Làng Đào Thục – cái nôi của nghệ thuật múa rối nước truyền thống Việt Nam

14:49 | 15/11/2022

Nghệ thuật múa rối nước của làng Đào Thục, huyện Đông Anh, Hà Nội đã có cách đây hơn 300 năm về trước. Tuy nhiên, tại mảnh đất được gọi là “cái nôi của nghệ thuật múa rối nước truyền thống” Việt Nam ở hiện tại vẫn là địa điểm lý tưởng dành cho những ai yêu thích trò chơi dân gian này.


Nghề múa rối nước đã có hơn 300 năm tại làng Đào Thục 

Cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 25km, làng Đào Thục, huyện Đông Anh, Hà Nội là một ngôi làng cổ nằm dưới bờ đê sông Cà Lồ, nơi đây nổi tiếng khắp trong nước và quốc tế với nghề truyền thống múa rối nước.

Theo tìm hiểu, làng nghề múa rối nước Đào Thục có từ thời Hậu Lê. Lúc bấy giờ, trong làng có một người tên là Nguyễn Đăng Vinh. Ông là người Đào Xá, Yên Phong, Bắc Ninh, hiện nay là Đào Thục, Thụy Lâm, Đông Anh, giữ chức vụ Nội giám dưới thời nhà Lê. Đến thời Đồng Khánh (khoảng 1886-1888) làng được đổi tên thành Đào Thục.

Hình ảnh thủy đình làng Đào Thục – là nơi biểu diễn các tiết mục múa rối nước truyền thống – Ảnh: Đình Trung

Trong thời gian làm quan to trong triều đình, ông học hỏi được nhiều kỹ nghệ của các phường nghề, đến sau này khi đã rời xa chốn quan trường, ông lập nên các phường hội như: phường Võ, phường Thầy, Phường Thợ, phường Thó (đóng cối) và phường Rối. Và từ đó nghề rối nước Đào Thục chính thức được ra đời.

Ngoài dạy múa rối nước, tương truyền trong dân gian, quan Nội Giám còn truyền dạy cho nhân dân Đào Thục 2 nghề nữa là dệt vải và làm mộc. Nghề dệt vải đã thất truyền hoàn toàn, hiện nghề mộc – một nghề tiểu thủ công nghiệp đòi hỏi sự khéo tay của người thợ đang được Đào Thục khôi phục lại, giúp nhân dân có thêm việc làm, nâng cao thu nhập.

Và sau khi ông mất, người dân làng nghề Đào Thục đã phong thần, lập bia đá để vinh danh công lao to lớn của ông. Hàng năm vào ngày giỗ của ông (24 tháng 2 âm lịch), dân làng tổ chức dâng hương để tưởng nhớ công đức của vị Tổ nghề. Ngày sinh, ngày hóa của ông, tại đình đều có múa rối nước tưởng nhớ ông. Ngôi đình ngày nay do nhân dân Đào Thục xây dựng lên trên nền đất, ruộng mà quan Nội Giám Đào Đăng Khiêm đã hiến.

Chia sẻ với phóng viên, ông Đặng Minh Hưng (65 tuổi) – người dân làng múa rối nước truyền thống Đào Thục cho biết: “Trải qua hàng vài trăm năm biến động của lịch sử, nghề rối nước làng Đào Thục từng có thời điểm tưởng chừng bị mất đi, mai một. Tuy nhiên, vào năm 1955 khi đó hòa bình ở miền Bắc được lập lại, phía Nhà nước và các chấp chính quyền quan tâm nên nghề múa rối nước của làng Đào Thục mới được giữ đến tận ngày nay. Đặc biệt, phường múa rối nước Đào Thục cũng được biểu diễn khắp trên cả nước và quốc tế. Nhận được nhiều giấy khen, bằng khen quý giá…”.

Ông Hưng tâm sự, các nghệ nhân múa rối nước của làng Đào Thục mượn những con rối nước để kể lại những câu chuyện có thật trong dân gian Việt Nam, hoặc tái hiện lại khung cảnh làng quê của Việt Nam mộc mạc, đơn sơ, bình yên…. Đồng thời, những tiết mục múa rối nước cũng tái hiện lại hình ảnh người dân Việt Nam nhỏ bé nhưng có ý chí, nghị lực phi thường dám đứng lên đấu tranh để bảo vệ đất nước, dân tộc.

Nghề múa rối nước đã có tại làng Đào Thục hơn 300 năm, bởi vậy các nghệ nhân đã sử dụng con rối làm sứ giả kể những câu chuyện dân gian gắn bó với làng quê Việt Nam – Ảnh: Đình Trung

Theo tìm hiểu, một tiết mục múa rối nước được biểu diễn tại làng Đào Thục thường có 7-8 người hỗ trợ nhau. Một số tiết mục cần ekip nhiều người hơn, khoảng 14-16 người gồm ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn. “Hiện làng Đào Thục có khoảng 50-60 nghệ sĩ múa rối nước, ca sĩ và nhạc công biểu diễn. Với họ, nghề mùa rối nước ở hiện tại không phải nghề chính, tuy nhiên, khi có lời mời biểu diễn hay lễ hội thì họ đều hưởng ứng, tham gia nhiệt tình…”, ông Hưng tâm sự.

“So với chục năm về trước, thì ở hiện tại nghề múa rối nước đã có đồ bảo hộ, nên mỗi nghệ nhân khi biểu diễn đều khoác trên mình bộ đồ chống nước để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Trước kia thì khác, người nghệ nhân phải chịu lạnh, hi sinh vì nghệ thuật để biểu diễn những tiết mục múa rối nước hay nhất cho người dân”, ông Hưng cho biết thêm.

Hơn 10 tích trò ở nghề rối nước làng Đào Thục 

Mỗi nghệ nhân làng Đào Thục đều coi múa rối nước là đứa con tinh thần, ăn cùng rối nước, ngủ cùng rối nước. Tuy nhiên, chính nét riêng biệt của nghề múa rối nước làng Đào Thục đã để lại dấu ấn tới người dân trong nước và quốc tế. Nhắc đến múa rối nước làng Đào Thục, người ta khỏi bất ngờ khi có tới 10 tích trò nổi tiếng và đa phần đều là những vở rối truyền thống từ thời sơ khai. Hầu hết các tiết mục múa rối nước đều bắt nguồn từ những câu chuyện có thật trong dân gian như cấy lúa, câu cá, chăn trâu,… hay nhiều tiết mục được biểu diễn theo tích truyện Thạch Sanh đánh Chằn tinh cứu nàng Công chúa, sự tích Sọ dừa, sự tích chú Cuội…

Bên cạnh những tiết mục mang tính truyền thống, hiện nay làng múa rối nước Đào Thục cũng có những tiết mục hiện đại để phục vụ khán giả như vở kịch “chiến thắng Điện Biên Phủ 12 ngày đêm”, “Rước ảnh Bác Hồ”… thu hút đông đảo người xem.

Một trong những nhân vật nổi tiếng và góp mặt trong hầu hết tất cả các tiết mục múa rối chắc chắn không thể không nhắc đến chú Tễu. Đặc biệt, trong múa rối làng Đào Thục, hình ảnh chú Tễu với tên gọi “anh Ba Khí” còn được chế tác vô cùng chân thực khi trên tay cầm quạt mo phe phẩy và có màn chào hỏi “đốt pháo bật cờ” rất độc đáo.

Một số hình ảnh thủy đình – nơi biểu diễn múa rối nước tại Làng Đào Thục 

Thủy đình tại làng Đào Thục – nơi dùng để biểu diễn múa rối nước truyền thống – Ảnh: Đình Trung

Người dân làng rối nước Đào Thục ngoài công việc đồng áng ra thì họ còn có tình yêu sâu sắc với nghề múa rối nước với lịch sử hơn 300 năm – Ảnh: Đình Trung

Những con rối nước được gắn cố định trên mặt nước trước thủy đình, như muốn nói lên tình yêu nghề, say nghề múa rối nước của người dân làng Đào Thục – Ảnh: Đình Trung

Những con Rối mang đủ các hình thái từ động vật, cây cối đến con người với nhiều các sắc màu khác nhau như: đỏ, đen, xanh, vàng,… trông thật bắt mắt – Ảnh: Đình Trung

Cận cảnh những con rối nước tại làng Đào Thục, huyện Đông Anh, Hà Nội – Ảnh: Đình Trung

Trên thực tế, những tích trò sáng tạo mới, có sự cải tiến theo thời đại nhưng nó vẫn giữ được cái hồn của truyền thống Việt Nam. Theo ông Nguyễn Văn Phi, một nghệ nhân tạo hình con rối nước tại phường rối Đào Thục cho biết: “Một con rối nước khi chế tác thì điều đầu tiên là người nghệ nhân phải thực sự khéo léo, tinh tế và tỉ mỉ trong từng công đoạn tạo hình và phải thể hiện được cái hồn trên từng tác phẩm rối nước. Bởi, mỗi con rối là một khối vật thể sống, khối cử động được, và mỗi con rối đại diện cho một số phận, một con người có thật trong lịch sử…”.

Nói về nguyên liệu để chế tác ra một con rối nước, ông Nguyễn Văn Phi cho biết: “Gỗ sung là nguyên liệu chính dùng để tạo nên con rối nước. Ngoài mang ý nghĩa thể hiện sự sung túc, sung mãnh, thì gỗ sung còn đảm bảo được chất lượng mỗi sản phẩm. Đặc biệt, chất gỗ sung thường nhẹ, thẩm thấu hạn chế vì con rối nước biểu diễn hoàn toàn dưới nước và giảm được sự nứt vỡ…”, ông Phi cho biết.

Về điểm khác biệt giữa múa rối nước làng Đào Thục so với các làng nghề múa rối khác, ông Nguyễn Văn Phi cho biết: “Múa rối nước tại làng Đào Thục khi biểu diễn vừa có thể chuyển động tịnh – tiến, đi chéo hoặc cử động được cả hai tay giúp người nghệ nhân có thể linh động, nhịp nhàng trong lúc biểu diễn”.

Vì vậy, mà hàng năm làng rối nước Đào Thục lại đểu mở các lớp dạy nghề múa rối nước, nhằm truyền lại nghề hơn 300 tuổi cho thế hệ tương lai. Mỗi học viên sẽ mất vài tháng để học nghề và sau khi học xong khóa múa rối nước thì đi biểu diễn khoảng hai năm thì mới được chính quyền công nhận là nghệ sĩ múa rối nước chuyên nghiệp.

Ông Phi tâm sự: “Trong hơn 2 năm bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nghề múa rối nước làng Đào Thục phải tạm đóng cửa. Tuy nhiên, ở hiện tại nghề múa rối nước Đào Thục đã trở lại, người dân trong làng lại tụ tập xung quanh buồng trò để xem các nghệ sĩ điều khiển những con rối nước. Thậm chí, phường rối nước luôn sẵn sàng tham gia biểu diễn mỗi khi có dịp Lễ, Tết hay những đoàn du khách tới thăm làng có nhu cầu muốn xem biểu diễn rối nước truyền thống.

Những nghệ nhân tại làng Đào Thục như hoá thân vào những con rối nước để kể lại những câu chuyện có thực trong lịch sử Việt Nam. Đồng thời muốn gửi gắm tình yêu vào nghề truyền thống của làng và lời cám ơn sâu sắc tới ông Tổ nghề rối nước đã truyền dạy lại nghề hay và mang nhiều ý nghĩa cho người dân làng Đào Thục ở hiện tại.

Trung Nguyễn

Nguồn Báo Công Luận

https://www.congluan.vn/lang-dao-thuc-cai-noi-cua-nghe-thuat-mua-roi-nuoc-truyen-thong-viet-nam-post222265.html#p-0

Cùng chuyên mục

Hiệp định Geneve 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Hiệp định Geneve 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Thủ tướng chỉ đạo những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng để Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững

Thủ tướng chỉ đạo những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng để Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024