Để có một mùa vụ bội thu, thì sự phù hộ của đất trời, tổ tiên là rất quan trọng. Cho nên cứ vào dịp tháng 10 hàng năm sau khi đã gặt xong thì đồng bào dân tộc Thái ở Nghệ An lại tưng bừng tổ chức Lễ mừng cơm mới (Chôm khảu mớ).
Lễ mừng cơm mới tiếng Thái là Chôm khảu mớ của đồng bào Thái thường được tổ chức vào một ngày nhất định trong năm. Trước đây, do giống lúa cũ, thời gian sinh trưởng dài và do khí hậu nên lúa nương được trồng muộn khoảng tháng 5 – 6, thường gặt vào tháng 10 dương lịch nên Lễ hội mừng cơm mới thường được tổ chức vào tháng 10.
Hiện nay, giống lúa mới ngắn ngày hơn và do thời tiết thay đổi, khí hậu nóng hơn nên lúa được trồng sớm, khoảng cuối tháng 4- đầu tháng 5 là phải trồng xong (theo đồng bào, nếu trồng muộn hơn thường không được ăn) nên lúa gặt sớm hơn, cuối tháng 8 đầu tháng 9 là lúa đã chín, vì vậy lễ mừng cơm mới cũng theo đó mà được tổ chức sớm hơn.
Tuỳ theo từng gia đình để chọn ngày tổ chức lễ mừng cơm mới cho phù hợp với gia đình mình, chọn ngày đẹp, không tổ chức vào ngày kiêng cữ của gia đình như ngày mất của ông bà, bố mẹ, người thân trong gia đình. Khi thấy lúa trên nương nhà mình đã chín thì tổ chức lễ mừng cơm mới sau đó tiến hành gặt lúa nương.
Vì vậy, trước khi thu hoạch lúa, các gia đình đều làm lễ cúng cơm mới với ý nguyện bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, trời đất. Đây là một trong các lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc Thái được tổ chức hàng năm vào mùa lúa chín. Đây là một lễ hội nông nghiệp nên lễ vật dùng để cúng chủ yếu là các sản vật được trồng từ nương rẫy, ngoài ra còn có cá bắt ở suối, thịt thú và các loại thực vật được hái trong rừng.
Lễ mừng cơm mới được chia làm 2 phần: phần đầu là phần lễ: gia chủ mời thầy mo (thầy cúng) về để thực hiện cúng bái, phàn hai là phần hội: gia chủ và khách được mời tới dự cùng ăn uống giao lưu.
Ông Vi Văn Sơn (Bản Sơn Hà, xã Tam Quang, Tương Dương, Nghệ An) cho biết: “Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Thái có từ lâu đời rồi, đến nay đồng bào chúng tôi vẫn đang gìn giữ bản sắc của người Thái. Tuy lễ mừng cơm mới có diễn ra sớm hơn và có nhiều thay đổi nhưng chúng tôi vẫn cố gắng giữ bản sắc riêng của đồng bào Thái””
Lễ cơm mới được người Thái coi trọng và gìn giữ từ đời này sang đời khác bởi nó vừa phản ánh tín ngưỡng tâm linh, vừa biểu hiện nét văn hóa truyền thống đặc trưng, mang tính nhân văn sâu sắc. Đây cũng là dịp để thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, thông gia, làng xóm hội ngộ, chung vui, chia sẻ với nhau công việc làm ăn, xây dựng gia đình và thắt chặt thêm tình đoàn kết thôn bản, hướng về một cuộc sống đủ đầy. Vì thế, dù công việc bận rộn đến đâu, con cháu vẫn cố gắng sắp xếp thời gian về xum vầy cùng gia đình trong bữa cơm lúa mới.
Theo THPL