Vào những ngày cuối cùng của năm Tân Sửu, đi dọc trên các tuyến phố của Hà Nội, dễ dàng bắt gặp những hình ảnh người dân đốt lửa, nấu bánh chưng.
Khi mà ngày Tết Nguyên đán đã cận kề, phong tục gói chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt, thể hiện nét đẹp của nền văn minh lúa nước. Mỗi khi Tết đến Xuân về, người người, nhà nhà lại gói bánh chưng ăn Tết, dâng bánh lên bàn thờ tổ tiên.
Ghi nhận của PV càng cận kề ngày Tết, dọc các con phố của Hà Nội nhiều người dân đã gói xong bánh chưng đưa nồi ra vỉa hè trước nhà nấu bánh.
Những bếp bánh chưng nghi ngút khói được người dân “nổi lửa” ngay trên những vỉa hè đường Thủ đô về đêm.
Ghi nhận trên đường Khương Đình, gia đình ông Sơn đã có 7 năm nhận làm bánh chưng trong dịp Tết đến xuân về. Cứ đến độ sát Tết là ông Sơn lại luộc bánh chưng cho khách. Khách của ông chủ yếu là người thân và hàng xóm xung quanh khu nhà.
Ban ngày ông Sơn chạy xe ôm, tối chỉ kịp nghỉ chút sau đó lại thức trắng đêm để trông nồi bánh chưng. Thông thường đến tối muộn khi mọi người đã đi ngủ, ông mới ra bắc bếp trên vỉa hè dọc sông Tô Lịch để nấu bánh.
“Sau 12 tiếng đun bằng củi tức là đến sáng sớm mới có thể vớt ra, coi như là thức trắng đêm để canh nồi bánh chưng. Nhà tôi làm bánh từ ngày 22 tháng Chạp”, ông Sơn cho biết.
Nhiều nhà nhận gói bánh và luộc cho khách, nên cứ đến độ sát Tết trên những con phố Hà Nội lại nhộn nhịp cảnh người dân gói bánh.
Hầu hết người dân đều gói bánh chưng vuông truyền thống, một số nhà còn gói thêm bánh chưng dài (bánh tép) đặc trưng của người thái.
Những chiếc bánh được xếp vào chiếc nồi được làm từ thùng phi lớn.
Chiếc bánh chưng chính là biểu tượng quen thuộc trong mỗi dịp Tết đến Xuân về của người dân Việt Nam. Đây là món thực phẩm không thể thiếu trong các mâm cỗ ngày Tết, thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no cho con người.
Sông Lam
Nguồn Báo điện tử Công Luận