Nhà văn của bản làng dân tộc Mông

10:38 | 19/10/2021

Nói đến văn học thiểu số tỉnh Lào Cai, không thể không nhắc đến nhà văn người dân tộc Mông – Mã A Lềnh. Ông là người dân tộc Mông đầu tiên của Lào Cai được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1982. Hơn 80 năm sống và viết, nhà văn Mã A Lềnh đã lặng lẽ cống hiến, tạo nên một gia tài văn chương đồ sộ gồm hơn 50 đầu sách với đủ các thể loại. Đó là những bài ca về cuộc sống, về thiên nhiên, về con người và tình yêu bất tử trong thế giới của một người con dân tộc Mông luôn luôn đau đáu về quê hương, xứ sở của mình.


Nhà văn Mã A Lềnh
Nhà văn Mã A Lềnh (thứ ba từ phải qua) trong chuyến đi điền dã tìm hiểu về văn hóa dân gian. Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021. Ảnh: Công Thế

Có dịp gặp, trò chuyện với nhà văn Mã A Lềnh, cảm nhận sự chân chất, mộc mạc của người con dân tộc Mông, nhiều người đều thấy có cảm tình với mảnh đất ông đang sống. Dù là cây bút gạo cội của văn học Lào Cai, nhưng con người, cách nói chuyện của ông vẫn giản dị, gần gũi. Hiện nay, dù đã ở tuổi “ngoại bát tuần”, ông vẫn miệt mài nghiên cứu, sáng tác, cho ra đời những tác phẩm có giá trị về vùng đất mà ông đang sống, về cộng đồng 25 dân tộc anh em tại Lào Cai, trong đó, có dân tộc Mông của ông.

Tháng 7 vừa qua, nhà văn Mã A Lềnh vừa xuất bản tập bút kí mới nhất của mình với tên gọi “Một vùng rực trời hoa gạo”. Tập bút kí dày 183 trang, với 25 bài viết, là những kí ức của nhà văn về một Lào Cai từ những năm đầu tái lập tỉnh đến khi đổi thay, phát triển từng ngày. Cuốn sách cho thấy sự bền bỉ, sức sáng tạo phi thường của nhà văn Mã A Lềnh trong lĩnh vực sáng tác văn chương.

Nhà văn Mã A Lềnh sinh năm 1943 ở xã Trung Chải, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Hiện nay, ông sống tại thành phố Lào Cai. Bút danh ông thường sử dụng trong các tác phẩm là Thạch Mã. Còn bạn bè thường gọi vui nhà văn Mã A Lềnh là Lão Mã, Mã Tiên Sinh, Mã Đại Ca.

Từ một cậu bé người Mông sinh ra ở vùng núi heo hút, quanh năm mây phủ trên Sa Pa, Mã A Lềnh đã bước ra con đường lớn, đi học chữ, học làm thầy dạy trẻ em nghèo miền núi. Từ năm 1964-1977, ông là giáo viên dạy tiểu học ở Sa Pa, sau đó được điều động về công tác ở Ty Giáo dục tỉnh Lào Cai. Đến năm 1978, do niềm say mê với văn học nghệ thuật, Mã A Lềnh đã chuyển công tác về Hội văn học nghệ thuật tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ).

Mã A Lềnh là nhà văn duy nhất của tỉnh Lào Cai được cử đi du học dài hạn tại Học viện văn học Goóc ky (Nga ). Sau đó, ông từng giữ cương vị cán bộ chủ chốt tại Hội văn học nghệ thuật Hoàng Liên Sơn, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Lào Cai, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai. Hiện nay, dù tuổi cũng khá cao, nhưng nhà văn Mã A Lềnh vẫn tiếp tục sáng tác văn học, nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số tại thành phố Lào Cai.

Có thể nói, cả đời Mã A Lềnh dành cho văn chương, nghiên cứu văn hóa dân tộc, đặc biệt về dân tộc Mông. Ông sáng tác rất nhiều thể loại khác nhau như: Truyện ngắn, tự truyện, truyện thiếu nhi, bút ký, thơ, kịch bản phim, sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa Mông… Ở thể loại nào, ông cũng có những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật và nội dung sâu sắc. Và dù ở thể loại nào, ông cũng luôn đau đáu về xứ sở, quê hương, về vùng đất, con người miền núi, trong đó có dân tộc Mông của ông.

Gắn bó máu thịt với dân tộc mình, với mảnh đất quê hương nơi mình sinh ra là nét nổi bật trong văn chương Mã A Lềnh. Là người dân tộc thiểu số viết về chính đời sống, con người dân tộc mình là điều thuận lợi và cũng là thế mạnh của nhà văn Mã A Lềnh.

Trong những trang viết của ông, người ta nhận thấy bản sắc, giọng điệu của dân tộc Mông thấm đẫm trong từng con chữ. Văn chương của ông vừa mang tính truyền thống, phản ánh rõ nét bản sắc văn hóa dân tộc Mông từ đề tài, cảm hứng nghệ thuật, ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu, nhưng cũng mang tính hiện đại trong cách tiếp cận, phản ánh cuộc sống miền núi trong giai đoạn mới của đất nước. Nhiều tác phẩm của ông viết song ngữ tiếng Việt và tiếng Mông để đồng bào Mông dễ đọc, dễ tiếp cận.

Cả cuộc đời sáng tác văn chương, nhà văn Mã A Lềnh không hướng ngòi bút tới những bi kịch của dân tộc Mông như thường thấy trong một số cây bút khác. Ông miêu tả cảnh sắc, con người, núi non với những đặc điểm riêng biệt, cá tính riêng biệt. Từ những phiên chợ vùng cao, những phong tục ngày Tết, sắc áo chàm, áo hoa đến những con suối, dòng sông, ngọn núi, cánh rừng… trong văn của ông đều được miêu tả với ngôn ngữ đặc trưng, mang âm hưởng núi rừng. “Mỗi dân tộc có nền văn hóa đặc sắc riêng của mình. Tôi luôn cố gắng khơi gợi những nét văn hóa riêng, bản sắc riêng của người Mông để đưa vào tác phẩm của mình một cách chân thực” – nhà văn Mã A Lềnh tâm sự.

Trong gia tài văn chương đồ sộ của mình, nhà văn Mã A Lềnh rất quan tâm viết cho thiếu nhi. Đây là mảng văn học ít người để ý, sáng tác, nhất là viết về trẻ em dân tộc miền núi. Chính những năm tháng tuổi thơ nghèo khó, cơ cực trên triền núi cao Hoàng Liên Sơn là nguồn cảm hứng, chất xúc tác để nhà văn sáng tác những tác phẩm dành riêng cho các bạn nhỏ tuổi. Đó là những điều quen thuộc, bình dị, khắc họa nét đẹp văn hóa độc đáo cùng sự mộc mạc, đáng yêu của trẻ con người miền núi. Bằng tình yêu và sự thấu hiểu, nhà văn đã ca ngợi khát vọng đến trường, ý chí vươn lên của những đứa trẻ nơi miền núi cao. Có thể kể đến các tập truyện như “Dấu chân trên đường”, “Thằng bé củ Mài”, ‘Làng mình”, “Tình ca trên núi”…

Trong suốt sự nghiệp văn chương của mình, nhà văn Mã A Lềnh đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho việc nghiên cứu, sưu tầm vốn văn hóa, văn học dân gian dân tộc Mông. Nhà văn Mã A Lềnh tâm sự: “Tôi làm việc này không chỉ bằng tấm lòng mà còn với trách nhiệm của một trí thức người Mông luôn đau đáu gìn giữ, bảo tồn vốn quý đó của ông cha. 12 đầu sách ở lĩnh vực nghiên cứu là quá trình sưu tầm, nghiên cứu công phu của tôi trong nhiều năm”.

Tiêu biểu trong số đó là cuốn “Tiếp cận văn hóa Mông” với gần 3.000 trang viết. Đây là công trình nghiên cứu mà ông dành nhiều thời gian và tâm huyết nhất trong quá trình sáng tác văn học. Cuốn sách là hệ thống những biểu hiện văn hóa, phong tục tập quán, thiết chế xã hội, tang ma, quan niệm triết học nhân sinh của người Mông, ngôn ngữ chữ viết, văn học nghệ thuật, lễ hội… Cuốn sách thể hiện tình yêu, sự bền bỉ, hết lòng với văn hóa dân tộc của nhà văn Mã A Lềnh với nhân dân, quê hương Lào Cai nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.

Đọc cuốn sách, độc giả như thấy được cả bề rộng lẫn chiều sâu kiến thức, sự trải nghiệm phong phú của ông mà ít ai có được. Cuốn sách là một nguồn tài liệu quý để thế hệ trẻ và các học giả tìm hiểu, nghiên cứu về văn học, văn hóa dân tộc Mông – một dân tộc với nhiều bản sắc văn hóa độc đáo trên dải đất Việt Nam.

Theo Biên phòng

Cùng chuyên mục

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ