Sỹ Nhiếp được các sử gia nước ta khen hết lời về công việc nội trị và ngoại giao, khiến trong ấm ngoài êm. Đặc biệt ông chăm lo đến việc khai dân trí, đời sau suy tôn ông là ‘’ Nam giao học tổ’’. Về các sản vật ông đưa sang biếu chúa Đông Ngô là Ngô Tôn Quyền để kết tình hòa hiếu, có các loại hương liệu như trầm hương, ngọc thông, xạ hương… Và các sản vật quí hiếm như ngọc trai, lưu ly, đồi mồi , sừng tê giác, ngà voi, vải trắng, vải lụa làm từ tơ tằm, tơ chuối, tơ dứa, tơ sen, cốc thủy tinh v. v…
Ngô Tôn Quyền đặc biệt ưa thích lụa tơ sen. Nhưng ông ta mê mẩn về các sản phẩm thủy tinh hơn, nên đã xin với Sỹ Nhiếp đưa thợ sang giúp Đông Ngô mở lò chế tác.
Tất cả các sản vật mà Sỹ Nhiếp cống cho Đông Ngô để cầu hòa hiếu, tôi có thể hiểu được. Riêng lụa tơ sen, tôi hơi hoài nghi. Tôi nghĩ sản phẩm đó thuộc về cổ tích, chỉ có các tiên nữ mới làm nổi. Thuở nhỏ từng nghe nói các nàng tiên dệt lụa bằng ý nghĩ và hơi thở. Họ dệt được loại lụa mỏng như khói, nguyên liệu là tơ trời, lấy từ loại mây bông mà ta thường thấy khi trời hè nắng đẹp.
Cho tới một ngày nọ đọc báo thấy nói, ta đã làm được lụa tơ sen, khiến tôi kinh ngạc và muốn tận mắt nhìn thấy sản phẩm và người chế tác. Khó một nỗi, người viết chỉ nói về sản phẩm chứ không cho biết địa chỉ nghệ nhân.
May thay, một hôm lang thang trên mạng, bỗng thấy nói đến sản phẩm lụa tơ sen, đang là một siêu phẩm được người nước ngoài ưa chuộng. Lại có cả ảnh nghệ nhân nhận giải sáng tạo. Rồi chụp chung với mấy người lãnh đạo cấp nhà nước tới thăm tận nhà. Truy mãi cũng tìm ra danh tính, địa chỉ làng nghề, địa chỉ gia đình và cả số điện thoại. Tôi bèn liên hệ trước với nghệ nhân Phan Thị Thuận làng Phùng Xá, huyện Hoài Đức để lựa ngày về thăm cơ sở sản xuất lụa tơ sen của chị.
Cho tới một ngày đẹp trời, đúng cái ngày tôi hẹn đi Phùng Xá thì anh bạn trẻ Trần Văn Thắng qua chơi vào lúc đầu giờ chiều. Tôi rủ anh đi chơi cùng. Anh vui vẻ nhận lời. Chúng tôi liền uống trà trước khi đi. Đang uống lại một anh bạn trẻ khác xuất hiện, đó là tiến sĩ Hán – Nôm Nguyễn Xuân Diện, tôi mời anh đi cùng. Anh nói như reo: Bà Phan Thị Thuận ở Phùng Xá chứ ai, cô họ cháu đấy, cách đây hơn chục cây số thôi, cháu dẫn chú đi. Ôi, cái sự có duyên với nhau ở đời là một sự thật.
Đi 30 phút taxi, chúng tôi đã tới nhà bà Phan Thị Thuận. Vì đã hẹn trước, lại có ông cháu Nguyễn Xuân Diện xuất hiện, nên từ phút đầu chủ khách đều cởi mở như bạn cũ gặp lại nhau.
– Tôi hỏi, nhân duyên gì mà chị say sưa với nghề dệt, có phải làng mình đây vốn có nghề dệt. Và chị được các cụ dạy nghề từ nhỏ.
– Cụ sinh ra em vốn học trường Pháp, nhưng cụ vẫn tha thiết với làng quê. Cụ bảo, dân mình cặm cụi, nhưng chỉ có làm ruộng không thôi, thì không bao giờ mở mày mở mặt, thoát đói , thoát nghèo được. Nhân có bà cô, tức là cô của bố đẻ em làm nghề dệt. Nhưng dệt thủ công của ta khổ hẹp vanh vanh, chỉ trên dưới hai gang tay ( xê xích 40 cm ), mặt vải sượng lắm không bán ra nước ngoài được.
Thì nhà có nghề, các cụ dạy em tử quay xa, ống suốt, dệt, hồ, nhuộm, tẩy từ vải sợi đến tơ tằm, công đoạn nào em cũng làm được tuốt. Nhất hồi làm ăn hợp tác xã, họ giao cho việc chăn tằm. Khi trả sản phẩm, họ về tận nhà lựa chọn, họ chỉ lấy kén loại một, các tổ kén vàng ruộm, to phổng cùng cỡ. Họ loại thật tàn bạo. Lần đầu, em chỉ muốn khóc. Bố em bảo: ‘’ May mà họ không lấy hết, nhà mình mới có việc làm đấy con ạ.’’Thế là sản phẩm bị loại, cụ dạy chúng em chế ra đũi. Vải của ta thời ấy hiếm lắm. Đũi may quần tây vừa đẹp vừa bền, giá bán lại cao. Bên thu mua tiếc lắm, nhưng không biết cách làm. Vậy là nhà em, tất tận đều được ăn no, mặc đẹp.
Cụ sinh ra em à, cụ Phan Văn Chất, nay còn sống, cụ cũng trên trăm tuổi rồi bác ạ. Chính ông bố em cùng bà cô của bố, cụ Phan Thị Yến mở ra công cuộc dệt vải khổ rộng xuất qua Pháp. Chẳng biết từ năm nào. Cứ như bố em kể hồi em mới 6 – 7 tuổi, tức vào khoảng năm 1960 – 1961, thì em sinh năm 1954 mà. Cụ bảo nếu tính lần đầu đưa vải của mình qua Pháp bán tới nay cũng hơn 90 năm rồi. Nếu lấy năm 1960 làm mốc tính ngược về trước, nó vào khoảng 1928 – 1930 là hai cô cháu của bố em, đã đưa vải dệt khổ rộng của làng này qua bán ở Hội chợ Pháp.
Sử sách giấy tờ chẳng có gì ghi lại, bây giờ mà nói lại điều chị vừa nói thì ai tin mình được?
Chị Phan Thị Thuận dài giọng – Giời ơi, thì mấy cỗ máy của ông cụ nhập về từ thời ấy vẫn còn chình ình trong xưởng dệt nhà em kia kìa.
Thế là chúng tôi kéo nhau xuống xưởng dệt. Khoảng hơn chục chiếc máy dệt khổ rộng, sắp làm hai hàng trong nhà xưởng khá bề thế. Trong đó có hai khung dệt nhập của Pháp từ nửa đầu thế kỷ 20. Theo chị Thuận, cách đây ít năm các máy này vẫn còn kì cạch dệt được. Trong số những khung dệt đó có hai máy đang dêt lụa tơ sen. Tôi quan sát động tác người thợ làm việc rất thận trọng. Không phải thoi cứ lao vun vút như các máy dệt sợi bông, sợi polyetylene, mà một người cầm thoi đứng bên cạnh, chờ người thợ dệt đang ngồi trước khung cửi ấn cho go mở miệng, sau đó nhận con thoi lao vút qua mép bên kia. Thật là kỳ công. Nếu chính xác phải nói, các nghệ nhân đan lụa tơ sen từng sợi chứ không phải dệt.
Xem qua các khung dệt lụa tơ tằm, dệt đũi, chúng tôi vòng qua khu vực chăn tằm, đúng dịp tằm chin. Thông thường khi tằm chin, người ta bắt nó lên tổ cho tằm làm kén. Sau đó gỡ các tổ kén cho vào nước sôi để kéo thành sợi. Sợi đó đánh thành từng ống sợi rồi lấy go, xỏ cữ xong đưa lên khung, dệt thành lụa, từ lụa chế tác thành các sản phẩm may mặc hoặc chăn, gối v. v…
Nhưng thật kì lạ, ở đây nghệ nhân Phan Thị Thuận cho tằm tự dệt thành sản phẩm. Tức là bắt tằm dệt luôn thành những tấm chăn hoặc drap trải giường. Độ dầy, mỏng, khổ rộng hẹp đều do nghệ nhân điều khiển. Nhiều người sẽ rất ngạc nhiên về loại sản phẩm tằm tự dệt này. Trước hết, người thợ phải nắm được thuộc tính của tằm. Khi tằm chin, công việc mang tính sống còn của nó là nhả tơ. Nếu không cho tơ thoát ra được, con tằm sẽ bị nực tơ mà chết. Do vậy, thay vì bắt tằm lên tổ làm kén thì trải nó ra một tấm phên, khổ rộng bằng đúng một tấm chăn hoặc tấm drap.
Tằm nhả hết tơ thì biến thành con ngài. Người chăn tằm có thể chọn it con cho đẻ trứng, gọi là ‘’ úp ngài ‘’ cho lứa tằm sau. Nhả tơ là để trả nghĩa chủ đã cho tằm ăn lá dâu suốt 40 ngày. Con tằm có nghĩa, ăn lá trả tơ, rút hết ruột mình đền đáp người nuôi. Sách xưa đánh giá ‘’ tư cách ‘’ tằm rất cao: ‘’ Phương tàm đáo tử ti phương tận ‘’, thi hào Nguyễn Du dịch rất hay mà cũng rất sát nghĩa: ‘’Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ ‘’. Sau đó, ngài biến thành bướm rồi bay đi làm kiếp khác.
Tấm chăn do con tằm tự dệt, vàng óng như một chiếc thảm dát vàng. Tuy nhiên, nó vẫn còn mộc. Nhà sản xuất phải đưa vào chuội. Chuội xong, chăn có độ mịn mượt như da rái cá, và xốp tương ứng với chăn lông vũ ( edredon ) của Châu Âu. Chăn được bọc bởi một thứ lụa mỏng, màu sắc rất đa dạng. Các sản phẩm của nghệ nhân Phan Thị Thuận, không bao giờ dùng hóa chất trong các công đoạn tẩy, nhuộm.
Chăn tơ tằm ấm hơn các chất liệu khác, đẹp bền và nhẹ thì khỏi bàn. Sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, siêu sinh thái. Tuy nhiên, vẫn còn hiếm đấy. Loại sản phẩm không có mà bán này, người mua không bao giờ tiếc tiền, và chẳng còn ai nỡ mặc cả nữa. Bởi nó thân thiện vô cùng. Nếu như người dùng sản phẩm này được xem con tắm từ khi nó còn là những chấm đen đen nhỏ như đầu mũi kim, tới khi nó chin vàng ươm và nó tự dệt thành chăn. Và nhìn tận mắt các nghệ nhân tẩy, chuội, nhuộm thuần bằng những thứ lá cây mọc quanh vườn nhà, thì sự hoan hỷ với sản phẩm còn tăng gấp bội. Bởi khách sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Tôi ngỏ ý muốn xem việc làm lụa tơ sen từ công đoạn đầu tiên. Bà Thuận dẫn chúng tôi vào một căn phòng khá rộng, vừa như xưởng sản xuất, vừa như nhà kho. Dường như không có máy móc công cụ gì gọi là nhà sản xuất, ngoài những cuộng lá sen bó thành tưng bó gọn gàng xếp thành đống trong nhà kho thoáng mát. Tại một tấm ván kê thấp nơi những cuộng sen vừa được tháo dây chằng. Bà Thuận ngồi xuống cạnh mảnh ván gỗ, nhẹ nhàng nhón từ bó cuộng sen, tôi đếm khoảng mười cuống, bà cắt rất khéo một đoạn dài khoảng gần một ngón tay và kéo hết sức nhẹ; nhẹ như hơi thở. Mười ống tơ đó chụm thành một sợi tơ mảnh như tơ nhện.
Dõi theo từng động tác nhẹ như mơ hồ của bà Thuận, dường như tôi không dám thở nữa, e rằng hơi thở có thể làm đứt mất sợi tơ nơi tay người thợ. Tôi thấy mười đoạn cuống sen ngắn ngủi kia chắp lại, cho người thợ 1 mét sợi tơ dài. Và cũng như kéo tơ tằm, các sợi ngắn này nối với sợi tiếp theo, nghệ nhân chỉ cầm hai đầu sợi tơ ráp với nhau là nó liền mạch. Khi đám tơ vừa đủ một con sợi, nó được đưa ra ngoài. Người thợ sẽ lấy dụng cụ nghề gọi là quạng. Dùng xa, đánh cho những mẻ sợi này thành những con sợi, gọi là ống sợi, và các công đoạn tiếp theo là lấy go, cữ rồi mắc lên khung dệt, bằng cách đan từng sợi như đoạn trên vừa mô tả.
Trở lại phòng khách, bà Thuận cho chúng tôi xem sản phẩm tơ tằm. Nào đũi, lụa… chăn tơ tằm đã chuội, nom mỡ màng, mềm xốp, mịn mượt khiến ta không nhận ra khi nó còn là bán thành phẩm. Và khi bọc nó vào một tấm vỏ lụa mỏng như voan với mầu trắng ngà hoặc mầu lá ổi già, cho ta cảm giác thân thiện toát ra từ sản phẩm, và ta không khỏi ngạc nhiên rằng sản phẩm tinh tế, thanh khiết dường kia lại được tạo bởi những bàn tay người nông dân thô phác chốn đồng quê. Và hàng loạt những mẫu khăn quàng tơ tằm đủ kiểu cho cả nam và nữ với những mầu sắc, kiểu dáng, kích cỡ khác nhau nom rất bắt mắt.
Chưa thấy chủ nhân giới thiệu sản phẩm làm từ tơ sen, tôi bèn giục.
Bà Thuận nở nụ cười tươi rói. – Biết ngay là các bác sốt ruột mà.
Thoạt đầu bà Thuận cho xem một vài mẫu khăn quàng nam, mầu sắc trang nhã, mềm, nhẹ với các đặc tính kỹ thuật: mặt vải không nhăn, không co; mầu sắc không phai; hoàn toàn không độc hại. Về mầu sắc, như phần trên đã nói, tất cả các mầu đều dùng lá trong vườn nhà, còn nếu để mộc, có mầu kem rất thân thiện. Nhưng giá cả cũng không xoàng đâu. Một chiếc khăn quàng nam cỡ hơn chục triệu đồng. Nhưng công bỏ ra không hề ít. Một chiếc khăn quàng dài 1,75m, rộng 23cm phải lấy tơ từ 4800 cuống sen. Còn như 1m lụa khổ rộng o,80m phải lấy tơ của 9200 cuống sen.
Nghe nói, những người khách chuộng lụa tơ sen đến từ Mỹ , Nhật, Anh, Úc và cả Trung Đông nữa. Bà Thuận còn khoe, có một vị khách người Mỹ, năm nào ông ta cũng tìm đến tận nhà mua một vài sản phẩm làm từ tơ sen, để được tận mắt xem người thợ làm việc. Bà nói vui, thì ông ta ham xem chúng tôi làm việc cũng như đám thanh niên ham đi phượt trên miền Tây Bắc. Vui ấy mà.
Mong sao, nước ta khai thác được thế mạnh từ đất, từ sự khéo léo tinh tế của người thợ để niềm vui được nhân lên, nhân lên mãi.
Hoàng Quốc Hải