Tôi quen họa sĩ Đỗ Chung vài năm trước đây nhờ sự giới thiệu của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo. Anh Bạo nói: “Tay này đồng hương với mình, vẽ khá lắm Khoa ạ”. Năm 2018, nhân vào Thanh Hóa dự Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch Toàn quốc, ghé thăm nhà, xem tranh và trò chuyện với Đỗ Chung, tôi mới hiểu chữ “khá lắm” của nhà điêu khắc hàng đầu đất nước là thế nào.
Đỗ Chung từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, đã là TS nghệ thuật học với luận văn về hoa văn trống đồng Đông Sơn. Cách đây gần 25 năm anh từng được Trung tâm Văn hóa Pháp Việt mời sang tổ chức triển lãm tranh và nghiên cứu mỹ thuật thế giới trong 2 năm (1996 -1997) tại thủ đô Paris. Tại đây, 40 bức tranh trong cuộc triển lãm của anh đã được bán hết rất nhanh và anh có thời gian chuyên tâm lang thang chiêm ngưỡng và nghiên cứu các trào lưu và các bậc thầy hội họa thế giới. Ngoài cuộc triển lãm đặc biệt thành công ở Paris trên, trong 20 năm qua, Đỗ Chung đã từng tổ chức triển lãm cá nhân trong và ngoài nước đến hơn chục lần: ở Thanh Hóa và Hà Nội 3 lần, ở TP Hồ Chí Minh 3 lần, ở Nga 1 lần, ở Đức 1 lần. Mỗi lần triển lãm đều từ 30-40 tranh và đều gây được ấn tượng lớn.
Kể từ sau cuộc triển lãm và 2 năm nghiên cứu hội họa thế giới tại kinh đô văn hóa châu Âu, Đỗ Chung đã quyết định chọn hội họa trừu tượng làm hướng đi chính cho sáng tạo hội họa của mình. Là một cá tính hội họa rất mạnh, Đỗ Chung tìm thấy hội họa trừu tượng là nơi có thể thể hiện trọn vẹn nhất cái tôi của mình trên tranh.
Đỗ Chung bộc bạch: “Chắc chắn không phải là một sự tình cờ, mà cái đẹp trừu tượng đã manh nha xuất hiện gần như cùng một lúc trong nhiều phong cách, nhiều trường phái, vào những năm đầu của thế kỷ XX, từ tượng trưng, ấn tượng, biểu hiện, dã thú, vị lai, đến lập thể…nói lên sự khao khát của đa số các họa sĩ đương thời muốn thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào đối tượng, vào những lệ luật cũ, và vào thế giới tự nhiên – thế giới của những khái niệm, mà họ thường phải dựa vào để diễn đạt những ý tưởng thẩm mỹ của mình.
Hội họa trừu tượng muốn dựa vào chính nó để chinh phục cái đẹp và cái gu thẩm mỹ của người thưởng thức. Các họa sĩ hầu như đã gạn lọc đi hết những yếu tố “tượng hình”, cái đẹp trừu tượng dựa vào một sự cách điệu hóa triệt để, biến toàn bộ hình ảnh, sự vật… thành nhịp điệu trừu tượng.Vì họ ngày càng ý thức được vai trò của cái tôi, tức của chủ thể trong nghệ thuật, cũng như ý thức được sự cần thiết phải có một không gian tự do cho nghệ thuật và nói chung cho mỗi cá nhân trong cuộc sống.
Đến với hội họa trừu tượng, tôi như được giải thoát khỏi quỹ đạo của các đối tượng có thực trong thế giới tự nhiên, đặt người sáng tạo đứng trước những luật chơi mới, những thử thách mới, cho phép thể hiện được cho tới cùng cái tiềm năng sáng tạo và cái bản sắc của mình. Chỉ còn lại các yếu tố hội họa thuần túy như màu, nét, khối, hòa sắc cùng không gian, nhịp điệu, kết cấu của các yếu tố thị giác nguyên thủy nhất”.
Từ những mày mò đầu tiên, với những tìm tòi đầy ý thức nhưng lặng lẽ, gan góc, bền bỉ, không mệt mỏi, Đỗ Chung đã trở thành một trong những họa sĩ trừu tượng được đánh giá có nhiều sáng tạo đáng kể nhất với đồng nghiệp và công chúng yêu hội họa Việt Nam.
Từ năm 2018 đến nay, Đỗ Chung đã tổ chức ba cuộc triển lãm tranh trừu tượng chấn động tại Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh với các tên gọi “Thời gian” (Thanh Hóa – 2018), “Mưa nguồn” (TPHCM – 2019) và “Mây ngàn” (Thanh Hóa -2020), trưng bày tổng cộng gần 100 bức tranh sơn dầu trên toan. Tất cả đều là tranh tường lớn, hầu hết khuôn khổ 1mx2m và 2mx5m.
Họa sĩ Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, nhận xét về tranh họa sĩ Đỗ Chung như sau: “Trong tranh của Đỗ Chung không thấy một hình thái cụ thể thực tế bám sát vào sự vật hiện tượng nào trong đời sống. Nhưng nó lại chính là hình thái thực tế của tâm hồn nghệ sĩ – thực tế sáng tạo. Thực tế sáng tác của ông chính là cảm xúc mong manh, trừu tượng nhưng cũng hiện diện rất đời, rất thực. Cái trừu tượng và cái cụ thể luôn luôn tồn tại trong từng nét vẽ. Trong tranh Đỗ Chung dường như có thơ”.
Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo thì đánh giá: “Tranh trừu tượng của Đỗ Chung sảng khoái, mạch lạc nhưng không ồn ào, đẹp một cách mong manh dung dị, những tầng vỉa của đời sống được khái quát, cách điệu, để thấy những thì thầm dấu yêu của người nghệ sĩ với xung quanh”.
Nhà điêu khắc Đinh Thị Đền chia sẻ: “Tôi hoàn toàn bị hấp dẫn bởi chiều sâu trong tranh của họa sĩ Đỗ Chung từ nghệ thuật cho đến tư tưởng. Những bức tranh trừu tượng cho thấy sự chỉn chu, nghiêm túc, hết mình của người nghệ sĩ trên con đường sáng tạo nghệ thuật”.
Họa sĩ Lê Ngọc Hân khâm phục: “Những tác phẩm tranh trừu tượng nhất là các tác phẩm tranh khổ lớn của họa sĩ Đỗ Chung cho thấy nỗ lực làm việc, sự kiên trì, sức sáng tạo đáng khâm phục, ngưỡng mộ mà không phải người nghệ sĩ nào cũng có thể làm”.
Xem cách Đỗ Chung vẽ tranh và xem tranh Đỗ Chung, tôi hết sức kinh ngạc trước cách cảm thụ cuộc sống, hội họa, năng lượng sáng tạo dường như vô tận của người họa sĩ 74 tuổi gầy nhỏ đang mang trong mình hai trọng bệnh: ung thư và tiểu đường. Ung thư thì anh quyết không chạy chữa, tùy theo mệnh trời, lúc nào trời gọi thi vui vẻ đi. Anh chỉ điều trị ngoại trú tiểu đường tại bệnh viện Bạch Mai, tháng nào cũng từ Thanh Hóa ra Hà Nội khám và lấy thuốc, nhân đó thăm chơi bạn bè ở thủ đô. Toàn bộ thời gian sức lực còn lại của cuộc đời anh dành hết cho vẽ. Đối với Đỗ Chung, nghệ thuật, hội họa suy cho cùng cũng chỉ là một cuộc chơi. Nhưng khác với nhiều người khác, Đỗ Chung toàn tâm toàn lực chơi cuộc chơi mà anh đã lựa chọn này đến tận cùng, đến khi không còn chơi được nữa.
Cũng giống như danh họa trừu tượng đầu tiên của nước Mỹ, Jackson Pollock, nhiều năm nay, Đỗ Chung không còn vẽ trên giá vẽ. Các bức tranh trừu tượng của anh với khổ lớn như thế không có giá vẽ nào đương nổi. Nếu giá vẽ của Pollock hầu hết là trên nền nhà còn Đỗ Chung thì giá vẽ là những bức tường lớn. Nhiều người nhận xét tranh Đỗ Chung có vẻ giống tranh Pollock nhưng đó chỉ là về mặt khuôn khổ và tính trừu tượng thuần khiết. Pollock là một thiên tài hội họa của thế kỷ 20, ông có kiểu vẽ tranh theo kiểu vảy sơn lên mặt toan cũng như sáng tạo nhiều dụng cụ vẽ kỳ dị và mọi thứ đều là ngẫu hứng.
Đỗ Chung có thể không phải là thiên tài, nhưng cũng hoàn toàn ngẫu hứng như Pollock khi vẽ tranh. Để chuẩn bị vẽ, Đỗ Chung chỉ chuẩn bị màu và một khung toan. Khi đứng trước khung toan và hộp sơn, Đỗ Chung chưa hề biết mình sẽ vẽ gì. Rồi cảm hứng chợt đến, anh pha màu và vẽ, vẽ một mạch trong vòng 24 giờ cho xong bức tranh. Đỗ Chung khác với Pollock là không vảy sơn tùy hứng hay có dụng cụ vẽ gì đặc biệt. Anh chỉ dùng cọ, dao, bay như các họa sĩ sơn dầu khác.
Điều đặc biệt là Đỗ Chung có một kỷ luật vẽ rất nghiêm khắc, tranh anh chỉ một mảng màu mỏng tanh, vẽ một lần không chỉnh sửa và được hoàn thành trong vòng 24 giờ khi sơn dầu vừa kịp khô. Vẽ với Đỗ Chung như một lao động khổ sai tập trung, có khi không ăn, không ngủ, Nhưng với Đỗ Chung đó là một hạnh phúc, bởi khi hoàn thành, anh biết bức tranh của anh sẽ không giống bất kỳ họa sĩ nào, sẽ là độc bản, không thể sao chép, không thể làm giả. Điều khác với danh họa người Mỹ mà nhiều người nhận xét có ảnh hưởng tới anh là Đỗ Chung vẽ rất kỹ, chi tiết, dung dị, tinh tế và dù là tranh trừu tượng, người xem vẫn cảm nhận khá rõ một không gian Việt, một nhịp điệu Việt, một tâm hồn Việt hiện hữu khá rõ trong tranh Đỗ Chung.
Giữa thàng 3 vừa qua, khi Đỗ Chung từ Thanh Hóa ra Bạch Mai khám bệnh, lấy thuốc, trước khi trở về, anh có ghé thăm và ăn cơm với tôi. Khi tôi hỏi sao anh lại chọn theo tranh trừu tượng, một lĩnh vực hội họa còn mới mẻ và xa lạ với công chúng Việt Nam, tranh của anh chắc rất ít người mua. Đỗ Chung mỉm cười, nhẹ nhàng nói: “Có lẽ, nghệ thuật nói chung luôn là lựa chọn của sở thích của tình yêu. Để được hết mình với nghệ thuật, không nên bị đồng tiền chi phối. Hội họa cũng thế. Đơn giản là tôi thích tôi yêu tranh trừu tượng nên lựa chọn nó. Đối với tôi, việc bán hết cả 40 bức tranh tại triển lãm ở Paris năm 1996 hay năm 2019 vừa qua, triển lãm tranh trừu tượng tại TP Hồ Chí Minh chỉ bán được một bức tranh là như nhau. Tôi đã đưa được những sáng tạo của tôi trình làng và nhận được ít nhiều chia sẻ, tâm đắc, thế là hạnh phúc lắm rồi. Tranh trừu tượng là tương lai của hội họa bởi nó là hội họa thuần khiết, hội họa đích thực. Kho tranh trừu tượng của tôi của tôi hiện có khá lớn, đến vài chục bức khổ 1mx2m và 2mx5m và việc lưu giữ rất công phu. Tôi biết mình sẽ sống và vẽ không được bao lâu nữa. Có thể trước khi tôi mất, tôi sẽ tặng hết tranh tôi cho những người yêu, hiểu và có điều kiện lưu giữ nó. Cuộc chơi, tình yêu nào rồi cũng đến lúc kết thúc, trở về với con số O. Phải không anh?”.
Lặng nhìn nụ cười Đỗ Chung, không trả lời câu hỏi của anh, tôi thầm nghĩ: làm sao giữa thời buổi mọi thứ đều bị thương mại hóa đến tận cùng, kể cả nghệ thuật, lại còn một vị thánh sống chết vì cái “đạo hội họa” như Đỗ Chung.
Không, anh sẽ không kết thúc với số 0, anh còn để lại những bức tranh chỉ anh có thể vẽ, để lại một tình yêu vô tư, thần thánh cho hội họa nước nhà.
Như thế là không ít, phải không chàng họa sĩ xứ Thanh?
Một số tác phẩm của Đỗ Chung:
Nguyễn Thế Khoa