Mối tình Mỵ Châu – Trọng Thủy, qua ngôn ngữ ballet – được tái hiện từ sự chuyển kiếp của đôi trai gái thời hiện đại thông qua một giấc mơ.
Sau thành công từ hàng loạt tác phẩm vũ kịch nổi tiếng như: Hồ Thiên Nga, Kẹp hạt dẻ, Giselle, Huyền thoại mẹ… Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã đưa vở ballet mang tên Hàm Lệ Minh Châu lên đường dự Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc đợt 2/2021 – do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức tại Đắk Lắk đến hết ngày 30/6/2022.
Tái hiện mối tình vĩnh cửu
Dựa trên truyền thuyết An Dương Vương và Mỵ Châu – Trọng Thủy, Hàm Lệ Minh Châu kể về một mối tình đẹp nhưng nhuốm màu bi kịch. Tất cả được nảy sinh bởi những toan tính vụ lợi của bề trên, sự đấu tranh nội tâm giữa bên tình bên hiếu.
Vở ballet là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc sử dụng các hình thức thể hiện của múa ballet cổ điển với múa dân gian truyền thống Việt Nam. Đồng thời, kết hợp múa đương đại cũng góp mặt tạo nên phong cách riêng bằng ngôn ngữ thể hình.
Với phần âm nhạc được viết bởi nhà soạn nhạc nổi tiếng trường phái Ấn tượng – Claude Debussy, Hàm Lệ Minh Châu trở thành điểm giao thoa văn hóa giữa phương Đông và phương Tây.
Được chia làm 4 phần, vở ballet có sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ, giữa mối tình của đôi trai gái trong xã hội ngày nay và mối tình đau khổ giữa Mỵ Châu – Trọng Thủy thời xa xưa. Mối tình ấy được tái hiện từ sự chuyển kiếp của đôi trai gái thời hiện đại thông qua một giấc mơ, khiến khán giả càng thấy tò mò chờ đợi đến cùng của một cái kết.
Một sự giằng xé đau đớn giữa tình – hiếu khi Trọng Thủy, dù yêu Mỵ Châu đến mấy vẫn phải làm tròn bổn phận người con – khi hiện thực hóa mưu đồ thâm hiểm của Triệu Đà. Còn Mỵ Châu, người vợ ngây thơ, hết mực thủy chung lại vô tình phản bội lại cha mình, đất nước mình – khi trao trọn báu vật quốc gia cho chồng mà không biết bị lừa dối. Để rồi một ngày, nàng phải trả giá bằng cái chết đầy oan khuất.
Vượt qua mọi sự giằng xé, tình yêu bất diệt vẫn tồn tại một cách trong sáng và vĩnh cửu, như viên ngọc trai ánh lên vẻ đẹp trường tồn – như nhà thơ Tố Hữu đã viết: Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu/ Trái tim lầm chỗ để trên đầu/ Nỏ thần vô ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu.
Còn Trọng Thủy, khi chữ hiếu đã trả xong, luôn day dứt vì sự lừa dối của mình với tình yêu trong sáng của người vợ. Hình ảnh cô độc với khúc nguyện cầu của Trọng Thủy đầy bi kịch, nhưng xứng đáng với những gì chàng đã gây ra. Và điều giá như của quá khứ, khi mối nghiệt duyên đã trở thành mối lương duyên của thời hiện đại, với hình tượng chiếc nhẫn ngọc trai muốn minh chứng cho tình yêu vĩnh cửu.
Học lịch sử trên sân khấu ballet
Đảm nhiệm các vai chính trong Hàm Lệ Minh Châu là những diễn viên gạo cội như NSƯT Phan Lương trong vai Trọng Thủy, “Thiên nga” Thu Hằng trong vai Mỵ Châu, cùng sự tiếp nối trẻ trung của Lệ Thanh, Đức Hiếu, Vũ Anh…
Tổng đạo diễn – Biên đạo múa, NSND Nguyễn Hồng Phong – cho biết: “Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm thế nào để kết hợp được nội dung chuyện tình phương Đông với chất liệu múa ballet một cách hiệu quả, tạo nên sự truyền tải hợp lý, ấn tượng với khán giả.
Bên cạnh yếu tố kỹ thuật chuyên môn trên giày mũi cứng, vở diễn còn được đầu tư công nghệ tạo hiệu ứng nghệ thuật thị giác, đem đến cho khán giả những trải nghiệm ấn tượng”.
Trang phục của Hàm Lệ Minh Châu cũng được đầu tư một cách kỹ lưỡng, phù hợp với bối cảnh của tác phẩm mà vẫn mang đến nét độc đáo và ấn tượng của hiện đại qua sự “phù phép” của nhà thiết kế trẻ Duy Nguyễn.
Theo NSND Nguyễn Hồng Phong cho hay, vở ballet tham gia Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc nên việc đầu tư công phu hơn. Đồng thời, bối cảnh sân khấu cũng được dàn dựng tỉ mỉ kỹ lưỡng, nhằm đem đến những góc nhìn mới cho sân khấu Việt.
Với việc tham gia Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc, Hàm Lệ Minh Châu không dừng lại ở những ấn tượng nghệ thuật, mà còn truyền tải thông điệp và bài học mang tính lịch sử của dân tộc. Đây cũng là cơ hội để thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh – sinh viên thêm một góc nhìn mới để cảm thụ nghệ thuật thông qua lịch sử, và học lịch sử qua vở ballet nghệ thuật.
Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc sẽ diễn ra đến hết ngày 30/6 tại Đắk Lắk, với sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 22 đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc. Liên hoan mang đến cơ hội để các nghệ sĩ hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật ca múa nhạc có dịp giao lưu, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghề nghiệp.
Qua đó, giúp cơ quan quản lý văn hóa, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật phát hiện tài năng trẻ để có kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo thế hệ kế cận.
Việc khai thác các tác phẩm hồn cốt dân tộc trên nền nghệ thuật hiện đại ballet, đã và đang đem lại hiệu ứng tốt, kéo khán giả đến với sân khấu.
Theo GD&ĐT