Sốt ruột khi các địa phương trình bày vướng mắc khi giải quyết hỗ trợ cho người lao động, Bộ trưởng LĐ-TB&XH nói: “Thủ tục đã thông suốt, tập trung làm để người dân được thụ hưởng chính sách”.
Chiều 15/10/2021, Bộ trưởng LĐ-TB&XH chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương trong cả nước về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68, Nghị quyết 126 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19; Nghị quyết 116 về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Hy sinh tính mạng để thực hiện nhiệm vụ
Nghe báo cáo của lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, Bộ trưởng ghi nhận sự chủ động, sát sao của địa phương trong thực hiện chính sách.
Theo đó, tỉnh đã thẳng thắn báo cáo những vấn đề vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng) để Bộ rà soát, báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định. Tại cuộc họp này, Đồng Nai đã khẳng định không còn vướng mắc để thực hiện chính sách nữa.
Với một số địa phương còn trình bày khó khăn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Nghị quyết 68 đã được sửa rất căn bản. Chậm nhất trong đầu tuần tới, Chính phủ sẽ sửa nốt Quyết định 23 đi kèm để đảm bảo việc triển khai chính sách thông thoáng nhất.
Theo đó, thậm chí cả yêu cầu chứng minh bằng việc xác nhận mã số thuế với đối tượng được hưởng chính sách cũng được bỏ, không còn vướng mắc nào nữa.
Ghi nhận nỗ lực của toàn ngành lao động để cùng hành động, cùng chăm lo, làm những gì tốt nhất có thể để đảm bảo an sinh xã hội, để an dân, Bộ trưởng khái quát, ngành đã tham mưu nhanh nhất, ở mức tối đa để tham mưu cho Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành chính sách để hỗ trợ người lao động, để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, để chống đứt gãy chuỗi lao động.
Người đứng đầu ngành nhận định, bức tranh chung đời sống của người lao động, người dân trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng vừa qua dù chỗ này chỗ kia còn nhiều khó khăn, nơi này nơi khác chính sách chưa vươn hết được tới các đối tượng nhưng cơ bản, diện bao phủ chính sách đã đảm bảo.
“Từ Nghị quyết 42 tới Nghị quyết 68, Nghị quyết 116, các chính sách đều thể hiện tinh thần nhân văn, thể hiện sự chung sức chung lòng để chăm lo cho người lao động, chia sẻ với người lao động để vượt qua đại dịch. Những nỗ lực của toàn hệ thống rất lớn, nhiều cán bộ ăn nằm ở cơ quan liền 3-4 tháng để lo công việc, 3-4 tháng ko về nhà. Nhiều cán bộ không chỉ hy sinh sức khỏe, gia đình mà cả tính mạng để thực hiện nhiệm vụ…”, Bộ trưởng động viên toàn ngành.
Thời gian tới, Bộ trưởng nhắc, Nghị quyết 116 bước vào giai đoạn rất quan trọng, yêu cầu các địa phương thật tập trung để thực hiện trên toàn tuyến. Ông cũng lưu ý quan tâm tới việc giám sát, đôn đốc, rút kinh nghiệm trong việc triển khai chính sách, chú ý để giấy tờ, hồ sơ thông thoáng nhưng để xảy ra hiện tượng trục lợi, lạm dụng chính sách.
Làm rõ tình hình thiếu hụt lao động để có giải pháp đúng
Cùng với việc thực hiện các chính sách an sinh, tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dành nhiều quan tâm tới tình hình thị trường lao động, sản xuất kinh doanh.
Ông “truy vấn” lãnh đạo các Sở Lao động tại các địa phương là trung tâm công nghiệp của cả nước, 23 tỉnh thành đã phải thực hiện giãn cách xã hội thời gian dài vừa qua, gồm Hà Nội, TPHCM và các tỉnh thành trọng điểm phía Nam.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Lê Minh Tấn báo cáo, thực tế số lượng người khó khăn cần được hỗ trợ tăng cao hơn nhiều so với dự kiến. Ông Tấn trình bày kế hoạch của TPHCM là hỗ trợ chi phí nhà trọ cho công nhân, người lao động còn trụ lại TPHCM trong đợt dịch vừa qua. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã là phép thử với TPHCM trong việc an sinh và tạo việc làm, chỗ ở cho người lao động. Trong quý IV/2021, TPHCM có khả năng thiếu hụt 60.000 lao động.
Bộ trưởng đề cập con số lao động đang thiếu hụt của thành phố, đồng thời bày tỏ vui mừng với thông tin cập nhật 100.000 lao động đang quay trở lại.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo Sở làm rõ, số lao động thiếu hụt đó, bao nhiêu nằm ở khu vực doanh nghiệp FDI, bao nhiêu nằm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, bao nhiêu thuộc khu vực lao động tự do.
Giám đốc Sở Lao động TPHCM nhận định, số lao động tại khu vực doanh nghiệp FDI, các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố cơ bản vẫn đảm bảo, không thiếu hụt nhiều. Dù có phải nghỉ làm nhưng người lao động vẫn trụ lại thành phố và đã lần lượt đi làm lại.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai cũng nêu những con số khả quan, hơn 1.400 doanh nghiệp trên địa bàn đã hoạt động trở lại (chiếm 82%), số lao động quay lại đã đạt 57% so với trước.
Tương tự, lãnh đạo ngành lao động tỉnh Bình Phước cho biết, tại các khu công nghiệp, người lao động có nghỉ việc nhưng vẫn ở lại các khu trọ để chờ trở lại làm việc. Theo dự kiến, trong tháng 10, khoảng 25.000 lao động sẽ trở lại. Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng có nhu cầu tuyển mới khoảng 9.000 lao động nữa để mở rộng quy mô sản xuất sau dịch, tỉnh đã có kế hoạch để cung ứng trong tháng 12 hoặc tháng đầu năm 2022.
Trao đổi thêm, Bộ trưởng nhận định, tình hình như vậy tương đối khả quan: “Nếu để đứt gãy thị trường lao động thì tốn kém rất nhiều, hệ quả phải khắc phục nặng hơn rất nhiều lần. Nhưng thực tế vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn duy trì trả lương để giữ chân công nhân”.
Những nơi để đứt gãy thị trường có thể do doanh nghiệp “né” đóng bảo hiểm xã hội hoặc tránh trách nhiệm với người lao động. Cùng với những bức bối, áp lực trong thời gian dài phải giãn cách, cầm cự trong các khu trọ nên nhiều người quyết định rời thành phố.
Bộ trưởng cho rằng, trong số hơn 600.000 lao động di cư về quê đợt này, hầu hết là người lao động ở ngoài khu công nghiệp, và ngoài khu vực doanh nghiệp FDI. Ông khuyến cáo, nhận định đúng tình hình để đưa ra giải pháp chuẩn xác và yêu cầu báo cáo, làm rõ, bổ sung thông tin về tình hình thiếu hụt lao động, thiếu đến đâu, ở mức độ nào để giải quyết vấn đề.
Theo Dantri