Ghé thăm gia đình sản xuất đồ chơi Trung thu nổi tiếng tại Hưng Yên

13:42 | 13/09/2023

Làng Hảo, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, vốn nổi tiếng với nghề chế tạo đồ chơi Trung thu truyền thống. Những sản phẩm như trống cơm, mặt nạ giấy bồi, đầu lân… được làm thủ công từ đôi tay tài hoa của người dân nơi đây đã khơi gợi lại ký ức tuổi thơ của bao thế hệ trẻ.


Ba thế hệ làm đồ chơi dân gian

Đi qua cổng làng Hảo, xã Liên Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, hỏi bất kỳ người dân nào về các gia đình làm nghề sản xuất đồ chơi Trung thu, thì họ đều có thể kể ra vanh vách hàng chục cái tên. Con số này dù không nhiều nhưng cũng đủ để hãnh diện về một làng nghề cổ truyền.

Người dân làng Hảo cho biết, nghề làm đồ chơi Trung thu tại đây đã xuất hiện vào khoảng cuối những năm 80, đầu 90 của thế kỷ 20, các sản phẩm đồ chơi Trung thu làm ra ở đây được phân phối đi khắp các tỉnh/thành trên cả nước. Hiện tại, nếu tính cả làng thì chỉ còn khoảng 7 đến 8 hộ gia đình còn bám trụ với nghề chế tạo đồ chơi dân gian này.

Ông Vũ Huy Đông (72 tuổi) – chủ cơ sở sản xuất đồ Trung thu Đông Hạnh đang vẽ cẩn thận, tỉ mỉ trên từng sản phẩm đồ chơi Trung thu.

Theo tìm hiểu, chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất đồ Trung thu gia đình ông Vũ Huy Đông (3 thế hệ làm đồ chơi dân gian), mới thấy được nhiều điều thú vị ở làng nghề nổi tiếng làm đồ chơi dân gian này. Chia sẻ với phóng viên, ông Đông (72 tuổi) – chủ cơ sở sản xuất đồ Trung thu Đông Hạnh cho biết: “Nghề sản xuất đồ chơi dân gian của gia đình tôi có cách đây hơn 40 năm nay. Ngày xưa là một Hợp tác xã (HTX) chuyên làm trống, sau đó xã hội phát triển thì HTX bị xóa bỏ và trở thành tư nhân”.

“Khi tư nhân phát triển thì một số gia đình không giữ nghề này nữa, chỉ còn một vài gia đình bám trụ với nghề (khoảng chục nhà làm nghề). Tính đến hiện tại, tôi là đời thứ 2 làm nghề chế tạo đồ chơi Trung thu tại làng Hảo (Hưng Yên), và con trai tôi đang làm là đời thứ 3 còn giữ nghề truyền thống này”, ông Đông tâm sự.

Ông Đông cho biết, ngày xưa người dân làng nơi đây chỉ sản xuất trống và mặt Tễu, mãi đến thời điểm ngoài những năm 2000 trở ra thì do thị hiếu của giới trẻ dẫn đến buộc người thợ phải tìm tòi và sáng tạo ra những mẫu mã khác. Thời điểm đó ông Đông chế tạo và làm 12 con giáp đồ chơi dân gian truyền thống. Mỗi năm ông sản xuất ra một con vật tương xứng với 12 con giáp. Ngoài ra, ông Đông còn làm thêm mặt nạ 3D để sinh động và phù hợp với các lớp trẻ hiện nay.

“Làm nghề chế tạo đồ chơi dân gian Việt Nam bằng thủ công đòi hỏi mỗi người thợ phải yêu nghề, chịu khó tìm tòi sáng tạo thì mới cho ra những sản phẩm ưng ý. Đặc biệt, sản phẩm để đáp ứng được thị hiếu mà các cháu thiếu nhi ưa chuộng, dùng nhiều, thì người thợ phải đầu tư suy nghĩ để chế tạo ra bằng được thứ đó”, ông Đông cho biết.

Cơ sở sản xuất nhà ông Vũ Huy Đông tại làng Hảo, xã Liên Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Để làm ra một sản phẩm đồ chơi dân gian truyền thống, mỗi người thợ thủ công đều phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Nguyên liệu chính để sản xuất là giấy tổng hợp (giấy học sinh, giấy thiết kế…), đa phần đều là những loại giấy đã qua sử dụng, ngoài ra là bìa catton (giấy cứng). Bởi vì, mỗi món đồ chơi Trung thu cần cấu tạo 3 lớp (lớp trong – lớp giữa là catton – ngoài là lớp giấy trắng), thì sản phẩm mới đảm bảo độ cứng và khi vẽ sơn sẽ bám tốt hơn. Bên cạnh đó, để làm nổi bật từng hình vẽ trên từng sản phẩm đồ chơi Trung thu, bắt buộc người thợ phải có một chiếc khuôn mẫu (thường là khuôn bê tông), vì chỉ có khuôn mới làm ra được sản phẩm đó.

“Quy trình để chế tạo ra sản phẩm đồ chơi Trung thu gồm 3 bước. Bước đầu tiên là bồi thô, bước thứ hai là bồi trắng, sau đó phơi khô rồi đưa vào quy trình sơn. Còn bước thứ 3 là khâu vẽ. Hiện nay cơ sở nhà tôi chỉ thuê nhân công vẽ thô, còn vẽ để cho ra sản phẩm bán trên thị trường thì người trong gia đình phải là người thực hiện. Những người biết vẽ phải thể hiện được cái hồn của từng sản phẩm mặt nạ…”, chủ cơ sở sản xuất đồ Trung thu Đông Hạnh chia sẻ.

Ngoài ra, ông Đông lấy ví dụ khi vẽ mặt nạ chú Tễu phải có dáng cười đối với mặt nạ nam, còn mặt nạ Tếu nữ thì buộc phải có khăn vấn. Tất cả đều phải làm nổi bật và tạo nên cái hồn trên từng sản phẩm đồ chơi Trung thu của người Việt. Khi đó, sản phẩm bán ra thị mới hấp dẫn trẻ em, được thiếu nhi ưa chuộng. Vì vậy, mỗi người thợ buộc phải tạo được cái hồn của sản phẩm, mới đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

‘Cạnh tranh với đồ chơi dân gian công nghệ’

Những năm gần đây, nhiều mặt hàng đồ chơi điện tử có xuất xứ từ Trung Quốc xâm chiếm thị trường Việt, khi giới trẻ Việt Nam thích sử dụng các sản phẩm công nghiệp thay vì những sản phẩm đồ chơi dân gian do chính những người thợ Việt tạo. Điều này khiến nghề làm đồ chơi truyền thống nói chung và làm đồ chơi Trung thu nói riêng đứng trước nguy cơ bi mai một, quên lãng.

Bà Vũ Thị So (68 tuổi) – nhân công làm việc tại cơ sở sản xuất đồ Trung thu Đông Hạnh.

Tuy nhiên, ngoài cơ chế chính sách về việc bảo tồn, gìn giữ các làng nghề thủ công truyền thống của nhà nước, các làng nghề cũng đang mạnh dạn đầu tư để cạnh tranh với đồ chơi công nghệ. Trên thực tế, đồ chơi Trung thu công nghệ có giá thành khá cao, chưa kể kèm theo đó là nhiều yếu tố độc hại, thường được các tiểu thương nhập chui, để tuồn vào thị trường trong nước. Trong khi đó, những sản phẩm đồ chơi dân gian truyền thống như mặt nạ giấy bồi, trống cơm… làm hầu hết bằng thủ công nên đảm bảo về chất lượng, an toàn khi nguyên liệu tạo ra hoàn toàn tận dụng từ nguyên liệu sẵn có.

Bên cạnh đó, giá thành lại rẻ tiền, phù hợp với túi tiền của nhiều người nên vẫn rất thịnh hành, sức cạnh tranh cao. Vì vậy trong những năm gần đây, cơ sở sản xuất nhà ông Vũ Huy Đông vẫn bám trụ được với nghề này, tiêu thụ được nhiều và còn rất nhiều xu hướng, nhiều người thích chơi đồ Trung thu thủ công.

Những chiếc mặt nạ giấy bồi được cho ra từ khuôn chờ công đoạn vẽ màu.

“Hiện nay, các sản phẩm Trung thu của gia đình tôi chủ yếu cung ứng cho hầu hết các tỉnh/thành trên cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định… và xa nhất là Đà Nẵng. Ngoài ra, tại Thủ đô Hà Nội thì gia đình có xuất hàng cho các đại lý lớn, các chủ đại lý nhập hàng từ cơ sở nhà tôi rồi bán lại cho người dân – giá thành bán ra thì do chủ cửa hàng. Ví dụ một chiếc mặt nạ tôi bán tại nhà chỉ 16 nghìn đến 17 nghìn đồng/chiếc (sản phẩm hoàn thiện), và khi đến tay chủ cửa hàng thì có rất nhiều giá thành khác nhau. Tuy nhiên, mỗi sản phẩm tại đây sẽ có giá từ 17 nghìn đến 50 nghìn/sản phẩm”, ông Đông tiết lộ.

Ông Đông cho biết thêm, do quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nên hiện nay ở làng Hảo chỉ còn 7 đến 8 nhà còn bám trụ với nghề sản xuất đồ chơi Trung thu. Gia đình nhà ông Đông là cơ sở sản xuất đồ Trung thu nhiều nhất, đông nhất tại làng này.

Người thợ sản xuất đồ Trung thu tại làng Hảo đang cặm cụi vẽ màu trên từng sản phẩm thủ công truyền thống.

Để phát huy, gìn giữ lan tỏa nghề thủ công truyền thống của gia đình, ông Đông và các thành viên còn tổ chức các tour đón tiếp khách du lịch, tổ chức các buổi trải nghiệm cho các em nhỏ tại các trường về để trải nghiệm tại cơ sở, trực tiếp vẽ các sản phẩm, tạo điều kiện cho nhiều khách du lịch ở nước ngoài về đây trải nghiệm, vẽ thủ công các sản phẩm đồ chơi dân gian tại chính cơ sở nhà mình.

“Dẫu vậy, tôi vẫn rất sợ vì nay, mai mốt thế hệ sau sẽ không theo nghề vì đặc thù nghề này thu nhập không cao so với những nghề khác, mà nghề này còn đòi hỏi sự yêu nghề, say nghề thì mới giữ được nghề. Hiện nay người làm nghề đa phần là người già, người có tuổi, còn trẻ em học sinh được nghỉ hè có thời gian rảnh dỗi mới làm được”, ông Đông tâm sự.

Những chiếc mặt nạ làm bằng giấy bồi sau khi hoàn thiện sẽ được phân phối khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Là người thợ là lâu năm tại cơ sở Đông Hạnh, bà Vũ Thị So (68 tuổi) chia sẻ: “Tôi làm ở đây đã gần 20 năm, trải qua bao thăng trầm, tôi thấy được nghề sản xuất đồ Trung thu truyền thống là nghề mang lại thu nhập khá thấp, nhưng lại đòi hỏi yêu nghề, ham học hỏi mới làm được. Nghề nào cũng vậy, phải kiên trì bền bỉ thì người thợ mới gặt hái được thành quả cho chính mình”.

Trong tương lai, ông Đông và các thành viên trong gia đình đều mong muốn nghề sản xuất đồ Trung thu của gia đình mình sẽ được Nhà nước quan tâm, gìn giữ và bảo tồn. Bởi vì, nghề này giàu tính nhân văn và mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam.

Bài và ảnh: Trung Nguyễn

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/ghe-tham-gia-dinh-san-xuat-do-choi-trung-thu-noi-tieng-tai-hung-yen-post264314.html

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào