Tập thơ “Phơi cơn mưa lên chiều” vừa được nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh tổ chức buổi ra mắt tại Hà Nội sáng 19.5.2018, đã hội tụ rất nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi như các nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Thụy Kha, Vương Cường, Nguyễn Hữu Quý, Trần Quang Quý, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Trác, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, họa sĩ Lê Thiết Cương, nhạc sĩ Nguyễn Cường, các nhà văn, nhà báo Nguyễn Hồng Thái, Nguyễn Thế Khoa, Phùng Văn Khai, Đoàn Văn Mật…các bạn viết văn trẻ lớp viết văn Trường Đại học Văn hóa và nhiều bạn đọc yêu thơ anh đến tham dự thật đầm ấm. Đây là buổi ra mắt thơ hiếm thấy giữa lòng Hà Nội.
Trọn lòng với thơ
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha dẫn dắt câu chuyện đời và thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh rất xúc động, cứ chậm chậm quay về với ký ức xa xưa từ mấy mươi năm trước, ông cùng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã dõi theo con đường thơ không mấy suôn sẻ của một người làm thơ trẻ sống bên dòng sông Vu Gia ở thượng nguồn Đại Lộc, Quảng Nam từ thời anh còn là một giáo viên Văn ở trường làng.
Cả một đời thơ, cái làng quê ấy vẫn không ngừng ẩn hiện trong thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh, cứ mãi chập chờn trong ngõ khuất của tâm hồn một người nhà quê xa xứ. Có lẽ trong tâm thức Nguyễn Ngọc Hạnh, nơi đó không còn là một làng quê cụ thể mà trên chặng cuối của cuộc phù thế này, anh đã nhận chân được rằng, giai đoạn sống vẫn quen gọi là “cuộc đời” đầy oan nghiệt chỉ là một ánh chớp, có thể lóe sáng rồi tắt lịm. Tất cả nỗi lòng, tâm tưởng ấy đã được anh đúc kết trong tập thơ Phơi cơn mưa lên chiều vừa mới phát hành gần đây ở phố cổ Hà Nội.
Chia sẻ tại buổi ra mắt này, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh xúc động bày tỏ, anh đã sống với thơ trọn lòng, trong suốt những thời kỳ mà đời sống văn nghệ còn nhiều bất trắc. Thời còn trẻ, Nguyễn Ngọc Hạnh gắn bó, yêu văn học miền Nam và ước vọng sẽ đi theo con đường này như số phận sắp bày. Sau năm 1975, anh lại có cơ duyên may mắn sớm gặp những những nhà thơ tên tuổi như Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên… những người mà anh đã từng yêu mến, từ đó càng thôi thúc tình yêu thi ca say đắm. T
hêm một niềm vui rất bất ngờ khi câu thơ Phơi cơn mưa lên chiều của anh được họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ lên gốm và trưng bày trong một triển lãm nghệ thuật ở Hà Nội. Tác phẩm gốm – thơ độc bản ấy không dễ mua, nhà thơ lại ở Đà Nẵng xa xôi. Không ngờ một cô giáo người Hà Nội đã mua bình thơ – gốm này gửi qua đường bưu điện tặng nhà thơ xứ Quảng. Một tháng sau, cô giáo Nguyễn Thu Oanh ấy qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Và, câu thơ Phơi cơn mưa lên chiều đầy kỷ niệm ấy được nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chọn làm tên tập thơ mới của mình.
Tập thơ vừa mới phát hành, được dư luận quan tâm, bạn đọc đón nhận, chỉ trong một thời gian ngắn, đã bán hết cả ngàn bản. Và Nguyễn Ngọc Hạnh không ngại đường xa, đã mang thơ mình ra Hà Nội để giới thiệu cùng bạn đọc, coi đó như một lời cảm ơn với những người anh văn nghệ, những người bạn lớn và bạn đọc thân thiết thủ đô về mối cơ duyên thơ trời cho này, đặc biệt là cảm tạ tấm lòng của “thiên sứ” Thu Oanh (chữ của Nguyễn Thụy Kha) đã thôi thúc Nguyễn Ngọc Hạnh mang thơ từ Làng ra phố, phơi giữa ngày Thu Hà Nội.
Cảm xúc từ ký ức và hoài niệm
Sau rất nhiều biến động, thăng trầm của cuộc đời không mấy suôn sẻ và cũng nhiều cay đắng, đến khi sắp về chiều, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã mang cái Làng của mình ra Hà Nội. Một cuộc giao lưu thi ca đầm ấm đã nhóm lên giữa lòng thủ đô với sự góp mặt của bạn bè làm thơ và yêu thơ nơi phố cổ ngàn năm. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, đây là niềm hạnh phúc của một người làm thơ đất Quảng. Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh nhiều hoài niệm, sự hoài niệm của một người từng trải đã và đang sống trong những tháng ngày không yên tĩnh. Cái biển đời vô định ấy, êm dịu chỉ là khoảnh khắc, bão giông luôn rình rập, thử thách con người. Qua muôn nẻo buồn vui, khi cuộc đời đã tà tà chiều buông, người ta thường hay hồi tưởng quá vãng. Vui thì ít, buồn thì nhiều và dường như có rất nhiều tiếc nuối.
Thời xa xôi mặc nhiên trở thành miền ký ức của một người, của nhiều người trong kết nối thi ca tin cậy. Nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha xúc động đánh giá: “Phơi cơn mưa lên chiều” là tập thơ đáng đọc, một bước đi khá xa trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Tập thơ có nhiều câu thơ rất thảng thốt, rất thi sĩ, không ra vẻ tân kỳ gì cả, nhưng Nguyễn Ngọc Hạnh lại khẳng định được vị thế của mình trong bối cảnh thơ ca đa chiều hiện nay. Nhiều bài có tiêu đề ngỡ như một định nghĩa, triết lý mà lại không nghe tác giả giãi bày hay to tiếng cùng ai. Mỗi tứ thơ bình dị cứ “phơi” ra giữa cuộc đời này bằng chính sự trải nghiệm của một người gần cả đời mình lận đận, đắm đuối cùng thơ. Dường như có một dòng chảy lặng lẽ vô hình trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Nhà thơ đã bắt trúng mạch đập trong ký ức để mỗi người khi đọc thơ, họ đều dâng trào một nỗi buồn man mác.
Còn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cảm nhận và phân tích rất tinh tế: “Tần suất xuất hiện của “hoàng hôn” nhiều trong tập thơ này cho thấy thứ nhất, ám ảnh hoàng hôn trong tâm tưởng, tình cảm của một con người ở chặng đường đời mình đang sống, và thứ hai, vẻ đẹp của hoàng hôn trong cảm xúc thẩm mỹ của một nhà thơ. Chung quy cả hai cái đều phơi bày tâm trạng sống của Nguyễn Ngọc Hạnh – một tâm trạng vừa có tính hiện tại vừa mang tính đời đời. Hoàng hôn là cuối ngày, vào đêm, nghĩa là lặng chìm, khuất bóng, nghĩa là đẩy con người vào cô đơn và gợi nỗi buồn, nhớ, tiếc.
Thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh vốn là thơ của những điểm chạm cảm xúc. Những bài thơ để lại ấn tượng là bài thơ giăng mắc được những điểm chạm ấy. Cảm xúc của ký ức, từ ký ức. Đôi lúc anh có triết lý thì cũng trên cái nền cảm xúc và nỗi hoài niệm đến cạn kiệt tâm can. “Khi chạm gót nẻo đời vô ngã/Là tôi bước tới phía sau mình/ Chân trời mờ mịt còn xa lắm/ Cho tôi dừng lại để hồi sinh”. Thật không dễ để có thể tự bước tới phía sau mình, nếu người không “đi” trong nỗi suy nghiệm rất bất thường, và biết dừng lại để hồi sinh”.
Yêu để mất và mất để yêu
Cũng như tình cảm của bao người con ở những vùng quê khác đến rồi xa Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh gửi gắm trong thơ mình: “Đã bao lần tôi đến nơi đây/Hà Nội cơ hồ như khách lạ/Một chút hồn quê nơi phố xa/Ai bỏ quên cuối vạt nắng chiều”. Đây là mấy câu thơ trong bài Gửi Hà Nội, viết đã lâu rồi. Bây giời “hồn quê” ấy chắc không còn xa lạ nữa mà đã trở nên gần gũi, thân thiết với thơ anh, bởi thơ anh đã được bạn đọc nồng nàn đón nhận giữa đất Hà thành:
Đâu chỉ yêu là dâng hiến
Yêu là cho không nhận lại gì
Yêu là được bao điều đã mất
Và sẽ còn mất nữa để yêu
Mất để yêu, điều ấy thật dữ dội. Chỉ với sự trầm tĩnh, Nguyễn Ngọc Hạnh mới có thể có những bài thơ vượt lên chính mình, tự khẳng định một bước mới của mình trong thơ ca hiện đại.
Một chi tiết khá xúc động trong buổi gặp mặt này là nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đang lâm bệnh nặng, thế mà ông cũng đến tâm tình, sẻ chia bằng những lời nhận xét, phẩm bình về thơ Nguyễn Ngọc Hạnh rất chân tình: “Nguyễn Ngọc Hạnh có không ít bài thơ nhắc tới mưa. Mưa nào cũng có nỗi buồn. Không mưa, Hạnh cũng buồn: “Gió lên biển chớp lên rồi/Mà đêm hôm ấy ngoài trời không mưa”!.
Trong bài Quê mẹ, gặp cơn mưa chiều trắng trời, trắng đất, Hạnh thốt lên “Mưa nào buồn như mưa trên sông”. Hoặc bất chợt nỗi nhớ em khi ở Tam Kỳ, Hạnh cũng nhắc tới mưa: “Xa rồi người yêu ơi/ Mưa rơi chiều sâu thẳm”… Bởi chính nơi anh sinh ra là một làng quê “bốn bên núi/ bốn bề yên ắng/chưa hiểu hết mưa nguồn/tôi đi về phía biển”, đó cũng là nơi ấp ủ nỗi lòng, là nguồn cội để Nguyễn Ngọc Hạnh phơi những cơn mưa giá buốt đời mình…
Một điều nữa, thơ Hạnh thường không nói lý mà chỉ nói tình, không làm mới câu thơ bài thơ bằng nhịp điệu lạ hay ngôn ngữ mới mà nó chảy ra tự nhiên trên một cái nền gần như quen thuộc vốn có như lục bát đồng dao, vậy mà nhiều bài thơ của Hạnh cứ đi vào hồn ta ứa lệ. Những đề tài, những tứ thơ anh chọn cũng nào có lạ gì đâu, đấy là bến quê con đò, mẹ cha, tình yêu, lời ru, bầu bạn, thế mà nhiều câu thơ cứ ngọt ngào, cứ ùa vào ta một cách tự nhiên rồi nó ở lại trong lòng tự bao giờ chẳng rõ: “Biết lấy gì để tặng nỗi buồn/ Xin trích đời tôi ngày gió bão/ Trích phận em phập phù thiếu nữ/ Chẳng có ngày vui đàn bà” hay “Mấy ai từ làng ra phố/ Mà quên buổi chợ quê nghèo” v.v.
Họa sĩ tên tuổi Lê Thiết Cương, người đã chọn câu thơ Phơi cơn mưa lên chiều của Nguyễn Ngọc Hạnh khắc lên gốm trong một triển lãm thơ-gốm ở Hà Nội, cũng là người đã vẽ bìa và minh họa cho tập thơ cho rằng: “Nhiều người thích hai câu thơ “Xưa tôi sống trong làng/Giờ làng sống trong tôi” của Nguyễn Ngọc Hạnh. Nhưng tôi thì khác, hai câu ấy không hay hơn nhiều câu, nhiều bài thơ trong tập “Phơi cơn mưa lên chiều” này. Có những câu thơ làm tôi giật mình: “Ai rót vào đêm giọt lệ ly tan/ Ai dán tiếng cười con tôi rong rêu bia đá/ hay “Phờ phạc đêm lối về phố cổ/ Nhìn đâu cũng thấy thiếu một người”… hoặc một câu thơ khác của anh tôi nhớ đã đọc đâu đó rất lâu rồi: Sân ga và chỗ em ngồi/ là sân ga nhỏ… Một thi ảnh đẹp, gần gủi với hội họa, rất khái quát và sớm muộn gì tôi cũng đưa lên Gốm.
Trong tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh có những bài viết về người thân xúc động. Cha, mẹ là hai nhân vật mang nhiều kỷ niệm nhất đối với anh. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cảm nhận như vậy. Ông cho rằng: “Có thể viết ra hàng trăm trang, kể đủ mọi chuyện về cha mẹ nếu là văn xuôi. Còn thơ lại khác, tối kỵ sự rậm rạp nhiều lời. Chọn bối cảnh, không gian, thời gian, chi tiết nào để kiệm lời mà nói được nhiều nhất tình mẫu tử, phụ tử đòi hỏi sự tinh tế ở mỗi nhà thơ.
Nguyễn Ngọc Hạnh ít nhiều đã làm được điều đó. Anh viết về mẹ, từ một ý của dân gian Nơi ướt mẹ nằm, nơi ráo con lăn: “Nơi mẹ nằm yêu thương đến vậy/ nên suốt đời chỗ ướt vẫn chưa khô”. Niềm tri ân canh cánh cũng là nỗi ám ảnh khôn nguôi. Đời mẹ gánh gồng bao vất vả lo toan, cái khổ cái nghèo đeo đẳng chưa bao giờ dứt. Tất cả cũng chỉ vì con; từng miếng cơm manh áo đổi biết bao mồ hôi mặn mòi của mẹ.
Một mẹ nuôi được mười con chứ mười con không nuôi tròn một mẹ. Đúc kết của dân gian đấy, ít ai không chạnh lòng khi nghĩ về mẹ của mình. Thế mới càng đồng cảm với Nguyễn Ngọc Hạnh khi anh về Chợ quê để được ngồi vào chỗ của mẹ ngồi ngày xưa: “Ai bày, nào có ai bày/ Mình tôi ra chợ chiều nay/ Ngồi chỗ mẹ ngồi thuở ấy/ Mà sao đôi mắt cay cay”.
Còn buồn khi nghĩ đến cha: “Cả một đời lội suối trèo non/ Cha gánh hết muôn phần khó nhọc/Thương mẹ tảo tần, nuôi đàn con ăn học/Bao đau buồn đều dành hết cho cha”, để rồi “Khi tóc bạc mới thương ngày thơ bé/Con giật mình nước mắt lại trào lên”. Và hơn hết không có nỗi buồn nào hơn khi đứng trước mộ cô con gái mất khi còn rất trẻ: “Ai dán tiếng cười con tôi/rong rêu bia đá/lấp lánh hoàng hôn giữa nghĩa trang”. Chuyển động của đời, chuyển động của thơ đã được điều tiết về tốc độ chậm. Chậm để được nhìn thấy, được lắng nghe rõ hơn, kỹ hơn. Nghe cái của bây giờ và của cả cái xa xăm, vời vợi.
Với tình yêu, Nguyễn Ngọc Hạnh cũng chân chất, thật lòng, anh thỏ thẻ: “Thơ tôi không làm thêm nhan sắc/Em cứ lặng thầm mà chín vào trong”. Tình yêu hòa cùng đất trời, cái nhỏ bé không bị choáng ngợp trước bao la và thơ bỗng hóa thành bản bolero dịu dàng trong buổi chiều mưa rơi thánh thót: “Cơn mưa phơi lên chiều trôi/ Như tóc em bay lưng trời/ Cứ thong thả thế không cần vội/ Mưa rơi chầm chậm cùng tôi”.
Còn nhạc sĩ Nguyễn Cường là người đã từng phổ thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh cho biết: “Tình cờ tôi đến Đà Nẵng bắt gặp một bài thơ về Sông Hàn trên báo của Nguyễn Ngọc Hạnh, và phổ ngay trong đêm, rất thú vị. Bài hát Sông chỉ một dòng thôi sau đó được phát trực tiếp trong chương trình Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, được công chúng yêu thích đón nhận.
Nguyễn Cường cho rằng, thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đầy tính nhạc nên nhiều nhạc sĩ đã phổ thơ anh, không có gì lạ khi một nhà thơ có trên 50 tác phẩm được các nhạc sĩ phổ thành ca khúc”. Và, cũng ngay trong buổi ra mắt tập thơ này, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã ôm đàn lên và hát ngẫu hứng bài Thu rơi rất lạ, nhiều tiếng vỗ tay của bạn bè dành cho thơ và âm nhạc…
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng ghi nhận rằng: Nguyễn Ngọc Hạnh, tác giả của nhiều bài thơ được phổ nhạc đã để lại ấn tượng trong lòng khán giả như bài thơ “Qua đò nhớ mẹ” 2 nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Tiến và Trọng Lưu phổ thành ca khúc đầy ấn tượng. Bài thơ Làng của anh có đến 3 nhạc sĩ tên tuổi như Phan Huỳnh Điểu, Đình Thậm, Trịnh Tuấn Khanh viết thành ca khúc, nhạc sĩ Trọng Đài với “Phút giao thừa”, “Nhớ Đà Nẵng”, nhạc sĩ Nguyễn Cường với “Sông chỉ một dòng thôi”…và trên 50 bài thơ khác đã được các nhạc sĩ trong nước chắp cánh cho thơ Nguyễn Ngọc Hạnh bay xa đến với công chúng…
Trong buổi ra mắt tập thơ Phơi cơn mưa lên chiều giữa thu Hà Nội còn có những bạn làm thơ và yêu thơ nghe tin tìm đến với anh dẫu không có giấy mời. Cô giáo, nhà thơ Đậu Thị Thương và nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Hạnh Loan đã đi xe khách từ Hà Tĩnh ra Hà Nội dự cuộc gặp gỡ này, họ xúc động ngâm thơ và hát thơ của anh. Đặc biệt, nhạc sĩ Huỳnh Văn Tấn, người bạn cùng quê Đại Lộc từ Đà Nẵng ra Hà Nội để hát 2 ca khúc “Khúc ru trầm” và “Phơi cơn mưa lên chiều” do Tấn phổ từ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã để lại nhiều cảm xúc cho người nghe…
Chắc chắn Nguyễn Ngọc Hạnh sẽ khó quên trong đời kỷ niệm này và anh mãi lưu giữ trong ký ức một mùa thu tuyệt vời về Hà Nội; mùa thu với “cơn mưa phơi lên chiều”, mùa thu bầu bạn, mùa thu nụ cười, mùa thu nước mắt, mùa thu của một người nhà quê mang thơ từ làng ra phố…
Thu Hà Nội, 25.10.2018
Đường Hoàng Hải/VHVN