớn vào khả năng giải mã tác phẩm văn học của nhà biên kịch và đạo diễn ­ đều có ý nghĩa nhất định nào đó trong việc phổ biến giá trị văn học và các giá trị nhân văn nằm trong tác phẩm gốc tới đông đảo công chúng. Điện ảnh kể từ khi xuất hiện phim nói tới nay đã để lại biết bao kinh nghiệm xương máu trong việc chuyển thể tác phẩm văn học; và một Giải thưởng danh giá cho những người làm phim nhiều quốc gia như của Viện Hàn lâm Khoa học Điện ảnh Hoa Kỳ đã dành riêng một giải Oscar cho phim chuyển thể từ tác phẩm văn học gốc!

Thế nhưng, ở nước ta, sau một thời dài xa lánh những vấn đề về số phận con người, “dị ứng” với những gì gọi là “Thao thức” ­ tên một cuốn tiểu thuyết của A. Kron ­ thì điện ảnh do phim thương mại áp đảo thống trị đã tạo ra những sản phẩm ngày càng xa lạ với những vấn đề nhân văn mà điện ảnh thế giới đã tạo ra con đường lớn cho nó, để chạy theo thứ thị hiếu tầm thường đã bắt đầu tràn ngập xã hội và ngấm sâu vào tâm hồn đông đảo giới trẻ. Chất liệu đời sống ­ lịch sử ngồn ngộn và kho tàng văn học dân gian, văn học viết từ thời trung đại tới hiện đại đủ cung cấp cho hàng trăm tác phẩm điện ảnh thực sự, đã bị đẩy lùi thật xa để nhường bước cho những “váy ngắn váy dài, chân ngắn chân dài”, những cuộc tình tay ba sướt mướt, những mối tình đồng giới, cuộc sống vương giả nhà lầu, xe hơi, thời trang, trang điểm quý tộc… Không ít nhà biên kịch và đạo diễn từng mơ ước làm phim nghệ thuật đã bị “ngã gục” trước cuộc tấn công dữ dằn kèm mua chuộc ngọt ngào đó, đành gạt lệ chia tay “văn học thứ thiệt” để phục vụ ­ đúng hơn là làm nô lệ cho những nhà sản xuất và phát hành phim bất chấp “con nghệ thuật” như họ vẫn mỉa mai, những người tôn thờ kim tiền hơn cả mụ Tú Bà tôn thờ thần Mày Trắng!

Từ đó tất yếu nảy sinh ra cái hiện tượng ngày càng phổ biến, là copy kịch bản nước ngoài ­ gọi một cách lịch sự là phim “remake”, “phim Việt hoá từ kịch bản nước ngoài”. Thí dụ tiêu biểu nhất là phim ăn khách gần đây: “Tiệc trăng máu” (2020), đã “thuổng” hết ý tưởng và nội dung cơ bản của phim Italya: “Perfect Strangers” của đạo diễn Paolo Genovese, sản xuất năm 2016 với doanh thu hơn 16 triệu Euro ở quê nhà, còn trên toàn cầu phim thu hơn 31 triệu USD, thắng hai giải Phim hay nhất và Kịch bản xuất sắc nhất tại giải David di Donatello ­ một ʺOscar” nước Ý ­ (sau đó được chiếu tại Liên hoan phim Châu Âu tại Việt Nam năm 2020, với tên “Người lạ hoàn hảo”)… Không chỉ dùng lại kịch bản ngoại, không ít đạo diễn trẻ đã làm phim hoàn toàn bắt chước phong cách Tây, như bộ phim có doanh thu khá cao ʺEm chưa 18ʺ đã được xưng tụng một cách đầy tự hào mà không biết nhục nhã là: ʺphim Mỹ nói tiếng Việtʺ! Phim truyện truyền hình cũng vậy, giờ vàng của các Đài Truyền hình, nhất là Đài Truyền hình Trung ương tràn ngập những phim “remake” như vậy ­ như phim “Người phán xử” chuyển thể của phim Israel, rồi sau đó là cả một séri phim “Việt hoá” ra đời: “Cả một đời ân oán” (từ phim Đài Loan), “Sống chung với mẹ chồng” (từ tiểu thuyết “Phù thuỷ dưới đáy biển” của Giả Hiển, Trung Quốc)… Rồi một loạt các kịch bản Hàn Quốc như “Gạo nếp gạo tẻ” (từ phim “Wang Family”), “Mối tình đầu của tôi” (từ “She Was Pretty”); rồi “Hướng dương ngược nắng”, “Hương vị tình thân” đã được “Việt hoá” từ phim Hàn Quốc; cả série phim sit­com của Hàn Quốc cũng được “Việt hoá” thành “Gia đình là số 1”, v.v. Chúng là sự tiếp nối của thảm họa “phim mỳ ăn liền“ xuất hiện từ những năm 80 thế kỷ trước kéo dai dẳng tới hôm nay. Nhiều trí thức đã than phiền, lắc đầu về hiện tượng quái dị, quái thai này của điện ảnh ­ truyền hình, tiêu biểu như nhà văn Nguyễn Hiếu: “Nghiện biện pháp dễ dãi trong nghệ thuật, làm phim bằng cách Việt hoá kịch bản nước ngoài là một trong những nguyên nhân sâu sa làm lệch lạc, méo mó tâm lý, nhân cách người Việt, chưa nói đến trong lâu dài sẽ làm người Việt rơi vào tình trạng vong quốc nô văn hoá.

Trong phim tài liệu ­ một thể loại của điện ảnh ­ , tình hình cũng vậy. Khi người làm phim về chân dung danh nhân văn hóa mà thiếu hụt kiến thức văn học ­ cụ thể ở đây là kiến thức văn học sử về tác giả, tác phẩm, trên cái nền văn hóa tổng hợp, thì sẽ tạo ra những “hạt sạn” khủng tra tấn khán giả. Ví dụ tiêu biểu hơn cả là bộ phim “Đại thi hào Nguyễn Du” dài 180 phút gần đây nhất được thực hiện với kinh phí khổng lồ: Trong đoạn nói về mẹ thân sinh của Nguyễn Du, với những lời bình so sánh thân phận của bà với nàng Kiều trong tình cảnh bị danh gia họ Hoạn đánh ghen bằng cách bắt hầu rượu, hầu đàn cho hai vợ chồng một cách tủi nhục. Đó là sự so sánh khiên cưỡng, sai sự thật lịch sử! Hơn nữa, cũng trong phim, có nhiều cảnh miêu tả sự gần gũi thân mật của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm với hai mẹ con Nguyễn Du, sự quan tâm chu đáo chân tình của bà chính thất Nguyễn Thị Dương với Nguyễn Du, và với bà trắc thất Trần Thị Tần ­ như thế là ý tưởng phim với hình tượng cụ thể phim đã “đánh nhau” kịch liệt!…

Những loại phim như vậy rõ ràng đã thiếu vắng văn học, tức là đã thiếu đi hoặc rất mờ nhạt cái mà người xem đang cần, rất cần, đó chính là ngọn lửa ở bên trong tác phẩm, là cái thái độ ngay thẳng bênh vực con người, là cái thông điệp về nhân sinh ngầm sâu mà những người làm phim cần gửi đến người xem qua hàng loạt những hỉ, nộ, ái, ố, những cảnh sắc, những trang phục và diễn xuất…

Những năm qua, nền Điện ảnh của ta đã xuất hiện “thế hệ đạo diễn “bạc tỉ” mà một số lớn trong đó đó là sản phẩm đặc sệt của công nghệ điện ảnh Mỹ, nghĩa là điện ảnh thương mại chuyên sản xuất loại “phim chợ” (kể cả phim “bom tấn”), họ được đào tạo khá bài bản các thủ pháp của nền công nghệ ấy mà mục tiêu lớn nhất của những “Ông hoàng Hollywood” (tên một tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Fitzgerald) là câu khách đến rạp thật nhiều. Thế nhưng, điều đáng buồn nhất là họ không học được ở nghệ thuật điện ảnh Mỹ những giá trị lớn vượt khỏi thương mại có văn học làm gốc (kể cả ở một ông chủ Hollywood từng tuyên bố sẵn sàng bỏ tiền ra làm phim dù chỉ một người vào rạp nhưng có thể tiến tới thảm đỏ Oscars và các giải danh giá khác của thế giới!). Ngoài điện ảnh Mỹ ra, còn những nền điện ảnh lớn khác như Pháp, Italia, Nga… với những giá trị kinh điển quý giá kết tinh từ văn học, thì thế hệ đạo diễn vừa nói (cùng những thành phần khác của điện ảnh như quay phim, âm thanh, biên kịch…) đã không có điều kiện hấp thu! Với những “thế hệ đạo diễn bạc tỉ” nói trên, cùng với phim ngoại nhập “loại ba” tràn lan và sự làm ngơ hoặc dung túng của các cấp lãnh đạo văn hóa, phim Việt đã, đang và sẽ làm khán giả bội thực bởi thứ phim thương mại ­ giải trí thuần túy; đó sẽ là một trong những “thảm họa” lớn nhất của phim Việt (theo một cách nói quen thuộc gần đây của công luận); thế nhưng họ đang có ảnh hưởng rất mạnh, là cái đích, là mẫu hình phải vươn tới của nhiều người làm phim trẻ, nhiều sinh viên điện ảnh!

Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh mối liên hệ khăng khít giữa văn chương và điện ảnh với sinh viên các khoa Điện ảnh ­ Truyền hình ­ Báo chí và nhắc tới câu nói của nhà văn Nga K. Pautovsky: “Sự tiếp nhận cuộc đời một cách thi vị là món quà vĩ đại nhất mà tuổi thơ đã cho ta. Nếu sau nhiều năm tháng, người ta vẫn giữ được món quà quý đó, người ta sẽ trở thành nhà thơ, nhà văn…”. Và tôi đã xin phép Pautovsky bổ sung: Người ta cũng có thể trở thành cả nhà điện ảnh nữa! Người nghệ sĩ ngôn từ và người nghệ sĩ nói chung đều cần có phẩm chất tâm hồn như nhau, mà điều quan trọng nhất là tình yêu sâu xa đối với con người, với thiên nhiên ­ điều đó chỉ có thể tìm thấy trong văn học, và văn chương bao giờ cũng là cái gốc, là cái hồn vía của điện ảnh.

Rõ ràng là, khi văn học bị buộc rời xa điện ảnh, điện ảnh chỉ còn là sản phẩm thương mại thuần túy nhằm “móc túi” loại khán giả vốn sùng bái nghệ thuật Pop Art và không thể thưởng thức nổi âm nhạc không lời của Chopin, Mozart, Schubert… Một nền điện ảnh dân tộc xứng đáng để có thể xuất hiện trên bản đồ điện ảnh thế giới, bắt buộc phải lấy Giá trị ­ Thước đo của văn học làm cơ sở gốc, làm trọng tài chính cho mình. Có thế, tác phẩm điện ảnh mới đạt được cái tiêu chuẩn Triết ­ Mỹ mà nhà Ký hiệu học người Nga I.M. Lotman đã từng nêu ra từ giữa thế kỷ trước: “Con người có kết cấu trên màn ảnh phức tạp sẽ làm cho con người ngồi trong rạp về mặt trí tuệ và xúc cảm cũng phức tạp hơn (ngược lại, một kết cấu nguyên thủy thì tạo ra một khán giả nguyên thủy). Chỗ đó là sức mạnh của nghệ thuật điện ảnh, cũng chính là trách nhiệm của nó”.

MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN

Cùng chuyên mục

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Bài thơ kính đề Nam thiên đệ lục động của Giáo thụ Trần Hữu Đáp

Bài thơ kính đề Nam thiên đệ lục động của Giáo thụ Trần Hữu Đáp

Ngô Thì Nhậm bàn về thế sự qua một bài thơ

Ngô Thì Nhậm bàn về thế sự qua một bài thơ

Hợp tác sân khấu quốc tế trong thời đại mới

Hợp tác sân khấu quốc tế trong thời đại mới

Truyện lịch sử: Người vợ của đảng trưởng

Truyện lịch sử: Người vợ của đảng trưởng

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Người rời thành phố vào sáng sớm

Người rời thành phố vào sáng sớm