Một số phương pháp tính giờ thời cổ đại

10:52 | 13/04/2022

Thời cổ đại, ngoài canh giờ còn có nhiều phương pháp tính thời gian khác như một khắc, một nén nhang, một chén trà, hay một cái chớp mắt… Những phương pháp tính thời gian này của người cổ đại như thế nào?


Ảnh minh họa: Margaret Tong, Shutterstock.

Thời thần (Canh giờ)

Một trong những dụng cụ đo giờ được sử dụng phổ biến nhất trong thời cổ đại là dựa vào thiết bị xem bóng của mặt trời để đo thời gian, đó là Nhật quỹ (đồng hồ mặt trời). Trong các tư liệu lịch sử, Nhật quỹ được ghi chép sớm nhất ở “Hán Thư”. Tuy nhiên, thời gian sử dụng thực tế của loại thiết bị này phải bắt đầu từ thời nhà Chu, thậm chí còn từ trước đó nữa.

Trong “Chu lễ. Xuân quan” ghi lại: “Tuế tinh lấy 12 lần là 1 tuần, 1 năm có 12 tháng, cùng với 12 địa chi, 10 thiên can, 28 tinh túc, chúng là con số theo quy luật vận hành của trời đất”.

Có một thuyết pháp khác, theo sách Chu Lễ ghi lại thì từ thời Xuân Thu, một ngày được chia thành 12 khoảng thời gian, nhưng mỗi khoảng thời gian này cũng không giống với cách gọi canh giờ. Những khoảng thời gian này được đặt tên dựa theo quy luật làm việc nghỉ ngơi của người thời ấy.

Căn cứ vào chú giải “Tả truyện” của Đỗ Dự thời Tây Tấn thì một ngày được chia thành 12 thời thần là Dạ bán, Kê minh, Bình đán, Nhật xuất, Tảo thực, Ngung trung, Nhật trung, Nhật điệt, Bô thực, Nhật nhập, Hoàng hôn, Nhân định. Từ 11 giờ đêm đến 1 giờ rạng sáng được gọi là Dạ bán (nửa đêm), canh giờ tiếp theo tên là Kê minh (gà gáy), là thời điểm gà trống bắt đầu báo sáng. Sau đó là Bình đán (rạng sáng), là lúc ngày và đêm luân chuyển. Tiếp sau là Nhật xuất (mặt trời mọc). Lúc ăn sáng được gọi là Tảo thực hoặc Triêu thực, tuy nhiên thời điểm ăn sáng không giống như ngày nay, bởi vì dân chúng thời trước Tần Hán một ngày chỉ ăn hai bữa nên Tảo thực hay Triêu thực là tên gọi thời điểm bữa ăn thứ nhất. Ngung trung là thời điểm gần trưa. Nhật trung là lúc mặt trời lên cao chính giữa. Nhật điệt là lúc mặt trời bắt đầu ngả về phía tây. Bô thực cũng được gọi là Tịch thực là thời điểm bữa ăn thứ hai trong ngày. Nhật nhập chính là lúc mặt trời xuống núi. Hoàng hôn là lúc sau mặt trời lặn. Cuối cùng là Nhân định chính là lúc đêm về khuya, là thời điểm mọi người nghỉ ngơi.

Trong sách “Hoài Nam tử” thời Tây Tấn còn có thuyết pháp nói rằng một ngày chia thành 15 thời thần. Những thời thần này về sau được gọi tên bằng địa chi, giống như cách gọi giờ tí, giờ sửu, giờ dần, giờ mão, giờ thìn, giờ tị, giờ ngọ, giờ mùi, giờ thân, giờ dậu, giờ tuất, giờ hợi.

Đến thời Tống, mỗi canh giờ lại được chia làm hai bộ phận là “Sơ” và “Chính”. Như vậy có Tí sơ, Tí chính, Sửu sơ, Sửu chính… cứ như thế 12 thời thần liền biến thành 24 thời thần. Mọi người gọi đó là giờ và đó là nguồn gốc của “giờ” mà chúng ta sử dụng ngày nay.

Khắc

Phương pháp tính giờ bằng bóng mặt trời (Nhật quỹ) là có tính cực hạn, bởi vì phải có mặt trời mới có thể làm được. Thời cổ đại còn có một cách đo khác là Lậu khắc hoặc Khắc lậu, là một phương pháp quan sát thời gian bằng cách sử dụng lượng chất lỏng chảy.

Trong “Tùy thư” viết: “Hoàng Đế phát minh ra khái niệm nhỏ giọt nước, đưa ra các quy tắc phân chia ngày và đêm”. Trong hơn 4.000 năm kể từ đó, các triều đại kế tiếp nhau tiếp tục sử dụng và cải tiến nó, sau lại phát minh ra đồng hồ thủy ngân, đồng hồ cát, giúp cho phương pháp đo thời gian ngày càng chính xác hơn.

Đồng hồ nước chia làm 2 phần: phần nhỏ nước và phần hứng nước. Phần nhỏ nước chia làm từ 2 đến 4 tầng, mỗi tầng có lỗ nhỏ để nước nhỏ giọt, cuối cùng nhỏ vào phần hứng. Phần hứng có mũi tên đứng, trên mũi tên khắc 100 khắc, mực nước từ từ dâng lên, hiện ra con số khắc để hiển thị thời gian. Một ngày đêm 24 tiếng đồng hồ chia làm 100 khắc, tức tương đương với hiện nay là 1440 phút. Có thể thấy mỗi khắc tương đương với hiện nay là 14,4 phút.

Bởi vì mỗi ngày có 12 canh giờ, 100 khắc không thể chia hết cho 12 canh giờ, vì thế Hoàng đế nhà Hán là Hán Ai Đế đã đổi 100 khắc thành 120 khắc, đến thời Lương Võ Đế lại đổi thành 96 khắc, sau lại đổi thành 108 khắc. Nhưng từ sau thời Nam Bắc Triều người ta lại đổi về thành 100 khắc. Cho đến cuối thời Minh đầu thời Thanh, dưới sự ảnh hưởng của đồng hồ phương Tây, 100 khắc cuối cùng đổi thành 96 khắc, mỗi canh giờ là 8 khắc, lại chia thành 4 khắc trên và 4 khắc dưới.

Canh, điểm

Ngoài giờ và khắc ra, người cổ đại còn có đơn vị tính giờ chuyên dùng cho ban đêm là Canh. Thời cổ chia đêm thành 5 canh, lấy giờ Tuất làm canh 1, giờ Hợi làm canh 2, giờ Tí làm canh 3, giờ Sửu canh 4, giờ Dần canh 5. Theo canh mà đánh trống báo giờ, canh 1 đánh 1 tiếng, canh 2 đánh 2 tiếng, cứ như vậy số tiếng trống đối ứng với số thứ tự của canh.

Người cổ lại đem mỗi canh phân thành 5 điểm. Mỗi canh chính là 1 thời thần, tương đương với 2 tiếng đồng hồ hiện nay, tức 120 phút, cho nên mỗi điểm trong mỗi canh chỉ chiếm 24 phút.

Trong “Tây Du Ký” có đoạn, Tôn Ngộ Không bị Bồ Đề tổ sư gõ 3 cái vào đầu. Tôn Ngộ Không có ngộ tính tốt liền hiểu ngay rằng đến canh 3 thì tìm gặp thầy.

Một nén hương, một chén trà

Thời cổ đại cũng có phương pháp dùng lửa hoặc hương để tính giờ. Trong lịch sử đã có đồng hồ đèn, người ta quan sát sự giảm đi của dầu đèn để ước tính thời gian. Ngoài ra còn có cách tính thời gian bằng đốt hương. Cách tính thời gian đốt hương thời xưa cũng rất phổ biến và đa dạng. Các tăng nhân ngồi đả tọa sẽ đốt bao nhiêu nén hương để tính giờ. Hương được chế tác thành hình dạng và độ dài ngắn cố định phù hợp với nhu cầu của người dùng, tên là “Hương triện”.

Thời gian cháy của một nén hương có thể bị hoàn cảnh, sức gió, hương liệu ảnh hưởng, tuy nhiên thông thường một nén hương sẽ cháy hết trong vòng nửa thời thần, tức là 1 giờ của chúng ta hiện nay. Phương pháp tính giờ này đôi khi cũng cho kết quả chuẩn xác nếu ở trong điều kiện tối ưu. Thời Tống có “Bách khắc hương”, có thể cháy trong một ngày đêm. Thời Minh còn có loại hương đặc biệt có thể đốt cháy trong vài ngày, thậm chí là một tháng.

Chúng ta cũng thường nghe thấy cách nói thời gian bằng một chung trà, nghĩa là thời gian tính từ lúc pha đến lúc uống hết trà, ước chừng khoảng 15 phút, tức là một khắc.

Nhất sát na, nhất đàn chỉ, nhất thuấn gian

Đây là những danh từ chỉ thời gian ngắn ngủi như thời gian một cái chớp mắt, có xuất xứ từ Ấn Độ giáo. Trong “Tăng chỉ luật” viết rằng: 1 sát na là 1 niệm, 20 niệm là 1 thuấn, 20 thuấn là 1 đàn chỉ, 20 đàn chỉ là 1 la dự, 20 la dự là 1 tu du. 1 ngày 1 đêm có 30 tu du. Tức 1 ngày 1 đêm có 24 tiếng đồng hồ, có 4.800.000 sát na, hoặc 240.000 thuấn, 12.000 đàn chỉ, 600 la dự, 30 tu du. Như vậy đổi ra, 1 ngày 1 đêm có 86.400 giây, 1 tu  du là 2880 giây, 1 la dự là 144 giây, 1 đàn chỉ là 7,2 giây, 1 thuấn là 0,36 giây, 1 sát na chỉ có 0,018 giây. Chúng ta ngày nay thường dùng những từ như trong một cái chớp mắt, trong nháy mắt để chỉ khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi.

 

Theo https://tuoitre.vn/nhung-phat-minh-giup-xem-gio-truoc-khi-co-dong-ho-20180418180232295.htm

Video hay

Cùng chuyên mục

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

Tấm gương sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam

Tấm gương sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam

NSƯT Tố Nga: Đúng như tên bài hát “Điệu Ví Giặm là em”

NSƯT Tố Nga: Đúng như tên bài hát “Điệu Ví Giặm là em”

PHONG TRÀO THỂ THAO RẤT HIẾM CÓ Ở MỘT VÙNG QUÊ

PHONG TRÀO THỂ THAO RẤT HIẾM CÓ Ở MỘT VÙNG QUÊ