Ông Lê Minh Tồn (79 tuổi, ngụ ấp Tây, xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) là cháu nội đời thứ tư đang sinh sống trong căn nhà này, ngoài trông nom khối tài sản vô giá được ông bà để lại, thì đây còn là căn nhà tổ để thờ cúng tổ tiên trong những lễ giỗ định kỳ hàng năm.
Ông Tồn chia sẻ, theo truyền tai lại từ ông bà thì ngôi nhà này được định danh là nhà trăm cột, bởi vì ngôi nhà xây dựng với 100 cây cột bằng gỗ quý.
Nhìn từ ngoài vào, ngôi nhà có hình chữ “Bát” trong Hán tự, thiết kế 3 gian, 2 chái, có diện tích khoảng 400m2, nền được lót gạch tàu. Trước đây là gạch men, nhưng về sau gạch xuống cấp nên lót lại gạch tàu.
Đây là kiến trúc cổ xưa, có từ thế kỷ XIX, chỉ những người là địa chủ, bá hộ, hay ông cả trong vùng ngày đó mới có tiền để xây dựng. Thời gian để xây dựng được căn nhà như thế này phải mất khoảng 3 năm.
Để xây dựng kiểu nhà này, chủ nhà phải lặn lội từ trong Nam ra tận Huế để thuê thợ mộc về làm, bởi để chạm khắc những hoa văn một cách tinh xảo thì những người thợ ở Huế mới có thể làm được. Do những người thợ này từng xây dựng cung điện của vua chúa thời đó hoặc là được truyền nghề lại.
Nói về lịch sử hình thành, ông Lê Minh Tồn cho biết: Căn nhà này đã có tuổi đời trên 120 năm. Hiện ông Tồn là cháu nội đời thứ tu được sinh sống trong căn nhà này, trông nom khối tài sản của ông bà để lại, đồng thời thờ cúng gia tiên trong những lễ giỗ đình kỳ hằng năm.
Ông Tồn chia sẻ, trước đây ông bà của ông giàu có nhất nhì vùng này, nên được chức Cả, mà người trong vùng hay gọi là ông Cả Nhẫn (Nhẫn là tên riêng).
Được biết, chức Cả là chỉ những người giàu có bậc nhất vùng, ông bà già xưa kể lại, chức Cả ngày trước phải dùng tiền mua mới được phong chức.
Hiện bên trong ngôi nhà có các tủ thờ, ghế gỗ, bàn được làm từ những cây gỗ quý như cẩm lai, thao thao…được cẩn ốc xà cừ vô cùng bắt mắt, tinh xảo, hiếm có.
Đặc biệt, có 2 tấm liễn được cẩn ốc xà cừ nhưng mô phỏng theo tích “Nhị thập tứ hiếu” rất ý nghĩa.
Trước đây, vùng đất Nam bộ có nhiều ngôi nhà tương tự nhưng đến ngày nay những ngôi nhà như thế này rất hiếm.
Hiện vẫn còn một ngôi nhà cổ với 120 cột làm bằng gỗ quý, tồn tại hơn 100 năm ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Ngôi nhà có kiến trúc điêu khắc cổ mang phong cách “nhà rường” Huế.
Chủ nhân là ông Trần Văn Hoa, là Hương sư của làng Long Hựu, tỉnh Gia Định, sau đó làm Hội đồng quản hạt Chợ Lớn, vì thế tên gọi ban đầu là Nhà ông hội đồng, Nhà ông cả.
Công trình này được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia năm 1997.
Theo SGGP