Người bơi ngược đến cạn khô sức mình

15:23 | 09/11/2021

Mùa đông 1981, nhà thơ Trần Vũ Mai đưa anh lên căn gác nhà tôi ở Hà Nội: “Đây là Đỗ Nam Cao. Thơ đầy gai góc”. Tôi nhìn Cao lạ lẫm. Tóc bồng bềnh. Mặt hiền tươi. Ngà ngà, Cao đọc: “Chỉ có người chết rồi mới lấp vùi như thế/Những người chết thì không thể đội ngược đất lên”. Hay! Một câu thơ rất riêng. Tôi nhận định, còn Cao thì cười. Cuộc rượu khá khuya. Ngày ấy, đất nước vừa liền một dải mới vài năm, nhưng trong lòng không ít người dấn thân và dâng hiến một thời chiến đấu, tự nhiên có những rạn vỡ không thể gọi thành tên. Chúng tôi rót buồn cho nhau, cố lý giải về những gì mình đã tin theo, mình đã trải qua. Và hơn hết, cụm lại với nhau thành bạn bè thân thiết. Cụm lại là để làm mạnh nhau, để nương tựa nhau vượt qua những trái ngang mà Trần Vũ Mai từng tổng kết: “Người trung thực vốn chịu nhiều thua thiệt”. Tổng kết được vậy, nhưng Mai vẫn không sao cưỡng được. Mai chia tay mãi mãi với chúng tôi vào rằm tháng giêng năm 1991.

Nhà thơ Đỗ Nam Cao

Ngày ấy, tôi vừa phục viên được một năm. Lòng cũng đầy tan nát. Buồn, tôi trở lại Sài Gòn làm báo. Gần như ngày nào cũng ngồi với Đỗ Nam Cao. Chúng tôi cứ lặng sống, cứ ngơ ngác giữa mất mát, giữa tồn vong như vậy. Rồi đến lúc bi kịch đã đập tung cửa nhà Đỗ Nam Cao. Nuốt đau vào người, Cao cứ thế nhiều năm ra vào Hà Nội – Sài Gòn với chiếc xà cột thắt khăn mặt vào dây đeo, như một người bệnh trọng đi vái tứ phương mong người bạn đời – từng là nữ tù nhân Côn Đảo, một biệt động Đà Nẵng ngày nào – thoát khỏi kiếp nạn của thời kỳ đầu kinh tế thị trường. Cắn răng và lặng lẽ, vậy mà vài năm sau, Cao cho ra mắt tập thơ đầu tiên có cái tên rất lạ: “Dính”. Quả thật là một tập thơ hay và lạ. “Dính” chứa chất xô lệch bao số phận, là nơi dồn nén bao quặn thắt trần ai, là những mảnh vỡ ghép lại nham nhở một vỉa hè va vấp của dân đen. “Dính” cứ thế âm thầm dính vào bạn bè, vào những người yêu thơ.
Thế kỷ mới đưa lứa thanh xuân thời chống Mỹ chúng tôi vượt qua “ngũ thập tri thiên mệnh”. Công lý đã mỉm cười phần nào với gia đình Cao, anh có thể bình yên để lại lặng lẽ lao vào thơ. Mất đến tròn thập kỷ, Cao mới hoàn thành trường ca bằng thơ lục bát mang tên “Hỡi cô cắt cỏ”. Đầu xuân 2011, trường ca in trên tạp chí “Văn hiến VN”. Đọc xong, tôi gọi cho Cao: “Cao ơi! Xong việc rồi. Không thể hay hơn được nữa”. Vài tháng nay, nghe tin anh mắc bệnh hiểm nghèo, lòng tôi buồn trĩu. Mưu sinh đời thường khiến cho con người không có lúc ngẩng mặt. Càng cưỡng số phận, càng cô đơn. Cao tắt máy, chấp nhận cô đơn chống chọi bạo bệnh.

Thắp hương cho Cao xong, chúng tôi tụ lại bồi hồi ôn lại những kỷ niệm của bao ngày cũ. Không thể nào ngăn được nỗi nhớ, nhất là khi Lưu Trọng Văn đọc lên những câu thơ cuối cùng và là bài thơ đầu tiên mà dường như Cao viết vào số phận mình chứ không phải viết ra giấy: Có không cái cõi vĩnh hằng/ Có cô cắt cỏ có trăng lưỡi liềm/ Có không cái cõi thần tiên/ Rượu ngon lại uống bạn hiền lại chơi/ Chỉ còn sờ sợ chút thôi/ Có thơ không để tôi rơi xuống trần.

Đỗ Nam Cao ơi! Sờ sợ cho vui thôi chứ sợ gì. Tôi cứ nghĩ sẽ vẫn những mừng tủi xuyên cả hai cõi bởi những câu thơ như thế thì mãi dính chặt vào đời, bởi như trong “Hỡi cô cắt cỏ”, Đỗ Nam Cao đã viết: “Mưa rào rạch nước cá rô/ Tôi bơi ngược đến kiệt khô sức mình/ Sống là trống thúc thình thình/ Chết vác vai những cột đình gốc đa…”. Suốt cả một kiếp người, Đỗ Nam Cao như bao người khi sống luôn bị “trống thúc”, nhưng ước muốn khi chết được “vác hai vai những cột đình gốc đa”.

Có lẽ anh đã làm được như thế trong tâm tưởng cho miền quê nơi châu thổ sông Hồng của anh, cũng góp sức nhỏ nhoi để “ghé vai” cho nền thi ca nước nhà. Như thế, không bao giờ mất được, phải không Đỗ Nam Cao?

NHẶT LẠI NHAU
Tặng Đỗ Nam Cao

Loà xoà tóc muối tiêu bay
qua thời tóc xanh băm nhăm năm trước
lang thang kiếm tìm cô đơn như người khất thực
thơ thơ

sống như cắm rễ xuống đời hút cay đắng bao mùa
toàn thân trào nhựa
sống và yêu và lặng lẽ
tin tin

những câu thơ cứ hồn nhiên chồi biếc lá xanh
cứ trút vô tư trả lại đời mặc vàng ròng quên lãng
chợt một ngày giây lát nhặt lại nhau lá bồ đề Tây Tạng
ép vào thiêng và đặt lên bàn
khấn nguyện

Nguyễn Thụy Kha

Cùng chuyên mục

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Hiệp định Geneve 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Hiệp định Geneve 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Thủ tướng chỉ đạo những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng để Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững

Thủ tướng chỉ đạo những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng để Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh