Hành trình về phương Đông của Hoàng Thái tử Nga

11:23 | 11/03/2022

Cách đây 130 năm (1891), vị Hoàng Thái tử của nước Nga, người sau đó trở thành Sa hoàng Nikolai đệ Nhị đã đến thăm Sài Gòn. Năm ngoái (2021), tại Moskva, một cuộc hội thảo được tổ chức để kỷ niệm sự kiện này và đánh giá đây là bằng chứng lịch sử của việc nước Nga “hướng Đông”, chuẩn bị bước vào một đế chế mới, một thế kỷ mới gắn với khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đó cũng là những mốc lịch sử quan hệ Nga-Việt và một số nước vùng Viễn Đông.


Thái tử thăm Siam
Sự kiện này được Hoàng thân Oukhtomsky, người thân tín của Thái tử tháp tùng chuyến đi thuật lại trong tác phẩm bằng tiếng Nga và được dịch sang tiếng Nhật, Hà Lan và tiếng Pháp xuất bản năm 1898. Bản tiếng Pháp có tiêu đề chung là “Voyage en Orient” (Hành trình về Phương Đông).
Bản tiếng Nga sách “Hành trình về Phương Đông”
Sách thuật lại rằng, năm 1891, khi Thái tử trưởng nam của Sa hoàng Alexandre đệ Tam vừa tròn 23 tuổi lại vừa tốt nghiệp Đạị học Khoa học và Quân sự, vua cha đã giao cho một hạm đội để thực hiện một hải trình đi về Phương Đông nhằm chuẩn bị những năng lực và những trải nghiệm cho người sẽ kế vị ngai vàng…Soái hạm “Pamiat-Azowa” dài 152m, trọng tải 6700 tấn, trang bị 15 đại bác và 17 pháo nhỏ với hơn 600 thủy thủ và sĩ quan…mới hạ thủy năm 1888 cùng 4 hạm hộ tống sẽ xuất phát từ bở biển nước Nga từ Đại Tây Dương qua Địa Trung Hải sang Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương để trở về quân cảng miền cực Đông nước Nga với những điểm cập bến chính là : Calcutta, Bombay, Colombo, Singapore, Batavia, Bangkok, Saigon, Hongkong, Kobe, Vladivostock và Khabarovsk.
Tin tức về chuyến thăm của Thái tử trên báo chí ở Pháp và Nam Kỳ
Chưa rõ vì sao Thái tử Nga, một tín đồ Chính thống giáo, trong chuyến đi này lại rất chú ý đến việc khảo cứu Đạo Phật. Hai quốc gia đầu tiên là Ấn Độ và Tích Lan (Ceylan, Srilanca) đươc Thái tử thăm thú rất kỹ càng và sưu tầm nhiều kinh kệ cũng như Phật tích, sau chuyến đi trao lại cho Viện Hàn lâm Khoa học Nga biên soạn một bộ thư mục về Phật giáo rất đồ sộ.
Chân dung Thái tử
Nước thứ 3 Thái tử đến là Vương quốc Xiêm (sau là Thái Lan) là xứ sở vốn có quan hệ khá mật thiết với nước Nga. Sa hoàng Alexandre III đã có mối quan hệ tốt đẹp với Vua Rama IV, vị vua từng mời nhạc sĩ Nga soạn quốc thiều (phần nhạc của quốc ca) cho vương quốc của mình… Sau chuyến đi này, Vua Rama V cũng thăm Nga theo lời mời của thái tử lúc này đã trở thành Sa hoàng Nikolai Alexandrovic đệ Nhị…
Chân dung khi đã trở thành Sa hoàng
Với triều đình Đại Nam thì nước Nga còn rất xa lạ. Trong chính sử chỉ thấy thấp thoáng một vài sự kiện mờ nhạt như vụ việc năm 1871, Phạm Phú Thứ được sai sang Hongkong mua 20 vạn cân diêm tiêu của một thương nhân Nga để triều đình làm thuốc súng. Khi hàng nhập về phát hiện kém chất lượng và việc buôn bán có khuất tất nên Vua Tự Đức quở trách và bắt bồi hoàn…
Thái tử ở Ấn Độ
Thương nhân Nga sang Thuận An nhận lại diêm tiêu lại chào hàng là các loại súng và tàu máy nhưng bị từ chối….Tuy nhiên, chuyến thăm của Thái tử lại được chính quyền Pháp rất quan tâm, đưa ra lời mời từ rất sớm và dự phòng một khoản chi phí khá lớn nhằm mục đích quảng bá hình ảnh xứ thuộc địa quan trọng của nước Pháp ở Viễn Đông và tìm kiếm đồng minh để ứng phó với nước Nhật đang trỗi dậy.
Soái hạm của Thái tử và hạm đội tháp tùng
Đoàn của Thái tử Nga cập bến Sài Gòn vào chiều ngày 27-3-1891, người trực tiếp ra đón tại Soái hạm “Azowa” là Toàn quyền Đông Dương Piquet. Hai mươi mốt phát đại bác chào mừng, đạo quân danh dự hộ tống cũng tiếng hô bằng tiếng Nga “Huara!” vang rền giành cho Thái tử và Nước Nga, bữa dạ tiệc và biểu diễn nghệ thuật theo phong cách Phương Tây kéo dài thâu đêm, cho thấy chính quyền Nam Kỳ rất trọng thị đối với khách Nga.
Cảnh lễ đón tiếp tại Cảng Sài Gòn minh hoạ trong sách
Rồi các cuộc duyệt binh, thăm viếng lẫn nhau cùng các bài diễn văn khiến vị Thái tử trẻ tuổi cũng đáp lại bằng những lời nồng hậu về quan hệ Nga-Pháp và ngợi ca xứ thuộc địa Nam Kỳ. Sau khi thăm những địa điểm trong Thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn bằng xe điện (chạy hơi nước), ngày 31-3-1891 Thái tử Nga được mời đi dự buổi săn bắn tại Bảo Hà (Thủ Dầu Một cách Sài Gòn 40 cây số) vốn nổi tiếng như một đặc sản Nam kỳ dành cho khách quý nước ngoài.
Hình ảnh quảng bá chuyến thăm
Tại đây Thái tử được tặng 2 con báo đen và bức tượng gỗ tạc Nữ thần Săn bắn theo phong cách của dân bản địa. Và trước lúc lên đường, Thái tử đã mời các quan chức chủ nhà dự tiệc tại soái hạm của mình…để có cơ hội bày tỏ thành lời : “Ở Sài Gòn, tôi cảm thấy như trong gia đình.Thật tiếc là không thể nán lại ở lâu hơn với các bạn”…
Cổng chào trên Đường Catinat
Trước khi tới Sài Gòn, Thái tử đã ghé qua Singapore, sau đó là Batavia (của Hà Lan, nay là Indonesia), rồi đi Kobé của Nhật Bản, đến Hongkong lúc này đã là thuộc địa của Anh và kết thúc ở những hải cảng vùng Viễn Đông của Nga… Trong phần viết của mình, Hoàng thân Oukhtomsky đã đưa ra nhiều đánh giá về cảnh quan, con người Việt Nam cũng như thành phố thuộc địa của Pháp.
Bức tượng Thần săn bắn, quà tặng Thái tử
Ông nói tới những tiềm năng thiên nhiên như các loại nông sản và than đá vùng đông bắc nước ta. Ông cho rằng so với Sài Gòn, Singapore cũng thua xa về mặt vị trí quân sự. Còn khi mô tả cảnh quan thành phố, tác giả cũng chú thích rằng nó được xây dựng trên vùng đất mà chính người dân bản xứ đã tự mình đốt phá trong khi tham gia cuộc nổi dậy chống sự đô hộ của người Pháp và còn nhắc đến một sự việc lúc ấy còn mang tính thời sự là có những viên quan khi buộc phải giao thành cho Pháp đã uống thuốc độc tự sát (trường hợp Phan Thanh GIản)…
Cổng chào chính tại nơi bây giờ là Quảng trường Mê Linh
Chân dung tướng Nga Stoessel thăm Sài Gòn
Sau chuyến đi này, chỉ 4 năm sau, Thái tử đã đăng quang thành Sa hoàng cuối cùng trong lịch sử Đế chế Nga. Sử sách tiếp tục ghi nhận : ngày 14-3-1892, có một “đô thống Nga La Tư tên là Va A Xanh Ky” ( theo phiên âm của sách “Thực Lục”) đã từ Trung Quốc vượt biên giới qua Lạng Sơn thăm Bắc Kỳ rồi đến Huế được Hoàng đế Thành Thái tiếp, tặng kim khánh và vị khách tiếp tục vào Sài Gòn vào cuối 1872.
Lễ diễu binh đón chào Thái tử Nga
Bước vào thế kỷ XX, quan hệ giữa nước Pháp ở Đông Dương với Nga có phần mật thiết nhằm đối phó với Nước Nhật đang vươn lên tự cường. Ngày 27-1-1905, Tướng Nga Anatoly Stoessel người chỉ huy phòng thủ Cảng Lữ Thuận đương đầu với Nhật Bản sang Sài Gòn được đón tiếp như một anh hùng và ngày 31-3-1905 Hạm đội Baltique của Hải quân hoàng gia Nga trên đường hành quân sang đấu trận hải chiến với Hạm đội Nhật đã ghé đậu tại Vịnh Cam Ranh để tiếp nhiên liệu.
Toàn quyền Piquet đón Thái tử tại Dinh Thống đốc
Pháp muốn liên minh với Nga nhưng ngại Nhật nên muốn tỏ ra trung lập nên thúc dục Hạm đội Baltique sớm lên đường, nhưng phẩi đến ngày 1-5-1905, mới nhổ neo rời bờ biển Việt Nam… Để rồi, chẳng bao lâu sau nó bị quân Hải quân của Nhật hoàng đánh cho tan tác ở eo biển Đối Mã (Tushima)…
Thái tử ở Kobe Nhật Bản
Trang báo Thể Thao Văn Hoá
Chính trong thời gian hạm đội Baltique neo đậu tại Cam Ranh, ba nhà chí sĩ ái quốc là Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng đã lên thăm tàu…và thất bại của Hạm đôi Nga càng hướng phong trào ái quốc nước ta khi đó hướng vọng vào tấm gương của người “đồng chủng đồng văn” Nhật Bản…Phải đến sau khi vị Sa hoàng từng đến thăm Sài Gòn bị lật đổ và bị sát hại, thì hình ảnh nước Nga ở Việt Nam mới chuyển sang một chiều hướng khác…
Bài thứ 26 đăng trên “Thể Thao văn Hóa” thứ Hai ngày 28-2-2022.
Dương Trung Quốc

Cùng chuyên mục

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

Chung tay cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam chia sẻ khó khăn với bà con vùng bão lũ

Chung tay cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam chia sẻ khó khăn với bà con vùng bão lũ

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”