Trong lịch sử đánh giặc ngoại xâm, gìn giữ đất nước chúng ta đã có rất nhiều cuộc khởi nghĩa bảo vệ và thống nhất đất nước, một trong số đó nổi bật là cuộc khởi nghĩa oanh liệt của Hai Bà Trưng.
Cả nước hiện có 103 địa điểm thờ tự Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh ở 9 tỉnh và thành phố.Tuy nhiên, Di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà TRưng tại ở thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) có ý nghĩa quan trọng nhất bởi đây là nơi lưu lại dấu tích của Hai Bà Trưng thời thơ ấu, trưởng thành, phất cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng Vương và định đô.
Đền thờ Hai Bà Trưng tại Mê Linh Hà Nội (ảnh sưu tầm)
Trong lịch sử đánh giặc ngoại xâm, gìn giữ đất nước chúng ta đã có rất nhiều cuộc khởi nghĩa bảo vệ và thống nhất đất nước, một trong số đó nổi bật là cuộc khởi nghĩa oanh liệt của Hai Bà Trưng.
Khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam do hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa đã đánh đuổi được lực lượng cai trị nhà Đông Hán ra khỏi Giao Chỉ (tương đương một phần Quảng Tây, Trung Quốc và Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ Việt Nam hiện nay), mang lại nền độc lập trong 3 năm cho người Việt tại đây.
Bia đá khắc lời thề của Hai vị nữ tướng trước ra trận ( ảnh: sưu tầm)
Trong triều đại phong kiến “trong nam khinh nữ” của chế độ Hán cổ đại, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng được xem là sự đối chọi quyết liệt về văn hóa, nếp sống, nếp tư duy của đôi bên Nam – Bắc, Việt – Hán lúc bấy giờ. Cuộc khởi nghĩa tuy chỉ dành độc lập trong 2 năm nhưng dấu ấn của nó khiến lòng dân và quân giặc luôn nể phục và ca ngợi.
Mời quý độc giả tham quan và tìm hiểu về Đền Thờ Hai Bà Trưng (video: Tạp Chí Văn Hiến)
Đền thờ Hai Bà tọa trên khu đất cao thoáng đãng, nhìn ra đê sông Hồng, với diện tích 129.824 m2. Theo thuyết phong thuỷ, đền toạ lạc trên thế đất “Trán con voi trắng” trong hình cao “Bạch tượng uyên hồ” (voi trắng uống nước trong hồ), đến nay vẫn còn vết tích của những nơi như ao Mắt Voi, vòi voi và hồ Ao bàng; chạy vòng phía trước đền là đường kéo quân của Hai Bà Trưng xưa kia. Sau đền là khu vực thành cổ gồm 2 lớp: Trong là thành, ngoài là quách, người dân gọi là Thành Ống.
Đền Hai Bà Trưng còn có tên gọi là đền Hạ Lôi. Ngôi đền linh thiêng thờ Hai Bà Trưng, liệt nữ anh hùng của dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị – những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị nhà Đông Hán vào những năm 40-43 sau công nguyên, giành lại nền độc lập tự chủ của đất nước.
Theo chính sử, Hai Bà Trưng quê ở làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội). Cha là quan Lạc tướng huyện Mê Linh nhưng mất sớm, mẹ là bà Nguyễn Thị Đoan (tên tục gọi là bà Man Thiện).
Tương truyền, làng quê có nghề trồng dâu nuôi tằm, Hai Bà Trưng là hai chị em sinh đôi, bà chị có tên là Trưng Trắc, em gái có tên Trưng Nhị. Từ nhỏ, Hai Bà Trưng được mẹ mời thầy giỏi trực tiếp dậy bảo nên khi lớn lên đều văn võ song toàn, có lòng thương dân và ý chí tự lập. Năm 19 tuổi, bà Trưng Trắc kết hôn với ông Thi Sách, con quan Lạc tướng thành Chu Diên (vùng Sơn Tây ngày nay) cũng là người có ý chí quyết tâm chống giặc Hán đô hộ.
Đền thờ Hai Bà Trưng (ảnh: sưu tầm)
Sau khi Hai Bà Trưng mất, nhân dân trong nước tôn kính lập đền thờ Hai Bà và các tướng lĩnh giỏi ở khắp mọi nơi. Đền thờ Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội có ý nghĩa quan trọng nhất bởi đây là nơi lưu lại dấu tích của Hai Bà Trưng thời thơ ấu, trưởng thành, phất cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng Vương và định đô.
Đền Hai Bà Trưng gồm các hạng mục: Cổng đền, nhà khách, nghi môn ngoại, nghi môn nội, gác trống, gác chuông, nhà tả – hữu mạc, đền thờ Hai Bà Trưng, đền thờ thân phụ – thân mẫu Hai Bà, đền thờ thân phụ, thân mẫu ông Thi Sách, đền thờ các nữ tướng triều Hai Bà Trưng, đền thờ các nam tướng triều Hai Bà Trưng, nhà bia lưu niệm Hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh, hồ bán nguyệt, hồ mắt voi, suối vòi voi, hồ tắm voi, thành cổ Mê Linh… Lễ hội Hai Bà Trưng được diễn ra từ ngày mồng 4 đến ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch, cũng là ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa (ảnh sưu tầm)
Di tích đền thờ Hai Bà Trưng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2013.
Đây còn là nơi lưu giữ nhiều di vật quý, đa dạng, phong phú về chủng loại và chất liệu như: Gỗ, đá, đồng, sứ, giấy… trong đó di vật gỗ chiếm đa số. Các di vật có niên đại từ triều Nguyễn như hoành phi, hương án, đại tự, câu đối, khám, kiệu, tượng thờ… được chạm khắc công phu, tinh xảo, với các đề tài trang trí: Rồng mây, hoa lá, văn triện, hổ phù… là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện bàn tay tài hoa, khéo léo và tinh tế của ông cha ta trong nghệ thuật tạo tác, phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội và những ước vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hàng năm, khu di tích đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh mở hội chính từ ngày mồng 4 đến ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch, cũng là ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa. Ngày mồng 6 là chính hội. Lễ hội được tổ chức theo nghi thức nhà nước và truyền thống địa phương gồm: Dâng hương, mít tinh kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa và tế lễ theo nghi thức truyền thống cổ truyền. Nhân dân còn ghi nhớ câu ca:
“Có về thăm hội Hạ Lôi
Tháng Giêng mồng sáu cho tôi đi cùng”.
Di tích đền Hai Bà Trưng chứa đựng những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, kiến trúc nên đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2013.
(Trang Moon Văn Hiến)