Cô giáo mắng học viên là ‘óc lợn’: Nghề giáo không phải là một loại dịch vụ

16:53 | 12/05/2018

Có ý kiến cho rằng thầy cô giáo cũng là con người, ai có quyền cấm họ không được chửi rủa khi bức xúc. Rằng đi học các kỹ năng ngoài trung tâm cũng là một dịch vụ mua bán. Có đi có lại, người ta dạy tốt là được. 

Từ một vụ việc lời qua tiếng lại dẫn tới chửi nhau của giáo viên và học viên đi học tại một trung tâm ngoại ngữ, xã hội đang có những cách nhìn nhận trái chiều. Chung quy cũng bởi quan điểm về việc học lẫn việc làm người, làm thầy đều đã khác xưa.

Mới đây, một đoạn clip ghi lại cảnh giáo viên một trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội có những lời lẽ chửi bới gay gắt, thô tục với học viên đã được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội.

Theo đó, khi cô giáo yêu cầu học viên nộp phạt vì vi phạm quy định của lớp học, của trung tâm, nam học viên không đồng ý. Sau một hồi cãi vã, tình hình trở nên căng thẳng và đôi bên bắt đầu có những lời lẽ thiếu kiềm chế.

Ngoài việc xưng “mày, tao”, và những ngôn từ tục khác, cô giáo đã có lời sỉ nhục với học viên rằng: “Ra ngoài kia, có 1 hay 10 trung tâm cũng không thể biến một con lợn thành một con người được đâu” hay “Chúng tao không để cho những thằng mặt lợn như mày học ở đây”, “Loại mặt người óc lợn”…

Chúng tôi không muốn bình luận về người giáo viên trong clip đó, bởi ai cũng có những điều được và chưa được. Chúng ta chẳng có ai lại tự tin rằng mình chưa bao giờ và sẽ không bao giờ mắc sai lầm. Chúng ta cũng đều có phương châm và nguyên tắc riêng của mình mà đôi khi có thể xung đột vì chưa phù hợp với xã hội. Quan trọng là cách mình đối diện, nhận biết và thay đổi những điểm còn thiếu sót.

Thế nên, chúng tôi chỉ muốn bàn luận về sự việc, không bàn luận về con người. Bởi sự việc nếu không được nhìn nhận đúng thì sẽ để lại những hậu quả cho xã hội, cho phát triển nhân cách và quan điểm sống của các thế hệ mai sau. Đó chính là nền tảng văn hóa cơ bản, nếu nó không được chúng ta nhìn nhận lại và điều chỉnh cho đúng mọi giây mọi khắc thì một sự lệch sẽ kéo theo ngàn sự lệch và cả một xã hội xuống dốc về đạo đức.

Ngược lại, chỉ chăm chăm phê phán về nhân cách của một con người phạm sai lầm sẽ khiến chúng ta giống những kẻ ác độc. Và khi dùng cái ác để hướng thiện thì sao có thể có hiệu quả và được tâm phục đây.

Màn đối thoại căng thẳng giữa giáo viên vào học sinh tại trung tâm tiếng anh Mst English. (Ảnh: Youtube)

Chỉ cần dạy tốt, đảm bảo chất lượng, thì cô thích ra luật gì tùy cô?

Quay trở lại với vụ việc, hầu hết bình luận trên các trang mạng đều bày tỏ thái độ không đồng tình với cô giáo dạy ngoại ngữ. Nhưng cũng lại có những ý kiến đa dạng hơn, cho rằng cô là người dạy giỏi, nhiệt tình và đặt nặng chất lượng của học sinh sau khi kết thúc khóa học. Có thể nói, nhìn về phương diện này thì cô là người có trách nhiệm. Và việc phạt tiền cũng là một cách để giúp học trò, cuối cùng thì vẫn là vì chất lượng học tập, vì học trò cả thôi.

Nhưng có vẻ như trong việc này, người ta không cảm thấy lợi ích của học trò là điều quan trọng nhất. Nếu thật sự muốn tốt cho người khác, chúng ta sẽ tìm ra cách hiệu quả nhất để giúp họ. Để họ thực sự thay đổi trong nhận thức và trân trọng sự giúp đỡ của chúng ta, chứ không phải là áp đặt theo cách mà chúng ta muốn bất chấp việc có thể làm họ bất bình, không phục và bị tổn thương. Hơn thế nữa, khi thực sự muốn giúp người khác, thì chúng ta phải loại bỏ được sự tự tôn, danh tiếng của bản thân và sự kẻ cả hơn người.

Và một điều quan trọng nữa, người làm thầy trước khi dạy kiến thức, kỹ năng, thì phải dạy học trò làm người.

Thuở xưa, người thầy thậm chí còn đặt trên cả vị trí người cha trong Tam cương: “Quân – Sư – Phụ”. Bởi người thầy là người neo giữ và duy trì đạo đức, văn hóa của các thế hệ nhân loại.

Cha mẹ cho ta hình hài, nuôi nấng, chăm sóc cho ta từ tấm bé. Bậc quân vương cho ta cuộc sống ấm êm, cho ta môi trường tốt để sinh sống, phát triển. Còn người thầy cho ta Đạo làm người, không có thầy dẫn dắt, chỉ lối thì bậc phụ mẫu có khi chẳng có được người con ngoan có hiếu, đấng quân vương chẳng có hiền tài, trung quân.

Thế nên bao đời nay, thầy giáo vẫn luôn được xem là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Trước khi làm thầy thì phải làm được người tốt, trước khi dạy trò giỏi thì cũng phải dạy học trò làm được người tốt.

Vậy mà người giáo viên đứng trước lớp lại khẳng định “không cần tư cách giáo viên giẻ rách”, chỉ yêu cầu học viên phải tuân thủ luật lệ bởi đã cam kết trước khi bắt đầu khóa học.

Hóa ra cuối cùng vẫn là vì cái cam kết, “nếu học viên đuối so với lớp, họ sẽ được kèm riêng miễn phí. Khi kết thúc lộ trình học, nếu học viên không đạt chất lượng như cam kết, họ được học lại miễn phí”. Cô quá chú trọng vào chất lượng đầu ra, vào uy tín của mình và của trung tâm mà sẵn sàng đánh đổi cả văn hóa, cả nhân phẩm của người khác, cả niềm tin của xã hội vào người thầy, và cả tư cách giáo viên mà cô cho là giẻ rách để lấy chất lượng và uy tín.

Đoàn kiểm tra về tận nhà làm việc với cô T (Ảnh: Sao Star).

Sau khi vụ việc được dư luận quá quan tâm, nhiều người đã hỏi cô về tư cách giáo viên. Cô cũng trả lời rằng: “Tự các bạn gắn cho tôi cái mác ‘cô giáo’ đấy chứ tôi chưa thể dám nhận cái danh dự dạy dỗ được ai. Bản thân tôi chỉ là người huấn luyện, chia sẻ những kỹ năng mà tôi có”.

Điều này cũng lý giải một phần thái độ của cô, bởi cô không nghĩ mình là người giáo viên. Nếu chính người thầy không nghĩ mình là người thầy, không thấy cần có tư cách của người thầy, thì tất nhiên, họ sẽ không cần tới việc hành xử cho đúng với phẩm chất cần có của một người thầy.

Giáo dục không phải là một loại dịch vụ

Cũng bởi ngày nay người ta đã coi giáo dục là một dịch vụ, người thầy cũng là người bán cái tài của mình. Mà quên mất rằng, giáo dục không phải là để dạy bảo thúc ép người khác cho tốt hơn, mà còn là việc truyền cảm hứng, trao cho người học cách họ sẽ tự khám phá con đường tìm hiểu thế giới và hoàn thiện các kỹ năng của mình.

Giáo dục không phải là một con đường cố định cho tất cả mọi người cùng đi vào, mà là trao cho họ chìa khóa để họ tự mở cửa bước vào con đường của mình. Và muốn họ lựa chọn con đường cho đúng, phù hợp thì người thầy trước hết phải giúp học trò có đủ bản lĩnh và biết cách nhận thức, tư duy, có trách nhiệm với con đường của mình.

Nếu chỉ chăm chăm hướng tới chất lượng đầu ra của lứa học trò, cuối cùng hóa ra vẫn chỉ là dừng ở việc nghĩ đến cái uy tín của bản thân mình. Còn lợi ích thật sự của người trò, có khi không chỉ được đánh giá ở chất lượng đầu ra mà thôi. Sau khóa học, cô giáo khiến học viên nâng cao được nhận thức với việc học, có trách nhiệm hơn với bản thân mình và tìm thấy sự hứng thú trong học tập. Đó chẳng phải là thành công bền vững nhất, lâu dài nhất của người thầy sao.

Nếu nhìn vào mục tiêu xa hơn đó, người thầy sẽ không bao giờ dùng vũ lực, chửi mắng, phạt tiền và thóa mạ học viên như vậy. Điều đó chắc chắn sẽ chỉ làm học sinh không phục, cảm thấy ức chế, chống đối. Việc mắng chửi sẽ chẳng đạt được mục đích gì tích cực.

Hơn nữa, khi mắng chửi một học sinh, cô giáo có nghĩ rằng mình đang chiếm dụng thời gian của cả lớp, gây tổn thương không đáng có cho những người vô can khác, phải hứng chịu năng lượng tiêu cực từ cô?

Và trên hết, tất cả những lý lẽ của cô là vì luật lệ, vì cảm kết chứ không vì tiền. Nhưng khi áp dụng hình phạt bằng tiền, cô đã biến lớp học thành thị trường có trao đổi sòng phẳng. Đó không còn là môi trường giáo dục mà trong đó người học sinh phải tự cảm thấy có trách nhiệm, nghĩa vụ phải trả bài cho cô đầy đủ nữa. Cô đã tự loại bỏ tư cách học trò của người đi học, cho họ quyền lựa chọn làm bài hoặc bỏ tiền ra mà không cần làm bài đầy đủ.

Giáo dục là nghệ thuật truyền cảm hứng và dẫn dắt, không phải là quan hệ trao đổi sòng phẳng. Nhà giáo là một người truyền thụ, thực hiện sứ mệnh, chứ không phải là chỉ là một nghề kiếm cơm.

Việt Nam giàu văn hóa tôn sư trọng đạo, tất nhiên rằng giáo dục không phải là một dạng dịch vụ. (Ảnh: Zing.vn)
Sao người thầy lại có thể nói không cần cái “tư cách giáo viên giẻ rách”, sao có thể đánh đổi văn hóa lấy uy tín của trung tâm, sao có thể chà đạp lên nhân phẩm của người khác mà lại cho rằng đó là vì để giúp họ tốt hơn.

Cô giáo đã không đúng rồi, và nhiều người trong chúng ta cũng đã sai rồi, khi chúng ta từ lúc nào đó đã coi giáo dục là một dịch vụ, nhà giáo là một nghề nghiệp như các nghề khác.

Sự việc cũng là một cái cớ để chúng ta nhìn nhận lại về việc quảng cáo của các trung tâm ngoại ngữ. Với những cam kết sau một vài khóa học là chắc chắn nâng cao kỹ năng cho học viên. Từ đó gây ra nhầm lẫn với người học rằng, chỉ cần bỏ tiền đi học là họ sẽ giỏi lên mà không cần tập trung vào viêc thay đổi nhận thức và phương pháp học. Và bản thân các trung tâm cũng nghĩ ra đủ loại cam kết để đạt được đúng tỷ lệ, chất lượng như mình đã hứa hẹn, mời chào học viên. Đó cũng lại là hệ lụy của tư duy giáo dục là dịch vụ, là thị trường mua bán.

Chừng nào việc dạy học, dù là môn học nào, kỹ năng nào đều xuất phát từ việc thật sự nghĩ đến lợi ích của học viên. Từ đó người thầy phải hoàn thiện phương pháp sư phạm và nhân cách của mình. Thì họ sẽ chẳng cần đến những chiêu thức quảng cáo, những cam kết, hứa hẹn. Hữu xạ tự nhiên hương, học trò đi học sẽ tự biết tới danh thầy, trân trọng tâm huyết, tư cách và tài năng của thầy. Đó là cái được lớn nhất của người thầy, hơn hẳn uy tín về chất lượng đào tạo, những thù lao, tiền học phí được tích góp từ sự sòng phẳng thị trường.

Một lời nhắn nhủ riêng với cô giáo bỗng nhiên phải “nổi tiếng” trong thời gian vừa qua, rằng ai cũng có lúc sai lầm, có lúc không làm chủ được bản thân. Nhìn được ra, nhận lỗi và rút kinh nghiệm là điều tốt đẹp mà không phải lúc nào ta cũng có cơ hội trải nghiệm. Nhưng trước hết, chúc chị hãy tự tin nghĩ rằng mình là một cô giáo. Với xã hội, với chúng tôi, chị là một người giáo viên. Chúng tôi trân trọng điều đó, trân trọng nghề nghiệp của chị và thành tâm mong muốn chị sẽ trở thành một người giáo viên tuyệt vời trong tương lai.

 

Theo ĐKN

Video hay

Cùng chuyên mục

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Thủ tướng chung vui lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt của Thủ đô

Thủ tướng chung vui lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt của Thủ đô

Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng

Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng

EduCom vinh dự nhận giải thưởng Top 10 Thương hiệu tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương 2024

EduCom vinh dự nhận giải thưởng Top 10 Thương hiệu tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương 2024

Trao học bổng cho trẻ em nghèo tại Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh

Trao học bổng cho trẻ em nghèo tại Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh

NEU INTERNSHIP DAY 2024: Tìm kiếm cơ hội thực tập cho các bạn sinh viên

NEU INTERNSHIP DAY 2024: Tìm kiếm cơ hội thực tập cho các bạn sinh viên