Khi nói đến bản sắc văn hóa dân tộc thì không chỉ đề cập văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống do các cộng đồng dân tộc sáng tạo ra trong quá trình sinh tồn, mà còn bao hàm cả phong tục tập quán, ngôn ngữ, lời ăn tiếng nói, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường…
1. Khi “Ký ức vui vẻ” lên sóng mùa đầu tiên trên kênh VTV3 từ tháng 12/2018, khán giả ngay lập tức hào hứng đón nhận bởi chương trình gợi những hoài niệm, những ký ức của nhiều người, nhiều gia đình, nhiều thế hệ từ những năm 1960-2000. Thời thanh xuân tưởng như đã lãng quên, nhiều đồ dùng xưa cũ, nhiều bài hát tưởng như đã là dĩ vãng… được sống lại trong “Ký ức vui vẻ”. Và… chao ôi là nhớ, là thương!
Hay “Quán thanh xuân” lên sóng từ tháng 1/2019 trên kênh VTV1 dẫu format không mới – chương trình âm nhạc kết hợp trò chuyện – nhưng khán giả được sống lại trong những hoài niệm về thời tuổi trẻ với những căn nhà tập thể, những chiếc áo ấm cũ, những chiếc radio, những làng quê Việt êm đềm và cả những ký ức ngọt ngào, lãng mạn của tình yêu đầu.
Những chương trình văn hóa đó mang đến cho người xem biết bao cảm xúc. Các chương trình đều gắn liền với văn hóa của dân tộc, gợi lại nét đẹp một thời với những tà áo dài thướt tha, được đổi thay, cách điệu theo dòng thời gian; với tiếng leng keng tàu điện vốn là tình yêu và nỗi nhớ của bao thế hệ người Hà Nội; với các ca khúc từng là những bản hit đình đám; với sự tinh tế, thanh lịch của người Tràng An; với tính cách hào sảng, chân tình của người Nam Bộ; với sự cần cù, chịu khó của người miền Trung… Đó chính là những nét đẹp làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam.
2. Bản sắc văn hóa dân tộc là khái niệm có nội hàm rộng, với những giá trị đặc trưng mang tính bền vững và trừu tượng. Thuật ngữ này chỉ sắc thái, vẻ đẹp và đặc trưng của một nền văn hóa, một dân tộc, được hình thành và phát triển dưới tác động của các yếu tố lịch sử, tự nhiên, xã hội…; từ đó có thể nhận diện được một nền văn hóa và phân biệt nền văn hóa này với nền văn hóa khác.
Khi nói đến bản sắc văn hóa dân tộc thì không chỉ đề cập văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống do các cộng đồng dân tộc sáng tạo ra trong quá trình sinh tồn, mà còn bao hàm cả phong tục tập quán, ngôn ngữ, lời ăn tiếng nói, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường…
Thời hội nhập toàn cầu, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc càng được quan tâm, bởi quá trình phát triển luôn diễn ra sự giao lưu, tiếp biến văn hóa. Dĩ nhiên sự xung đột giữa các giá trị văn hóa bên ngoài với các giá trị văn hóa truyền thống là không thể tránh khỏi. Dân tộc nào gìn giữ được bản sắc của mình, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa ngoại sinh để chuyển hóa thành yếu tố nội sinh, thì bản sắc văn hóa của dân tộc đó sẽ mãi trường tồn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương mà chung đúc lại… Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”.
Kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (tháng 7-1998) đã ban hành nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển xã hội”. Theo đó, nền văn hóa được xác định mang hai đặc trưng cơ bản là tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.
Các văn kiện những lần đại hội sau đó đã tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán của Đảng ta trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Vấn đề đặt ra là làm sao để đưa Nghị quyết Đại hội XIII thẩm thấu vào cuộc sống, để xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia – dân tộc…
3. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021, GS.TS khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng, văn hóa là căn cước của một dân tộc và phải hiểu văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt – khí chất của dân tộc.
Nhiều giải pháp được đặt ra để giữ gìn hồn cốt đó và thực hiện chấn hưng văn hóa trong thời đại mới. Theo GS.TS khoa học Vũ Minh Giang, trước hết, cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa thì mới dẫn đến những thay đổi về hành động.
Song, đổi mới tư duy về văn hóa không chỉ là câu chuyện của riêng ngành văn hóa mà còn của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong xã hội, bởi văn hóa gắn bó mật thiết với con người trong đời sống thường nhật.
Làm sao để mỗi gia đình trong nhịp sống hối hả thời 4.0 vẫn dành thời gian chăm chút những bữa cơm ấm áp; ngày Tết vẫn sum vầy nấu bánh chưng, bánh tét, làm món mứt gừng, mứt bí, hoặc cùng nhau “tận hưởng” không khí mua sắm chộn rộn của những ngày trước Tết; con cháu luôn hiếu kính với ông bà, cha mẹ; anh chị em thương yêu, thuận hòa như thể tay chân; đạo thầy trò được giữ gìn theo những chuẩn mực đạo đức… Tất cả những điều này làm nên giá trị văn hóa Việt và giá trị văn hóa đó là một định đề bất biến trong quan hệ ứng xử ở mọi hoàn cảnh xã hội, xưa cổ cũng như tân thời.
Đổi mới tư duy về văn hóa là phải đầu tư cho văn hóa một cách bài bản. Những người làm văn hóa phải hiểu lớp lang, hình thức trình diễn của những loại hình diễn xướng dân gian như nghệ thuật tuồng, bài chòi, chèo, cải lương, hát xẩm, hát xoan, chầu văn…; từ đó mới có thể xúc tiến công tác nghiên cứu, truyền dạy văn hóa dân gian cho người trẻ.
Cũng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, trong không gian số, vấn đề hội nhập, tiếp thu văn minh của nhân loại mà không mất gốc là vô cùng quan trọng. Một mặt chống lai căng, một mặt chống những biểu hiện về văn hóa đã không còn phù hợp, cần phải cầu thị và mạnh dạn đổi mới.
Tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số” ngày 6/12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề cập “nội lực” là yếu tố cơ bản, chiến lược, lâu dài và mang tính quyết định trong phục hồi và phát triển. Nội lực ở đây chính là thiên nhiên, con người, truyền thống lịch sử văn hóa, tính tự lực tự cường, sự đoàn kết toàn dân tộc…, tựu trung lại cũng chính là bản sắc văn hóa dân tộc.
Đó là những tín hiệu vui cho thấy quan điểm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có sự thay đổi vượt bậc trong câu chuyện đầu tư xứng tầm cho “sức mạnh nội sinh văn hóa”. Và trong giai đoạn hiện nay, phát huy nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp quan trọng để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước.
Theo Tổ quốc