Diễn đàn Tổng biên tập 2023: Nhà nước – Báo chí: “Đồng thanh tương ứng” để truyền thông chính sách hiệu quả

6:12 | 30/09/2023

Đó là nhấn mạnh của ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, tại Diễn đàn Tổng biên tập 2023 với chủ đề “Truyền thông chính sách: Góc nhìn từ các cơ quan báo chí” vừa được tổ chức thành công tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh.


Tham dự và chủ trì Diễn đàn có các ông: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam; Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Đảng; Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chiều 29/9, Diễn đàn Tổng biên tập năm 2023 với chủ đề “Truyền thông chính sách: Góc nhìn từ các cơ quan báo chí” đã được tổ chức thành công tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Cùng dự Diễn đàn còn có gần 120 đại biểu là đại diện lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương, đại diện lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nam, lãnh đạo Sở TT& TT các tỉnh cùng nhiều khách mời, phóng viên từ các cơ quan báo chí.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Mỗi năm một lần, trong khuôn khổ Gala Báo chí, báo Nhà báo & Công luận tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập với mong muốn là nơi để lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ về những vấn đề cũng như những áp lực, thách thức mà các toà soạn đang và sẽ phải đối mặt trong dòng chảy biến động không ngừng của đời sống báo chí, truyền thông, từ đó cùng nhau kiến nghị, đề xuất những giải pháp tháo gỡ”.

Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đọc diễn văn khai mạc Diễn đàn Tổng biên tập 2023.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhận định: “Cho tới nay, công tác truyền thông chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương, bộ, ban ngành vẫn còn xem nhẹ công tác truyền thông chính sách; thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin. Hệ quả là thời gian qua đã để xảy ra những không ít sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước. Báo chí chính thống dù được xem là lực lượng chủ công, là cánh tay nối dài trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương chính sách, đưa thông tin từ Đảng, Nhà nước và những cơ quan bộ ngành, các địa phương đến với người dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, từ đó tác động ngược trở lại với những người làm chính sách, nhưng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn lớn về cơ chế, nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình”.

Nhằm giải quyết những khó khăn, thách thức cũng như tìm giải đáp cho những hạn chế còn tồn tại trong công tác truyền thông chính sách, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam hy vọng: “Diễn đàn sẽ được đón nhận những ý kiến chia sẻ, trao đổi thẳng thắn, những đề xuất, giải pháp giàu tâm huyết để công tác truyền thông chính sách ngày càng hiệu quả”.

Sau phần khai mạc, ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đại diện lãnh đạo địa phương phát biểu chào mừng các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ông cho biết: “Chưa bao giờ Quảng Ninh có cơ hội đồng tổ chức một diễn đàn báo chí lớn với sự có mặt của gần 120 lãnh đạo các cơ quan báo chí truyền thông, các sở ban ngành như Diễn đàn Tổng Biên tập ngày hôm nay. Đây là một diễn đàn có ý nghĩa quan trọng, nêu lên những quan điểm, ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí và đặc biệt là cho toàn bộ chúng ta nắm chắc được các chính sách của Đảng và Nhà nước. Hy vọng qua diễn đàn này những ý kiến của các diễn giả, các chuyên gia, các nhà báo sẽ giúp tỉnh Quảng Ninh có thêm được những kinh nghiệm quý báu”.

Ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đại diện lãnh địa phương tổ chức sự kiện gửi lời chúc mừng các vị đại biểu tham dự Diễn đàn.

Báo chí phải tích cực tham gia vào việc hoạch định chính sách

Mở đầu cho phiên thảo luận đầu tiên, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam gợi mở 4 nhóm vấn đề thảo luận tại Diễn đàn. Đó là: Hiểu thế nào cho đúng về truyền thông chính sách, sự khác nhau giữa tuyên truyền chính sách và truyền thông chính sách là gì? Thực tế việc thực hiện truyền thông chính sách thời gian qua: đâu là những bước tiến. đâu là những mặt còn hạn chế?; Vì sao trong bối cảnh hiện nay, cần phải coi trọng và nâng cao hơn nữa hiệu quả của truyền thông chính sách? Vai trò, sự cần thiết của báo chí trong việc tham gia hoàn thiện chính sách? Báo chí đã, đang tập trung thực hiện truyền thông chính sách vào những lĩnh vực nào (kinh tế, tài chính- ngân hàng, thuế, tiêu dùng…), theo những hình thức nào? Những kinh nghiệm cũng như những thách thức, khó khăn của các tòa soạn trong việc thực hiện truyền thông chính sách?

Mở đầu phần thảo luận đầu tiên, ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam – đồng chủ trì Diễn đàn – đã có đánh giá khái quát về công tác truyền thông chính sách của tỉnh Hà Nam. Ông Trương Quốc Huy cho biết, tỉnh Hà Nam thường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan báo chí của tỉnh, đại diện phóng viên thường trú các cơ quan báo chí Trung ương tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp các ngành, cơ quan đơn vị về vị trí vai trò của truyền thông chính sách; Định hướng thông tin chính xác kịp thời cho các cơ quan báo chí; Chủ động cung cấp thông tin về cơ chế chính sách, đảm bảo công khai minh bạch đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin cho người dân; Đổi mới phương thức truyền thông đa phương tiện để tạo hiệu quả trong truyền thông chính sách…

Ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu tại Diễn đàn.

Ở góc độ cơ quan quản lý báo chí, ông Lưu Đình Phúc – Cục trưởng Cục Báo chí, cho biết: “Chúng ta có cả một hệ thống truyền thông lớn với số lượng 800- 900 cơ quan báo chí trên cả nước, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan làm truyền thông chính sách chỉ chiếm khoảng 0,56%. Dưới góc độ cơ quan quản lý báo chí chúng tôi đã có nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore Thụy Điển… Ví dụ như tại Hàn Quốc, nhà nước đặt hàng để làm truyền thông chính sách và yêu cầu đơn vị thực hiện đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn mới được tham gia vào thực hiện. Đặc biệt trước khi làm truyền thông chính sách thì phải có khảo sát đánh giá nhu cầu của công chúng rồi mới thực hiện chứ không ban hành chính sách theo kiểu “ném đá ao bèo”.

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục báo chí, phát biểu tại Diễn đàn Tổng biên tập 2023.

Tại Việt Nam, về cơ bản chúng ta đã làm rất tốt theo chỉ đạo, định hướng của Đảng, quản lý của Nhà nước. Thế nhưng đâu đó vẫn có những câu chuyện, những chính sách của địa phương khi đưa ra chưa có sự khảo sát đánh giá kỹ lưỡng dẫn đến thông tin được lan truyền trên mạng xã hội trái ngược với thông tin chính thống. Nguyên nhân do người dân chưa được tiếp cận thông tin, thiếu thông tin dẫn đến có những ý kiến, bình luận ở một góc độ khác”.

Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ thẳng thắn về công tác truyền thông chính sách tại VOV.

Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) Phạm Mạnh Hùng đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về hoạt động báo chí cũng như truyền thông chính sách. Ông thừa nhận, “VOV đứng trước nguy cơ suy giảm nguồn thu. Một đài lớn và uy tín như VOV còn đối diện với khó khăn, thì các đài và cơ quan báo chí khác chắc gặp nhiều khó khăn hơn”. Ông Phạm Mạnh Hùng chia sẻ rằng, VOV có nhiều quảng cáo gần như phát sóng không hoặc phát dạng trả chậm. Thống kê gần đây cho thấy, có 70-80% quảng cáo của doanh nghiệp giờ thuộc về các nên tảng xuyên biên giới. Thế nên, hiện nay phần lớn cơ quan báo chí bây giờ cần dựa vào nguồn ngân sách công, từ các đơn đặt hàng của cơ quan nhà nước.

Phó Tổng Giám đốc VOV cũng cho rằng Diễn đàn truyền thông chính sách là một cơ hội để nói về chính sách truyền thông. Đây cũng là dịp để các cơ quan báo chí cần thay đổi nhận thức của các cơ quan chức năng. Theo ông, báo chí và truyền thông phải có những hành động để giúp cải thiện về mặt chính sách vĩ mô để cho báo chí có những điều kiện tốt hơn trong hoạt động tác nghiệp, để làm sao báo chí sẽ “sống được” và “dễ thở hơn”. Phó Giám đốc VOV đánh giá, mô hình báo chí của Việt Nam là đặc thù, không thể học được một số nước khác, bởi vậy cần có sự hỗ trợ nhiều hơn của các cơ quan nhà nước.

Ông Lưu Quang Định, Tổng biên tập báo NTNN/Dân Việt chia sẻ ý kiến tại Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lưu Quang Định, Tổng biên tập báo NTNN/Dân Việt, chia sẻ, báo chí là công cụ của Đảng, của các tổ chức chính trị, đoàn thể trước tiên báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị đó là phải làm đúng tôn chỉ mục đích. Có thể nói rằng khi có kinh phí truyền thông chính sách sẽ có chất lượng sâu hơn, thời lượng sẽ dày dặn hơn.

“Chúng tôi khuyến nghị có bốn vấn đề, cụ thể: chúng ta cần phải hoàn thiện các thể chế chính sách về truyền thông chính sách để đặt hàng cho cơ quan báo chí hiện nay. Tiếp theo là về nhận thức của các cấp ủy, các bộ, ngành, địa phương cần phải đầy đủ hơn, coi việc truyền thông chính sách không chỉ là việc của báo chí mà làm việc của chính quyền, chính quyền phải chủ động đặt hàng báo chí. Thứ ba, đó là từ thể chế chính sách cho đến nhận thức một vấn đề nữa cần được đề cập đến là nguồn lực. Cuối cùng, một vấn đề rất kỹ thuật rất cụ thể đó là xây dựng định mức đơn giá kỹ thuật”, ông Lưu Quang Định nhấn mạnh.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư, đánh giá: “Khái niệm về truyền thông chính sách, nhận thức và quan điểm của các Tổng biên tập về truyền thông chính sách còn khác nhau. Truyền thông chính sách phải từ xây dựng, hoạch định, xây dựng, thực thi truyền thông chính sách. Để góp ý, phản biện được chính sách đòi hỏi biên tập viên, phóng viên am hiểu chính sách, phải có đội ngũ am hiểu sâu về những vấn đề chính sách đề cập. Phải có diễn đàn để trao đổi giữa báo chí và cơ quan hoạch định chính sách thì mới có chính sách hoàn chỉnh được”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư

Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư cũng bày tỏ mối quan tâm về “vấn đề kinh phí từ đâu khi mỗi cơ quan có đối tượng độc giả, tôn chỉ mục đích riêng. Trong quá trình xây dựng chính sách kinh tế báo chí, cần có cơ chế để báo chí xây dựng sự kiện, mà cái này phải có đơn giá, kiến nghị các cơ quan chức năng. Nhiều chính sách rất phức tạp, rất mới, rất khó”.

Nhìn nhận công tác truyền thông chính sách dưới một góc độ khác, bà Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng biên tập Báo Hải quan cho rằng, “Truyền thông chính sách có 3 giai đoạn: xây dựng, phổ biến và ban hành, tiêu thụ chính sách. Chúng ta chủ yếu hiện nay đang truyền thông chính sách ở giai đoạn 2 tức là mới dừng lại ở phổ biến chính sách, còn giai đoạn 3, phản hồi, phản biện về chính sách còn thiếu”.

Bà Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng biên tập Báo Hải quan phát biểu.

Tại Diễn đàn, trao đổi về vấn đề truyền thông chính sách, Tổng biên tập Báo Giao thông, Nguyễn Bá Kiên đã chỉ ra rằng: Truyền thông chính sách có ba khâu dự thảo chính sách, ban hành chính sách và tiêu thụ chính sách. Lâu nay báo chí vẫn truyền thông chính sách, nhưng bạn đọc có đọc không lại là chuyện khác. “Vì thế để nâng cao chất lượng truyền thông thì chúng ta phải có bộ máy. Ví dụ ở khâu dự thảo chính sách, để đạt hiệu quả thì từ khâu này đã phải làm truyền thông phản biện, báo chí muốn làm rõ chính sách thì ai trả lời? Thực tế cả ở ba khâu hiện nay báo chí muốn tìm người để làm rõ chính sách, để người dân hiểu nhưng ít nhận được sự hợp tác từ người làm chính sách. Như vậy sao có bài hay được?. Chưa kể, ở khâu giám sát việc thực hiện chính sách thì báo chí bị khống chế bởi tôn chỉ mục đích, nên rất khó tiếp cận”.

Ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng biên tập Báo Giao thông có những góp ý, chia sẻ rất thắng thắn, trực diện về vấn đề truyền thông chính sách.

Còn về nguồn kinh phí, ông Kiên cho biết báo Giao thông xây dựng hơn năm nay nhưng chưa được duyệt định mức đơn giá. Nay đành quay về áp dụng nghị định 18 về nhuận bút. Nhưng sang năm 2024 sẽ không thể áp dụng nghị định này để giải ngân truyền thông chính sách, vì khi đó cơ quan báo chí sẽ trả lương theo vị trí việc làm. Vì vậy để không bị tắc kinh phí truyền thông chính sách, ông Kiên đề nghị Bộ TTTT nghiên cứu giúp các cơ quan báo chí để có cơ chế phù hợp. Còn quy định như Thông tư 18 hiện nay rất khó cho cơ quan báo chí

Đại diện cơ quan quản lý truyền thông địa phương chia sẻ về truyền thông chính sách, bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Quảng Ninh nói: “Quảng Ninh luôn đặc biệt coi trọng truyền thông chính sách, nhìn nhận báo chí không chỉ là nguồn lực phát triển mà còn là giải pháp phát triển kinh tế- xã hội. Không chỉ là tuyên truyền đơn thuần, tuyên truyền một chiều, nói hay nói tốt cho mình, Quảng Ninh cho rằng báo chí phải “đi trước mở đường”, tức là không tuyên truyền một chiều cũng không dùng chỉ để nói hay nói tốt cho mình. Báo chí cũng cần “đi trong và đi cùng” trong quá trình xây dựng chính sách để có thể giúp chính sách”.

Bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Quảng Ninh.

Truyền thông chính sách không chỉ là câu chuyện kiếm tìm nguồn lực…

Sau hơn một tiếng thảo luận sôi nổi về truyền thông chính sách và vai trò của báo chí, mở đầu phần thảo luận thứ hai, ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, để có thể giúp cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách, thì “hai bên cùng bắt tay với nhau để cùng thực hiện việc chung và hai bên đều tìm được cái mình mong đợi”. Điều mà ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh nữa là việc cần phải cải thiện mối quan hệ về cả cơ chế, chính sách và kinh tế giữa báo chí và cơ quan chủ quản. Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, hầu hết cơ quan báo chí hiện tại không nhận được sự hỗ trợ về tài chính đối với cơ quan báo chí của mình. “Hiện nay rất nhiều cơ quan chủ quản đang hiểu sai về trễ tự chủ của cơ quan báo chí và nghĩ là tự chủ trong cái tự bơi”, ông Lâm đánh giá.

Ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tiếp ý kiến của đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đánh giá Diễn đàn Tổng biên tập 2023 là một sự kiện rất bổ ích để giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm những chính sách và cơ chế tốt hơn, để báo chí làm tốt công tác truyền thông chính sách của mình. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng báo chí cần phải nhìn lại mình rằng đã thực sự làm tốt truyền thông chính sách hay chưa.

“Chúng ta đã nghe rất nhiều Tổng biên tập nói nhiều đến vấn đề là chính sách làm gì cho truyền thông báo chí. Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng cần phải nhin nhận báo chí chúng ta đã làm được gì cho cái công tác truyền thông chính sách”, ông đặt vấn đề.

Ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Theo ông Trần Thanh Lâm, Việt Nam có hơn 800 cơ quan báo chí nhưng thực ra tạp chí có chức năng riêng, hiện chỉ có khoảng gần 200 cơ quan báo chí thực sự làm công tác truyền thông chính sách. Một chi tiết nữa mà ông Lâm lưu ý là các cơ quan báo chí cần phải khách quan, giữ tinh thần phản biện nhưng vẫn phải có tinh thần xây dựng. Tuy nhiên, theo ông, gần đây đã xảy ra những vụ việc đáng tiếc khi có một số bài báo có tác động tiêu cực tới sự phát triển chung, cũng như gây ra những hiểu nhầm của người dân về một số chính sách ở một số địa phương.

Nói về cơ chế, nguồn lực để báo chí thực hiện truyền thông chính sách, ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người lao động thừa nhận rằng, báo chí hiện nay đang rất khó khăn, suy giảm về vị thế. Vì thế, theo ông, “truyền thông chính sách và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng là hết sức cần thiết và phải cần sự vào cuộc nhanh hơn”, bởi nếu không sẽ rất nhiều cơ quan báo chí đối diện với khó khăn, qua đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc thưc hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách mang tính đặc thù và cũng rất cao cả của minh.

Ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người lao động phát biểu.

Trong khi đó, theo ông Lê Trọng Minh – Tổng biên tập Báo Đầu tư, một trong những khó khăn của báo chí đang gặp phải cũng đang nằm ở chính cơ chế đặt hàng, khi các thủ tục đấu thầu đang gây khó cho chính những cơ quan báo chí có thể giành được những hợp đồng truyền thông chính sách ở Trung ương và cả địa phương. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc đơn giản hóa các thủ tục không phải là một vấn đề lớn, cũng như các cơ quan báo chí đều có thể vượt qua được những khó khăn này.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư phát biểu tại diễn đàn

Sau hơn 3 tiếng thảo luận sôi nổi, các đại biểu tham dự Diễn đàn đã thẳng thắn trao đổi, đề cập trực diện vào những vấn đề gai góc của truyền thông chính sách cũng như đưa ra những kiến nghị, giải pháp cụ thể nhằm phát huy hiệu quả vai trò của báo chí trong nhiệm vụ truyền thông chính sách. Hầu hết các ý kiến tham luận đều nhận được sự đồng tình và chia sẻ.

Kết luận tại hội nghị, ông Lê Quốc Minh cho rằng Diễn đàn này là một dịp rất tốt để các cơ quan báo chí nói lên tiếng nói của mình, để làm sao có thể thực hiện tốt nhiệm vụ cốt lõi của mình là truyền thông chính sách. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần chủ động hơn, tận dụng chính các tổ chức báo chí của mình giúp các ban bộ ngành hiểu được những vướng mắc và khó khăn mà báo chí đang gặp phải trong nhiệm vụ truyền thông chính sách.

“Công tác truyền thông chính sách còn đòi hỏi nhiều nỗ lực. Cần có thêm sự chỉ đạo từ cấp độ Chính phủ. Truyền thông chính sách không chỉ là câu chuyện mong kiếm những nguồn lực mà còn là câu chuyện hợp tác giữa cơ quan chức năng và cơ quan báo chí, câu chuyện tuyên truyền không chỉ một chiều mà còn phải đa chiều, phản biện để hoàn thiện chính sách.

Từ những trao đổi hôm nay, tôi mong muốn nền báo chí của chúng ta chuyên nghiệp và khách quan hơn.Chắc chắn đây không phải là diễn đàn duy nhất và cuối cùng về truyền thông chính sách. Sau Diễn đàn này, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền về truyền thông chính sách. Chúng ta có sức mạnh của báo chí, chúng ta cần tăng cường nhận thức của cơ quan chức năng về truyền thông chính sách, giữa nhà nước, cơ quan chức năng và báo chí cần “đồng thanh tương ứng” mới có thể truyền thông chính sách hiệu quả”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Diễn đàn Tổng biên tập với chủ đề: “Truyền thông chính sách: Góc nhìn từ các cơ quan báo chí” do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì giao báo Nhà báo & Công luận tổ chức tại Khách sạn A La Carte Hạ Long – Quảng Ninh. Đồng hành là UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Hà Nam cùng các doanh nghiệp: Nam Á Bank, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, HABECO, Amway, Taseco, THACO….

Một số hình ảnh đáng chú ý khác tại Diễn đàn Tổng biên tập 2023:

Toàn cảnh Diễn đàn Tổng Biên tập 2023: “Truyền thông chính sách- Góc nhìn từ các cơ quan báo chí”

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì Diễn đàn Tổng biên tập 2023 “Truyền thông chính sách- Góc nhìn từ các cơ quan báo chí” .

Các đại biểu là các Tổng biên tập, phó Tổng biên tập và các lãnh đạo cơ quan báo chí tham dự Diễn đàn.

Nhóm PV

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/nha-nuoc–bao-chi-dong-thanh-tuong-ung-de-truyen-thong-chinh-sach-hieu-qua-post266585.html

Cùng chuyên mục

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú