Từ giáo dục gian lận sẽ tỏa ra ngoài đời, vào chốn quan trường,… tiếp tục hoành hành, đe dọa sự phát triển và an nguy dân tộc.
Khi báo chí bàn luận sôi động về vụ gian lận thi 2018, nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng, gian lận thi cử ở nước ta đã có từ lâu chứ không phải đợi đến mùa thi 2018 vừa rồi.
Quả vậy, gian lận thi đã có từ lâu lắm rồi! Nó xuất phát từ thói gian dối, một tính xấu của con người không riêng gì dân tộc, quốc gia nào. Không khó để nhận ra một thực tế trong tiến trình lịch sử, chuyện gian dối thời nào cũng có, sự “thịnh vượng” của nó tùy thuộc vào khả năng quản trị xã hội của nhà cầm quyền.
Nạn gian dối, lừa lọc chỉ có thể bị kiềm chế khi chính quyền đương nhiệm minh bạch, thượng tôn pháp luật, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Sử cũ từng ghi chép những vụ gian lận thi nổi tiếng. Trong các vụ ấy, cá nhân vi phạm dù là ai cũng đều bị xử phạt nghiêm khắc, nhẹ thì cách chức, tước học vị, bằng cấp; nặng thì tù đày, thậm chí là khép tội chết, tuyệt nhiên không có chuyện xử “nhân văn” theo kiểu “khiển trách”, “cảnh cáo” hay “rút kinh nghiệm sâu sắc”.
Việc xử tội gian lận nghiêm minh như thế có tác dụng tích cực, là gương soi chiếu để kẻ sau không dám làm điều trái luật pháp.
Từ quăng tài liệu đến gian dối “chưa từng có”
Nền giáo dục mới của chúng ta cũng đã có thời gian không có chỗ cho bệnh gian dối phát triển. Nhưng đó đã là “thời xa vắng”.
Tôi từng chứng kiến cảnh cả làng, cả xã đi “quăng giấy”, tức là đưa lời giải vào phòng thi cho con em mình, như đi trẩy hội. Có khi người đi “quăng giấy” còn đông hơn người đi thi, hoạt động rầm rộ, công khai mặc dù khu vực trường thi vẫn có lực lượng chức năng bảo vệ. Trong “bắn” ra (ném đề thi), ngoài “bắn” vào (ném lời giải) cứ như là đánh trận giả vậy.
Khi thi cử được kiểm soát chặt chẽ hơn thì việc “quăng giấy” chuyển sang hoạt động bí mật bằng cách phát huy lợi thế của lực lượng tại chỗ. Những người phục vụ nước uống cho hội đồng, thậm chí cả lực lượng bảo vệ và một vài giáo viên sở tại trở thành “giao liên” giữa thí sinh và người ngoài.
Chuyện “quăng giấy” hay bí mật đưa bài giải bên ngoài vào phòng thi lúc bấy giờ cũng chỉ nhằm mục đích cho con em mình đỗ tốt nghiệp cấp 2 (THCS) hay cấp 3 (THPT) với tâm lý có “tấm bằng” để vào đời. Có lẽ nó vẫn còn chút “vô tư”, chưa bị quyền lực hay đồng tiền chi phối?
Khi kinh tế xã hội phát triển đặc biệt là với cơ chế thị trường, mọi thứ đều có giá của nó. Gian lận thi cử cũng chuyển sang giai đoạn mới, tinh vi hơn, “quy trình” ngày càng chặt chẽ và vì thế giá trị “thặng dư” cũng ngày càng gia tăng hơn.
Ai kinh qua ngành giáo dục, dù là giáo viên hay nhà quản lý, thậm chí là nhân viên hành chính đều có thể biết rất rõ “quy trình”, mánh lới của gian lận thi cử. Những chuyện phù phép điểm số như phóng điểm, cấy điểm, biến không thành có, biến một thành mười; thay đổi đối tượng (dự thi), thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu; gà bài, gà đề, mớm lời giải, thi hộ, thậm chí không cần thi vẫn có điểm,… Tất tần tật không từ một chiêu trò nào, miễn là “gà” của mình được lên lớp, đỗ đại học, tốt nghiệp hay vào biên chế.
Gian lận lúc đầu còn run rẩy vì e sợ nhưng rồi một lần, hai lần trót lọt, thậm chí bị phát hiện cũng chẳng chết ai vì đã “rút kinh nghiệm sâu sắc”, thì bỗng trở nên chai sạn, mặc nhiên được coi như “chuyện thường ngày ở huyện”.
Dư luận từng âm ỉ thông tin chạy trường trước và sau mỗi kỳ thi tuyển sinh. Giá cả rất cụ thể và “lũy tiến” theo thời gian, từ vài trăm ngàn, dăm ba triệu, ba bốn chục và bây giờ là hàng trăm triệu đồng cho một suất vào đại học tùy trường.
“Lợi nhuận” khủng mà chẳng cần bỏ vốn đầu tư khiến những người trong cuộc bất chấp tất cả. Gian lận kết nối, kéo bè, kéo cánh. Gần như cả bộ máy vận hành thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bị cuốn vào cơn bão gian lận khủng khiếp mùa thi 2018, là một bằng chứng sinh động.
Thật dễ hiểu vì sao, hơn mười năm trước, thầy giáo Đỗ Việt Khoa – người hùng chống tiêu cực, gian lận trong trường học – bị ghẻ lạnh, bị “hành” cho lên bờ xuống ruộng đến nỗi phải xin thôi việc? Bởi vì, ông dám là “kỳ đà cản mũi”, dám thách thức nhóm lợi ích vô hình trong giáo dục.
Nhóm lợi ích ấy có thể chỉ là dăm ba người có quyền lực cũng có thể là cả xã hội với tâm lý muốn thi cử dễ dãi để trục lợi. Chống gian lận thi tức là tước đi quyền lợi và bổng lộc của họ, quyền tác oai tác quái trong thi cử và lộc do đút lót, hối lộ.
Còn nhớ, năm 2012, vụ gian lận thi tại Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Lục Ngạn, Bắc Giang) bị phanh phui. GS Ngô Bảo Châu đã gọi đây là “sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử loài người”. Tuy nhiên, trong 42 người gây ra sự kiện ấy, chỉ duy nhất một vị phó hiệu trưởng bị cách chức, còn lại là khiển trách và cảnh cáo.
Và vụ gian lận thi năm 2018 như chúng ta đã biết, nếu vụ trường Đồi Ngô “chưa từng có tiền lệ trong lịch sử loài người” thì vụ này khéo “chưa từng có trong lịch sử vũ trụ”!
Gian lận còn sống dai sống khỏe?
Trước hết có thể nói, Bộ Giáo dục, các ngành chức năng và cả xã hội chưa coi trọng đúng mức hệ lụy nguy hiểm của gian lận thi đối với giáo dục và toàn xã hội.
Chỉ xem gian lận thi là một loại biểu hiện tiêu cực nên chế tài xử lý lỏng lẻo, không có tác dụng ngăn chặn, răn đe. Ngoài Quy chế thi do Bộ GD&ĐT ban hành, không có một văn bản luật nào ghi nhận gian lận thi cử như một loại hình tội phạm tương xứng mức độ mức độ nghiêm trọng. Luật không rõ ràng, cụ thể, tất sẽ dẫn đến việc xử lý lúng túng, qua loa, thậm chí là dung túng, bao che.
Đó là sự bất cập trong cơ chế quản lý giáo dục nói chung và thi cử nói riêng; tâm lý coi quy chế thi như một bảo bối để chống gian lận nhưng thực ra, quy chế thi do Bộ ban hành thoạt nhìn có vẻ chặt chẽ về quy trình nhưng lại bất cập trong việc tổ chức thực hiện.
Việc trao cho địa phương quyền chấm thi là một sai lầm dẫn đến vi phạm thi rúng động dư luận vừa qua. Việc làm ấy của Bộ chẳng khác gì tiếp tay cho gian lận. Những kẻ có quyền, có tiền ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình và không loại trừ các địa phương khác chưa bị lộ, chớp lấy cơ hội vàng, đã làm chuyện động trời như mọi người đã biết, nâng sửa điểm vô tội vạ, thậm chí thí sinh nộp giấy trắng môn trắc nghiệm vẫn đạt điểm 9, 10.
Đó là sự tha hóa của bộ phận không nhỏ giáo viên và quan chức trong và ngoài ngành giáo dục. Sự tha hóa có cơ bùng phát gặp khi tổ chức thi thiếu chặt chẽ, luật pháp chưa minh bạch, xử phạt không nghiêm minh.
Cái vòng luẩn quẩn ấy sẽ không dứt một khi gian dối vẫn ngự trị nơi trường học. Nguồn nhân lực sẽ ra sao khi được đào tạo, nuôi dưỡng trong bối cảnh như thế? Từ giáo dục gian lận sẽ tỏa ra ngoài đời, vào chốn quan trường,… tiếp tục hoành hành, đe dọa sự phát triển và an nguy dân tộc.
Gần một năm nay sau khi phát hiện tiêu cực, gian lận mùa thi 2018 tại ba tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La và cho đến nay, vụ việc càng ngày càng bung ra be bét nhưng chưa thấy một ai – là người đứng đầu ngành, địa phương – “dũng cảm” lên tiếng nhận trách nhiệm.
Gian lận thi xem ra còn sống dai, sống khỏe khi những ai đó nhẽ ra phải gánh trách nhiệm trước tiên chỉ biết than thở, cảm thấy “buồn”, “không vui”, “đau lòng”, “xót xa”.
Theo Vietnamnet