Nghệ sĩ và sự ngộ nhận về tính trăng hoa để tìm cảm hứng khi làm nghề

16:40 | 17/05/2018

Tính nghệ sĩ, đó là một khái niệm trừu tượng và chẳng hề nhất quán giữa rất nhiều những định nghĩa. Nhưng khi người ta dùng nó để bao biện cho đạo đức chưa hoàn thiện của mình thì đó là một sự tự huyễn hoặc sai lầm.


Trong khi phong trào #MeToo đã có những thành công nhất định ở Mỹ và Hàn Quốc, thì dường như lại có một khởi đầu không mấy suôn sẻ ở Việt Nam. Khi nữ vũ công tố cáo huấn luyện viên ghép cặp với mình trong một chương trình giải trí truyền hình có hành vi gạ tình đã phải đối diện với những lời đổ tội ngược lại.

Khoan nói về cách đưa tin của truyền thông và sự lẻ loi của người được cho là bị hại, trong khuôn khổ bài viết này, chỉ xin được bàn luận một chút về “tính nghệ sĩ” chưa được hiểu đúng của những “nghệ sĩ” chông chênh trong làng nghệ thuật.

Câu chuyện gạ tình và cái lý về tính cách nghệ sĩ

Nữ vũ công Phạm Lịch, người đầu tiên đưa phong trào #MeToo về Việt Nam. (Ảnh: aFamily)

Ai cũng có những lúc phạm sai lầm, thậm chí là những sai lầm nghiêm trọng. Nhưng có người nhận ra và vượt lên được cái sĩ diện và bản năng tự vệ để thay đổi và hoàn thiện mình. Cũng lại có người không thể đối diện và đánh mất quá nhiều thứ khi áp lực từ người khác là quá lớn và khắc nghiệt. Đối diện với sai lầm của mình thế nào, cũng là thể hiện bản lĩnh kiên cường.

Phong trào Metoo trên khắp thế giới đã bóc trần mặt tối của giới nghệ thuật. Với một kịch bản tương tự như nhau, người bị tố cáo là những cây đa cây đề hoặc những người có tiếng tăm nhất định trong làng nghệ thuật. Thậm chí còn là những “bảo vật quốc gia” như nhà thơ, đạo diễn Lee Yoon Taek, nhà sản xuất phim Yun Ho Jin, đạo diễn sân khấu Oh Tae Seok, đại thi sĩ Go Eun, đạo diễn Kim Ki Duk… hay Harvey Weinsteins của Hollywood. Họ ban đầu đều một mực chối bỏ và dọa kiện lại những nạn nhân vô danh hay thấp cổ bé họng trong giới giải trí.

Nhưng từ một người tố cáo, rồi đến hai người, ba người và nhiều hơn nữa cùng đứng lên nói về sai lầm của mình thì những cây đa cây đề đó đều phải gián tiếp hoặc trực tiếp nhận lỗi. Hoặc bằng sự im lặng của mình, âm thầm rút lui khỏi những chức vụ và dự án giải trí đang thực hiện. Hoặc lên tiếng xin lỗi. Cũng lại có người chọn cái chết bởi áp lực từ dư luận và nỗi day dứt về sai lầm của mình.

Nhưng chưa có ai thanh minh rằng đó là bởi tính nghệ sĩ, phóng khoáng, bản năng của mình. Vậy mà dường như điều đó ở Việt Nam lại thường hay được giới nghệ sĩ lấy làm lý do cho sự xốc nổi, chông chênh của họ. Thậm chí những người không hoạt động nghệ thuật cũng dùng từ “tính nghệ sĩ” để miêu tả những anh chàng đa tình, bay bổng và không thích sự ổn định, chín chắn.

Trong vụ #Metoo đầu tiên của làng nghệ thuật Việt, nhân vật chính thật sự chưa gây ra những hành động quá giới hạn nào, nhưng lại cho mình quyền bông đùa, “thả câu” mặc dù bản thân là người đã có gia đình. Có thể chính anh chưa hiểu được rằng điều đó là không đúng. Bản thân anh sau sự việc cũng đã tự nhận rằng mình đã học được cách làm người đàn ông sau bao năm làm nghề. Ai cũng có những chỗ thiếu sót trong nhận thức, chỉ là môi trường quá nuông chiều khiến họ chưa nhận ra. Nhưng khi nhận ra được thì lại đã trở thành một điều đáng tiếc.

Thế nên, để tránh cho những sự ngộ nhận và giới hạn trong nhận thức, phải chăng chúng ta phải làm rõ lại “tính cách nghệ sĩ” có đồng nghĩa với những hành động xốc nổi và thiếu hẳn việc nghĩ cho người khác hay không.

Nghệ sĩ ngày nay cũng theo trào lưu đạo đức xã hội mà dung túng dục tính hơn, dễ dàng sa đọa hơn. (Ảnh: CiriCara)

Tính nghệ sĩ là thích gì làm nấy?

Người ta luôn nói rằng người nghệ sĩ thường sống hai cuộc đời, đời sống trần tục đầy thực tại, và đời sống trong thế giới nghệ thuật của anh ta. Vừa say đắm, sướng khổ, bay bổng, thăng hoa cùng nghệ thuật, lại phải trở lại với đời sống thật đầy ràng buộc. Nên nghệ sĩ lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác hoặc chông chênh, mông lung.

Nhưng sự chông chênh đó rốt cuộc cũng không thể trở thành sự vô trách nhiệm, bệ rạc, thích gì làm nấy gây tổn hại tới người khác.

Nếu có, thì đó là với những nghệ sĩ đặt sự sáng tạo của mình vượt ra ngoài khuôn khổ chung của sáng tạo nghệ thuật. Bởi nghệ thuật chân chính luôn phải dựa trên thực tế, gắn với thực tế và đề cao cái đẹp của thực tế. Mục đích cuối cùng của nghệ thuật là để truyền đi cảm hứng về cái đẹp, cái hay của cuộc sống, để giúp con người ta hướng thiện và cảm thụ được nhiều hơn từ những điều nhỏ bé đơn giản của cuộc sống.

Nếu nói rằng, sáng tạo là phải luôn tạo ra cái mới mẻ, những thứ vô nguyên tắc và phóng khoáng thiếu ước thúc bởi quy phạm đạo đức. Thì đó không phải là sự sáng tạo nghệ thuật.

Âm nhạc hay nghệ thuật nói chung rốt cuộc là tấm gương soi tỏ tâm hồn người nghệ sĩ. Khi tâm hồn đạt được sự thuần tịnh thì tác phẩm sẽ mang vẻ đẹp thánh khiết động đến tâm can người cảm thụ.

Thế nên làm nghệ thuật thì trước hết phải tu cái tâm này. Sự thăng hoa trong nghệ thuật chỉ đạt được đỉnh cao khi người nghệ sỹ không ngừng đề cao tu dưỡng đạo đức, tâm hồn.

Vậy một người nghệ sĩ cứ nuôi dưỡng những ý nghĩ tà dâm ma mị, những dục vọng tầm thường; sống theo cái được gọi là bản năng, là phi lý trí, sẵn sàng làm tổn thương người khác và gia đình mình thì có thể tạo ra tác phẩm nghệ thuật truyền cảm hứng tốt đẹp được không?

Nghệ thuật chân chính không cần thăng hoa nhờ bất kỳ điều gì khác ngoài sự Chân thành, Thiện lương và cái đẹp dựa trên quan niệm thẩm mỹ chung nhờ tôn trọng hiện thực. Thế nên giá trị phổ quát nhất của những công trình, tác phẩm nghệ thuật chân chính và được ghi nhận qua thời gian đều là đề cao Chân Thiện Mỹ.

Nghệ thuật chân chính không cần thăng hoa nhờ bất kỳ điều gì khác ngoài sự Chân thành. (Ảnh: NetNews)

Có người họa sĩ tên Francis khi được người bạn học cũ Marcus rất giàu có nhờ vẽ tranh hỏi rằng sao ông kiếm tiền từ những tác phẩm rất đẹp vẽ khắp ngôi làng của mình.

Francis trả lời rằng: “Tôi có cả gia tài lớn đó chứ. Những người dân thô mộc, cục cằn vì cuộc sống khó khăn khi được sống trong không gian nghệ thuật, được nhìn thấy cái đẹp mỗi ngày, họ không biết nói những lời khen tặng hoa mỹ nhưng họ thay đổi mỗi ngày, tự tin hơn, thân thiện hơn, thiện lương, biết yêu thương nhau hơn và tốt lên mỗi ngày. Tôi thấy mình giàu có”.

Vậy nên nghệ thuật chân chính là để ca ngợi và hướng thiện. Muốn thế người nghệ sĩ chẳng phải phải đủ thiện lành do đạo đức và tâm hồn thánh thiện được tôi rèn hay sao?

Có cái thiện nào lại cho phép anh thích gì làm nấy, bông đùa, phóng khoáng đến mức xúc phạm người khác, sống vô tổ chức, buông thả, vô trách nhiệm với những người xung quanh?

Quan niệm lệch lạc dẫn tới sự sáng tạo lệch lạc

Ngày nay có quan niệm cho rằng mục đích cuối cùng của nghệ thuật là tạo ra được cảm xúc chân thật, một tâm trạng cho người thưởng thức. Thế nên nó có thể mang lại nỗi buồn, uất hận, căm phẫn. Có thể đọng lại sự vô định, mông lung. Có thể truyền cảm hứng về sự nổi loạn, hết mình, về cái tôi vĩ đại. Cũng lại có thể đem tới dư vị huyền hoặc, hoàn hảo đến phi lý xa rời thực tại.

Thế nên có trường phái cho rằng nghệ thuật là vô dụng, bởi nó chỉ mang lại tâm trạng, cảm xúc. Chính vì quan niệm như vậy, nên người ta thỏa sức sáng tạo sao cho mang lại những kích thích tâm lý mãnh liệt nhất. Sáng tạo ra những điều phi thực tế và thậm chí là phi đạo đức, trái với lẽ thường tình để truy cầu cảm xúc mới mẻ, thỏa mãn dục vọng của người thưởng thức.

Và người nghệ sĩ vì thế cũng buông thả bản thân, truy cầu những cảm giác lâng lâng khó kiểm soát. Giao tâm hồn và cảm thụ của mình cho những ảo vọng u tối. Họ nghĩ thế mới là sống thật với mình, với cảm giác của mình.

Nếu cứ không cần một hàng rào đạo đức nào ngăn cản, thì mới gọi là sống thật, sống không giả tạo. Thì anh hãy sẵn sàng đối diện khi người khác chiến đấu hết mình với anh vì họ cảm thấy bị tổn thương bởi anh. Họ cũng là đang sống thật và hết mình với cuộc sống của họ thôi.

Nhưng nhân loại tồn tại được đến ngày nay là vì luôn có đạo đức làm sợi chỉ buộc chân voi. Người ta không làm những điều mình không muốn cho người khác. Làm gì cũng nghĩ đến cảm giác và lợi ích của người khác trước. Đó là Thiện. Có điều đó mới có con người, nếu không thì cũng không bằng cầm thú.

Thế nên làm gì cũng cần có đạo đức và nghệ thuật thì cũng không ngoại trừ. Thậm chí người làm nghệ thuật còn phải là người nghiêm khắc hơn trong tu dưỡng tâm tính.

Và tính nghệ sĩ có thể là biểu hiện một chút của tài năng thăng hoa, nhưng nhất quyết không thể là biểu hiện của một đạo đức suy đồi và buông thả bản thân.

Theo ĐKN

Video hay

Cùng chuyên mục

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Thủ tướng chung vui lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt của Thủ đô

Thủ tướng chung vui lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt của Thủ đô

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng

Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng

EduCom vinh dự nhận giải thưởng Top 10 Thương hiệu tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương 2024

EduCom vinh dự nhận giải thưởng Top 10 Thương hiệu tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương 2024

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Trao học bổng cho trẻ em nghèo tại Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh

Trao học bổng cho trẻ em nghèo tại Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh