Lễ hội tôn vinh văn hóa xứ dừa Bến Tre

12:40 | 18/11/2019

Tiếp nối thành công sau nhiều năm tổ chức lễ hội dừa, UBND tỉnh Bến Tre tiếp tục tổ chức Lễ hội dừa lần thứ V, năm 2019 với chủ đề “Cây dừa trên đường hội nhập và phát triển bền vững” từ ngày 16 đến 20-11, tại TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Lễ hội là dịp tôn vinh người trồng dừa (đặc biệt là nghệ nhân, người thợ, người nông dân đã gắn bó với cây dừa), sản phẩm dừa và văn hóa xứ dừa Bến Tre, góp phần quảng bá hình ảnh cây dừa và các sản phẩm du lịch của Bến Tre đến với du khách trong và ngoài nước.


Con đường dừa tại lễ hội dừa lần thứ V. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Xứ dừa Bến Tre

Mỗi khi nghĩ đến Bến Tre là người ta lại hình dung ra những rừng dừa xanh mướt, trải dài vô tận. Không biết từ bao giờ, cây dừa xuất hiện ở quê hương Bến Tre, gắn bó mật thiết trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân.

Hiện nay, diện tích vườn dừa tại Bến Tre đã lên tới 67.000ha, chiếm hơn 1/3 diện tích trồng dừa trên cả nước. Bởi lẽ đó nên Bến Tre được mệnh danh là quê hương xứ dừa. Cây dừa đã đồng hành cùng người dân Bến Tre từ bao đời nay, qua các cuộc kháng chiến cũng như trong thời kỳ xây dựng quê hương giàu đẹp. Bến Tre là vùng sông ngòi chằng chịt. Để phục vụ nhu cầu đi lại, người dân miệt vườn đã bắc những cây cầu dừa qua mương, qua kênh, qua rạch dẫn vào nhà ở. Người dân cũng dùng thân cây dừa cổ thụ (khoảng 40 năm tuổi trở lên), để xẻ gỗ, làm nhà và lợp mái bằng lá dừa nước. Ngư dân Bến Tre còn dùng thân cây dừa để làm trụ cắm sào ngoài kênh, ngoài sông, ngoài biển…

Trong văn hóa của người dân Bến Tre, ngọn đuốc lá dừa là nét văn hóa độc đáo mà không nơi nào có được. Dừa được đặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, gáo dừa được người ta dùng để chế tác cây đàn cò, nhiều thứ quà lưu niệm đẹp mắt được làm bằng dừa…

Ngoài trái dừa là sản phẩm cho thu nhập chính, những thành phần khác của dừa đều được sử dụng hết, từ thân cây, lá, rễ, gáo dừa, cọng bông dừa làm hàng mỹ nghệ, những sản phẩm lưu niệm mang tính đặc thù của quê hương xứ dừa để làm quà cho du khách khi du lịch tại Bến Tre. Các làng nghề làm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, làng nghề chỉ sơ dừa… không chỉ góp phần rất lớn trong giải quyết việc làm cho người lao động, mà còn là điểm đến yêu thích của du khách khi trải nghiệm sông nước Bến Tre kết hợp tham quan những làng nghề độc đáo, giúp du lịch Bến Tre phát triển.

Tôn vinh văn hóa xứ dừa

Lễ hội dừa Bến Tre lần thứ V, năm 2019 có các hoạt động chính như: Triển lãm sản phẩm dừa; hội chợ thương mại; hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch Bến Tre trên cơ sở liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long”; liên hoan ẩm thực dừa Nam bộ; liên hoan “Trình diễn thời trang dừa”; các hoạt động tôn vinh cây dừa, sản phẩm dừa và người sản xuất, chế biến dừa…

Được gắn kết với Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, điểm nhấn của lễ hội là các hoạt động mang tính cộng đồng như hoạt động “Cộng đồng vui hội làng dừa” trên khắp các khu dân cư trong toàn tỉnh, người dân tham gia dưới hình thức tổ chức các trò chơi dân gian, truyền thống; liên hoan trang trí từ chất liệu dừa; liên hoan ẩm thực, ca nhạc tài tử, hát dân ca Bến Tre, đồng dao… tại các vườn dừa của địa phương, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi của toàn dân trong những ngày diễn ra lễ hội; “Ngày hội áo bà ba”; vòng chung kết “Người đẹp xứ dừa” được diễn ra vào ngày 17-11 nhằm tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ và trang phục truyền thống của người Nam bộ.

Trong khuôn khổ của lễ hội cũng sẽ diễn ra Tuần lễ văn hóa – nghệ thuật – du lịch, tôn vinh cây dừa, sản phẩm dừa và người sản xuất, chế biến dừa. Đặc biệt, Ban tổ chức sẽ tổ chức các tour du lịch “Trải nghiệm sông nước, miệt vườn xứ dừa”, kết hợp với quảng bá về các tour, tuyến, điểm du lịch sinh thái, các vườn dừa đẹp cho du khách tham quan. Các tàu du lịch trải nghiệm sóng nước, tham quan trên sông nghe đờn ca tài tử, hát sắc bùa, thưởng thức các sản phẩm dừa… Không những thưởng thức những bản nhạc đầy màu sắc văn hóa Bến Tre, mọi người còn có thể được học diễn xướng dân gian từ người dân xứ dừa.

Ông Trương Quốc Phong, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre cho biết: “Lễ hội là sự kiện văn hóa quan trọng của tỉnh Bến Tre nhằm mục đích tôn vinh cây dừa, sản phẩm từ dừa và những cá nhân hoạt động kinh tế – xã hội gắn liền với cây dừa, đặc biệt là nghệ nhân, người thợ, người nông dân đã gắn bó hết mình cho cây dừa. Thông qua các hoạt động của lễ hội giúp Bến Tre có nhiều điều kiện phát huy lợi thế xuất khẩu các sản phẩm từ dừa, đem lại cho mọi người hiểu biết sâu hơn về văn hóa dừa và hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của Bến Tre.

 

Theo Bienphong

Video hay

Cùng chuyên mục

LỜI CHIA BUỒN CỦA TT HOA KỲ JOE BIDEN GỬI PHU NHÂN NGÔ THỊ MẬN VỀ VIỆC TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

LỜI CHIA BUỒN CỦA TT HOA KỲ JOE BIDEN GỬI PHU NHÂN NGÔ THỊ MẬN VỀ VIỆC TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

NSƯT Tố Nga: Đúng như tên bài hát “Điệu Ví Giặm là em”

NSƯT Tố Nga: Đúng như tên bài hát “Điệu Ví Giặm là em”

TPHCM: Tập trung thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng cuối năm

TPHCM: Tập trung thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng cuối năm

Với Hải Phòng, văn hóa là động lực và là mạch nguồn của sự phát triển

Với Hải Phòng, văn hóa là động lực và là mạch nguồn của sự phát triển

PHONG TRÀO THỂ THAO RẤT HIẾM CÓ Ở MỘT VÙNG QUÊ

PHONG TRÀO THỂ THAO RẤT HIẾM CÓ Ở MỘT VÙNG QUÊ

Khởi công Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị

Khởi công Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị

Phát động Giải Báo chí “Tuyên truyền về chuyển đổi số TP. Đà Nẵng” năm 2024

Phát động Giải Báo chí “Tuyên truyền về chuyển đổi số TP. Đà Nẵng” năm 2024

Sửa quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng

Sửa quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng

Bưu điện Việt Nam chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH theo mức tăng mới

Bưu điện Việt Nam chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH theo mức tăng mới