Ông Diệp Minh Tài, (xóm Tam Thái, xã Hòa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), đã có gần 20 năm nghiên cứu và sưu tầm các bài hát Soọng cô, một loại hình dân ca của người Sán Dìu. Mặc dù năm nay đã 74 tuổi, nhưng ông Diệp Minh Tài vẫn còn say mê, nhiệt huyết với công việc nghiên cứu, góp phần bảo tồn và phát huy làn điệu dân ca dân tộc mình.
Di sản giữa đời thường
Người Sán Dìu bao đời nay là những người nông dân chân chất, thật thà, quanh năm canh tác trên những mảnh ruộng quê hương. Trong những lúc lao động sản xuất và nông nhàn, họ đều dùng tiếng hát Soọng cô để trò chuyện, thổ lộ tình cảm. Hát Soọng cô dần dà đã len lỏi vào từng nét đời sống của người dân tộc nơi đây.
Soọng cô hay còn gọi là Sướng Ca, tiếng Sán Dìu có nghĩa là ca hát đối đáp lời giữa nam và nữ theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, được ghi chép bằng chữ Hán cổ, và được lưu truyền trong dân gian bằng hình thức truyền khẩu. Soọng cô là làn điệu xuất phát từ những điều bình dị, chất phác, nói lên tâm tư, tình cảm, ước vọng của người dân lao động. Những bài Soọng cô là những lời tâm tình thỏ thẻ, ý nhị về đời sống, tình cảm, giao duyên, lao động sản xuất,… thậm chí có cả chuyện ngụ ngôn.
Cũng giống bao người dân tộc Sán Dìu, ông Diệp Minh Tài sinh ra trong những làn điệu Soọng cô da diết, chữ tình. Những điệu hát ví von cảnh sắc, đời sống lao động người dân tộc nơi đây cứ thế khiến ông Tài say mê, rồi từ đó ông cũng tập tành ca hát biểu diễn. Trời phú cho anh thanh niên Diệp Minh Tài giọng hát trẻ, khỏe và ấm áp, nhiều người nghe ông ca một lần là thấy mê. Thời đó, ông cũng theo một số người lớn tuổi trong làng, đi hát, đi biểu diễn và giao lưu văn hóa khắp các làng bản. Thế nhưng niềm đam mê với Soọng cô của ông phải tạm gác lại sau khi ông đi bộ đội, làm tròn nghĩa vụ với nhà nước.
Sau khi phục vụ trong quân đội hơn 10 năm, ông được nghỉ dưỡng sức và chuyển sang công việc cộng tác viên nghiên cứu văn hóa. Đến năm 2001, sau khi nhà nước ban hành luật di sản, ông mới chính thức chuyển sang nghiên cứu chuyên sâu hơn về văn hóa. Công việc đầu tiên của ông là được tuyển mộ vào thành viên sưu tầm những tài liệu cổ của đình chùa Hang (Thành phố Thái Nguyên).
Trong thời gian này, ông đã tìm kiếm và sưu tầm được những tài liệu liên quan đến người Sán Dìu nên giữ lại để biên soạn. Trong những tài liệu bằng chữ Hán cổ mà ông có được, ông nhận ra rất nhiều bài Soọng cô của dân tộc mình được ghi chép lại. Tuy nhiên với kiến thức chữ Hán ít ỏi, ông phải nhiều lần đi tìm gặp những người tinh thông chữ Hán để giảng giải. Có được những bản dịch chữ Hán, ông lại tiếp tục phiên âm sang tiếng Sán Dìu, rồi từ đó chuyển thể sang chữ quốc ngữ ngày nay.
Càng tìm hiểu, ông càng nhận ra di sản văn hóa của người Sán Dìu rất đồ sộ, đặc biệt là các bài Soọng cô được lưu giữ trong dân gian, trong đời sống hàng ngày rất nhiều. Điều này khiến ngọn lửa đam mê Soọng cô trong ông ấp ủ bao lâu nay lại bùng lên dữ dội. Không quản nắng mưa, ông Tài quyết bỏ công bỏ sức sưu tầm, biên soạn để thỏa mãn đam mê, đồng thời bảo tồn làn điệu Soọng cô của dân tộc mình. Đến nay, sau hơn 20 năm nghiên cứu, và sưu tầm, ông đã có cho mình hơn 1.000 bài Soọng cô bằng chữ Hán cổ, trong đó ông đã dịch hoàn chỉnh được 300 bài và gửi cho Phòng Quản lý Di sản Văn hoá thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên.
Nói về chồng mình, bà Trương Thị Loan chia sẻ: “Ông Tài là người say mê Soọng cô lắm, nghe nói ở đâu có người Sán Dìu, ở nhà nào còn lưu giữ bản thảo là ông phải quyết tâm lặn lội để xin bằng được. Giờ tuổi cao, con cháu không cho đi xe máy, ông vẫn phải lóc cóc đi xe đạp đến tận nơi để xin sưu tầm. Công việc vất vả mà lại không có tiền công nhưng ông cứ làm để vui. Nhìn thấy ông vẫn cứ khỏe mạnh để đóng góp cho nhân dân nên tôi cũng rất ủng hộ. Nhà giờ có mỗi hai ông bà nên ông mà đi đâu bà cũng đi theo, vì bản thân bà cũng là người rất mê Soọng cô.”
Dường như, trời phú cho ông sức khỏe nên càng nghiên cứu ông càng khỏe ra, càng ngân Soọng cô thì giọng ông càng đanh, và ấm. Nhìn người đàn ông ngoài 74 tuổi ngân nga làn điệu Soọng cô điêu luyện như thế, không ít người phải tấm tắc trầm trồ… “Áo tuế hống pha sọi lu ben,/Mun nị háo lèn mú háo lèn?/Háo lèn diu phạ nhín sông tọi,/Hỵ lèn diu phạ ngọi thống nèn.” (Dịch nghĩa: Bên đường thấy đóa hoa hồng,/Hỏi em dễ ngắt hay không hỡi nàng?/Ngắt hoa sợ ả, sợ chàng,/Dắt tay lại sợ bạn làng cười chê!”.
Giữ ngọn lửa Soọng cô
Với tình cảm đặc biệt với các bài hát Soọng cô, ông Tài và vợ luôn đau đáu nghĩ về bản sắc của dân tộc mình, sợ theo thời gian sẽ bị mai một. Từ những nỗ lực bản thân, ông Tài quy tụ được một số người cao tuổi trong xóm, thành lập CLB hát Soọng cô Tam Thái năm 2011 do chính ông làm chủ nhiệm. Ông vừa tham gia biểu diễn, vừa dịch văn tự Hán Cổ, và soạn giáo án cho các hội viên, để học thực hành trong các buổi sinh hoạt CLB. Để các hội viên thuận tiện trong sinh hoạt biểu diễn, người hát dễ nhớ, dễ thuộc lời, ông còn cặm cụi phiên nghĩa sang tiếng phổ thông, đồng thời chuyển các bài Soọng cô ở thể thất ngôn sang thể lục bát.
Ban đầu khi thành lập, CLB của ông Tài chỉ có 7, 8 người tham gia nhưng nhờ những đóng góp to lớn trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc, tiếng lành đồn xa, thời đỉnh điểm CLB có tới 33 người sinh hoạt. Hoạt động chủ yếu là các hoạt động về ca hát Soọng cô, khi làng bản có việc thì biểu diễn, giao lưu với các CLB bạn. Vừa là nơi sinh hoạt khi tuổi già, vừa là tấm gương gìn giữ vốn quý của cha ông cho thế hệ sau nên được rất nhiều người ủng hộ.
Ông Tài quan niệm, trong công việc nghiên cứu của mình, người nghiên cứu phải tận tâm, làm việc phải có chứng cứ thuyết phục, tuyệt đối không tự nghĩ, tự suy. Ông chia sẻ: “Tôi phải cố gắng khi còn sức khỏe để sưu tầm và nghiên cứu về Soọng cô. Làm nghề này thì không nóng vội được, mà phải hết sức cẩn thận, chứng cứ phải rõ ràng. Thế nhưng nhiều khi gặp khó khăn, về trình độ chuyên môn của mình còn hạn hẹp, tôi phải mày mò tìm tài liệu cũng như nhờ những người lớn tuổi am hiểu để xin chỉ dạy. Cũng may trong lúc khó khăn hay gian khổ đều có bà nhà tôi bên cạnh. 2 ông bà cũng xác định chưa muốn nghỉ ngơi, trời còn cho sức khỏe thì còn nghiên cứu.”
Với những đóng góp của mình trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, năm 2015 ông Diệp Minh Tài đã vinh dự được nhà nước trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Đối với ông, đó không chỉ là niềm vinh dự lớn lao, sự ghi nhân xứng đáng cho quá trình tận tâm cống hiến, mà còn là trách nhiệm nghĩa vụ không ngừng hoàn thành thiện và truyền dạy tri thức đó cho đông đảo thế hệ trẻ để họ không quên đi nguồn cội của dân tộc mình, để những điệu Soọng cô của quê hương mãi ngân vang.
Hồng Phú – Đình Tuyến