Hình ảnh sông nước qua ca dao ở Đồng Tháp

10:16 | 16/02/2022

Người Đồng Tháp từ bao đời đã bám trụ trên một vùng nước nổi, biến vùng đất hoang vu, sình sụp, “muỗi kêu như sáo thổi / đỉa lội tựa bánh canh / cỏ mọc thành tinh / rắn đồng biết gáy”, thành vùng đất giầu có, mầu mỡ như ngày nay. Ở đấy, sông nước, kênh rạch đã gắn với cuộc đời con người, trở thành thách thức, không ít gian lao. Nhưng đó là không gian sinh tồn, là môi trường diễn xướng của nhiều sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian và cũng chính là đối tượng, là hình ảnh được khám phá, tái hiện.


Thuở sơ khai, vùng đất mới bồi ấy hoang vu ngập nước phèn. Cảnh trí, thổ ngơi và thời tiết nghiệt ngã còn in dấu trong câu ca: “Tháp Mười đất mặn đồng chua / Nửa mùa nắng cháy, nửa mùa nước dâng”. Nhưng có một sự thật, từ dòng sông Mẹ (Mê Kông, Mè Khỏng) – sông Tiền đến hệ thống kênh rạch chằng chịt, qua bao đời đã cần mẫn chuyền tải một lượng phù sa khổng lồ và quý giá, bồi đắp nên đồng đất phì nhiêu “Tiền Giang nước chảy bềnh bồng / Đổ về Đồng Tháp mặn nồng phù sa”. Nước dâng tới đâu, đất mở ra tới đó. Trái ngọt, hoa thơm và những mùa vàng ấm no cũng theo đó mà nhân lên, tấn tới. Sông nước đã tạo nên mối quan hệ và sự cân bằng sinh thái, thảm thực vật ngập tràn sắc xanh trong ca dao “Đầm sen, bãi sậy, rừng tràm / Kinh dài thét đất, cây xanh rợp trời”…

Sông nước ở Đồng Tháp cũng tạo ra những sản vật đặc trưng mà từ xa xưa, người ta đã tự hào về sự ưu đãi của tự nhiên “Trên cơm, dưới cá / Rau trước ngõ, củi sau hè”. Cho nên dân Đồng Tháp hào sảng mời nhau “Ai ơi về miệt Tháp Mười / Cá tôm sẵn bắt, lúa Trời sẵn ăn”. Ca dao về sản vật địa phương nhờ nguồn lợi sông nước ở Đồng Tháp, đặc biệt phong phú “Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh / Nước Tháp Mười lấp lánh cá tôm”. Câu thành ngữ “nước bạc cơm vàng”, ứng với Đồng Tháp thật đúng nghĩa “Tháp Mười gạo trắng, nước trong /Cá tôm đầy ruộng, thong dong từng đàn”…“Mỹ Trà gạo trắng, nước trong / Ai về bên ấy thong dong con người”.

Ảnh: Sở VHTT & DL Đồng Tháp

Hồi trước, giao thông ở Đồng Tháp chủ yếu bằng đường thủy. Sông nước, kênh rạch thành thủy lộ, xuồng ghe là tài sản. Có tới hàng chục loại: ghe bầu, ghe tam bản, ghe noi, ghe cà om, ghe chài, vỏ lãi, tác ráng…làm nên đặc trưng về phương tiện giao thông vùng nước nổi “Sài Gòn là xứ ngựa xe / Mĩ An là xứ xuồng ghe dập dìu”, “Sông Tiền, sông Hậu cùng nguồn / Thuyền ghe tấp nập bán buôn dập dìu”.

Trong ca dao Đồng Tháp, có khá nhiều bài ca nói về cuộc sống và chiến đấu chống xâm lược của quân dân ta gắn liền với môi trường sông nước. Có thể là niềm tự hào về vùng đất nhiều trai tài gái đảm “Tháp Mười sông nước mênh mang / Sông bao nhiêu nước, trai hùng bấy nhiêu”. Có thể là những ngợi ca về bao chiến công hào hùng diễn ra trên môi trường sông nước “Tam Nông chiến đấu rất tài / Quản Cung gò ấy, đến nay còn truyền”, “Quân ta đóng tại Tân Hồng / Đánh tan tầu Pháp tại sông Bình Thành”, “Ai qua Sa Đéc, Lấp Vò / Nhớ kinh Vĩnh Thạnh, giọng hò Tân Dương”. Chỉ là những địa danh thế thôi, nhưng đó là nốt nhạc lòng, gợi tả chiến công, gợi niềm tự hào cao cả. Cho nên, sông nước là nỗi âu lo khiếp đảm của quân thù :“Pháp vô Đồng Tháp đường cùng / Mĩ vô Đồng Tháp sụp bùn khó ra”…“Kênh xáng chảy qua Cái Tre / Giặc vô tới đó, chạy re từng bầy”… “Tháp Mười sông nước bao la / Giặc vô tới đó làm ma không đầu”. Đồng Tháp tuy không có niềm tự hào là vùng rừng núi “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, nhưng lại có vị thế của vùng bưng biền, từng là căn cứ địa của nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp ngay từ khi chúng đặt chân đến xâm lược đất nước chúng ta, gắn với những tên tuổi lừng danh: Võ Duy Dương, Nguyễn Tấn Kiều, Nguyễn Văn Linh, Phòng Biểu…Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ, Đồng Tháp vẫn được xem là Việt Bắc của miền Nam…“ nơi chôn rau cắt rốn của ta”(thơ Tố Hữu).

“Tháp Mười chiến lũy đầm lầy / Chiến tranh du kích bao vây quân thù”…“Tháp Mười cá lội đầy sông / Đồng sâu lúa chín góp công diệt thù”. Quân dân Đồng Tháp kiên cường xả thân vì độc lập tự do cho quê hương, đất nước, cũng là để tận trung và làm rạng ngời danh thơm vùng đất thành đồng, danh thơm của vị lãnh tụ kính yêu “Quân đi rung sóng Tháp Mười / Để sen thơm mãi tên Người kính yêu”. Sen là loài cây đặc trưng của miệt vườn sông nước Đồng Tháp: “Thấy dừa thì nhớ Bến Tre / Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười”. Có lẽ vì thế mà nhà thơ Bảo Định Giang đã có một bài ca dao trở thành tài sản tinh thần cho một vùng đất và cho cả đất nước – dân tộc: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen / Việt Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ”. Cặp lục bát gọn ghẽ mà gói đủ cả tên đất, tên người; cả cảnh sắc thiên nhiên và cảm xúc; hàm chứa cả sự mô tả và nhận xét; bao quát cả sự mộc mạc, bình dị mà thanh khiết, cao quý, vĩ đại. Sen tỏa sắc hương cho một vùng, Cụ Hồ tỏa sắc hương cho cả non sông. Vẻ đẹp thiên nhiên của vùng quê giầu sức sống, với danh thơm rạng rỡ từ một Con Người, gắn bó khăng khít, tô điểm, tỏa chiếu trong nhau và hòa quyện không thể tách rời…

Nói tới sông nước Đồng Tháp qua ca dao-dân ca, còn phải kể tới số lượng rất lớn các bài ca gắn liền với nghề lao động sông nước: hò chèo ghe, nghề đánh cá tôm, thương lái theo con nước, chăn vịt thả đồng…Đó là một phần tất yếu gắn bó mật thiết, giữa sinh kế và cảm xúc của tâm hồn của người lao động. Đó cũng là không gian-môi trường diễn xướng tự bao đời. Tuy nhiên ở đây, chỉ xin đề cập tới nhóm bài ca giao duyên gắn với môi trường sông nước.

Sông nước là nơi diễn ra, cũng là nơi chứng kiến bao câu chuyện tâm tình, khi đắm say xe kết, lúc buồn bã chia lìa. Sông nước là môi trường lưu giữ, lưu chuyển những bài tình ca trác tuyệt của ngàn vạn đôi trai gái. Và kì diệu thay, chính cái môi trường ấy lại in bóng dáng lung linh trong những bài ca tình tứ. Nó tự nhiên trở thành đối tượng thứ ba, khi cần có sự chứng kiến, chứng giám cho hai nhân vật trữ tình, từ khi gặp gỡ làm quen, ngỏ lời xe kết, đến khi tiễn biệt xa cách. Sông nước cũng trở thành người bạn gần gũi để giãi bày nỗi niềm khi chờ trông, mong đợi, hoặc là điểm khởi hứng dễ khơi gợi xúc động về những kỉ niệm của tình yêu. Điều đó lý giải vì sao ca dao ở đây lại sử dụng nhiều đến thế, các cặp hình ảnh: thuyền-chèo, sông sâu-sào vắn, sông rộng-rừng sâu, bến sông-cồn cát, trên trăng-dưới nước, sự vơi đầy của sông nước-mức độ tình cảm cuả con người, nước chảy xuôi-ghe lườn đi ngược, hoặc những hình ảnh : lênh đênh, bồng bềnh, nước chảy lờ đờ, con đò nghiêng ngả , cách giang cách thủy…Là để diễn tả bao trạng huống tình cảm, lúc hợp khi lìa, lúc thuận buồm xuôi gió, khi trắc trở chông chênh…

Sông nước dẫn họ đến cuộc hẹn hò: “Sông sâu nước chảy láng lầy / Ai đưa em đến chốn này gặp anh / Đào tơ sen ngó xanh xanh / Ngọc lành phải giá, gái lành phải duyên”, “Mênh mông bát ngát nghe em hát hữu tình / Phải căn duyên tiền định, hai đứa mình gặp nhau”. Sông nước là cái cớ để bắt chuyện, ướm hỏi: “Cắm sào em đợi nước ròng / Bao giờ em mới lấy chồng hả em”, “Nước rong rồi nước đi xa / Chèo mau anh đợi, thuyền ta cùng về”, “Ngó lên Sở Thượng thêm buồn / Muốn giâm cội rễ, ngặt đường xa xôi”, “Anh về nước ngược, em về nước xuôi / Giá như ghe được chung dòng / Anh đây, em đấy thỏa lòng ước mong”.

Tràn đầy trong những bài tình ca là biết bao nhiêu cung bậc, nỗi niềm: thận trọng khi tỏ tình, đắm say khi xe kết, buồn bã khi chia xa, da diết khắc khoải khi ngóng đợi: “Nước chảy ra ngã ba Tân Công Chí nước hồi / Lòng em thương bạn đứng ngồi không yên”… “Làm chi nay đợi, mai chờ / Lênh đênh Phong Mỹ, vật vờ Hòa An”. Sông nước cũng là chứng cho lòng thủy chung keo sơn, của bao mối tình nồng nàn: “Sông sâu, nước chảy đá mòn / Còn sông còn biển, hai ta còn thương nhau”. Giữa cảnh mây trời sông nước bao la, câu hò điệu hát tỏ tình vút lên bộc trực mà sâu lắng, chung tình như lời thề bồi nguyện ước: “Trên trăng, dưới nước, anh giao ước một lời / Dẫu trăng mờ, nước cạn, chớ mấy đời anh phụ em”. Ngay cả khi trách móc, hờn giận, sông nước cũng là hình ảnh có hiệu quả để phô diễn nỗi lòng: “Nước chảy cho đá trôi nghiêng / Anh vui chung thiên hạ, để em sầu riêng một mình”. Trong cái mạch giận hờn, than thân, trách cứ của ca dao miệt vườn-sông nước Đồng Tháp, thấy thú vị bài lục bát biến thể khá điển hình: “Anh thương em / Thương quấn thương quýt / Bồng ra gốc mít, bồng xích gốc xoài / Bồng ra ngoài đám sậy, bồng bậy vô mui / Bồng lủi sau lái, bồng ngoái trước mũi / Để em nằm xuống đây / Kể từ ngày  em đau ban cua lưỡi trắng / Tiếc công anh đỡ đứng,  bồng ngồi / Bây giờ em vinh hiển, em bắt anh bán nồi làm chi”. Thật là quắn quýt, xoắn xuýt, trên bờ dưới nước, chăm sóc khi ốm đau. Mà bây giờ, em đỏ da thắm thịt, em bỏ em đi. Thật là nhạt nhẽo, đơn sai. Kẻ vô tình, người tội nghiệp!

Quả là sẽ nghèo đi một phần đáng kể, nếu ca dao Đồng Tháp bị tách ra khỏi môi trường sông nước. Đó là không gian sinh tồn, là môi trường diễn xướng, là nơi sản sinh ra những vần ca dao trác việt, nhưng cũng là đối tượng để ca dao khám phá tái hiện thành hình ảnh nghệ thuật, vừa dạt dào cảm xúc vừa lung linh bóng hình!

                                                                             Đinh Thiên Hương

Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

SÔI NỔI GIẢI TENNIS “AMS VÀ DROPPII”

SÔI NỔI GIẢI TENNIS “AMS VÀ DROPPII”

Hơn 250 vận động viên tham dự Hội thao Công an Thành phố Cần Thơ mở rộng năm 2024

Hơn 250 vận động viên tham dự Hội thao Công an Thành phố Cần Thơ mở rộng năm 2024