Sau những tháng ngày miệt mài và tâm huyết, dự án “Truyện cổ người Ba Na với trẻ em Ba Na ở Kon Tum”, hai nữ sinh Hồ Nguyễn Nghi Dung và Lê Hoàng Nhật Lam đã hoàn thành và giành giải nhất tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.
Nghi Dung và Nhật Lam là học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, TP.Kon Tum.
“Ăn, ngủ” với đề tài
Hơn 1 năm ròng, vào những ngày cuối tuần, Nhật Lam và Nghi Dung rong ruổi xe máy ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số tìm hiểu cuộc sống của người dân Ba Na để bổ sung tư liệu.
Các làng người Ba Na, trường học và hàng chục nghệ nhân như: A Bưu, A Bưr, Y Trang… ở xung quanh TP.Kon Tum dần dà quen mặt hai nữ sinh cứ đến nhà trò chuyện, ghi chép, ghi âm, chụp ảnh, sưu tầm về văn hóa, truyện cổ. Có chỗ mất một vài giờ, nhưng có nơi mất cả buổi, do các nghệ nhân kể chuyện theo kiểu truyền thống “hát nói” sử thi kéo rê thời gian. Đây là khâu khó khăn nhất của hai nữ sinh. Bởi vốn tiếng Ba Na của hai cô gái chỉ “lõm bõm”, còn các nghệ nhân kể chuyện đan xen tiếng Kinh và Ba Na. Khi ấy phải ghi âm rõ ràng, về mở lại nghe và chép lại. Đoạn nào không hiểu sẽ nhờ người quen, đặc biệt là các giáo viên người Ba Na dịch lại.
Thông qua hình thức tiếp xúc nói trên, hai nữ sinh đã khảo sát khoảng 10.000 lượt thanh thiếu niên dân tộc thiểu số đang là học sinh ở các trường của TP.Kon Tum về những hiểu biết về truyện cổ dân tộc Ba Na. Hai nữ sinh phát hiện, khoảng 90% học sinh Ba Na dù học tại các trường có thư viện, tủ sách tự đọc, có dạy về văn học địa phương nhưng biết rất ít về sách liên quan đến văn hóa, văn học đồng bào dân tộc thiểu số và hầu như không phân biệt hoặc không biết về văn hóa Ba Na. Chính điều này đã khiến hai nữ sinh thôi thúc hơn trong sưu tầm, nghiên cứu đề tài.
Cả hai nhận ra, do học sinh tiểu học người Ba Na có vốn tiếng Việt hạn chế, nên việc đọc rất khó khăn. Các em lại không có thói quen đọc sách và gần như không ai kể chuyện hoặc giúp các em đọc sách về truyện cổ dân tộc mình. “Trong hành trình sưu tầm, nghiên cứu những tư liệu, truyện cổ Ba Na, tụi cháu còn nảy ra việc làm sao truyền tải hay, hình thức đẹp để thu hút các em nhỏ dân tộc thiểu số tìm đến với sách và chịu đọc sách”, Nhật Lam cho biết.
Càng đi sâu vào đề tài, hai nữ sinh trung học càng có mục tiêu rõ ràng hơn, đó là đưa truyện cổ Ba Na đến với trẻ em Ba Na dưới hình thức song ngữ tiếng Việt – Ba Na, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Đề tài sẽ góp phần rèn luyện kỹ năng đọc tiếng mẹ đẻ của học sinh người Ba Na; khơi dậy niềm tự hào về kho tàng văn học dân gian Ba Na và giúp trẻ em nơi đây gìn giữ những giá trị văn hóa dân tộc. Đó là chưa kể với các trường học, sản phẩm của hai nữ sinh sẽ làm nguồn tư liệu tin cậy, giúp giáo viên giảng dạy văn học địa phương hiệu quả hơn.
Thể hiện bằng truyện tranh song ngữ
Tiếp xúc với chúng tôi, Nhật Lam và Nghi Dung kể, khi sưu tầm truyện cổ thành tập và mang đến cho học sinh Ba Na thì các em không hứng thú gì, chỉ xem qua loa nên không hiểu nội dung truyện. Đến khi chuyển thể thành truyện tranh song ngữ thì các học sinh Ba Na đọc ngấu nghiến, nhờ tranh vẽ đẹp, các “đúp” vẽ gần gũi với sinh hoạt của người Ba Na. “Ngay cả một em bé câm điếc ở làng Plei Klếch, khi thấy truyện tranh song ngữ này cũng thích thú. Nhìn ánh mắt em nhỏ sáng lên, cháu biết công sức của hai đứa thật có ích”, Nhật Nam nói.
Nhiều giáo viên ở TP.Kon Tum cũng cho rằng các tập truyện chuyển thể song ngữ thực sự thu hút, tạo hứng thú cho người xem; học sinh hiểu được nội dung câu chuyện, giá trị tác phẩm. Nghệ nhân A Bưu (ở làng Tbâu Klếch, xã Ngọc Bay, TP.Kon Tum) cho rằng thể hiện truyện tranh qua hình thức song ngữ sẽ giúp đồng bào Ba Na tiếp cận nhanh hơn và lưu truyền lâu hơn so với lối kể chuyện “hát nói” truyền thống lâu nay của người Ba Na.
Cô Nguyễn Thị Thủy Tiên, giáo viên hướng dẫn cho hai nữ sinh, cho biết quan sát sự miệt mài của hai em, thấy cùng có tâm hồn đồng điệu, nhân hậu, đồng thời có tư duy độc lập, có năng khiếu nên chọn hai em để hướng dẫn làm đề tài. “Từ đầu đến cuối các em tự làm, tự đi khảo sát, tôi chỉ hướng dẫn mỗi khi các em gặp khó cần chia sẻ kinh nghiệm”, cô Thủy Tiên nói.
Theo Thanhnien