Ngăn chặn nạn con ông cháu cha và nhóm lợi ích cũng như cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội là những bước đi quan trọng, cốt lõi trong công cuộc chống tham nhũng.
Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII sáng 12/5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, cũng như cải cách chính sách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội.
Trao đổi về kết quả của Hội nghị Trung ương 7, các chuyên gia quốc tế nhận định đây là những bước đi quan trọng để giải quyết các vấn đề cốt lõi trong cuộc chiến chống tham nhũng. Nếu thực thi triệt để, những chính sách này cũng sẽ đóng vai trò mấu chốt trong công cuộc chỉnh đốn Đảng.
Ngăn chặn nạn con ông cháu cha, lợi ích nhóm
ới việc công cuộc chống tham nhũng luôn được bàn luận sôi nổi trong chương trình nghị sự, Giáo sư Zachary Abuza (Học viện Chiến tranh Mỹ) nhận định: “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa cảnh báo về mối nguy của tham nhũng. Tôi ấn tượng với nhấn mạnh của Tổng bí thư đối với tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ ‘cấp chiến lược’. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang mạnh tay xử lý hàng loạt quan chức cao cấp sai phạm, từ trung ương tới địa phương”.
Trong bài phát biểu bế mạc ngày 12/5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Việc ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ bước đầu có một số chuyển biến tích cực song còn nhiều khó khăn, phức tạp. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tuy đã đạt được kết quả rất quan trọng, rất đáng mừng, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn có hiệu quả thực sự, nhưng cũng còn nhiều việc phải làm.
Tổng bí thư nhấn mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc thường xuyên của Đảng. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ.
Theo Giáo sư Abuza, quy định “Bí thư Tỉnh ủy không phải người địa phương” là một động thái quan trọng để ngăn ngừa vấn nạn con ông cháu cha cũng như nhóm lợi ích, lạm quyền.
Ông nhận định: “Triệt tiêu mọi mâu thuẫn lợi ích là cực kỳ tối quan trọng để ngăn ngừa tham nhũng. Ở Việt Nam hay bất kỳ một quốc gia nào, không thể tin tưởng và trao cho một quan chức quyền hành giám sát người thân của mình. Đặt bất kỳ một quan chức nào vào vị trí như vậy chẳng khác gì tạo điều kiện cho họ dễ dàng tham nhũng, trục lợi”.
“Kiểm soát mâu thuẫn lợi ích này đã khó, nhưng để chống lợi ích nhóm sẽ càng khó hơn. Vì dù gì cũng dễ dàng nhận ra người nhà của một quan chức hơn là những quan hệ lợi ích nhóm chằng chịt đứng đằng sau quan chức đó. Khó nhưng cũng phải làm”, ông Abuza nói.
Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư Dennis McCornac (ĐH Loyola Maryland, Mỹ) nhận định: “Vấn đề trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam là có hiện tượng tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng. Tức là, người được giao nhiệm vụ chống tham nhũng lại trục lợi chính chức vụ của mình để mưu cầu lợi ích cá nhân. Vấn nạn này cũng cần được chấm dứt”.
Trong diễn văn bế mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh việc chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, cơ chế và điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo vệ cán bộ; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm.
Ông David Brown, nhà ngoại giao kỳ cựu người Mỹ đồng thời là cây bút viết phân tích tình hình Châu Á hiện nay, đúc kết: “Hội nghị Trung ương 7 đã đưa ra một công cụ đánh gía toàn diện để giám sát vai trò lãnh đạo của các cán bộ cao cấp. Nếu được thực hiện triệt để, công cụ này sẽ có ảnh hưởng lan toả tới quan chức ở toàn bộ tỉnh thành cũng như cấp trung ương”.
Cải cách tiền lương, cần nhưng chưa đủ
Đề án cải cách chính sách tiền lương cũng được giới chuyên gia đánh giá là một hướng đi đúng. Theo đó, các cơ quan, đơn vị công lập sẽ được khoán quỹ lương, những khoản thu nhập ngoài lương bị xoá bỏ. Trung ương nhấn mạnh, việc cải cách chính sách tiền lương nhằm sớm xây dựng hệ thống tiền lương khoa học, minh bạch, phù hợp với thực tiễn, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Ông Brown nhận định: “Chừng nào cán bộ nhà nước lương còn chưa đủ sống, chừng đó đừng nói tới chuyện chống tham nhũng. Tăng cường giám sát, cải thiện hệ thống lương cho khu vực công phải luôn đi đôi như chính sách cây gậy và củ cà rốt”.
Tuy nhiên, Giáo sư McCornac cũng cảnh báo: “Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy ở các nước phát triển, chỉ tăng lương cho các khu vực công thì sẽ chưa đủ để giảm tham nhũng. Nó còn đòi hỏi phải có những thay đổi về xã hội và văn hoá”.
Để giải quyết một nền văn hoá chung chi đã ăn sâu ở Việt Nam, ông McCornac cho rằng thái độ của người dân đối với tham nhũng cũng cần thay đổi. Khi còn sinh sống và làm việc tại Việt Nam vào thập niên 1990, ông McCornac thường xuyên phàn nàn về thái độ lái xe bất cẩn của các tài xế. Câu trả lời ông thường nhận được là: “Việt Nam mà” như thể đó là một phần tất yếu.
Ông kết luận: “Nhưng rõ ràng là mọi chuyện đã có chuyển biến khi luật pháp nghiêm minh hơn. Hiện nay, khi nói đến văn hóa chung chi, thái độ của mọi người vẫn còn là ‘Việt Nam mà’. Khi luật pháp, công cuộc chống tham nhũng đã được triển khai và vào guồng, thái độ này của người dân cũng cần thay đổi theo: Không chấp nhận việc chung chi là một phần tất yếu của cuộc sống nữa”.
Ngoài cải cách tiền lương ở khu vực công, Hội nghị Trung ương 7 cũng thông qua đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Tất cả cùng nhằm mục đích: Bảo vệ người yếu thế. Theo đó, tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người hưởng lương và gia đình họ; trả lương đúng chính là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động.
Trung ương cũng xác định, trong thời gian tới, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách để bảo hiểm xã hội thực sự trở thành một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.
Ông Murray Hiebert, chuyên gia Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định: “Cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội cùng lúc một mặt góp phần chống tham nhũng, nhưng cũng quan trọng không kém là hỗ trợ cho tầng lớp bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh bất bình đẳng xã hội ngày một tăng. Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nếu như kinh tế suy thoái và đói nghèo gia tăng”.
Lòng dân là trên hết
Giáo sư Abuza nhận định thêm: “Trong bối cảnh cải cách thị trường tại Việt Nam chưa hoàn chỉnh, nếu các nhóm lợi ích tiếp tục thao túng chính sách và trục lợi từ đó, khoảng cách giàu nghèo sẽ ngày càng được nới rộng. Khi đó, niềm tin của người dân vào công cuộc chống tham nhũng sẽ bị ảnh hưởng và đó là vấn đề Hội nghị Trung ương 7 đã nhìn ra và tìm cách ngăn chặn”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong diễn văn bế mạc: “Cần cụ thể hoá để thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp”.
Ngoài ra, theo Tổng bí thư, từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, nói đi đôi với làm để cho Nghị quyết lần này thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ rệt, thu được kết quả cụ thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhìn thấy được, cảm nhận được.
Trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 13.5, Tổng bí thư một lần nữa khẳng định: “Nếu không có sự ủng hộ của các cử tri, của toàn thể nhân dân thì cuộc đấu tranh này không thành công được”.
Dùng hình ảnh rắn 9 đầu trong thần thoại Hy Lạp Hydra để so sánh với tham nhũng, Giáo sư McCornac chỉ rõ: Mỗi khi ta chặt một đầu của con rắn thì từ chỗ đấy lại mọc ra 2 đầu khác. Có thể những cái đầu mới sẽ không mạnh mẽ và to lớn như đầu cũ, nhưng vấn nạn tham nhũng vẫn tái hiện.
Ông McCornac đúc kết: “Tham nhũng ở Việt Nam đã bám rễ quá sâu, và những lợi ích tài chính mang lại quá lớn khiến nhiều đối tượng cho rằng rủi ro và tổn thất là không đáng kể, nên họ mới bất chấp tất cả. Cuộc chiến chống tham nhũng cần được thực hiện không ngơi nghỉ ở mọi cấp độ và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân”.
Theo Zing