Khi hoặc giáo viên (có thể chỉ là người biết ngoại ngữ đi dạy thêm) gọi mày xưng tao, chửi học trò là đổ giẻ rách, là đồ mặt người óc lợn thì giới hạn giữa lớp học và chợ búa đã bị xóa nhòa (dù đó chỉ là rất thiểu số).
Sốc! Choáng! Thậm chí không tin, thậm chí cho đó chỉ là “dàn dựng”… Những sắc thái tình cảm dư luận tối và đêm qua (5.5), sau khi clip cô giáo xa xả chửi học sinh óc lợn, đòi “đóng tiền và cút ra khỏi lớp tao” xuất hiện trên mạng xã hội.
“Gọi mày xưng tao. Đôi co chợ búa. Chửi vô học, mất dạy. Dọa gọi “hội” đến “cho một trận”. Và đỉnh điểm là chi tiết “tao là cung Bọ Cạp”. Liệu liệu cái thần hồn một khi “mày động đến lòng tự ái của tao…. Nếu không có hẳn một clip khua chân múa tay chỉ mặt rủa xả, có lẽ còn lâu dư luận mới tin đây là những lời lẽ của một cô giáo… đối với học sinh của mình” – đây là những gì tôi đã viết 3 năm trước sau vụ “cô giáo cung Bò Cạp”.
3 năm đã trôi qua, và kỳ lạ thay, những lời lẽ chợ búa, rủa xả, chửi bới, khinh miệt theo lối hàng tôm hàng cá ấy lặp lại y sì. Cái khác, chỉ là mức độ hạ nhục giờ đã không còn bất cứ giới hạn nào. Khi mà cô giáo chửi học viên là “óc lợn”, là có chục trung tâm cũng không thể biến lợn thành người.
Giữa 3 năm ấy, là còn những việc chúng ta chưa biết khi mà những đối tượng bị tổn hại, bị bạo hành tinh thần còn không được phép mang theo điện thoại, còn không dám kể lại chuyện ngay cả với cha mẹ mình? Còn không có cả những kỹ năng tự vệ tối thiểu.
Có người nói, khi học sinh đã ký cam kết, có nghĩa là phải tuân theo, phải đóng phạt 100 ngàn đồng. Có người bảo, đây chỉ là quan hệ mua bán, đừng khoác áo cô giáo hay đạo lý gì ở đây! Nhưng đó là ngụy biện. Và chỉ là ngụy biện mà thôi. Huống chi ngay cả là mua bán cũng chẳng có nơi nào người ta chửi bới khách hàng như thế. Huống chi, trong bóng tối những bê bối, những vụ bạo hành tinh thần còn không ít, còn đau hơn là chiếc roi, cây thước.
Đồ giẻ rách! Thằng mặt người óc lợn. Vâng, dù chỉ là rất thiểu số thôi nhưng đó là những lời lẽ không thể chấp nhận được nhất là trong môi trường sư phạm. Và nó chỉ chấm dứt chừng nào ngành giáo dục không coi đó là chuyện ở ngoài trung tâm, là chuyện ngoài phạm vi quản lý.
Theo Lao động