Chạy cho con lên lớp nghe quen tai, nhưng xin cho con được ở lại lớp cũng không là chuyện lạ, đó là một phần rất thật của giáo dục Việt Nam.
Chuyện ngồi nhầm lớp hay “sáng học lớp 5, chiều học lớp 1” xảy ra nhiều nơi, kể không hết. Ngồi nhầm lớp có nghĩa là trình độ chỉ lớp 1, lại lên tới lớp 5, cho nên sáng đi học lớp 5, chiều cô giáo phải bồi dưỡng kiến thức lớp 1.
Mới đây, trường hợp em Q.V.S (Trường THCS Lê Duẩn, xã La Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã lên lớp 6 nhưng đọc, viết chưa sõi. Mẹ của em Q.V.S từng xin nhà trường cho con ở lại lớp nhưng không được chấp nhận.
Đây là do bệnh thành tích mà ra. Thầy cô biết học trò không đủ khả năng lên lớp, nhưng cứ cho lên vì sợ ảnh hưởng tới thành tích của nhà trường. Người ta đã coi thành tích hơn sự trung thực của nghề nghiệp, hơn số phận của chính học sinh mình.
Và bệnh thành tích hay sợ mất thành tích chưa đủ, mà còn bị những quy định khác ràng buộc. Cụ thể, khoản 3 Điều 37 Điều lệ Trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học của Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT quy định: “Học sinh không được lưu ban quá 2 lần trong một cấp học”.
Quy định như vậy thì cho dù học sinh kém đến mấy nhà trường cũng phải cho lên lớp, nếu không thì phạm luật. Tất nhiên phần lớn học sinh có trí năng bình thường thì khó có thể bị lưu ban 2 lần trong một cấp học, nhưng có những trường hợp bị hạn chế trí lực hoặc có hoàn cảnh đặc biệt, các em vẫn có thể bị lưu ban nhiều lần. Nếu quy định như vậy là làm khó cho các em và làm khó cho nhà trường.
Ở nhiều tỉnh nghèo, đặc biệt là miền núi và ĐBSCL, nhiều em bỏ học theo cha mẹ đi làm ruộng làm rẫy, mò cua bắt ốc, thầy cô giáo phải đến từng nhà thuyết phục phụ huynh cho các em đi học. Những trường hợp này tính sao được bao nhiêu lần lưu ban.
Trong lúc, khoản 4 của Điều 37 quy định: “Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể vào học trước tuổi hoặc học vượt lớp trong phạm vi cấp học”.
Một học sinh giỏi có thể học sớm hoặc học vượt, thì một học sinh trí tuệ phát triển kém có thể lưu ban hai lần hay hơn nữa, đó là chuyện bình thường. Thà cho học sinh lưu ban để học được, còn hơn cứ cho ngồi nhầm lớp, đến lớp 6 vẫn không thể đọc và viết được.
Mục đích của giáo dục không phải là thành tích của nhà trường hay của ngành giáo dục. Hãy bỏ ngay tất cả những quy định liên quan đến thành tích, khi đó mới giải thoát cho thầy cô cũng như con cái chúng ta.
Laodong