Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện vừa ký ban hành quyết định công nhận 8 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, trong đó có Lễ bỏ mả của người Ragla.
Lễ Bỏ mả là nghi lễ quan trọng nhất trong các nghi lễ vòng đời của người Raglai – lễ chia tay vĩnh viễn giữa người sống và người chết để người chết được trở về thế giới vĩnh hằng.
Lễ Bỏ mả được tổ chức theo hai hình thức: bỏ mả cùng lúc với đám tang hay bỏ mả có thời gian chuẩn bị. Vì vậy, để tổ chức cho Lễ Bỏ mả, gia đình phải làm Kagor, một con thuyền gỗ với nhiều vật trang trí, đặt trên nóc nhà mồ trong Lễ Bỏ mả – biểu tượng cho nơi trú ngụ của ông bà ở thế giới bên kia.
Lễ thường kéo dài từ 3 – 5 ngày, được tổ chức chu đáo, thể hiện tính nhân văn độc đáo, mang đậm nét truyền thống của tộc người Raglai.
Ngoài Lễ bỏ mả của người Ralai (xã Phước Chiến, H.Thuận Bắc Ninh Thuận), các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia khác được công nhận là Lễ hội cầu ngư (Quảng Bình), Lễ cấp sắc của người Sán Dìu (Thái Nguyên), Hò Đồng Tháp (Đồng Tháp), Nghề làm bành phồng Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng, H.Giồng Trôm, Bến Tre), Nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh, H.Giồng Trôm, Bến Tre), Nghệ thuật trình diễn dân gian Pá Dung của người Dao (Thái Nguyên) và Nghệ thuật trình diễn dân gian Soọng Cô của người Sán Dìu (Vĩnh Phúc).
Theo ANTD