Thanh Hóa – “vùng đất vừa mang tính huyền thoại vừa mang tính lịch sử” (nhận định của GS Ngô Đức Thịnh) – vốn được định hình từ rất sớm và có địa thế hết sức đặc biệt. Đây không chỉ là một trong những nơi hội tụ và lan tỏa văn hóa của cộng đồng người Việt cổ; mà cộng đồng cư dân Thanh Hóa còn có những nét khu biệt, độc đáo, được bảo lưu lâu dài và ít xáo trộn dù trải qua nhiều biến thiên lịch sử. Tất cả những đặc điểm địa lí, văn hóa, lịch sử, xã hội ấy đã tạo nên những sắc thái độc đáo của văn hóa xứ Thanh, cũng là góp phần hun đúc nên một phần tính cách của con người Thanh Hóa.
Có lẽ vì vậy mà khi nghiên cứu về Thanh Hóa, bằng “con mắt xanh” của học giả phương Tây, C. Robequain đã đưa ra một nhận định thấu triệt rằng: “Đây không phải chỉ là một đơn vị hành chính mà là cả một Xứ”. Việc thừa nhận Thanh Hóa là một “xứ” cũng chính là sự khẳng định về bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất và con người nơi đây. Đồng thời, sự độc đáo của tiểu vùng văn hóa xứ Thanh đã góp phần cố kết và đa dạng hóa bản sắc văn hóa Việt Nam.
Thế nhưng, trước khi học giả phương Tây trên “cố tìm để hiểu” về mảnh đất này, thì đã có không ít học giả, sử gia từng dành vô số lời ngợi ca vẻ đẹp đất và người Thanh Hóa. Trong đó, nhận định của nhà sử học Phan Huy Chú trong trước tác Lịch triều hiến chương loại chí, hẳn được nhiều người thừa nhận: “Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại nảy ra nhiều văn nho… Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường, vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước”! Lời khẳng định đó – như nhận xét của Nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tuấn Phổ – là “hoàn toàn xác đáng, khái quát cao, từng lời như được chưng cất từ lịch sử đất Việt quê Thanh”. Đồng quan điểm với Phan Huy Chú, các tác giả của sách Đồng Khánh địa dư chí đã viết về đất và người nơi đây như sau: “Người Kinh kẻ sĩ thường chuộng học văn, đời nào cũng có bậc hiền tài, trù đãng hiếu nghĩa, những người lỗi lạc có khí cốt thì không phải ít. Có lẽ là nhờ khí chất cứng mạnh của núi sông vậy”!
Những đánh giá kể trên đều xuất phát từ những căn cứ thực tế vô cùng thuyết phục. Trước hết, Thanh Hóa là cái nôi của người Việt cổ và là nơi còn lưu giữ đậm đặc các di sản văn hóa độc đáo. Theo một thống kê sơ bộ về các di tích thời đại đá Cũ ở Thanh Hóa, thì có tới 18 địa điểm di tích liên quan đều nằm dọc hai bờ sông Mã. Chính sự phân bố với mật độ dày và nhiều hơn số di tích ở các tỉnh miền Bắc cộng lại, đã cho thấy rằng Thanh Hóa là mảnh đất “được chọn” cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của loài người và xã hội loài người, từ buổi bình minh của lịch sử. Chưa hết, đây còn là cái nôi của nhiều nền văn hóa cổ đã phát triển đến giai đoạn rực rỡ nhất, mà văn hóa Đông Sơn là một điển hình.
Nói về Thanh Hóa là nói đến đất quý hương của nhiều bậc đế vương khai sáng các triều đại nổi tiếng và không ít tên tuổi đã làm rạng danh sử sách. Sử gia Triệu Thị Trinh là “bậc hùng tài trong nữ giới”; trong khi Dương Đình Nghệ – một hào kiệt xứ Thanh đã huy động nhân lực, tài lực từ mảnh đất này để đánh đuổi quân Nam Hán, khôi phục lại nền tự chủ của đất Việt (931-937). Đến cuối thế kỷ X, khi quân Tống âm mưu cướp nước Đại Cồ Việt, hoàng đế Lê Đại Hành đã chỉ huy ba quân và toàn dân “tái tạo một Bạch Ðằng, sáng tạo một Chi Lăng”, mở đầu kỷ nguyên Ðại Việt bách thắng giặc phương Bắc. Rồi sang đầu thế kỷ XV, người anh hùng áo vải Lê Lợi đã giương cao cờ đại nghĩa, lãnh đạo Nhân dân quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi, khôi phục lại quyền độc lập cho quốc gia Đại Việt. Và, suốt nhiều thế kỷ sau đó, các vua Lê và vua chúa nhà Nguyễn, mang theo chí lớn và “sứ mạng ngàn thu”, tiến hành cuộc trường chinh “mang gươm đi mở cõi”, mà định hình nên dáng vóc non sông.
Xứ Thanh trong thời đại Hồ Chí Minh đã viết tiếp thiên sử thi hào hùng dựng nước và giữ nước của các thế hệ cha anh. Vai trò và những đóng góp to lớn của Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ngợi khen: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”! Rồi trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Thanh Hóa có “tọa độ lửa” Hàm Rồng, nơi quân và dân ta đã “tiếp đón” sòng phẳng và vùi xác những Thần Sấm, Con Ma… xuống dưới đáy sông Mã. Hơn 1.000 ngày đêm trên mảnh đất Hàm Rồng, mỗi ngọn núi, dòng sông, mỗi cánh đồng, làng mạc, mỗi nhà máy, xí nghiệp đều trở thành một pháo đài bất tử, góp mặt trong thiên anh hùng ca quyết chiến, quyết thắng của cả dân tộc. Để rồi, sau ngày non sông ca khúc khải hoàn, Thanh Hóa lại cùng với cả nước bước vào thời kỳ dựng xây “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.
Nhưng rồi, suy cho cùng, một mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa đều được khơi phát, vun đắp, dưỡng nuôi và trao truyền qua biết mấy thế hệ người. Trong đó có những bậc kỳ tài và có cả hàng triệu con người đã, đang hàng ngày sống, hằng ngày lao động và hàng ngày đóng góp trí tuệ, tài năng, công sức cho sự phát triển của mảnh đất quê hương này. Đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều bài viết, nhiều hội thảo khoa học đã đặt vấn đề “người Thanh Hóa” làm trọng tâm nghiên cứu. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, trong những giá trị truyền thống của con người Việt Nam, đã được hun đúc trong lịch sử dựng nước và giữ nước (yêu nước; nhân ái; anh hùng, quả cảm trong chiến đấu chống ngoại xâm; hiếu học; sáng tạo; cần cù; trọng tình nghĩa và đạo lý…), thì cũng đều được thể hiện đậm nét trong tâm lý, tính cách của người Thanh Hóa. Nói cách khác, tâm lý, tính cách người Thanh Hóa có cội nguồn từ truyền thống lịch sử, văn hóa, giáo dục, từ bối cảnh chính trị – xã hội,… của cả quốc gia – dân tộc.
Tuy nhiên, cũng xuất phát từ những điều kiện địa lý, tự nhiên, lịch sử, văn hóa và xã hội có những nét riêng biệt, nên tính cách, tâm lý con người nơi đây cũng có những đặc trưng riêng nổi bật. Chẳng hạn, GS Trần Ngọc Thêm cho rằng, với vị trí trung gian, chuyển tiếp của vùng đất, con người Thanh Hóa đã tích hợp được hai phẩm chất – giá trị quan trọng của cư dân ba miền, để tạo nên những phẩm chất cần có của một bậc thủ lĩnh. Đó là tính bản lĩnh, quyết đoán, dũng mãnh của người miền Trung, miền Nam và sự lanh lợi, khôn ngoan, đa mưu túc trí của người miền Bắc… Cũng có ý kiến nhận định rằng, với truyền thống lịch sử – văn hóa của vùng đất vốn sinh ra nhiều bậc anh hùng Mở Đất và Giữ Nước, đã hun đúc nên một môi trường tư tưởng, một không gian văn hóa xứ Thanh luôn lưu truyền và thôi thúc khát vọng vươn tới vị trí thủ lĩnh, vị trí có “tầm ảnh hưởng” của những thế hệ người Thanh Hóa…
Ngày nay, khi đất nước đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, thì yêu cầu về phẩm chất, đạo đức, tính cách con người cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp. Nghị quyết số 33 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đã khẳng định: “Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc”. Là những người con được sinh ra trên mảnh đất “Nhân kiệt địa linh thiên cổ tại” (nghĩa là “đất thiêng sinh hào kiệt, nghìn xưa vẫn còn”, thơ Nguyễn Thượng Hiền, Hoàng Tuấn Phổ dịch), mỗi người dân xứ Thanh càng tự hào về quê cha đất tổ, lại càng cần nhận thấy trách nhiệm phải vun đắp cho tâm hồn, tính cách Việt Nam những phẩm chất đẹp.
Nói như nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc, thì “nhân cách Việt Nam trước hết tiêu biểu ở tinh thần trách nhiệm… Trách nhiệm với người sống và với người chết, với hiện tại, quá khứ và tương lai. Ý thức trách nhiệm ấy biểu lộ thành dư luận, kết tinh thành đạo lý, thể hiện thành truyền thống, đọng lại thành tâm tư”! Bởi vậy, trách nhiệm của hậu thế là xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; hay đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Từ đó, khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, cũng cần phải biết “xét tật mình” (chữ dùng của Nguyễn Văn Vĩnh), để biết tránh đi những điều dở, điều xấu mà tự hoàn thiện mình, sao cho xứng đáng với tiền nhân tiên tổ.
Theo Báo Thanh Hóa