Nhìn lại 100 năm nghệ thuật cải lương

14:58 | 12/06/2018

Khá lâu rồi, sân khấu cải lương (SKCL) mới có được cuộc hội ngộ quy mô từ các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà nghiên cứu – phê bình đến lực lượng làm nghề trên cả nước để cùng nhìn nhận, đánh giá những thành tựu qua 100 năm phát triển cũng như mổ xẻ thực trạng và định hướng phát triển SKCL qua hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương (1918 – 2018) – Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”.


Hhội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương (1918 – 2018) – Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”.

Hội thảo do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu TPHCM và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức tại TPHCM vào ngày 28/4 đã thu hút hơn 40 tham luận bàn về mọi vấn đề lý luận lẫn thực tiễn của SKCL; nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư; Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam NSND Lê Tiến Thọ; Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM NSND Trần Ngọc Giàu…

 Một loại hình nghệ thuật đặc biệt

Có mặt tại hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng – người từng chờ các đoàn hát “xả giàn” để được vào xem cải lương thời thơ ấu – khẳng định sức hút kỳ lạ của SKCL khi chỉ trong ít năm hình thành đã phát triển ở cả 3 miền, hấp dẫn công chúng không chỉ ở các đô thị lớn mà còn ở vùng nông thôn xa xôi, đáp ứng nhu cầu tinh thần – thẩm mỹ của các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân lao động.

Trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc và các giai đoạn kế tiếp, SKCL đã được sử dụng như một vũ khí tinh thần cổ vũ lòng yêu nước, khích lệ quần chúng nhân dân tham gia cách mạng. Đồng chí Võ Văn Thưởng bày tỏ sự tin tưởng vào tương lai nghệ thuật cải lương – dù rằng đang gặp thách thức lớn trước sự lấn lướt của các phương tiện nghe nhìn hiện đại, sự xâm nhập ồ ạt của văn hóa phẩm mới lạ từ bên ngoài, sự “lên ngôi” của những giá trị nhất thời trong cơ chế thị trường, bởi lẽ: Tuy “sinh sau đẻ muộn” lại chịu những định kiến nhất thời, nhưng với sức sống bền bỉ, khả năng thanh lọc và thích ứng nhanh với mọi hoàn cảnh, được nhân dân nuôi dưỡng, bảo tồn, cải lương đã bám rễ vào đời sống xã hội và phát triển mạnh mẽ, và đặc biệt là “còn đang tiếp tục phát triển, luôn hướng đến cái mới, cái tiến bộ, luôn có những sáng tạo trong thi pháp, phương thức dàn dựng và biểu diễn được đông đảo quần chúng đón nhận”.

PGS.TS Trần Trí Trắc phân tích những đặc trưng vượt trội của nghệ thuật cải lương: Một thể loại sân khấu dân tộc “luôn luôn động” để tiếp biến với các nền văn hoá khác, và “rộng mở” khi không bị hạn chế để đón nhận những thành tố lạ của các loại hình văn học nghệ thuật khác của nhân loại vào mình. Tuy nhiên, sự “luôn luôn động” và “rộng mở” này không thể thoát ly nền tảng cốt lõi hình thành nên nghệ thuật cải lương là đờn ca tài tử; phải luôn gắn bó mật thiết với văn hóa Việt, bằng văn hóa Việt, vì văn hóa Việt thông qua phong cách địa văn hóa từng vùng miền theo thị hiếu thẩm mỹ khán giả quy định.

Từ đây, có thể thấy được việc SKCL hiện nay đánh mất khán giả phần nào từ việc không giữ được “hồn cốt, bản sắc cải lương” mà theo nhận định của GS Hoàng Chương là: “Âm nhạc cải lương hiện nay không còn đậm bản sắc cải lương như ngày xưa, bởi sự kết hợp giữa tây và ta một cách tùy tiện”. Cùng với đó là sự cải tiến, cải cách nghệ thuật không bờ bến, không nguyên tắc, chỉ chạy theo sự “tiến bộ”, “văn minh” chung chung mà không nắm bắt bản chất cốt lõi và quy luật phát triển của nghệ thuật dân tộc.

Tuy nhiên, với lợi thế một loại hình nghệ thuật đã thu hút được những tinh hoa các nền nghệ thuật từ dân gian đến bác học (hát bội, ca nhạc cung đình Huế, nghệ thuật nhà chùa, dân ca Nam bộ…), đã nhanh chóng lan tỏa từ phương Nam ra cả nước, được khán giả ưa chuộng bậc nhất trong thế kỷ XX cho đến nay, SKCL dù đang ở khúc trầm nhưng nhất định sẽ thăng hoa trở lại vì đó là hồn cốt dân tộc.

Những giải pháp cụ thể

NSND Giang Mạnh Hà chỉ rõ những bất cập của SKCL hiện nay khi Hà Nội và TPHCM vốn có tiềm lực kinh tế vượt trội nhưng vẫn chưa xây nổi một nhà hát cải lương đúng chuẩn, trong khi hầu hết các rạp biểu diễn tại hơn 60 tỉnh thành còn lại đều trở thành nhà hàng, khách sạn, siêu thị; trang thiết bị kỹ thuật, hệ thống âm thanh, ánh sáng của các đoàn hát đều cũ kỹ, lạc hậu, chắp vá. Và khi mức chi trả cho tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên theo quy định Nhà nước còn nhiều bất cập, chỉ bằng 1/7 so với các nước trong khu vực thì không trách được việc: “tình yêu sân khấu đã nhường lại cho cơm áo, gạo tiền, cuộc sống bươn chải mưu sinh đã xâm chiếm, bao phủ tâm hồn thanh tao, trong vắt của người nghệ sĩ, gây nên tự chán chường, mệt mỏi, làm xói mòn con tim nghệ sĩ, khiến tâm hồn nguôi dần, động lực sáng tạo cống hiến bị phôi phai”.

“Nghị quyết của Đảng đã khẳng định nền văn hóa Việt Nam là ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi, hiền tài là nguyên khí của quốc gia, văn nghệ sĩ là tài sản quý của đất nước, vậy thì Nhà nước hãy đầu tư nguồn lực tương xứng với tài sản quý của quốc gia. Trước hết là cơ sở vật chất, xây dựng nhà hát biểu diễn xứng tầm, chuyên nghiệp, không có nhà hát cố định thì nghệ sĩ không có điều kiện sáng tạo, dàn dựng và biểu diễn, đối nội, đối ngoại” – NSND Giang Mạnh Hà thẳng thắn đề xuất.

NSƯT Trần Minh Ngọc nêu thực trạng cải lương thưa vắng khán giả ở nơi từng là “cái nôi” SKCL chuyên nghiệp như TPHCM vì từ lâu đã không đổi mới theo kịp nhu cầu khán giả đô thị. NSƯT Trần Minh Ngọc cho rằng cần có chiến lược lâu dài bền vững để đào tạo khán giả khi hiện nay sân khấu đang đánh mất vai trò tiên phong, định hướng cho khán giả mà chỉ mãi chạy theo thị hiếu, sở thích của công chúng. Khâu đào tạo cũng cần chuyên nghiệp hóa, tập trung bồi dưỡng chuyên môn cho nghệ sĩ biểu diễn thay vì quá nhiều lý thuyết cũng như đào tạo đạo diễn chuyên ngành SKCL…

NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng SKCL gặp khó do nhiều yếu tố, trong đó có cả do tự thân chúng ta. Các trường sân khấu cần xem xét nghiêm túc lại chương trình giảng dạy khi hầu hết các ngôi sao cải lương hiện nay đều không xuất thân từ trường lớp. Trước khi có sự hỗ trợ từ bên trên, bên ngoài, bản thân người làm nghề phải tự ý thức thay đổi tư duy và nỗ lực vì cái chung trước đã.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư cho rằng: “Đã đến lúc chúng ta mạnh dạn xác định rõ cải lương là Di sản văn hóa phi vật thể, một loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc và cần được bảo trợ… Tuy nhiên, trong tiến trình hội nhập, mỗi quốc gia, dân tộc và từng nghệ sĩ phải “học” chung sống trong môi trường văn hóa toàn cầu, chấp nhận sự tác động tích cực lẫn tiêu cực, thậm chí “lây nhiễm” của nó, cùng với việc tự khẳng định diện mạo văn hóa, đặc trưng phong cách và bản lĩnh của dân tộc mình”.

Tổng kết hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết Ban Tổ chức ghi nhận các ý kiến đóng góp để trình Ban Bí thư, Chính phủ nhằm hoạch định chiến lược phát triển SKCL cũng như các loại hình nghệ thuật dân tộc trong tình hình mới. Trong đó, tập trung các giải pháp: Thể chế hóa hiệu quả các Nghị quyết quan trọng của Đảng về văn học nghệ thuật, đặc biệt quan tâm việc bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật cải lương nói riêng; đầu tư xây dựng, nâng cấp sân khấu, trang thiết bị hiện đại; đầu tư thích đáng cho những công trình sáng tác, dàn dựng và biểu diễn để có được những vở diễn hay, vừa đáp ứng được thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, vừa có tính tư tưởng, nghệ thuật cao.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ.

Đặc biệt, “để triển khai hiệu quả chủ trương tự chủ của SKCL, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý phù hợp nhằm tạo động lực thu hút các nhà đầu tư (quy định hỗ trợ vốn vay, chi phí quảng cáo, miễn giảm thuế…) cho nghệ thuật truyền thống; xây dựng lại chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung, SKCL nói riêng, phải đảm bảo nghệ sĩ sống được bằng nghề của mình và tự hào về nghề của mình”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.

 

Ngọc Tuyết/VHVN

Video hay

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng