Gia Cát Lượng được xưng là “hóa thân của trí tuệ”. Nhưng đại đa số mọi người đều chỉ coi ông là bậc kỳ tài về mưu lược quân sự, mà không biết rằng ông còn có tài “dự liệu như Thần”. Mặc dù ngày nay có không ít nhà sử học cho rằng hậu thế “thổi phồng” Gia Cát Lượng, nhưng trên thực tế dự ngôn “Mã Tiền Khóa” mà ông để lại đã cho thấy trí tuệ siêu phàm thoát tục của ông, cũng cho thấy Gia Cát Lượng kỳ thực không phải người bình thường mà là người tu luyện Đạo. Có thể nói ông cũng là một nhà tiên tri như Nostradamus của Pháp, Vanga của Bun-ga-ri, Nam Sư Cổ của Triều Tiên, hay Nguyễn Bỉnh Khiêm của Việt Nam.
Gia Cát Lượng không những tinh thông binh pháp mà còn có năng lực dự đoán siêu thường, có thể nói là “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Ông tinh thông thuật xem tướng, thuật số Dịch lý, từ quan sát thiên tượng mà phán đoán được tương lai. Một dự ngôn nổi tiếng là chuẩn xác được người đời biết đến của Gia Cát Lượng là “Mã Tiền Khóa”.
Nhắc đến Gia Cát Lượng thì có thể nói người người đều biết, nhưng nói về “Mã Tiền Khóa” thì không phải ai cũng rõ, ngay cả tại Trung Hoa. Nhất là sau thời Đại Cách mạng Văn hóa thì những chuyện như vậy lại càng là cấm kỵ. Tương truyền rằng, vào lúc rảnh rỗi trong quân, Gia Cát Lượng đã sáng tác “Mã Tiền Khóa”. Đây là tiên tri của Gia Cát Lượng về những việc lớn sẽ xảy ra trong thiên hạ. Dự ngôn tổng cộng có 14 khóa, trong đó 10 khóa đã được giải hết, 4 khóa còn lại vẫn là điều mà người đời chưa hoàn toàn lý giải.
“Mã Tiền Khóa” của Gia Cát Lượng được đánh giá là tương đối dễ giải so với những dự ngôn khác xuất hiện trong lịch sử, bởi vì các khóa đã được giải đều tuân thủ quy tắc mỗi một khóa là tiên đoán về một triều đại, miêu tả thuận theo diễn biến của lịch sử. Còn các dự ngôn khác, hầu hết đều không có quy tắc rõ ràng, có khi tiên đoán rất nhiều đại sự về một triều đại nhưng có triều đại lại rất ít đại sự, do đó không dễ để đối ứng lời dự ngôn với triều đại nào.
“Mã Tiền Khóa” tổng cộng bao gồm 14 khóa. 10 khóa đầu bắt đầu từ thời Thục Hán kéo dài đến thời Trung Hoa Dân Quốc ra đời. Khi mỗi thời đại lịch sử qua đi rồi, người ta quay lại xem mới thấy Gia Cát Lượng dự ngôn chuẩn xác đến phi thường.
Có lẽ có người sẽ nghi ngờ rằng: “Dự ngôn này liệu có phải do người đời sau soạn ra hay không?” Đây là vấn đề rất có ý tứ. Tuy nhiên, tồn tại một bản “Mã Tiền Khóa” cổ còn lưu lại hiện nay là bản có chú giải của nhà sư Thủ Nguyên ở núi Bạch Hạc vào những năm Quang Tự triều đại nhà Thanh, lúc ông đã 86 tuổi.
Trong “Mã Tiền Khóa”, dự ngôn về triều nhà Thanh viết rằng: “Thủy nguyệt hữu chủ, Cổ nguyệt vi quân”. “Thủy nguyệt hữu chủ” là một câu đố chữ, ba điểm bộ Thủy (氵) cộng thêm một chữ “nguyệt” (月) rồi thêm chữ “chủ” (主) sẽ thành một chữ “Thanh” (清). “Cổ nguyệt vi quân”, chữ “Cổ” (古) thêm chữ “nguyệt” (月) là chữ “Hồ” (胡). Người “Hồ” “vi quân”, làm vua thiên hạ. Triều Thanh là thiên hạ của dân tộc Mãn thiểu số, người thiểu số thời cổ đại được gọi là người Hồ. “Cổ nguyệt vi quân” là nói người dân tộc Mãn tiến vào làm chủ Trung Nguyên.
Phía sau còn có 8 chữ “Thập truyền tuyệt Thống, Tương kính nhược tân”, câu này, Thủ Nguyên lão hòa thượng không giải. Ông nói: “Lão tăng sinh vào năm Gia Khánh (năm 1806), năm nay đã 86 tuổi (năm 1892), mấy câu sau này không dám nghị luận bừa”.
Nếu như Thủ Nguyên lão hòa thượng có thể đợi thêm mấy thập niên nữa, tận mắt chứng kiến cách mạng Tân Hợi năm 1911, Hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Thanh là Tuyên Thống thoái vị thì khóa này sẽ được giải thích hoàn chỉnh.
“Thống” là chỉ “Tuyên Thống”,“Thập truyền tuyệt Thống” là chỉ triều Thanh tính từ khi Thuận Trị nhập quan xưng Đế đến Tuyên Thống tổng cộng là 10 vị Hoàng đế. Bao gồm lần lượt là Hoàng đế Thuận Trị, Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, Gia Khánh, Đạo Quang, Hàm Phong, Đồng Trị, Quang Tự và Tuyên Thống. “Tuyệt Thống” là chỉ vị Hoàng đế cuối cùng Tuyên Thống.
Từ đó cho thấy “Mã Tiền Khóa” của Gia Cát Lượng đã sớm tiên đoán ra sự diệt vong của triều đại nhà Thanh, chỉ là vì sự tình còn chưa phát sinh, nên lão hòa thượng không dám đoán bừa, đành phải dừng lại. Kỳ thực rất có thể là lão hòa thượng không dám nói ra chứ không phải không dám đoán bừa, vì hai chữ “thập truyền” đã minh xác nói rõ là nhà Thanh truyền 10 đời rồi, mà lão hòa thượng đang ở đời Hoàng đế Quang Tự, tức là đời thứ 9.
Những ghi chép của Thủ Nguyên hòa thượng cũng cho thấy, “Mã Tiền Khóa” không phải do người đời sau bịa đặt, mà đã tồn tại từ xa xưa rồi.
Dưới đây là lược giải 10 khóa:
Khóa 1 ○●●●●○ Trung Hạ
Vô lực hồi thiên
Cúc cung tận tụy
Âm cư Dương phất
Bát thiên nữ quỷ
Tạm dịch:
Không sức đổi Trời
Còng mình gắng sức
Âm tồn Dương phất
Tám ngàn nữ quỷ
Giải: “Vô lực hồi thiên, Cúc cung tận tụy” là nói bản thân Gia Cát Lượng, như ông viết trong “Xuất sư biểu”: “Thần cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi“. “Âm cư Dương phất” chỉ hoạn quan Hoàng Hạo loạn quyền, Khương Duy chỉ có thể duy trì tàn cục chứ không thể làm gì được. “Bát thiên nữ quỷ” (八千女鬼) chính là chữ “Ngụy” (魏), chỉ nước Ngụy diệt Thục Hán.
Khóa 2 ○●○○●○ Trung Hạ
Hỏa thượng hữu hỏa
Quang chúc Trung Thổ
Xưng danh bất chính
Giang Đông hữu hổ
Tạm dịch:
Trên lửa có lửa
Rọi sáng Trung Thổ
Xưng danh bất chính
Giang Đông có hổ
Giải: “Hỏa thượng hữu hỏa”, trên “hỏa” (火) có “hỏa” (火) chính là chữ “Viêm” (炎). Chỉ Tư Mã Viêm lập nên triều Tấn. “Xưng danh bất chính” chỉ triều Tấn của Tư Mã Viêm thực chất là soán ngôi Tào Ngụy mà kiến lập, mà Tào Ngụy lại là soán ngôi triều Hán mà kiến lập, danh không chính ngôn không thuận. “Giang Đông hữu hổ” chỉ Đông Tấn thành lập, đóng đô tại Kiến Khang thuộc Giang Đông. “Hổ” chỉ Tư Mã Duệ.
Khóa 3 ○●●●●● Hạ Hạ
Nhiễu nhiễu Trung Nguyên
Sơn hà vô chủ
Nhị tam kỳ vị
Dương chung mã thủy
Tạm dịch:
Nhiễu loạn Trung Nguyên
Non sông không chủ
Hai ba vị ấy
Dê cùng ngựa chạy
Giải: “Nhiễu nhiễu Trung Nguyên, Sơn hà vô chủ” miêu tả Trung Quốc vào thời loạn bát vương, ngũ hồ thập lục quốc và thời đại Nam-Bắc triều. “Nhị tam kỳ vị” (Hai ba vị ấy) chỉ một số Đế vương chỉ tại vị trong một thời gian rất ngắn. “Dương chung mã thủy” (Dê cùng ngựa chạy) chỉ đại loạn khởi từ gia tộc nhà Tư “Mã” {ngựa}, kết thúc là “Dương” Kiên kiến lập triều Tùy. Họ “Dương” (杨) với chữ “dương” {dê} (羊) là đồng âm.
Khóa 4 ●●○●○● Trung Thượng
Thập bát nam nhi
Khởi vu Thái Nguyên
Động tắc đắc giải
Nhật nguyệt lệ thiên
Tạm dịch:
Mười tám nam nhi
Khởi từ Thái Nguyên
Động ắt được giải
Nhật nguyệt tươi đẹp
Giải: “Thập bát nam nhi” là “thập bát tử”, “thập bát tử” (十八子) hợp thành chữ “Lý” (李). Chỉ thời Tùy mạt, Lý Uyên khởi binh từ Thái Nguyên. “Động tắc đắc giải” ý nói Lý Uyên khởi binh là đường sinh, không phải đường tử. “Nhật nguyệt tươi đẹp” chỉ văn minh Đại Đường sáng lạn.
Khóa 5 ○○○●●● Hạ Trung
Ngũ thập niên trung
Kỳ số hữu bát
Tiểu nhân đạo trường
Sinh linh đồ độc
Tạm dịch:
Trong năm thập niên
Số ấy có tám
Tiểu nhân đường dài
Sinh linh tàn hại
Giải: 53 năm sau triều Đại Đường, Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu cùng xưng là “Ngũ Đại”. Thời “Ngũ Đại” tổng cộng có 8 họ người được xưng là Hoàng đế, ứng với “Số ấy có tám”. Thạch Kính Đường tự xưng là Hoàng đế, nhưng lại cầu viện Khiết Đan, cắt đất cho Khiết Đan, ứng với câu “Tiểu nhân đường dài”. Cũng chính vì sự tham dự của Khiết Đan mà làm cho Trung Nguyên càng rối loạn hơn, “sinh linh tàn hại”. Người Khiết Đan lập ra nhà Liêu, đối kháng với Hậu Chu, rồi tiếp tục đối kháng với nhà Tống sau thời Ngũ Đại Thập Quốc, và mãi sau mới bị nhà Kim diệt.
Khóa 6 ●○○●○○ Thượng Trung
Duy thiên sinh Thủy
Thuận thiên ứng nhân
Cương trung nhu ngoại
Thổ nãi sinh Kim
Tạm dịch:
Chỉ Trời sinh Thủy
Thuận Trời hợp người
Trong cứng ngoài mềm
Thổ ấy sinh Kim
Giải: Triều Tống thực hành nền chính trị nhân từ, thuộc tính “Thủy”. Thổ khắc Thủy, như vậy triều Kim sinh ra từ Thổ chính là khắc tinh của triều Tống. “Thổ nãi sinh Kim”, “Kim” chỉ nước Kim, kẻ thù không đội trời chung của triều Tống. Chính sách nội ngoại của triều Tống có thể dùng “trong cứng ngoài mềm” để hình dung.
Khóa 7 ●○●○○● Trung Trung
Nhất nguyên phục thủy
Dĩ cương xử trung
Ngũ ngũ tương truyền
Nhĩ Tây ngã Đông
Tạm dịch:
Một nguyên về đầu
Lấy cứng đặt giữa
Năm năm tương truyền
Ngươi Tây ta Đông
Giải: “Nhất nguyên phục thủy” (Một nguyên về đầu) chỉ triều Nguyên kiến lập. “Dĩ cương xử trung” (Lấy cứng đặt giữa) chỉ người Mông Cổ thống trị cực kỳ hà khắc với người Hán. “Ngũ ngũ tương truyền” là chỉ triều Nguyên tổng cộng có 10 (=5+5) vị Hoàng đế. Sau 5 vị Hoàng đế, đến đời thứ 6 thì có 2 người đồng thời xưng đế, xảy ra chia cắt, sau đó Nguyên Văn Tông đánh bại A Tốc Cát Bát, thống nhất nhà Nguyên, duy trì thêm 5 đời Hoàng đế nữa. “Nhĩ Tây ngã Đông” chính là nói người Mông Cổ phân thành các Hãn quốc, triều Nguyên không thể thống nhất toàn bộ.
Khóa 8 ○○●●●○ Thượng Thượng
Nhật nguyệt lệ thiên
Kỳ sắc nhược xích
Miên miên diên diên
Phàm thập lục diệp
Tạm dịch:
Nhật nguyệt tươi đẹp
Sắc ấy như đỏ
Kéo dài liên miên
Gồm mười sáu lá
Giải: “Nhật nguyệt tươi đẹp”, chữ “nhật” (日) ghép với chữ “nguyệt” (月) chính là chữ “Minh” (明), chỉ triều Minh. “Sắc ấy như đỏ”, đỏ là “chu”, chỉ họ “Chu” (朱) của Chu Nguyên Chương. “Kéo dài liên miên, Gồm mười sáu lá”, ý nói triều Minh có tổng cộng 16 đời Hoàng đế.
Khóa 9 ○●○●●● Trung Thượng
Thủy nguyệt hữu chủ
Cổ nguyệt vi quân
Thập truyền tuyệt thống
Tương kính nhược tân
Tạm dịch:
Nước trăng có chủ
Trăng cổ làm vua
Truyền mười tuyệt sạch
Kính nhau như khách
Giải: “Thủy nguyệt hữu chủ”, ba điểm Thủy (氵) cộng thêm “nguyệt” (月) rồi thêm “chủ” (主) hợp thành một chữ “Thanh” (清). “Cổ nguyệt vi quân”, “cổ nguyệt” (古月) chính là chữ “Hồ” (胡), chỉ triều Thanh do người dân tộc thiểu số (Hồ nhân) kiến lập. “Thập truyền tuyệt thống” ý nói triều Thanh từ khi nhập quan truyền được 10 đời Hoàng đế, cuối cùng là Tuyên Thống. “Tương kính nhược tân” (Kính nhau như khách) là chính phủ Quốc Dân ưu đãi các thành viên vương tộc nhà Thanh.
Khóa 10 ●○●○●● Trung Hạ
Thỉ hậu ngưu tiền
Thiên nhân nhất khẩu
Ngũ nhị đảo trí
Bằng lai vô cữu
Tạm dịch:
Lợn sau trâu trước
Nghìn người một miệng
Năm hai đảo ngược
Bạn đến không trách
Giải: “Lợn sau trâu trước” là năm Tý 1912 (sau Hợi trước Sửu), Trung Hoa Dân Quốc thành lập, Tôn Trung Sơn sáng lập nước Cộng hòa đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa. “Thiên nhân khẩu” (千人口) chính là chữ “hòa” (和), chỉ thực hành cộng hòa chế. “Ngũ nhị đảo trí”, “ngũ” là ngôi Vua (có câu “cửu ngũ chí tôn”), như vậy “Năm hai đảo ngược” ý là trước đây thì quân chủ, sau này thì “dân chủ”. “Bằng lai vô cữu” là “quái từ”, ý chỉ tuy có xâm nhiễu mà cũng không ngại lắm (bị Nhật Bản xâm lược nhưng không ngại).
Từ khóa 11 trở đi, thì hai câu đầu có thể đoán được. “Bốn cửa mở toang” chính là chữ “cộng” (共), chỉ đảng cộng sản bất ngờ được thiên hạ. 4 khóa sau toàn bộ nội dung như sau:
Khóa 11 ○●○○●○ Trung Hạ
Tứ môn sạ tích
Đột như kỳ lai
Thần kê nhất thanh
Kỳ đạo đại suy
Tạm dịch:
Bốn cửa mở toang
Thình lình đột ngột
Tiếng gà gáy sớm
Đạo này đại suy
Khóa 12 ●○○○○● Thượng Trung
Chửng hoạn cứu nạn
Thị duy Thánh nhân
Dương phục nhi trị
Hối cực sinh minh
Tạm dịch:
Cứu họa cứu nạn
Duy có Thánh nhân
Dương phục mà trị
Đêm hết ngày rạng
Khóa 13 ○●●○○○ Thượng Trung
Hiền bất di dã
Thiên hạ nhất gia
Vô danh vô đức
Quang diệu Trung Hoa
Tạm dịch:
Hiền không rơi mất
Thiên hạ một nhà
Không danh không đức
Chói lọi Trung Hoa
Khóa 14 ○●○●○● Trung Hạ
Chiêm đắc thử khóa
Dịch số nãi chung
Tiền cổ hậu kim
Kỳ Đạo vô cùng
Tạm dịch:
Bói được quẻ này
Dịch số đã hết
Trước cũ sau mới
Đạo ấy vô cùng
Bởi vì 4 khóa cuối cùng là kết thúc của Mã Tiền Khóa, nên có thể thấy cấu trúc của nó thay đổi đi, dường như để chỉ một thời đại duy nhất. Đại ý của 4 khóa này thì từ bề mặt nghĩa cũng có thể đoán được: Sau khi Trung Cộng chiếm được Trung Nguyên thì đại nạn ập xuống. Muốn giải đại nạn ấy thì chỉ có bậc Thánh nhân. Bậc Thánh nhân ở đây là “Thánh nhân” theo lý niệm của người xưa, tức là chỉ người truyền Đạo, ví như Khổng Tử truyền đạo Nho, Lão tử truyền đạo Lão. Chính vì thế hy vọng của người Trung Quốc không phải là một lãnh đạo nào đó, hay là lật đổ, chiến tranh, mà chính là tín ngưỡng. Muốn biết bậc “Thánh nhân” ở đâu, cần nhìn vào tín ngưỡng nào chân chính.
“Dương phục nhi trị, Hối cực sinh minh”, đây là lý “phản phục” trong đạo âm dương thái cực, cái ác càng ác thì càng nhanh chóng lụi tàn, sau đó sẽ là sự công chính. Sau đêm đen thì trời lại sáng, bóng đen của Trung Cộng rồi sẽ qua đi, Trung Nguyên cuối cùng sẽ được hưởng thái bình thịnh trị.
Theo Trithucvn