Hai Bà Trưng: Nữ vương Việt vang danh sử sách Trung Quốc

12:33 | 24/02/2022

Đầu thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai nữ anh hùng đứng đầu cuộc khởi nghĩa lớn và sớm nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam cũng như trong lịch sử nhân loại chống xâm lược, nô dịch của nhà Đông Hán. Hai Bà Trưng trở thành nữ hoàng đầu tiên, cai quản quốc gia, dân tộc sau khi đất nước được giải phóng. Tên tuổi Hai Bà Trưng không chỉ được nhiều người dân Việt Nam biết đến mà cũng được sử sách Trung Quốc nhắc đến rất nhiều.


Từ khi nhà Đông Hán thành lập, Hán Quang Vũ Đế tuy chưa dẹp xong các lực lượng cát cứ phương Bắc nhưng vẫn quan tâm tới miền Nam. Tích Quang, Nhâm Diên là Thái thú Giao Chỉ và Thái thú Cửu Chân của nhà Hán, ra sức thực hiện chính sách đồng hóa, thay đổi tập tục từ hôn nhân đến y phục, lễ nghĩa của người Việt bắt theo người Hán, dẫn đến xúc phạm nặng nề tới phong tục cũ nhiều đời của người Việt.

Năm 34, Tô Định sang làm Thái thú Giao Chỉ, ách thống trị của nhà Đông Hán càng nặng nề hơn với người Việt. Tô Định tàn bạo và tham lam, tăng cường phục dịch và thuế khóa đối với người Việt để cống nạp cho triều đình nhà Hán. Sự đụng chạm lớn về văn hóa, tín ngưỡng và kinh tế khiến mâu thuẫn giữa người Việt và chế độ thống trị của nhà Hán ngày càng gay gắt. Vì vậy nhiều Lạc tướng người Việt đã đoàn kết nhau lại để chống đối.

Trong các cuộc chiến chống nhà Hán, tiêu biểu có cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai chị em sinh đôi, là con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh (người đứng đầu bộ lạc huyện Mê Linh, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay). Hai bà thuộc dòng dõi Hùng Vương oai vệ. Hai Bà mồ côi cha sớm nhưng được mẹ quan tâm nuôi nấng, dạy cho nghề trồng dâu, nuôi tằm, dạy con lòng yêu nước, rèn luyện sức khoẻ, rèn luyện võ nghệ. Trưng Trắc kết hôn với con trai Lạc tướng ở Chu Diên là Thi Sách, hai nhà cùng có chí hướng chống Hán. Công việc chuẩn bị dường như mới chỉ bắt đầu thì đã bị chính quyền đô hộ của Đông Hán phát hiện. Thái thú Tô Định thẳng tay đàn áp ngay lập tức. Thi Sách bị Tô Định đánh úp và giết chết.

Ở quyển 86 của “Hậu Hán thư”, phần “Tây Nam di liệt truyện” có viết:

“Năm Kiến Vũ thứ 16, thời Hán Quang Vũ Đế, hai người phụ nữ Giao Chỉ là chị em Trưng Trắc (chữ Hán: 徵側) và Trưng Nhị (chữ Hán: 徵貳) tạo phản, tấn công quận phủ. Trưng Trắc là con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh. Bà ta được gả làm vợ cho người xứ Chu Diên tên Thi Sách (chữ Hán: 詩索), là kẻ hùng dũng. Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định (chữ Hán: 蘇定) dùng luật pháp để kiềm chế bà ta. Trưng Trắc phẫn nộ, bèn tạo phản. Những tộc trưởng xứ Man ở các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố hưởng ứng, bà ta đã chiếm được 65 thành trì và tự xưng là Nữ vương. Thứ sử và Thái thú quận Giao Chỉ chỉ còn biết cố thủ. Hán Quang Vũ Đế vì vậy đã ra lệnh cho quận Trường Sa, Hợp Phố và Giao Chỉ chuẩn bị xe, thuyền bè, sửa cầu, mở thông lối đi qua khe núi, trữ lương thảo”.

Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa tại Hát Môn.

Cửa sông Hát (Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh  Hà Tây) là nơi khởi phát công cuộc tụ nghĩa và khởi nghĩa. Thời điểm nổ ra cuộc khởi nghĩa là niên hiệu Kiến Vũ thứ 16 tức năm 40 SCN.

Khởi nghĩa Hai Bà Trưng lập tức được sự hưởng ứng của các lạc tướng và nhân dân quận Giao Chỉ rồi toàn miền Nam Việt và Âu Lạc cũ. Xuất phát từ Hát Môn, Hai Bà đánh phá đô uý trị của giặc ở Hạ Lôi (Mê Linh) sau đó kéo quân từ Mê Linh xuống Tây Vu đánh chiếm Cổ Loa. Từ  Cổ Loa, quân của Hai Bà vượt sông Hoàng, sông Đuống đánh chiếm Luy Lâu (nay ở Lũng Khê, Thuận Thành, Bắc Ninh) là châu trị và quận trị của bọn đô hộ nhà Hán.

Hoảng sợ trước khí thế ngút trời của nhân dân Âu Lạc, bọn địch không dám chống cự bỏ chạy tháo thân về nước. Thái thú Tô Định cũng lẻn trốn về nước. Chỉ trong vòng hai tháng, nghĩa quân Hai Bà Trưng giải phóng toàn bộ đất nước (65 quận, huyện, thành), giành chủ quyền về tay dân tộc.

Mùa hè năm Canh tý (40) Bà Trưng Trắc được tướng sĩ tôn lên làm vua, hiệu là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở quê nhà là lỵ sở huyện Mê Linh cũ. Bà Trưng Nhị được phong là Bình khôi Công chúa. Các tướng sĩ khác đều được phong thưởng chức tước, tiền bạc, ruộng đất. Dân cả nước được xá thuế hai năm liền.

“Hậu Hán thư” có viết:

“Năm thứ 18 , Quang Vũ Đế sai Phục Ba tướng quân Mã Viện (chữ Hán: 馬援), Trung lang tướng Lưu Long (chữ Hán: 劉隆) và Lâu thuyền tướng quân Đoàn Chí (chữ Hán: 段志) dẫn quân Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng, Thương Ngô hơn vạn người đi thảo phạt. Vào mùa hè tháng 4 năm 43, Mã Viện phá Giao Chỉ, trảm Trưng Trắc và Trưng Nhị, những kẻ đồng đảng đầu hàng hoặc giải tán. Tiến đánh bọn Đô Dương (chữ Hán: 都陽) ở Cửu Chân, phá tan và bắt hàng phục. Bắt hơn 300 kẻ cầm đầu dời đi Linh Lăng (chữ Hán: 零陵). Vùng Lĩnh Biểu (chữ Hán: 領表) coi như bình định.”

Mùa hè năm 42 (niên hiệu Kiến Vũ thứ 17), nhà Đông Hán phong Mã Viện làm phục Ba tướng quân, thống lĩnh quân sĩ sang đánh nước ta. Mùa hè năm 43 (niên hiệu Kiến Vũ thứ 18), quân Mã Viện tiến qua Long Biên, Tây Vu đến Lãng Bạc ở phía đông Cổ Loa. Hai Bà Trưng đã tiến quân từ Mê Linh qua Cổ Loa xuống Lãng Bạc đánh quân xâm ược. Mã Viện là viên tướng có dày dặn kinh nghiệm trận mạc, có số quân đông, thiện chiến, có các lực lượng thủy bộ phối hợp, lại rất thành thạo lối đánh tập trung theo kiểu trận địa chiến. Nhưng vì tương quan lực lượng quá chênh lệch và sau một thời gian hồi sức trở lại, Mã Viện đã dần dần giành thế chủ động. Trong khi đó Hai Bà Trưng lực lượng vừa tập hợp, còn quá non trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, không có khả năng cầm cự lâu dài với quân xâm lược Đông Hán ở Lãng Bạc.

Thấy không thể kéo dài thời gian cầm cự với Mã Viện được nữa. Trưng Trắc quyết định rút quân khỏi Lãng Bạc, lui về giữ thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Thành Cổ Loa kiên cố, thủy bộ liên hoàn đã được Trưng Vương sử dụng, khai thác tất cả lợi thế của nó để hy vọng chặn đứng và tiêu diệt đoàn quân xâm lược đã giành được thế chủ động và đang ào ạt tiến về hướng kinh thành Mê Linh. Lúc này chiến trường trải rộng khắp vùng Từ Sơn, Tiên Du, Đông Anh và nhất là khu vực xung quanh Cổ Loa. Nhiều tướng lĩnh của Trưng Vương đã chiến đấu và hy sinh trong những ngày tháng này như Đồng Bảng ở Gia Lộc (Đại Hùng, Đông Anh) Thủy Hải, Đăng Giang ở Đại Vĩ (Hà Vĩ, Liên Hà, Đông Anh)…

Tòa thành Cổ Loa kiên cố cũng không giúp Trưng Trắc bảo toàn được lực lượng trước sức tấn công ào ạt của Mã Viện, bà phải đem quân về kinh thành Mê Linh ở Hạ Lôi (Mê Linh, Vĩnh Phúc). Mã Viện đem quân thuỷ, bộ đuổi theo. Cuộc cầm cự diễn ra ác liệt cuối cùng Hai Bà bị thương nặng và gieo mình xuống dòng sông Hát tự trẫm chứ không chịu sa vào tay giặc. Các tướng của Hai Bà phần nhiều bị thương phải chạy về bản doanh của mình.

Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa.

Sử ta ghi nhận, trận giáp chiến cuối cùng trước khi xa lìa dương thế của chị em Hai Bà Trưng với quân nhà Hán là vùng đất Cấm Khê năm Quý Mão (43), nên mới có câu: “Cấm Khê đến lúc hiểm nghèo/ Chị em thất thế phải liều với sông”. 

Dẫu vậy, hiện nay xung quanh những giờ phút cuối cùng của hai nữ anh hùng còn lắm ý kiến trái chiều nhau. Trong sử chính thống của ta thì cái chết của Hai Bà được “Toàn thư” ghi rất chung chung: “Trưng Nữ Vương cùng em gái tên là Nhị chống cự lại với quân nhà Hán, thế cô, đều bị thất trận chết”. Ấy là ghi chép trong chính sử. Tuy nhiên, khi nói cụ thể về cái chết của Hai Bà, nguồn sử liệu thật có sự chông vênh nhau.

Ngay như trong “Việt sử lược” cuốn sử được coi là lâu đời nhất của nước ta còn giữ được thì viết Hai Bà Trưng bị giặc giết nhưng lời lẽ xem ra có ảnh hưởng từ sử liệu của Trung Hoa: “Năm thứ 19 (43), Trắc càng khốn đốn, chạy trốn, bị Viện giết”.

Thời Trần, Lê Trắc khi chạy theo quân Nguyên có viết “An Nam chí lược”. Họ Lê cũng đề cập đến cái chết của hai vị nữ anh hùng, tất nhiên là trên quan điểm bôi bóng, tô hồng cho chiến công của quân Hậu Hán: “Mã Viện do đường duyên hải tiến quân, gặp núi thì làm đường, trải hơn 1000 dặm, kéo quân tới Lãng Bạc đánh nhau và đại phá quân Trưng Trắc, rồi đuổi theo tới đất Kim Khê. Đến năm Kiến Võ thứ 19(43), Mã Viện chém yêu tặc là Trưng Nhị (Nhị là em gái của Trưng Trắc) và đánh luôn cả dư đảng, bọn Đô Lương, đến huyện Cư Phong, bọn nầy chịu đầu hàng, đất Lĩnh Nam đều được bình định”.

Cứ theo ghi chép của Lê Tắc, giữa trận tiền, bà Trưng Nhị bị Mã Viện chém mà chết. Đối với sử Trung Hoa, thì ghi chép về số phận Hai Bà cũng theo hướng trên trực tiếp tiêu diệt được Hai Bà, như “Nam Việt chí” của Thẩm Hoài Viễn có chép rằng Trưng Trắc chạy vào hang Kim Khê, 2 năm sau quân Hán mới bắt được. Ấy nhưng “Thuỷ Kinh chú sớ” của Lịch Đạo Nguyên thì ghi: “Sau Hán sai Phục ba Tướng quân là Mã Viện đem quân sang đánh, Trắc và Nhị chạy vào Kim Khê Cứu, đánh ba năm mới thắng”.

Hai Bà gieo mình xuống dòng Hát Giang mà tự tận.

Dù nhiều thuyết khác nhau về kết thúc Hai Bà là vậy, nhưng nay khi nhắc tới việc này, đa phần nghiêng về việc Hai Bà gieo mình xuống dòng Hát Giang mà trẫm mình. Lại vì Hai Bà chết trận, nên theo Ngô Thời Sỹ việc thờ tự hai nữ anh hùng cũng có điểm đáng chú ý: “Trong đền thờ Hai Bà Trưng, phàm những đồ thờ tự đều sơn đen, tuyệt không có sơn đỏ, dân địa phương ấy không dám mặc áo đỏ, những khi đến yết cáo, ai có mặc áo đỏ đều cởi bỏ đi, không ai dám xúc phạm đến lệ cấm. Tục truyền rằng Trưng Vương chết vì việc binh đao, nên kiêng sắc đỏ, vì giống như máu”. Tương truyền Hai Bà mất nhằm ngày mùng 6 tháng 2 năm Quý Mão.

Sau khi Hai Bà Trưng thất bại, chế độ giao quyền cai quản cấp huyện ở Bộ Giao Chỉ cho các Lạc tướng không còn, quyền lực của các Lạc tướng, Lạc hầu bị thủ tiêu. Theo như cách gọi của sử gia Madrolle thì chế độ bảo hộ chấm dứt, bắt đầu chế độ cai trị trực tiếp. Nhà Hán đặt quan lại cai trị đến cấp huyện.

Hai Bà Trưng và hàng chục, hàng trăm nữ tướng tham gia phong trào kháng Hán, được người Việt Nam hiện đại xem là một tượng đài đáng tôn sùng. Cuộc khởi nghĩa đã góp phần tạo nên truyền thống anh hùng bất khuất, đặc biệt là lần đầu tiên trong lịch sử mà một nữ tướng anh hùng đứng lên vì nền độc lập nước nhà.

Đức Dũng/Văn Hiến Việt Nam

 

Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh