Muốn chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nhanh, phải nâng cao nhận thức

14:54 | 29/08/2023

“Để chuyển đổi số nông nghiệp được thuận lợi cần sự vào cuộc, phối hợp của các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt là người nông dân phải sẵn sàng thay đổi tư duy, tiếp cận khoa học, công nghệ”, ông Lê Lân, Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Nông nghiệp nói.


Mặc dù đạt được một số thành tựu nổi bật, quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp ở Việt Nam hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Trước vấn đề này, ông Lê Lân – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Nông nghiệp nhận định; nhận thức và kỹ năng sử dụng công nghệ số của người dân chưa cao chính là rào cản đầu tiên, lớn nhất cần khắc phục nếu muốn chuyển đổi số thành công.

Ông Lê Lân, Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Nông nghiệp. Ảnh: Dung Tam Trang.

Rào cản trong nhận thức chuyển đổi số

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về nhận thức về chuyển đổi số nông nghiệp của lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp và nhất là nông dân hiện nay?

– Dù đã đạt được một số thành tựu nổi bật từ năm 2016 đến nay, quá trình chuyển đổi số nông nghiệp ở Việt Nam theo tôi, vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; trong đó phải kể đến rào cản về nhận thức và kỹ năng sử dụng công nghệ số của người nông dân chưa cao.

Hơn 65% dân số nước ta là nông dân, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, những nơi kinh tế chưa phát triển, trang thiết bị số còn hạn chế, việc nhận thức về chuyển đổi số nông nghiệp của người dân chưa cao là điều không thể tránh khỏi.

Ông có thể lý giải gì về điều này?

– Đây đúng là rào cản lớn nhất trong công cuộc đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp. Thực tiễn, tôi đã làm rất nhiều sách hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng cây, giới thiệu nhiều kỹ thuật mới để tăng năng suất trong nông nghiệp; thậm chí phát rất nhiều sách miễn phí, cả sách điện tử và các ứng dụng nông nghiệp trên điện thoại cho người dân; tuy nhiên họ vẫn ngại sử dụng, cảm thấy khó tiếp cận hoặc không sẵn sàng bỏ tiền ra để mua. Điều này minh chứng một điều, ta đã gặp khó khăn ngay từ bước đầu tiên: nâng cao nhận thức người dân trong việc tiếp nhận kiến thức mới.

Có phải việc người nông dân Việt Nam chưa có thói quen đọc sách là một trong những lý do khiến nhận thức về chuyển đổi số nông nghiệp của người dân chưa cao?

– Để nhận thức chuyển đổi số nông nghiệp được nâng cao, người dân bắt buộc phải đọc, phải học; đọc nhưng cũng phải biết áp dụng đúng cách thì chất lượng nông sản mới tốt lên được. Ở các nước phát triển mạnh về nông nghiệp và đã ứng dụng được công nghệ số vào nông nghiệp từ rất lâu như Israel, Hà Lan, Nhật Bản… nông dân không chỉ thống nhất được về nền tảng số của nhà nước, các công ty mà còn rất chịu khó đọc sách.

Vì có thói quen này nên khi có công nghệ mới, họ rất ham tìm hiểu, học hỏi để đi đến ứng dụng. Vậy nên, tôi cho rằng một trong những lý do khiến nhận thức về chuyển đổi số nông nghiệp của người dân Việt Nam chưa cao là do chưa chăm đọc sách.

Vậy còn lý do khác khiến nhận thức về chuyển đổi số của người dân còn hạn chế không, thưa ông?

– Tôi cho rằng, đó là những lý do cốt lõi về điều kiện kinh tế ở nhiều địa phương, vùng miền. Hiện nay nhiều địa phương ở Việt Nam còn gặp hạn chế về vấn đề điện, internet; người dân còn khó khăn nên chỉ có thể sử dụng điện thoại phím; có nơi người dân đã sử dụng điện thoại thông minh nhưng điện thoại lại không thể chạy nổi một ứng dụng vì quá yếu. Có một lần tôi đi tuyên truyền và bán sách về kỹ thuật nông nghiệp ở vùng cao, mỗi cuốn sách tôi bán ra với giá 10.000 đồng.

Người dân nơi đó tâm sự thật với tôi, chỉ 10.000 đồng thôi nhưng đó là bữa ăn cả ngày của một hộ gia đình, họ khó có thể bỏ ra số tiền như vậy để mua một cuốn sách. Nói như vậy để biết, kinh tế ở nhiều nơi còn nghèo, để nâng cao được nhận thức về chuyển đổi số, chúng ta phải cần nâng cao chất lượng cuộc sống của họ ở mức đảm bảo hơn đã.

Nâng cao nhận thức người dân trong chuyển đổi số nông nghiệp

Có ý kiến cho rằng, cần phải thay đổi tư duy cho nông dân về ứng dụng công nghệ số: không thể đơn lẻ từng hộ làm được mà bắt buộc phải liên kết với nhau thành tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng nhau xây dựng chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm bền vững. Quan điểm của ông như thế nào về điều này?

– Xây dựng chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm bền vững vẫn luôn là mục tiêu mấu chốt của các ngành, địa phương và các doanh nghiệp, người dân với kỳ vọng tạo được sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản. Nông nghiệp là một ngành phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên và thời tiết, mà ứng dụng rất khó giải thích hiện tượng thời tiết thất thường như một con bò ốm và bỏ ăn chỉ vì gặp một cơn gió giao mùa.

Muốn thành công áp dụng các ứng dụng công nghệ thì phải liên kết với công ty lớn để làm vùng trồng, vùng có nhà lưới hoặc nhà nuôi để không ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết. Để làm được như vậy, bắt buộc người dân không thể sản xuất nhỏ lẻ.

Mặt khác, cần phải hợp tác xã thì mới quản lý, đảm bảo được chất lượng, năng suất, giá cả, chuỗi cung ứng, từ đó chế biến công nghiệp, kiểm định và xuất khẩu… Nông sản thì có tính mùa vụ, nhưng ta lúc nào cũng thấy táo nước ngoài bán quanh năm và có giá bán khá ổn định trong siêu thị vì họ có các nhà máy bảo quản, sản xuất được ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh nông dân, đâu là đối tượng cần được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số nông nghiệp, thưa ông?

– Hiện nay, vấn đề nhận thức chuyển đổi số nông nghiệp còn hạn chế không chỉ nằm ở người dân mà còn tồn tại các cán bộ địa phương tới ban, bộ, ngành, trung ương. Họ chưa hiểu về chuyển đổi số, các cán bộ kỹ thuật cũng chưa được tập huấn cụ thể, thậm chí còn chưa được tiếp cận với sách điện tử, đặc biệt ở các vùng bãi ngang, đồng bào biên giới, hải đảo lại càng khó khăn hơn.

Để chuyển đổi số nông nghiệp thành công, yếu tố tuyên truyền và hướng dẫn cụ thể người dân rất quan trọng. Ngoài chuyện đưa tài liệu cho người dân đọc, cán bộ còn phải giải đáp được thắc mắc, phải có sự kết nối và đồng hành thực tế với người dân.

Ông có thể chia sẻ thêm một số cách để nâng cao nhận thức người dân trong chuyển đổi số nông nghiệp?

– Đầu tiên, Nhà nước và Bộ Thông tin – Truyền thông phải đẩy mạnh tuyên truyền thông tin về chuyển đổi số cho người dân, phải “giảm nghèo” về thông tin cho nông dân. Thứ hai, cần thay đổi tư duy cho nông dân rằng không thể sản xuất đơn lẻ từng hộ được mà bắt buộc phải liên kết giữa các hợp tác xã. Thứ ba, nhà nước cần hỗ trợ người dân, đặc biệt các nơi vùng sâu vùng xa về thiết bị như điện thoại, máy tính, ứng dụng điện tử…

Bên cạnh đấy, chúng ta cũng không chỉ nên tập trung vào mỗi người nông dân, mà các ban, bộ, ngành khối Trung ương nhà nước cũng phải chuyển đổi, nâng cấp và quản lý thật tốt các vấn đề về chuyển đổi số nông nghiệp. Đặc biệt, muốn đẩy nhanh chuyển đổi số nông nghiệp thì phải đi chắc từng bước, nếu cứ hô lên là “cùng làm” nhưng lại không kiểm soát được là hỏng hết.

Dung Trang (thực hiện)

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/muon-chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-nong-nghiep-nhanh-phai-nang-cao-nhan-thuc-post262354.html

Cùng chuyên mục

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024