Dòng sông ‘chết’ ở Bắc Ninh hồi sinh sau 20 năm chìm trong khói bụi, nước thải

19:26 | 24/09/2021

Ông Bền không bao giờ nghĩ có ngày ông sẽ  kiếm ăn được bằng việc bắt cá trên con sông từng được mệnh danh là “dòng sông chết”, nỗi ám ảnh của người dân xứ Kinh Bắc.

Video: ‘Dòng sông chết’ ở Bắc Ninh hồi sinh, dân vô tư chèo thuyền bắt cá

5 tháng trước, VTC News có loạt bài phản ánh thực trạng ô nhiễm trầm trọng của sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu (Bắc Ninh) sau khi nhận được đơn kêu cứu của hàng trăm hộ dân về tình trạng nước thải độc hại từ khu làng nghề sản xuất giấy Phong Khê và Phú Lâm bị xả thẳng ra môi trường, khiến người dân “chết mòn”.

Sau phản ánh của VTC News, UBND tỉnh Bắc Ninh ráo riết chỉ đạo các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương kiên quyết xử phạt, buộc dừng hoạt động với các cơ sở sản xuất giấy xả nước thải ra môi trường. Đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường tại cụm công nghiệp Phú Lâm và Phong Khê có nhiều chuyển biến tích cực, sông Ngũ Huyện Khê đang hồi sinh từng ngày, từ đó không làm ảnh hưởng đến nguồn nước sông Cầu.

Hồi sinh “dòng sông chết”

Những ngày gần đây, ông Nguyễn Văn Bền (ở khu Đào Xá, phường Phong Khê, TP Bắc Ninh) không khỏi vui mừng, phấn khởi vì dòng sông Ngũ Huyện Khê trở nên sạch, trong hơn trước rất nhiều. Ông Bền vui bởi ngoài môi trường sông Ngũ Huyện Khê đã được “giải cứu” thì ông còn kiếm ăn được trên “dòng sông chết” này. Một ngày ông có thể đánh bắt được khoảng 5kg cá ở đây.

Dòng sông 'chết' ở Bắc Ninh hồi sinh sau 20 năm chìm trong khói bụi, nước thải  - 1

Các loài tôm, cá bắt đầu sống được ở sông Ngũ Huyện Khê.

“Trước đây ở sông Ngũ Huyện Khê cũng có cá nhưng rất ít, cứ có cá về là nổi chết luôn. Bây giờ nước trắng trong thì cá mới sống được ở đây. Cá tung tăng về thì chúng tôi mới kiếm được. Hôm nay, tôi cũng đánh bắt được khá nhiều cá”, ông Bền hồ hởi chia sẻ về kỳ tích ông chưa bao giờ dám mơ tới suốt hơn chục năm qua.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Vân (70 tuổi, ở thôn Dương Ổ, phường Phong Khê) cho biết, gia đình ông sinh sống ở làng nghề giấy Phong Khê suốt mấy chục năm qua. Những năm trước đây, làng nghề giấy bị ô nhiễm môi trường trầm trọng. Khói bụi luôn che phủ từng mái nhà, từng con ngõ, cộng thêm nguồn nước thải hôi thối từ các cơ sở sản xuất giấy khiến cuộc sống người dân luôn bức bối, ngột ngạt. Người lạ mà bước chân đến Phong Khê hay Phú Lâm sẽ mường tượng ngay đến một “vùng đất chết”.

Tuy nhiên, theo ông Vân, thời gian gần đây, môi trường của khu vực làng nghề giấy Phong Khê được cải thiện rất lớn, mọi thứ đều thay đổi rõ rệt. Các ngôi nhà tại Phong Khê không còn bị khói bụi bủa vây như trước, đường phố sạch sẽ hơn, sức khỏe của người dân cũng được cải thiện.

Đặc biệt, dòng sông Ngũ Huyện Khê không còn là “dòng sông chết” mà đang được hồi sinh, trong sạch hơn rất nhiều. Điều này cũng khiến sông Cầu không còn bị ảnh hưởng, ô nhiễm nghiêm trọng như trước đây.

Những năm trước đây sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm trầm trọng, dòng nước đen kịt và bốc mùi hôi thối khiến người dân đi qua đều không thể chịu nổi được… Nhưng giờ đây, chúng tôi đều cảm nhận không khí trong lành xung quanh dòng sông này, không còn dòng nước ô nhiễm, không khí khói bụi, rác bẩn như trước đây nữa… Thậm chí có nhiều đàn cá bơi nổi trên mặt nước. Người dân chúng tôi đều cảm thấy rất phấn khởi, vui mừng vì sức khỏe được đảm bảo”, ông Nguyễn Văn Vân vui mừng nói.

Dòng sông 'chết' ở Bắc Ninh hồi sinh sau 20 năm chìm trong khói bụi, nước thải  - 2

Sông Ngũ Huyện Khê đang dần hồi sinh, màu xanh đang trở lại trên “dòng sông chết”.

Theo người dân, dòng sông Ngũ Huyện Khê được hồi sinh như vậy là nhờ UBND tỉnh Bắc Ninh có hàng loạt quyết định nghiêm, kiên quyết đình chỉ hoạt động các doanh nghiệp sản xuất giấy gây ô nhiễm môi trường tại cụm công nghiệp làng nghề Phong Khê và Phú Lâm.

Theo thống kê, vừa qua, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh kiểm tra và xử phạt vi phạm 73/354 cơ sở sản xuất với tổng số tiền gần 18,5 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 59 cơ sở sản xuất. Nhờ đó, môi trường làng nghề được cải thiện, cuộc sống của người dân ở cụm công nghiệp Phú Lâm và Phong Khê được đảm bảo.

Sau thời gian bị chính quyền nhắc nhở, xử phạt, các doanh nghiệp sản xuất ý thức cao hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, khí thải thì người dân đã không còn phải chịu đựng cuộc sống ô nhiễm môi trường như trước.

Chúng tôi đi tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp trên con đường này rất chi là thích. Không còn mùi hôi thối nữa mà nước sông trong xanh. Nhiều người dùng dòng nước này để tưới tiêu cho nông nghiệp, cho đồng ruộng, cây cối”, anh Ngô Văn Sơn, ở khu Dương Ổ, phường Phong Khê cho biết.

Dòng sông 'chết' ở Bắc Ninh hồi sinh sau 20 năm chìm trong khói bụi, nước thải  - 3

Người dân Phong Khê thong dong đi bộ, tập thể dục bên 2 bờ sông Ngũ Huyện Khê.

Trả lời VTC News, ông Nguyễn Hà, Bí thư Đảng ủy phường Phong Khê cho biết, thời gian qua địa phương thực hiện việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, trong đó có nước thải, khí thải, rác thải. Đến thời điểm này, chính quyền và người dân địa phương nhận thấy gần 20 năm trở lại đây, khu vực phường Phong Khê và xung quanh sông Ngũ Huyện Khê đoạn chảy qua địa bàn mới có được môi trường tốt đến thế.

Theo ông Hà, hiện tại, cả phường chỉ còn khoảng 60 ống khói xả khí thải, lượng ống khói xả khí thải đã cắt giảm trên 200 ống. Lượng lò đốt khí thải không còn khói đen, chỉ còn khói trắng đã được xử lý qua hệ thống khí thải, không có bụi.

Trước đây rất bụi bẩn, khói xả đen kịt đến nỗi trụ sở Đảng ủy – UBND phường Phong Khê và các hộ dân luôn bị bụi bẩn phủ kín quanh năm. Hiện nay, các đơn vị, doanh nghiệp được tỉnh cho phép vận hành thử hệ thống xử lý nước thải thì nước thải được tuần hoàn 100% theo quy định của tỉnh, còn lại dư thừa thì lọc lại cặn, bùn, đất bỏ ra ngoài cho đơn vị chuyên chở rác thải thu gom ra khỏi địa bàn để xử lý.

Phường Phong Khê thành lập 5 tổ tự quản đại diện cho 5 khu vực có nhà máy, cơ sở sản xuất. Theo đánh giá của các tổ tự quản phường Phong Khê thì đến thời điểm này phường có hơn 300 doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải với kinh phí đầu tư khoảng 1.600 tỷ”, ông Hà cho biết thêm.

Xây dựng hệ thống xử lý nước thải

Để tiếp tục sản xuất, duy trì sự tồn tại của làng nghề, các doanh nghiệp giấy ở Phong Khê và Phú Lâm đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn được UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép vận hành thử nghiệm các hệ thống xử lý nước thải để đánh giá, nghiệm thu và sớm hoạt động trở lại, tránh thiệt hại lớn về kinh tế.

Ông Phạm Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH giấy Tân Hoàng Nga (cụm công nghiệp Phong Khê 1, TP Bắc Ninh) chia sẻ, thời gian trước đây, mỗi ngày công ty của ông sản xuất khoảng 30 tấn giấy, tạo công ăn việc làm cho gần 60 công nhân với thu nhập gần 10 triệu đồng/người/tháng.

Sau khi bị UBND tỉnh Bắc Ninh xử phạt hành chính và buộc dừng hoạt động do vi phạm bảo vệ môi trường, Công ty Tân Hoàng Nga gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Trước đó, để sản xuất kinh doanh, ông Đức phải vay ngân hàng cả chục tỷ đồng và trả lãi hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Dòng sông 'chết' ở Bắc Ninh hồi sinh sau 20 năm chìm trong khói bụi, nước thải  - 4

Ông Đức cho vận hành hệ thống xử lý nước thải CNC 800M.

Khi công ty bị đình chỉ hoạt động vì gây ô nhiễm môi trường, hoạt động sản xuất bị dừng, máy móc hư hỏng, công nhân mất việc làm, khách hàng tìm đối tác khác… Điều này khiến gia đình ông Đức gặp nhiều khó khăn, nguy cơ phá sản rất lớn.

Tuy nhiên, ông Đức cũng như các doanh nghiệp sản xuất giấy ở Phong Khê và Phú Lâm đều nhận thấy rõ chủ trương bảo vệ môi trường của tỉnh Bắc Ninh là rất đúng nên chấp hành nghiêm việc này. Hiện nay, các cơ sở sản xuất giấy trên địa bàn đang tập trung đầu tư kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải và khói bụi với mong muốn sớm được tỉnh cho phép hoạt động trở lại.

Do diện tích mặt bằng nhà xưởng có hạn, ông Phạm Văn Đức lựa chọn Máy xử lý nước thải CNC – 800M do Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư công nghệ cao Việt Nam (cụm công nghiệp Khắc Niệm, TP Bắc Ninh) nghiên cứu và phát triển. Công suất máy đạt 800 m3/ngày đêm với kinh phí xây dựng chỉ bằng 1/3 các hệ thống xử lý nước thải khác. Máy chỉ tốn diện tích bằng 1/10 so với công nghệ cũ. Máy được sử dụng theo công nghệ mới: Tổ hợp công nghệ thông minh kết hợp vi sinh xử lý tốc độ cao hiệu quả cho việc 100% tuần hoàn nước tái quay hồi sản xuất mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng giấy.

Sau hai tháng sử dụng, chúng tôi nhận thấy bằng cảm quan nước rất tốt, giấy không bị mùi, không bị cứng, nước được tuần hoàn 100% về sản xuất, khi quan trắc nước luôn đạt Cột A, QCVN 12: 2015 BTNMT. Bây giờ không còn phải xả ra môi trường, lại còn tiết kiệm được rất nhiều chi phí như tận dụng thu hồi được hết bột chảy ra khi xưa thành bùn thải, nước sạch cho sản xuất, không còn lo vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường”, ông Phạm Văn Đức chia sẻ.

Dòng sông 'chết' ở Bắc Ninh hồi sinh sau 20 năm chìm trong khói bụi, nước thải  - 5

Hệ thống xử lý nước thải CNC 800M dựa trên công nghệ lõi gồm phần máy và phần chế phẩm vi sinh khử mùi, thúc đẩy quá trình xử lý.

Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Công ty TNHH giấy Quốc Huy chia sẻ, trước đây công ty tạo công ăn việc làm cho 20 lao động, sản xuất với công suất khoảng 10 tấn giấy mỗi ngày. Tuy nhiên sau khi bị các ngành chức năng yêu cầu dừng hoạt động do xả thải gây ô nhiễm, việc sản xuất của công ty gặp rất nhiều khó khăn, đơn hàng bị mất nhưng vẫn phải giữ nguồn lao động. Sau đó, công ty quyết định xây dựng hệ thống xử lý nước thải để đáp ứng yêu cầu về pháp luật bảo vệ môi trường của tỉnh Bắc Ninh.

Với diện tích nhà xưởng hơn 1.280 m2 cùng công suất sản xuất giấy từ 10 tấn/ngày, ông Huy lựa chọn Máy xử lý nước thải CNC-120M xử lý đạt công suất tới 120m3/ngày đêm, đang đem lại hiệu quả hàng ngày cho doanh nghiệp.

Bà Vũ Thị Hoa, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư công nghệ cao Việt Nam cho biết trước đây việc xử lý nước thải của ngành giấy rất khó do tính chất nước thải không ổn định, hàm lượng TSS, COD, BOD lúc đạt lúc không đạt quy chuẩn Việt Nam.

Đội ngũ kỹ sư chuyên ngành của công ty nhiều ngày lăn lộn cùng làng nghề để nghiên cứu thành công công nghệ xử lý nước thải ngành giấy và cho ra Máy xử lý nước thải CNC- 120M. Đây là công nghệ mới với tốc độ xử lý nhanh gấp khoảng 3-5 lần so với các công nghệ cũ, triệt để đạt các tiêu chuẩn quy định, triệt để khử mùi để tái sử dụng lại nước cho sản xuất, sinh hoạt.

Với dải công suất từ 5m3 đến 5.000m3, hoàn toàn đáp ứng và phù hợp cho các ngành nghề, nhất là ngành giấy, chúng tôi mong muốn được các cơ quan chức năng tạo điều kiện, các doanh nghiệp tin tưởng nhận chuyển giao, góp phần nhỏ chung tay vì một môi trường Việt, vì một ngày mai tốt đẹp hơn”, bà Hoa nhấn mạnh.

Sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp cùng sự chuyển biến nhận thức lẫn hành động của doanh nghiệp, cộng đồng người dân… khiến môi trường làng nghề Phong Khê, Phú Lâm và dòng sông Ngũ Huyện Khê đang hồi sinh mạnh mẽ. Cảnh quan môi trường làng nghề được cải thiện rõ rệt, người dân khu vực phấn khởi khi được sống trong bầu không khí trong lành.

BẢO ANH

Theo vtc.vn

Cùng chuyên mục

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Chỉ thị số 40-CT/TW và sức mạnh từ sự đồng lòng ở Ea H’Leo

Chỉ thị số 40-CT/TW và sức mạnh từ sự đồng lòng ở Ea H’Leo

Chuyên gia Mai Nguyễn Hoàng Nam: Nếu chưa đủ tư duy, kiến thức thì khoan hẳn khởi nghiệp, chỉ nên “lập nghiệp”

Chuyên gia Mai Nguyễn Hoàng Nam: Nếu chưa đủ tư duy, kiến thức thì khoan hẳn khởi nghiệp, chỉ nên “lập nghiệp”

Lễ hội ẩm thực “MẶN MÀ ĐÀ NẴNG”: Xây dựng câu chuyện Văn hoá ẩm thực đặc sắc Đà Thành

Lễ hội ẩm thực “MẶN MÀ ĐÀ NẴNG”: Xây dựng câu chuyện Văn hoá ẩm thực đặc sắc Đà Thành

Giám sát triển khai tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28 tại Krông Nô

Giám sát triển khai tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28 tại Krông Nô