Một bàn tay thì đầy là tên cuốn tiểu thuyết của Hoàng Việt Hằng (NXB Phụ Nữ, 2010). Nhưng bài viết này lại bàn về câu tục ngữ (mà có lẽ cuốn tiểu thuyết lấy đó làm ý tưởng), viết đầy đủ là “Một bàn tay thì đầy, hai bàn tay thì vơi”.
Nhưng nếu căn cứ vào các câu chữ tường minh (hai vế đối nhau, mỗi vế 5 chữ) thì cũng khó mà luận ra được ngữ nghĩa thông điệp mà câu tục ngữ muốn gửi gắm.
Từ điển Tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) thống kê câu này là “Một bàn tay bốc thì đầy, hai bàn tay bốc thì vơi”. Động từ “bốc” cho ta liên tưởng tới “tay bốc”. Bốc là hành động (được tay chúng ta thực thi) “lấy bằng cả lòng bàn tay, những vật rời vụn hay vật nhão”. Bốc lạc, bốc xôi, bốc cơm, bốc thuốc, bốc bùn… chẳng hạn.
Xuất phát từ cách “tri nhận” như thế, tác giả Nguyễn Đức Dương giải nghĩa câu tục ngữ này là: “Một bàn tay bốc thì (lượng chất rời bốc được) bao giờ cũng đầy; hai bàn tay (của hai người) bốc chung thì (lượng chất rời bốc được) bao giờ cũng vơi. Hay dùng để chỉ một lẽ thật: “Đông người mà thiếu đồng thuận thì sức lực ắt chẳng những không tăng, mà còn bị giảm đi”.
Đấy cũng chỉ là một cách hiểu.
Đúng là nếu có một vật liệu cần “bốc” mà ít hoặc rời rạc khó bốc, thì bốc một tay có khả năng được nhiều hơn. Nếu bốc hai tay (không phải chỉ tay hai người mà có khi là hai tay của một người) thì lượng bốc lại kém hơn.
Giống như “bắt cá hai tay” có khi “xôi hỏng bỏng không”, chỉ một người thực thi công việc nào đó có khi lại đem lại kết quả, thành công hơn để cho hai người hoặc nhiều người cùng làm. Chín người mười ý, chỉ cãi nhau sao cho “thuận anh thuận ả” đã hết ngày. Hết ngày mà chẳng đi đến đâu.
Song, trong dân gian lại tồn tại một cách hiểu khác.
Đó là khi mô tả một sự vật nào đó, người ta cho rằng nó nhỏ bé tới mức nếu đặt trên lòng một bàn tay thì còn “đầy đặn” chứ còn đặt trong lòng hai bàn tay xoè ra thì nó nhỏ nhoi, không đáng kể.
Chẳng hạn, ai đó nói về cơ đồ, vốn liếng ban đầu của mình vốn dĩ quá ít ỏi, không đáng kể: “Cô ấy bơ vơ nơi đất khách, “thân lập thân” với gia sản chả có gì, “một bàn tay thì đầy, hai bàn tay thì vơi”, giữ được thanh danh đã còn khó nói gì chuyện làm ăn”.
Hay chẳng hạn, một đứa trẻ lọt lòng mẹ, một sinh linh mới chào đời, thân hình đỏ hỏn, lọt thỏm trong đôi bàn tay người mẹ (hay bà đỡ). Đứa trẻ quả là quá nhỏ bé so với cuộc đời này.
Chúng ta thường nghe nói: “Mẹ nuôi con, từ khi con vừa cất tiếng khóc chào đời, còn chưa cắt rốn “một bàn tay thì đầy, hai bàn tay thì vơi” cho đến bây giờ con đã thành cô gái lớn khôn sắp lấy chồng”. Hay: “Bà thấy không.
Tôi biết con nhỏ khi nó vừa mới đẻ. Một bàn tay thì đầy, hai bàn tay thì vơi. Ôi, sau mấy chục năm, bây giờ tôi không nhận ra “con Hến” của bà lại lớn khôn như vậy”. Như vậy, tổ hợp “một bàn tay thì đầy…” chính là hình ảnh mà người đời “mượn” để xây dựng nên câu tục ngữ với hàm ý như vừa phân tích.
Không rõ, có ai còn có thể đưa ra một cách hiểu khác nữa không?
“Bàn tay nắm lại thì đầy
Mẹ nuôi con tự những ngày còn không”…
Theo TT&VH