Không chỉ dừng mọi hoạt động lễ hội, du lịch, văn hóa nghệ thuật ở các địa phương có dịch, nhiều nơi vận động người dân tích cực thực hiện nếp sống văn minh.
Hà Nội là một trong những địa phương nêu gương thực hiện nếp sống văn minh phòng, chống dịch COVID-19. Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội ký văn bản số 1095 đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã vận động nhân dân cưới báo hỷ hoặc hoãn tiệc cưới, thực hiện việc tang văn minh- không tổ chức đoàn viếng đông người, rút ngắn thời gian tổ chức.
Tinh thần tích cực phòng, chống dịch được nhiều địa phương hưởng ứng. Huyện Đông Anh (Hà Nội) chỉ vài ngày vận động đã dừng, hoãn 50 đám cưới, thu gọn quy mô 41 đám cưới. Một gia đình ở tỉnh Hà Tĩnh dừng đám cưới ngay đêm trước ngày cử hành hôn lễ. Gia đình chú rể may mắn được dân làng ủng hộ giải cứu 150 mâm cỗ đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm từ trước. Nhiều trường hợp khác cũng chủ động dừng, tạm hoãn hôn lễ để đảm bảo an toàn cho gia đình, cộng đồng.
Đôi bạn trẻ Phương-Thọ ở huyện Bắc Từ Liêm vui vẻ dừng tiệc cưới ngày 8/5 dù thiệp báo hỉ gửi từ lâu. “Đám cưới là dịp chung vui, là dịp để mọi người gặp nhau và hàn huyên nên hãy để dịp đó thật trọn vẹn, phải vui và khỏe nữa”, cô dâu Phương bày tỏ.
“Tôi biết tổ chức đám cưới là một việc lớn trong đời, sự kiện đem lại niềm vui cho hai bên họ hàng. Chính vì thế, nếu không vì một nguyên nhân thực sự quan trọng thì không ai muốn hoãn. Những gì chúng ta chứng kiến ở Mỹ trước kia, ở Ấn Độ hiện nay khiến rất nhiều người bàng hoàng, đau xót. Ở ta nhờ nỗ lực của chính quyền các cấp, các ngành, các địa phương và đặc biệt là sự chung tay, góp sức của cả nước cho nên dịch bệnh được kiểm soát tương đối tốt. Mặc dù vậy, chúng ta không được phép chủ quan. Vì thế, hi sinh lợi ích của bản thân vì lợi ích chung của cộng đồng cần được xem là trách nhiệm của mỗi cá nhân”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia nêu.
Cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh chưa bao giờ được hưởng ứng mạnh mẽ như trong bối cảnh này. Với người Việt, việc hiếu cũng hệ trọng nhưng vì an toàn dịch bệnh nên nhiều thủ tục tang lễ được rút gọn.
Dịch bùng phát cũng khiến mọi hoạt động văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo và đời sống bị ảnh hưởng nặng nề. Theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, điều này ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu tinh thần của nhân dân, bởi giai đoạn khó khăn chính là khi chúng ta cần sự an ủi. Chính vì thế cần sự thấu hiểu và thông cảm từ phía người dân đối với những nỗ lực của Đảng và Chính phủ. “Trong lúc này, giữ an toàn sức khỏe cho mình và mọi người vừa là mệnh lệnh của trái tim vừa là trách nhiệm đạo đức của mỗi công dân”, TS. Bùi Hoài Sơn nói.
Theo Tienphong