Gốm Biên Hòa trên di sản

18:00 | 01/11/2019

Gốm Biên Hòa, xưa vốn có một thời kỳ vàng son “trên bến dưới thuyền”, khi mà gốm có mặt ở hầu hết các công trình tại khu vực đền, đài thuộc khu di tích lịch sử trong và ngoài khu vực Đông Nam bộ. Từ các phù điêu, chân dung lịch sử cho tới các cột, kèo trang trí bên ngoài… đều được trang trí và tạo tác bằng gốm sứ Biên Hòa.


 

Gốm Biên Hòa được sử dụng trang trí tại di tích Văn miếu Trấn Biên

Trước sự mai một của gốm truyền thống, những người con Biên Hòa hôm nay đã và đang nỗ lực để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Hy vọng một ngày nào đó, sản phẩm gốm Biên Hòa trên các di sản văn hóa sẽ gần hơn với công chúng.

Hồn gốm trên di sản

Trước thế kỷ XVI, Biên Hòa – Đồng Nai vẫn là vùng đất hoang vu chưa có người khai phá. Đầu thế kỷ XVII vùng đất này trở nên sôi động với sự xuất hiện của người Việt từ vùng Thuận Quảng vào đây khai phá lập làng sinh sống. Năm 1658, Chúa Nguyễn sai Nguyễn Phước Yến đem 3 ngàn quân dẹp loạn đến Mô Xoài chứng tỏ người Việt đã làm chủ tình hình ở đây. Đến năm 1679, nhóm người Hoa do Trần Thượng Xuyên dẫn đầu đem 50 thuyền, 3 ngàn gia nhân đến xin Chúa Nguyễn Phước Tần cho khai khẩn đất phương Nam. Họ đã kết hợp với cư dân bản địa xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, lập đền miếu, làm ăn buôn bán.

Ngôi chùa người Hoa đầu tiên ở miền Nam – chùa Ông (Thất phủ cổ miếu) do Trần Thượng Xuyên và cộng đồng di dân tạo dựng (năm 1684) có lối trang trí của một công trình kiến trúc với những phù điêu, tượng gốm men xanh trên mái đình tinh tế, giàu chất dân gian. Các đề tài được chọn trang trí như: hát bội, hát tuồng, múa hát cung đình, tượng ông Nhật, bà Nguyệt.

Cùng với chùa Ông, đình Tân Lân được xây dựng thời bấy giờ cũng là một công trình nghệ thuật độc đáo. Đặc biệt ở mái tiền đình, những mảng tranh gốm với nhiều cảnh trí, hàng trăm tượng người, vật bằng gốm sứ men xanh… Tất cả thể hiện sức sống mãnh liệt, phồn thịnh của một đô thị (thương cảng Cù lao Phố) xưa trên vùng đất Nam bộ.

Năm 1698, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh của chúa Nguyễn Phúc Chu đi ngược dòng Đồng Nai đến Cù lao Phố, ra sức ổn định dân tình, hoạch định cương giới xóm làng, lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên. Sau khi Nguyễn Hữu Cảnh mất, người dân đã lập đền thờ, tạc tượng chân dung gốm Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh với chất liệu gốm màu cao 1,5m; bệ cao 2,30m. Tượng chân dung theo phương pháp tả thực với những áo mũ, cân đai mô tả nét suy tư của vị công thần thời kỳ khai hoang, xác lập chủ quyền vùng đất mới ở phương Nam.

Nhiều năm làm công tác nghiên cứu gốm trên di sản, anh Phạm Vĩnh (cán bộ Bảo tàng tỉnh) cho biết, dấu ấn Trấn Biên còn có “Tam cổ tự” gồm Đại Giác, Bửu Phong và Long Thiền. Đây được xem là 3 chùa cổ nhất trong tổng số hơn 500 ngôi chùa ở Đồng Nai ghi dấu cho sự mở mang bờ cõi của người Việt. Gốm Biên Hòa không chỉ hiện hữu ở chùa chiền, trên các công trình như: Nhà hội Bình Trước, Quảng trường Sông Phố, Văn miếu Trấn Biên, Đài Kỷ niệm… mà còn được bạn bè thế giới biết đến qua các hiện vật được sưu tầm, triển lãm từ những năm 20 của thế kỷ trước cho đến tận hôm nay.

“Tại Nhà hội Bình Trước (P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) tranh gốm được trang trí với nhiều đề tài như: rồng, mây, sóng nước, hoa lá… khá độc đáo. Phù điêu gốm cũng được thực hiện công phu, sắc sảo. Màu sắc chủ yếu được sử dụng là màu xanh cô-ban trên nền trắng. Hay các mái tại Nhà bái đường Văn miếu Trấn Biên được lợp ngói âm dương xen lẫn ngói men kiểu Trung Quốc. Đầu nhà tam giác là hoa văn hình rồng lá. Đây là hoa văn thường thấy trong gốm Biên Hòa. Tất cả các họa tiết, hoa văn gốm trang trí đều được lấy màu sắc chủ đạo là xanh đồng, xanh cô-ban và men trắng ta truyền thống” – anh Phạm Vĩnh chia sẻ.

Với lối kiến trúc mô phỏng theo kiểu Ngọ môn Huế thời nhà Nguyễn, Đài Kỷ niệm (còn gọi là Đài Chiến sĩ nằm ở P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) là một công trình đặc sắc do hai giáo sư người Pháp là ông Robert Balick và bà Balick – chuyên gia về đồ gốm, thiết kế và thi công. Đứng từ xa, có thể nhìn thấy hai trụ cao của đài được dán bằng gạch gốm men xanh đen. Những mảng hoa văn gốm này được thực hiện công phu, màu sắc hài hòa với hai câu đối chữ Hán.

Kết nối để bảo tồn và phát huy

ThS Đinh Công Việt Khôi, giảng viên Khoa Gốm Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai cho biết, nhiều năm nay nhà trường thường xuyên phối hợp với các đơn vị, địa phương tham gia phục chế gốm theo những mẫu tượng trên các di tích, đền đài. Thời gian trôi qua, nhiều tượng gốm trên các di tích đã và đang bị xuống cấp. Không chỉ thực hiện trong tỉnh mà nhà trường còn được nhiều đơn vị trong cả nước chọn thực hiện các công trình kiến trúc, chẳng hạn như cổng chào Thuận An (Bình Dương)…

Hàng trăm tượng gốm trên mái đình Tân Lân

“Mỗi khi tham gia vào công tác trùng tu, tôn tạo di tích, nhất là phục chế gốm trên di tích, chúng tôi có sự kết nối cán bộ, giáo viên có tay nghề cao của nhà trường nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất. Các di tích của Đồng Nai hôm nay ngoài giá trị lịch sử còn là giá trị tinh thần của cộng đồng dân cư, của lớp người tiên phong trên vùng đất mới. Gìn giữ giá trị gốm trên di tích là cách để chúng tôi góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh” – ThS Đinh Công Việt Khôi chia sẻ.

Nói đến tu sửa, tôn tạo gốm trên di tích, nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến (chủ Cơ sở gốm Hiến Nam, P.Hóa An, TP.Biên Hòa) nói rằng, hiển nhiên đó là một công việc cực khó. Để cảm được vẻ đẹp và giá trị của gốm trăm năm tuổi trên di tích đòi hỏi năng lực thẩm định bao hàm việc nghiên cứu, học hiểu, tiếp xúc trực tiếp nhiều hiện vật… mới có khả năng nắm bắt. “Hằng năm, tôi thực hiện từ 1-2 công trình tu sửa, tôn tạo gốm Biên Hòa trên di tích. Làm nghề này không chỉ dựa vào kiến thức sách vở mà phải dựa vào kinh nghiệm sao cho các công trình thật giống với bản cũ. Từ đó, giới thiệu nét đặc sắc của gốm Biên Hòa đến công chúng” – nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến bày tỏ.

Biết giá trị và phát huy được giá trị gốm truyền thống sẽ góp phần mang sức sống mới cho gốm Biên Hòa. Chính vì thế công tác trùng tu, tôn tạo, kết nối di tích lịch sử, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo vài năm trở lại đây đã và đang được các cấp, các ngành chú trọng. Đặc biệt, nhiều trường học như: Trường THPT Lê Quý Đôn (P.Tân Mai), Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức… đã tổ chức các lớp dạy học làm gốm, lớp ngoại khóa, cho học sinh đến trực tiếp các di tích để tham quan, học tập. Qua đó, giúp học sinh có những định hướng về nghề nghiệp, thêm hiểu, thêm yêu về nghề gốm truyền thống, nâng cao ý thức trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lưu Văn Du cho biết: “Nói đến gốm Biên Hòa, điều trước tiên phải khẳng định nghề gốm là một ngành nghề truyền thống có mặt lâu đời từ hàng ngàn năm trước. Trong quá trình phát triển, kết hợp Đông – Tây và giao thoa các dòng gốm khác, gốm Biên Hòa thực sự tạo được nét đặc sắc, riêng biệt cho đến ngày hôm nay. Đặc biệt, gốm Biên Hòa được làm thủ công thành những tác phẩm độc đáo đã có mặt ở hầu khắp các di tích, đền chùa, miếu mạo… Điều này không chỉ góp thêm một phần tư liệu khi tìm hiểu về gốm Biên Hòa mà còn quảng bá hình ảnh đến với du khách gần xa”.

 

theo Báo Đồng Nai

Video hay

Cùng chuyên mục

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN