Xung đột về tư tưởng, quyền lợi lặp đi lặp lại nếu không được giải quyết sẽ trở thành bất đồng chính kiến. Tình trạng này kéo dài sẽ thành bất mãn chính trị. Bất mãn chính trị dễ tạo ra nhầm lẫn, dẫn đến coi thường và bất tuân luật pháp.
Thái độ này cộng với sự manh động khi bị kích hoạt cảm xúc giận dữ sẽ dẫn tới hành vi đập phá, chống lại luật pháp. Nếu đi kèm với hội chứng đám đông trong tình trạng vô tổ chức, nó dễ dẫn đến tình trạng vô chính phủ. Đó chính là mầm bạo loạn xã hội.
Về nhận thức, xung đột cá nhân, nếu lan rộng đồng khắp sẽ dẫn đến xung đột xã hội. Bất kỳ xã hội và thể chế nào cũng ít nhiều tồn tại những bất đồng, mâu thuẫn giữa nhân dân với nhà nước, chính quyền. Xung đột xã hội luôn tồn tại ở mọi quốc gia, mọi thể chế, mọi giai đoạn lịch sử, chỉ khác nhau về hình thức bộc lộ. Nó đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ gây rối loạn xã hội, đe dọa nghiêm trọng an ninh trật tự xã hội khi đi kèm với sự kích động của chủ nghĩa dân túy.
Những gì đã xảy ra trong những ngày nửa đầu tháng 6 vừa qua trên một số tỉnh, thành là một biểu hiện rõ rệt chứng tỏ chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy, đang trở thành phương tiện để những kẻ mạo danh dân chủ lợi dụng nhằm chống lại luật pháp.
Trên mạng xã hội đã xuất hiện hàng loạt bài viết xoáy sâu, thổi phồng những tiêu cực xã hội, những yếu kém trong quản lý nhà nước, những rủi ro và bấp bênh có thể nảy sinh trong đời sống… để mặc định đó hoàn toàn là lỗi của cơ chế và chế độ.
Không phản biện khoa học, khách quan, đóng khung quan điểm trong cái nhìn dân túy, người ta cho rằng, để tháo gỡ tất cả các khó khăn, tồn đọng ấy, cách duy nhất là phải gây bạo loạn làm suy yếu, tiến tới lật đổ chế độ. Họ kích động biến những cuộc tuần hành biểu tình thành những cuộc bạo loạn đập phá tài sản, tấn công đội ngũ giữ gìn an ninh trật tự, “bày tỏ thái độ bất bình” bằng những hành vi vi phạm pháp luật và hả hê với tình trạng rối loạn đó.
Mọi cố gắng ổn định, lập lại trật tự của cơ quan chức năng đều bị họ quy về hành vi đàn áp nhân dân, từ đó kích động những làn sóng bạo lực mới mạnh hơn, nguy hiểm hơn. Ngay cả những cố gắng tuyên truyền, giải thích, vận động, ổn định trật tự trong ôn hòa cũng bị họ công kích, xem đó như sự nhu nhược, đuối lý của chính quyền. Khi không đạt mục đích, họ sẽ không ngần ngại quay sang mạt sát, bôi nhọ, bịa đặt nhằm triệt hạ uy tín, biến công kích cá nhân thành tiêu điểm để công kích chính quyền và chủ trương, chính sách.
Họ xem những hành vi phá hoại, gây mất trật tự, thậm chí sử dụng bạo lực của một số phần tử lợi dụng biểu tình để quấy rối là chân lý, là sức mạnh, tán dương và kích động nó. Một số phần tử quá khích còn cổ vũ hành vi trà trộn vào đám đông, gây nên thiệt hại cho cả đôi bên nhà nước lẫn nhân dân, nhằm khoét sâu mâu thuẫn và thổi bùng bạo lực. Tất cả hành vi ấy lại tiếp tục được quay phim, chụp ảnh phát tán trên mạng với những bình luận ác ý, cố tình diễn đạt sai, thậm chí bịa đặt và trầm trọng hóa, nhằm kích động bạo lực chồng lên bạo lực.
Nguy hiểm hơn nữa, những kẻ dân túy còn cố gán ghép thêm chiêu bài yêu nước, cố xách động tinh thần dân tộc cực đoan. Ít nhiều, với chiêu bài này họ cũng đã đạt một phần mục đích. Nhiều người lương thiện tôn trọng sự thật vì lo ngại bị “ném đá”, bị bôi nhọ, bị đám đông a dua lên án… đã cảm thấy ngần ngại khi cần phải lên tiếng, bất lực nhìn sự sai trái tiếp tục lây lan, hoành hành.
Dẹp bỏ, hạn chế sự trỗi dậy nguy hại của chủ nghĩa dân túy, vì thế không thể chỉ trông chờ vào những tiếng nói lương tri, khoa học mang tính cách cá nhân. Nó phải là nhiệm vụ của nhà nước, của cả hệ thống chính trị, thực hiện bằng chế tài luật pháp.
Và đó là công việc không thể chần chừ, bởi cả sự ổn định xã hội, sự nghiêm minh của luật pháp đang thật sự bị đe dọa.
Theo CAND