Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 khai mạc ngày 7/5/2018 tại Hà Nội bàn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược. Vì sao Đảng phải lo lắng về đội ngũ cán bộ? Có sự lo lắng ấy là bởi chưa có đột phá lớn trong đổi mới công tác cán bộ, và “đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ”.
Đã đến lúc phải đổi mới công tác cán bộ; đã đến lúc cán bộ phải hội đủ mọi yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đã đến lúc không còn chỗ cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; đã đến lúc “con ông, cháu cha” không có năng lực phải tự đào thải; đã đến lúc người dân tin tưởng thực sự đội ngũ cán bộ của Đảng. Nhưng muốn vậy, điều kiện tiên quyết là phải có Nghị quyết mới, khắc phục những yếu kém lâu nay trong công tác cán bộ. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận và quyết định tại Hội nghị Trung ương 7, khóa 12.
“Nóng” đề án nhân sự “cấp chiến lược”
Hội nghị Trung ương 7 khai mạc tập trung thảo luận về 3 đề án lớn: Một là, đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Hai là, đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Ba là, đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.Đây là những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị, chăm lo đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và bảo đảm an sinh xã hội nên được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hết sức quan tâm.
Trong đó, “Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” do ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án. Gần 2 năm qua, hàng loạt công việc đã được tiến hành từ Trung ương tới địa phương để có Đề án cuối cùng trình Hội nghị Trung ương 7.
Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 lần này nhằm ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đề án được xây dựng trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII và những đề xuất, kiến nghị của 128 cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương. Đề án gồm 5 phần: Mở đầu; thực trạng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; đánh giá tác động khi thực hiện Đề án; tổ chức thực hiện và đề xuất, kiến nghị.
Đề án Trung ương 7 về cán bộ là đề án lớn, rất khó và rất quan trọng. Tình hình trong nước và thế giới hiện nay đã khác rất nhiều so với 20 năm trước (sự thay đổi nhanh chóng của tình hình trong nước và thế giới; cuộc cách mạng công nghệ 4.0, hội nhập sâu rộng và toàn diện…) yêu cầu đặt ra là phải có một đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, uy tín và năng lực, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Việc xây dựng Đề án, ban hành Nghị quyết lần này nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ mới, thay thế Chiến lược cũ ra đời cách đây 20 năm.
Mục tiêu đến năm 2030 xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng, cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng XHCN.
Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 đã xác định hai trọng tâm trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ.
Một là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo cơ chế, môi trường, điều kiện để khuyến khích đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Hai là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.
Đề án cũng đã đề ra năm đột phá, gồm:
Một, đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương.
Hai, kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời; chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền.
Ba, thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương.
Bốn, cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc; có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm.
Năm, hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó máu thịt, mật thiết với nhân dân và thông qua đó nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.
Tính thực tiễn, khả thi cao
Thảo luận tại Hội trường, các vị Ủy viên Trung ương đều đánh giá cao Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” được trình tại Hội nghị Trung ương lần này; cho rằng đây là một đề án lớn, quan trọng, thực sự cần thiết và cấp bách trong bối cảnh đất nước hiện nay. Đề án được chuẩn bị nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm; quá trình xây dựng được thực hiện bài bản, công phu, dân chủ, qua nhiều bước quy trình. Các giải pháp, nhiệm vụ được đề ra trong Đề án có tính thực tiễn, khả thi cao… Thảo luận tại Hội trường, liên quan đến việc bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương, các ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao chủ trương này, cho rằng, đây là giải pháp quan trọng để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, bố trí một cán bộ không phải là người địa phương sẽ kiểm soát được quyền lực tốt hơn, vì đồng chí đó không có mối quan hệ gia đình, dòng tộc, anh em. Ngược lại, sự giám sát của nhân dân đối với đồng chí đó cũng sẽ chặt chẽ hơn. Bản thân đồng chí cũng thận trọng hơn trong ứng xử với nhân dân.
Chia sẻ kinh nghiệm bản thân có nhiều năm làm Bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn vì người địa phương thường có các mối quan hệ tình cảm, đôi khi rơi vào duy tình trong xử lý công việc. Tuy nhiên, việc bố trí, luân chuyển cán bộ cần chú ý đến đặc thù vùng miền, giúp cán bộ nhanh chóng nắm bắt được tình hình địa phương.
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến phát biểu tập trung vào khâu đánh giá cán bộ. Cho rằng đây là khâu quan trọng, là căn cứ, cơ sở để triển khai các công tác cán bộ tiếp theo, đánh giá cán bộ cần theo hướng đa chiều, liên tục, đánh giá theo kiểu sản phẩm, đặt hàng. Dẫn kinh nghiệm thực tế tại địa phương, ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đồng tình với hình thức đánh giá này, đồng thời yêu cầu tập trung đánh giá đội ngũ cán bộ hiện nay, vì đây sẽ là đội ngũ cán bộ được đào tạo thành đội ngũ cán bộ cấp chiến lược thời gian tới.
Về vấn đề chống chạy chức, chạy quyền, các đại biểu cho rằng, cần có cơ chế giám sát người đứng đầu. Người đứng đầu phải gương mẫu, kiên quyết không để người khác chạy mình. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cán bộ cần phải có những người mẫn cán và luôn nêu cao trách nhiệm của người công chức.
“Tôi đề nghị Trung ương cần nghiên cứu cái này và có biện pháp, chế tài để chúng ta có thể ngăn chặn được. Ít nhất là giảm tối đa việc chạy chức, chạy quyền và có chế tài giám sát người đứng đầu nếu trách nhiệm của anh mà anh để như thế thì không được. Đây chính là mấu chốt dẫn đến câu chuyện tại sao chúng ta có quy chế đầy đủ hết, quy trình đầy đủ nhưng người thực hiện thì sai. Nó xuất phát từ chỗ này. Tôi cho rằng, nếu chúng ta làm được điều này thì chúng ta giảm thiểu rất lớn nạn chạy chức, chạy quyền này”, ông Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị.
Theo NB&CL